VĂN CÔNG HÙNG
Từ ngày 3 đến ngày 11 tháng 6 năm nay, tại thành phố Huế diễn ra Festival Huế 2008 với chủ đề "Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển". Cũng dịp này, Thủ tướng Chính phủ chính thức quyết định Huế là thành phố Festival, thành phố festival đầu tiên của cả nước. Tôi về Huế và đã ghi lại không khí Festival. Không thể bao quát hết lễ hội vừa rộng (về không gian), vừa dài (về thời gian), tác giả chọn những góc nhìn có thể...
Tôi đến Huế khi Festival đã khai mạc được năm ngày. Không khí lễ hội tràn ngập, quả không hổ danh thành phố Festival mà Thủ tướng Chính phủ mới quyết định cho thành phố này. Con đường đi bộ ven sông Hương đẹp không thua một con đường đi bộ nào bên một con sông nào trên thế giới, một người bạn kiến trúc sư đã đi khá nhiều nước phát biểu. Về thiên nhiên, Festival lấy con sông Hương, con sông đã vô cùng nổi tiếng, làm chuẩn. Về thế giới tinh thần, tất nhiên là tính cách Huế, tâm hồn của người Huế là chuẩn. Còn không gian festival là một không gian mở, tất nhiên là đền đài miếu mạo, là lăng tẩm chùa chiền, là các làng cổ Phước Tích, Thanh Toàn, Thanh Tiên... Festival Huế 2008 hội tụ đông đảo các đoàn nghệ thuật truyền thống và đương đại đến từ 19 quốc gia như Achentina, Bỉ, Campuchia, Đức, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Czech, Trung quốc... với nhiều loại hình nghệ thuật như ca múa nhạc, sân khấu, xiếc, nghệ thuật sắp đặt... có chất lượng tầm quốc tế.
Đặc biệt, Festival Huế lần này, ngoài lễ hội Nam Giao, lễ hội áo dài, chương trình đêm hoàng cung tiếp tục được tổ chức với quy mô lớn hơn, hoành tráng hơn, các lễ hội tái hiện lễ đăng quang của Hoàng đế Quang Trung, Lễ hội thi tiến sĩ võ, Lễ tế đàn xã tắc, chương trình huyền thoại sông Hương, Múa bụng và thơ với chủ đề "Múa và thơ trên những đường biên của thế giới"... lần đầu tiên được tổ chức và phục dựng...
FESTIVAL HUẾ, THƠ VÀ... BỤNG
Cái tít có vẻ... khiêu khích. Nhưng quả thực là đây là chuyện có thật. Tôi về Huế trên xe của nhà văn Đức Ban (từ Đà Nẵng về - còn từ Pleiku - Đà Nẵng là máy bay), ông là khách, tôi là chủ vì quê tôi ở Huế, nhưng giờ ông là giám đốc sở, vì thế tôi không ngạc nhiên khi thấy ông gọi điện thoại cho ai đó, rồi người ấy bảo: Bác cứ lên biệt phủ Thảo Nhi, đập tan ra cho em, tí em lên em trả. Hô hô, hoành tráng. Huế có Biệt Phủ, nghe có vẻ... Thành Chương quá. Nơi này cách trung tâm thành phố gần hai chục cây số, đường lên lăng Minh Mạng, ngày xưa hoang vắng, chỉ những đôi tình nhân sinh viên liều lĩnh mới dám chở nhau lên bằng xe đạp, giờ nườm nượp người. Nườm nượp người trên đường và cả nườm nượp người trong phủ. Phủ này dành để... nhậu. Mà đã vào đây là toàn hạng sang, nên các món gọi cũng sang. Vì thế mà khi gặp nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên râu tóc trắng phau trong trạng thái ngà ngà, tôi hốt hoảng khi trông thấy anh chìa cho tôi cái thẻ dự fetstival, dán ảnh, và hàng chữ: Phạm Xuân Nguyên - Nghệ sĩ múa bụng Thổ Nhĩ Kỳ. Tôi tới tấp