Múa
Đôi điều suy nghĩ về sáng tác múa dân gian dân tộc
09:26 | 21/02/2017
CAO CHÍ HẢI
 
Trong các loại hình văn hóa nghệ thuật của nhân loại thì âm nhạc và múa có lẽ là cổ xưa nhất. Người nguyên thủy trước khi biết nói thì họ đã hát và múa.
Đôi điều suy nghĩ về sáng tác múa dân gian dân tộc
Ảnh: internet

Loài người khi chưa có tiếng nói và chữ viết, ngôn ngữ giao tiếp duy nhất là diễn tả bằng hành động (ví dụ: yêu thương thì âu yếm, ôm ấp - giống đực, giống cái; mẹ và con, ghét nhau thì hành động thô bạo để biểu thị sự không bằng lòng, đánh vào mặt nhau…). Vậy ngôn ngữ đầu tiên của loài người là hành động.

Ngày nay trong xu hướng toàn cầu hóa thì âm nhạc và múa lại đi tiên phong, bởi lẽ nó không chịu sức cản của sự khác biệt về ngôn ngữ và văn hóa. Vừa mới hôm trước vũ điệu lambada xuất hiện ở Brasil xa xôi, thì ngày hôm sau, cả thế giới đã lên cơn sốt với các bước nhảy lắc hông, đánh vai cuồng nhiệt của vũ điệu rock, rap.

Cho đến ngày nay, nghệ thuật âm nhạc và múa của nhân loại đã trải qua một lịch sử dài lâu không ngừng biến đổi, phát triển phong phú, đa dạng. Vì thế, tác phẩm âm nhạc và múa mang nhiều phong cách khác nhau. Ở đây, trong khuôn khổ này, tôi chỉ xin phép được trao đổi đôi điều suy nghĩ về sáng tác múa dân gian, dân tộc.

Trong điều kiện để thích ứng với môi trường, hoàn cảnh trước đối tượng khán giả với quan niệm thẩm mỹ mới trong nền kinh tế thị trường, ta thấy có một hiện tượng phổ biến là các tiết mục nhảy múa được gọi là hiện đại hầu như choán ngập các tụ điểm sân khấu, nhà hàng. Múa ba lê cổ điển chỉ còn lại trong các nhà hát nhạc vũ kịch, trong chương trình tốt nghiệp của trường Múa Việt Nam. Còn ở các trường trung cấp chuyên nghiệp có học múa ba lê để lấy kỹ năng, kỹ xảo nhưng chưa hoàn hảo. Các điệu múa dân tộc sau thời gian dài vắng bóng nay do chủ trương lớn của Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII khơi lại cội nguồn gìn giữ và phát huy vốn nghệ thuật dân tộc đã bắt đầu được xuất hiện trở lại trong một sự lựa chọn gian nan nhưng đầy ý nghĩa.

Vậy thì, sáng tác một điệu múa dân tộc trong tình hình hiện nay so với việc sáng tác một điệu múa không phải của dân tộc mình là một việc làm khó hay dễ!? Xin thưa: Vô cùng khó. Cái khó trước hết bắt đầu từ câu định nghĩa của nghề múa: “Múa là một môn nghệ thuật bắt chước”. Mà sáng tác một điệu múa dân tộc của chúng ta thì khó tìm ra khuôn mẫu, dáng hình để bắt chước, sao chép, nhái lại như các tiết mục hiện đại bây giờ. Tôi cũng đã tham khảo và xem nhiều tác phẩm múa của biên đạo này, biên đạo nọ thì thấy nó cứ như anh em “ruột thịt” hoặc “song sinh” giống nhau “y chang”, có chăng chỉ là sự biến đổi bởi biên đạo sao chép không hết, hoặc diễn viên có khi chưa có kỹ thuật đẳng cấp mà thôi. Những vấn đề này, những người làm nghề chân chính cũng cần có sự suy ngẫm để ngày càng có chiều sâu trong sáng tạo tác phẩm múa và không bị sáo rỗng ở một đất nước, một miền quê mà chúng ta được thừa hưởng một di sản, một nền văn hóa vô cùng quý báu.