chụp mấy cái ảnh. Tư liệu lạ đây. Mà lạ thật. Nguyên là đại biểu chính thức trong đoàn nghệ sĩ múa bụng của Thổ Nhĩ Kỳ gồm... 3 người - Nữ nghệ sĩ BERRAK YEDEK, một cô phiên dịch hai mươi ba tuổi có 17 năm sống ở Czech và... Phạm Xuân Nguyên. Cô phiên dịch tên Lê Anh là con gái của bạn thân Phạm Xuân Nguyên nên cô bé này gọi Nguyên là bố. Khi về Việt Nam cùng Berrak mang tiết mục múa bụng để tham dự festival, Lê Anh nghĩ ngay đến bố Nguyên và mời tham gia cùng. Vốn dĩ Berrark chỉ múa với thơ của các nhà thơ nổi tiếng nước ngoài, trước khi ra sân khấu, chị trực tiếp đọc một bài thơ bằng tiếng Anh, sau đấy chị bước ra từ thơ và múa. Nhưng sang Việt Nam, chị nhờ Phạm Xuân Nguyên chuyển ngữ tiếng Việt các bài thơ này, và nhờ Nguyên chọn thêm một số thơ của các nhà thơ Việt Nam, trực tiếp đọc thơ của họ bằng tiếng Việt, nên trong ba đêm, đã có thơ của 10 nhà thơ Việt Nam xuất hiện như Mai Văn Phấn, Vi Thùy Linh, Hoàng Hưng, Nguyên Sa, Phương xích lô, Lê Vĩnh Tài và... tôi... bên cạnh thơ của Orhan Veli Kanik, Ataol Behramoglu (Thổ Nhĩ Kỳ), Robert Desnos (Pháp), Khlil Gibran (Libăng) được xuất hiện qua giọng đọc Phạm Xuân Nguyên.
Tác giả bài viết, nhà thơ Văn Công Hùng và nghệ sĩ Berrak |
Lâu nay tôi hay đùa: Nguyên nói tiếng Hà Tĩnh phải có người dịch ra tiếng... Việt, nhưng tôi không ngờ khi phụ họa cùng Berrak, thơ của các nhà thơ Việt Nam lại vang lên hoành tráng thế. Khán giả rất đông (so với các đêm thơ đã tổ chức ở Việt Nam và so với chính các sân khấu khác trong festival này), chăm chú nghe, chăm chú vỗ tay và hứng khởi nhận những bài thơ in ra như những tờ bướm mà sau mỗi tiết mục Lê Anh lại mang tặng khán giả.
Cái cô Berrak này cũng lạ. Năm kia cùng chồng đi chơi Huế, gặp Festival, bèn tự hỏi: Sao mình không mang múa bụng Thổ Nhĩ Kỳ sang đây trình diễn nhỉ? Thế là về đăng ký, bỏ kinh phí tự túc sang, Ban tổ chức chỉ Free ăn và ở trong những ngày ở Huế, thế là... chồng cấp kinh phí cho đi. Đăng ký ba đêm với một cái tên chủ đề nghe đậm chất triết học: Múa và thơ trên đường biên của những thế giới, và ba đêm ấy cái sân khấu trong cung An Định lúc nào cũng đông khán giả, sau một tiếng rưỡi diễn, khán giả còn ùa lên sân khấu bắt tay, hỏi chuyện và xin thơ, dù ngay sát bên cạnh là ầm ầm hai sân khấu nữa của những là Nghệ thuật dân gian Quảng Tây, Rok Mỹ, Kèn hơi Anh.... Xong ba đêm là lên máy bay về nước ngay, vì chị còn rất nhiều việc phải giải quyết bên nhà. Ngay những ngày ở Huế thì cũng đã kịp có hai cô diễn viên múa từ Hà Nội bay vào xin thọ giáo. Thế là tối múa ngày dạy, cường độ làm việc của Berrak tăng gấp đôi khiến chị không còn thời gian thăm thú Festival...
Ngay khi tôi ngồi gõ những dòng này thì cái cảm xúc hôi hổi của thơ và... bụng vẫn bồi hồi trong tôi. Quả là nó ấn tượng thật, không có một chút gì là gợi dục như ai đó đã từng e ngại. Nó thanh cao và tinh khiết, nó hết mình và đam mê, nó là quần quật lao động với đầm đìa những giọt mồ hôi sau một tiếng rưỡi vật vã hóa thân độc diễn...
Nhà thơ Văn Công hùng bên các poster tại Tạp chí Sông Hương |
Sau đêm diễn, chúng tôi ngồi với nhau bên bờ Sông Hương, có thêm nhà báo Uyên Ly và nhà thơ Hồ Thế Hà, mọi người trở lại trạng thái bình thường, uống bia và nói với nhau đủ thứ chuyện, những cuộc điện thoại nấu cháo của Nguyên, những câu phỏng vấn của Uyên Ly... Berrak bản thân không phải là nghệ sĩ múa chuyên nghiệp, chị là nhà văn, là người nghiên cứu văn hóa nên ngồi nói chuyện với chị rất thích. "I very like poets, very very...". Gió cứ xào xạc bên bờ sông, và tôi nghe Berrak kể: Các bài thơ được đọc ở đây là do bạn bè tôi ở khắp thế giới gửi tặng. Tất cả những bài thơ ấy đều nói tới tình yêu dưới mọi góc độ. Vũ điệu và âm nhạc Thổ Nhĩ Kỳ tượng trưng cho sự kết hợp hài hòa cơ thể và tâm hồn, hành động và suy tư. Mục đích là vươn tới sự hài hòa và thông qua sự hài hòa để được thưởng thức hương vị của vũ điệu và âm nhạc...
Ba đêm múa bụng kết hợp với thơ như thế, theo thống kê của chúng tôi, có khoảng ba ngàn khán giả đã đến dự xem múa và nghe thơ.
"HUYỀN THOẠI SÔNG HƯƠNG"...
Nhắc đến Huế không thể không nói đến sông Hương. Nó chính là linh hồn của Huế đến nỗi có người đã nói: Nếu không có Sông Hương thì sẽ không có Huế. Có thể nói, tất cả mọi hành vi, mọi sinh hoạt Huế đều lấy Sông Hương làm trung tâm. Vì thế, một lễ hội mang tên "Huyền thoại Sông Hương" nằm trong chương trình Festival là lẽ đương nhiên.
Lấy ý tưởng từ một chuyến tuần du của vua, các nhà tổ chức đã thực hiện một tour "hành" Sông Hương độc đáo. Từ trung tâm thành phố, du khách được ô tô chở lên bến đò lăng Minh Mạng. Hai mươi thuyền du lịch kết hoa cờ rồng phượng, mỗi thuyền chở 30 khách "hộ tống" chiếc thuyền ngự mới đóng nhiều tỉ đồng, mà 100 khách ngự trên ấy phải mua vé một triệu đồng/ khách (các thuyền kia giá vé 300.000), xuôi từ bến Tuần về, qua các địa phương làng mạc đều có nhân dân hai bên bờ giương võng lọng trống chiêng bái vọng. Non nước hữu tình, chiều là đà lại khiến nhớ đến câu ca buồn xứ Huế: "Đò từ Đông Ba, đò qua đạp đá/ Đò về Vĩ Dạ thẳng ngã ba Sình/ Lờ đờ bóng ngả trăng chênh/ Giọng hò xa vắng nặng tình nước non"... Du khách được ngắm hoàng hôn trên 15 cây số thượng nguồn dòng Hương về thành phố, được ngắm những địa danh nổi tiếng hai bên bờ như ngã ba Tuần, Văn miếu, Võ miếu, Vọng Cảnh, điện Hòn Chén, chùa Thiên Mụ, Thương Bạc, Phu Văn Lâu... với những phục dựng 18 điểm nhấn "gần giống" ngày xưa với hơn một ngàn diễn viên tham gia chưa kể bô lão các làng bên sông khiến con sông Hương càng thêm huyền ảo thơ mộng. Và cũng nhờ chuyến lãng du trong hoàng hôn này mà nhiều người mới cắt nghĩa được tại sao Huế lại yêu màu tím và chọn màu tím là màu đặc trưng xứ mình. Chính là cái màu tím rất đặc trưng trong hoàng hôn Hương Giang này.