Vậy sáng tác múa dân gian dân tộc là một việc làm tự lập quả thật không dễ dàng, người biên đạo phải nắm bắt được động tác, ngôn ngữ múa dân gian, dân tộc một cách chi tiết, tinh tế để tạo ra ngôn ngữ cho tác phẩm chưa kể cần phải có các yếu tố quan trọng của những môn nghệ thuật không thể thiếu được đó là âm nhạc, mỹ thuật. Một điều vô cùng quan trọng nữa là diễn viên phải giỏi về nghề, nắm bắt được hệ thống múa dân gian các dân tộc, tinh tế về kỹ năng, kỹ xảo.

Biên đạo múa, cũng như các nhà sáng tạo nghệ thuật khác, muốn tạo nên những tác phẩm tốt đẹp về múa dân tộc, có đầy đủ các chức năng giáo dục, nhận thức và thẩm mỹ phải thực sự hiểu và có tình yêu dân tộc, hiểu biết về các giá trị văn hóa, giá trị địa lý và yếu lĩnh động tác múa cơ bản dân gian, dân tộc, từ đó có tư duy cho ngôn ngữ múa của mình trong tác phẩm, tránh sự giả dối, đua đòi trong sáng tác sẽ dẫn đến tác phẩm múa “quái thai”. Biên đạo múa không hiểu biết sâu rộng về dân tộc, lịch sử, xã hội, phong tục tập quán, văn hóa thì sẽ dẫn đến hệ quả tạo ra tác phẩm “đầu Ngô mình Sở”, nghe nhạc dân tộc Tày tưởng nhạc dân tộc Thái, động tác múa của dân tộc Ba Na nhầm vào động tác múa của dân tộc Ê Đê, động tác múa của dân tộc Cơ Tu nhầm vào động tác múa của dân tộc Tà Ôi.

Ngày nay, muốn tiếp cận và đi vào lòng công chúng, đặc biệt là khán giả trẻ, thì các biên đạo chúng ta cũng cần quan tâm hai thể loại múa dân tộc đó là múa trữ tình và múa hài hước, vui vẻ.

- Tìm đề tài cho múa dân gian, chúng ta phải khai thác những thứ lạ, nội dung hấp dẫn, lôi cuốn nhưng mang tính phổ cập, sử dụng tính kịch, xây dựng tính khái quát, triết lý, tình tiết trong múa dân gian để tạo nên những ngôn ngữ múa tính cách đi vào thị hiếu khán giả.

- Xây dựng tác phẩm múa dân gian mang tính trữ tình phải thật công phu đầu tư đông người, trang phục, ánh sáng sân khấu tuyệt đẹp và lộng lẫy, nội dung chủ đề có chiều sâu, diễn viên thể hiện tinh tế hình tượng nghệ thuật múa uyển chuyển cả hình tượng tĩnh và hình tượng động, các mô-tip múa và lệch mô tip múa kết cấu chặt chẽ, mang màu sắc thẩm mỹ cao thì mới chinh phục được khán giả.

- Xây dựng tổ hợp động tác múa theo nguyên tắc: Vận dụng ngôn ngữ múa dân tộc, tiếp thu tính tạo hình thời đại, phát huy tính kỹ xảo dân tộc, sáng tạo ngôn ngữ múa ngẫu hứng của riêng mình càng lạ, càng có hiệu quả.

- Phục trang múa dân tộc cần có tính cách điệu táo bạo hơn, gìn giữ những nét đặc trưng nhưng cũng phóng khoáng để biểu hiện cơ thể đẹp, phô diễn được ngôn ngữ động tác tinh tế của múa.

- Trong bố cục kết cấu tác phẩm cũng tránh lối công thức cổ điển, rập khuôn, cần tiếp thu những bố cục tìm tòi hình tượng trong văn học, mỹ thuật hiện đại để mỗi bố cục sáng tạo phù hợp cho việc diễn tả từng chủ đề tác phẩm.

Trên đây là một vài suy nghĩ nôm na, khó diễn đạt bằng lý luận bởi công việc sáng tạo là công việc thực tế, độc lập của mỗi người, nhất là đối với biên đạo múa, ngôn ngữ múa là động tác chứ không phải lời nói.

Cuối cùng, tôi xin có mấy ý kiến đề xuất: Quê hương Thừa Thiên Huế chúng ta có bề dày về văn hóa, lịch sử, di sản, trong đó có nghệ thuật múa cung đình triều Nguyễn, song song với sự phát triển chung, múa dân gian, dân tộc và múa đương đại cùng đồng hành, chúng ta có hai nhà hát: Nhà hát Nghệ thuật ca kịch Huế, Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Cung đình Huế và một trường Trung cấp Văn hóa nghệ thuật.

Đối với trường Trung cấp Văn hóa nghệ thuật: 

- Về công tác đào tạo: Phải thật sự chú trọng đến chuyên môn cho học sinh, đó là múa dân gian, dân tộc, là quốc hồn, quốc túy và múa ba lê cổ điển để lấy hình thể và kỹ năng, kỹ xảo. Phải thật sự quan tâm giảng dạy đầy đủ chương trình, đảm bảo thời gian lên lớp hàng ngày cho học sinh, từ đó yếu lĩnh động tác, kỹ năng kỹ xảo mới thực sự có ở các em học sinh “văn ôn, vũ luyện”, đó là đối với diễn viên múa dân gian, dân tộc.

- Còn đối với biên đạo múa, quá trình học tập cũng phải tuân thủ như diễn viên múa dân gian, dân tộc, ngoài ra, các em còn phải học kết cấu múa dân gian, dân tộc và kết cấu múa cổ điển châu Âu để từ đó mới có chất liệu và công thức để sáng tác.

Môn nghệ thuật biên đạo là sáng tác độc lập, phải khơi dậy và tận dụng hết sự sáng tạo của học sinh, không rập khuôn, thầy chỉ ra công thức và hướng chủ đề cho học sinh, tuyệt đối không làm thay, bởi sự sáng tạo là của học sinh, chúng ta phải tôn trọng sự sáng tạo của các em.

- Cho các em tham gia nhiều vào biểu diễn tác phẩm và biên đạo - học đi đôi với hành.

Đối với hai Nhà hát: 

- Thường xuyên tập kỹ thuật cơ bản cho diễn viên múa hàng ngày để có bản lĩnh trong biểu diễn, đặc biệt là diễn xuất và kỹ thuật xoay, nhảy.

- Chúng ta đều thấy rằng, nghệ thuật múa ở Thừa Thiên Huế đã và đang có những bước phát triển tốt, phục vụ nhiều nhiệm vụ trong chuyên môn nghệ thuật và nhiệm vụ chính trị của quê hương Thừa Thiên Huế. Nhà hát Nghệ thuật Ca kịch Huế có dàn diễn viên múa dân gian, dân tộc trẻ, đẹp, nhiều triển vọng, đã có những đóng góp lớn và tích cực cho nghệ thuật múa của tỉnh Thừa Thiên Huế về dân gian, dân tộc và múa đương đại, múa trong các tác phẩm kịch hát dân tộc.

- Dàn múa của Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Cung đình Huế đã phục hồi và biểu diễn thành công các tiết mục nghệ thuật múa cung đình Huế trong và ngoài nước.

- Mọi việc trao đổi, nghiên cứu mà tôi mạnh dạn đưa ra cũng chỉ là làm thế nào để có nhiều tác phẩm nghệ thuật múa hay, diễn viên giỏi, đóng góp tích cực vào sự phát triển văn hóa nghệ thuật chung của quê hương Thừa Thiên Huế. Chúng ta tin tưởng rằng được thừa hưởng một tài sản vô cùng quý báu của quê hương về di sản văn hóa, bên cạnh Hội Nghệ sĩ Múa Thừa Thiên Huế, chúng ta có Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật chỉ đạo trực tiếp, chúng ta có hai Nhà hát: Nhà hát Nghệ thuật Ca kịch Huế và Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Cung đình Huế, Trường Trung cấp Văn hóa nghệ thuật Thừa Thiên Huế.

Vì vậy, tôi mong rằng Hội Nghệ sĩ Múa tỉnh Thừa Thiên Huế của chúng ta không dừng lại ở Hội thảo mà sau đây chúng ta hãy làm hết mình, làm thật nhiều.

C.C.H  
(SH313/03-15)

Các bài mới