Tôi ngồi cùng chuyến với kiến trúc sư Nguyễn Trọng Huấn, một người Huế giờ đang ở thành phố Hồ Chí Minh, mà tiến sĩ Trần Ngọc Thí, bạn ông, nguyên là cán bộ giảng dạy Đại học Huế, Tổng giám đốc xi măng Luksin, cùng đi trên thuyền giới thiệu: Kiến trúc sư Việt Nam nổi tiếng thì nhiều, nhưng giỏi thì chỉ có ít, Nguyễn Trọng Huấn là người nằm trong số ít ấy. Ông Huấn là một chuyên gia về Sông Hương. Cách đây trên hai chục năm, ông đã đưa ra ý tưởng quy hoạch sông Hương, một ý tưởng rất mới lạ và độc đáo đến nỗi người thời bấy giờ... không hiểu. Tại vì thời ấy người ta chỉ coi sông Hương là một sản phẩm tự nhiên có giá trị trong việc phục vụ đời sống vật chất con người, chứ không coi nó như một tâm thức, như một phần cơ thể sống của Huế, một cõi tâm linh của Huế mang một hàm lượng văn hóa rất lớn. Các quan niệm khác nhau sẽ khiến cho cách hành xử khác nhau mà mới đây nhất là các ý kiến khác nhau về việc xây khách sạn trên đồi Vọng Cảnh. Cuối cùng thì Thừa Thiên Huế cũng đã quyết định bỏ dự án này, dù nó gần như đã được đặt vào guồng. KTS Nguyễn Trọng Huấn chính là người đã tặng tôi chiếc vé để tôi có mặt trong chuyến "tuần du" và cũng là người chụp ảnh nhiều nhất, ngắm nghía nhiều nhất. Các vua triều Nguyễn quả là mắt xanh, quả là trác tuyệt khi chọn đất, chỗ nào đặt kinh thành, chỗ nào đặt lăng tẩm, chỗ nào đến chùa miếu mạo... các kiến trúc hòa quyện vào thiên nhiên, gắn với thiên nhiên, nương vào thiên nhiên... như những nét chấm phá tài hoa của một danh họa tài danh để tôn nhau lên chứ không tàn phá thiên nhiên, bắt thiên nhiên phải khuất phục con người như bây giờ, và vì thế mà Huế trở thành "Bài thơ đô thị"...
Hơn hai giờ đồng hồ lênh đênh trên hoàng hôn thượng nguồn Sông Hương, thuyền cập trong thế "Rồng chầu Hổ phục" trước Nghinh Lương Đình dự khán một đêm nhã nhạc. Nơi đây, hơn trăm năm trước, ông vua yêu nước Duy Tân đã "Chiều chiều trước bến Văn Lâu/ Ai ngồi ai câu/ Ai sầu ai thảm/ Ai thương ai cảm/ ai nhớ ai mong"... để rồi sau đó lặng lẽ rời bỏ kinh thành, rời bỏ vương triều, trở thành một công dân yêu nước, một người tù khổ sai vĩ đại trong lịch sử Việt Nam... Xem nhã nhạc trên... tivi và cả trong đại nội đã nhiều, nhưng khi bập bềnh trên sông trong tư cách quan "hộ giá" xem diễn ngay trước mặt kỳ đài thấy nó kỳ lạ phiêu du lắm. Cũng Nam ai nam bình ấy, cũng công cũng phượng ấy, cũng triều bào ấn bảo ấy, nhưng tôi được ru, được trở về, được ôm ấp chở che, được siêu thoát trong mênh mông diệu vợi, trong ảo mờ linh thiêng, trong nhặt khoan hồi ức... Tất nhiên xem nhã nhạc mà xa quá, mà qua hệ thống khuếch âm lớn quá, nó giảm cái sự "nhã" đi. Thêm nữa, có một tiết mục trình diễn triều bào, nhưng cũng vì xa quá, lại nhập nhòa đèn xanh đỏ nên xem xong nhiều người không phân biệt được đâu là quan văn quan võ, đâu là thái giám hộ giám, thậm chí đâu là hoàng đế hoàng hậu và thái tử...
CÓ MỘT FESTIVAL THƠ VÀ NGHỆ THUẬT
Hội nhà Văn Thừa Thiên Huế khá tinh nhạy khi lồng trong Festival này một Festival nữa, là festival thơ. Ơn chúa, mấy kỳ festival thơ trước tôi đều có mặt, nghe và đọc thơ. Lần này cũng vậy...
Trụ sở Tạp chí Sông Hương tấp nập nhà thơ và người yêu thơ vì ở đây có hai sự kiện... thơ. Một là triển lãm poster thơ. Ba mươi tám nhà thơ Huế thủ bút, chọn ảnh chân dung thật đẹp rồi được phóng lên, mỗi ông một bức to như chiếc chiếu, rất ấn tượng và đầy mỹ cảm. Ta gặp ở đây từ Nguyễn Khoa Điềm, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Ngô Minh, Lâm Thị Mỹ Dạ, Nguyễn Khắc Thạch, Hồng Nhu... đến các nhà thơ trẻ Đông Hà, Phạm Nguyên Tường, Hải Trung, Hạ Nguyên, Lê Vĩnh Thái, Nhụy Nguyên, Lê Tấn Quỳnh... mỗi người một vẻ thơ, một vẻ ảnh tạo nên một vườn thơ Huế đa sắc đa diện và cả đa... tình. Sự kiện thứ hai là tại đây phát hành Tổng tập 700 năm thơ Huế. Cuốn sách hơn một nghìn trang, nặng trịch này là tuyển tập thơ đồ sộ nhất về Huế (sách dày 1.200 trang khổ 16x24, giá bán 270.000đ) từ trước đến nay, bao gồm 492 tác giả với 843 tác phẩm. Với tiêu chí lựa chọn hàng đầu là chất lượng, lại không chỉ là của người Huế, cũng không nhất thiết viết về Huế - miễn là tác giả từng sống ở Huế, từng đến với Huế, nên có thể nói tổng tập bao gồm những bài thơ hay nhất của hầu hết các tác giả đã thành danh trong cả nước. Trước đó tôi đã nhận được rất nhiều tin nhắn hỏi thăm về tập này, và ai cũng... sướng khi thấy mình có mặt. Người nhiều nhất 4 bài, ít nhất 1 bài. Bảy trăm năm là tính từ 1306, thời điểm khai sinh vùng đất Thuận Hóa - Phú Xuân - Huế theo bước chân công chúa Huyền Trân, trong đó có hàng mấy trăm năm là thủ phủ của Đàng Trong, rồi trở thành kinh đô của đất Việt - Bao nhiêu vương triều, bao nhiêu hưng phế, bao nhiêu phận người, bao nhiêu máu xương... có thể thơ chưa nói hết những gì lịch sử vùng đất này đã trải qua, nhưng cầm tập sách mà nghe trĩu nặng thời gian, trĩu nặng kiếp người, trĩu nặng những thăng trầm dâu bể mà thời gian khắc nghiệt dẫu có xóa nhòa thì vẫn còn vương vấn đó đây ở thơ của những vua Lê Thánh Tông, Cao Bá Quát, Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Phi Khanh cho đến vua Tự Đức, các ông hoàng bà chúa Miên Thẩm, Mai Am... đến Tố Hữu, Thanh Hải, Nguyễn Khoa Điềm, Hoàng Phủ Ngọc Tường...
Nhà thơ Châu Thu Hà, Phạm Nguyên Tường, Lê Vĩnh Thái, Đặng Như Phồn, Nguyễn Lãm Thắng trình diến thơ tại chương trình thơ Trẻ trong festival thơ Huế 2006 |
Mà nào đã hết. Còn tuyển tập 30 năm văn học Thừa Thiên Huế với 3 cuốn dày dặn Thơ, Văn xuôi và Lý luận phê bình đóng trong hộp rất sang. Rồi còn triển lãm thơ: 40 bài thơ trung đại tiêu biểu về Huế (thư pháp chữ Hán, diễn ra tại 26, Lê Lợi), rồi đêm 4/6, tại công viên 3/2 bên bờ sông Hương rực sáng chiếc đèn kéo quân lớn và 250 ngôi sao ghi tên các nhà thơ đã tạo nên diện mạo thi ca Việt Nam - tác phẩm sắp đặt mang tên Quảng trường thi ca của họa sĩ Đinh Khắc Thịnh và nghệ sĩ "đường phố" Lãng Hiển Xuân và cuốn "1000 nhà thơ Huế đương thời" tập hai cũng kịp ra mắt. Tập một đã phát hành cách đây hai năm trong dịp festival 2006.
Cũng dịp này còn có hai cuộc thơ nữa tổ chức trong đại nội là "Thơ của người xa xứ" và "Công chúa và thi ca". Người Huế có khả năng và tiềm ẩn khả năng làm thơ rất cao, thế mà lại xa xứ, một tiên lượng tuyệt vời để thơ bùng nổ và xuất hiện, nên đêm này đã thu hút rất đông người Huế xa quê trở về... Cũng vẫn có một đêm thơ ở nhà kèn bên bờ sông Hương. Rất tiếc tôi đã không kịp dự cuộc này, nhưng năm 2006 thì tôi có mặt. Nhà thơ Trần Tuấn ở Đà Nẵng, phóng viên báo Tiền Phong nói với tôi: Em ra dự festival chỉ với duy nhất một mục đích là đọc thơ ở nhà kèn, xong là về. Ngoài ra còn nhiều nhà thơ từ xa về như Lê Vĩnh Tài, Tôn Nữ Ngọc Hoa, Nguyễn Thị Thái, Đinh Thị Như Thúy từ Buôn Ma Thuột kéo quân ra, Hồ Đắc Thiếu Anh, Bảo Cường... từ Sài Gòn trở về...
Nhà thơ Phạm Nguyên Tường, Lê Vĩnh Tài, Ngô Công Tấn, Trần Tuấn, Nguyễn lãm Thắng trình diến thơ tại chương trình thơ Trẻ trong festival thơ Huế 2006 |
Tôi gặp ở Huế một người thơ lạ, ấy là Mẫn Xích Lô. Huế đã từng có Phương Xích Lô nổi tiếng, giờ lại có Mẫn xích lô. Gọi Mẫn xích lô nhưng anh bảo đã bán xích lô mua xe máy chạy xe ôm rồi và tên thật của anh là Phạm Huy Ngữ. Trên chiếc yếm xe luôn có một cái cặp cũ, trong ấy là... thơ. Người ta in thơ, xuất bản thơ, anh cũng xuất bản, cũng in bằng... vi tính để chào mừng Festival. Thuê hết bốn trăm ngàn được mấy chục bản, chiều dài bằng chiếc đũa, chiều ngang bằng nửa bàn tay in 12 bài thơ, trong đó có bài "Chim sâu nhỏ" được trịnh trọng giới thiệu "Đăng trên Văn Nghệ trẻ năm 2006", chỉ có bốn câu ngắn, tôi xin chép ra đây: "Em là chim sâu nhỏ/ Hồn nhiên hót xuống đời/ Vô tình anh biết được/ Bẻ ná đứng nhìn chơi".
Mà đấy mới chỉ là thơ. Họa sĩ Đặng Mậu Tựu, phó chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế kể rằng trong mấy ngày qua, anh phải chủ trì khai mạc tới... hai mươi ba hoạt động nghệ thuật lớn nhỏ. Ngay tại nhà anh cũng đang bày một triển lãm ba người rất độc đáo và cũng rất đông khách tới xem tranh, ấy là triển lãm "Mùa tháng sáu" của 3 họa sĩ Lâm Triết, Đặng Mậu Tựu và Phạm Trinh.
Người Huế nói với nhau: Mỗi kỳ Festival như trong nhà có giỗ. Mà giỗ Huế thì rất lớp lang và cầu kỳ. Cuộc giỗ này sẽ kết thúc vào ngày mai, 11/6. Nhiều người nhiều người buồn. Thì bao giờ hết hội chả thế...
V.C.H