Văn hóa Huế
Làng nghề tạo nên những bảo vật Quốc gia ở Huế
10:16 | 06/06/2017

Những bảo vật quốc gia như vạc đồng thời chúa Nguyễn, đại hồng chung chùa Thiên Mụ, cửu vị thần công... đều do làng nghề ở Huế tạo nên.

Làng nghề tạo nên những bảo vật Quốc gia ở Huế

Phường Đúc (TP Huế) nổi tiếng với nghề đúc đồng có truyền thống hơn 400 năm. Nhiều cá nhân, tổ chức trên mọi miền tổ quốc muốn đúc tượng phật, chuông lớn đều tìm đến những người thợ tài hoa nơi đây.

Là đời thứ 11 theo nghề đúc đồng của dòng họ Nguyễn, nghệ nhân nhân dân Nguyễn Văn Sính (79 tuổi) cho hay, nghề đúc đồng ở phường Đúc có thương hiệu như ngày nay là nhờ ông cha xưa kia đã tạo nên những tuyệt tác bằng đồng nổi tiếng, hiện là bảo vật quốc gia như vạc đồng, chuông đại hồng chung, cửu vị thần công, cửu đỉnh...
 
lang-nghe-tao-nen-nhung-bao-vat-quoc-gia-o-hue
Một chiếc chuông nặng 6 tấn vừa được các nghệ nhân phường Đúc đúc xong.
 
Theo gia phả thì tổ tiên của ông Nguyễn Văn Sính ở làng Đồng Xá (Bắc Ninh), theo chúa Nguyễn Hoàng vào đất Thuận Hóa - Phú Xuân  hành nghề đúc đồng. Đến năm 1636, chúa Nguyễn Phúc Lan quy tụ thợ giỏi về một nơi và cho hưởng bổng lộc. Phường Đúc được thành lập kể từ đó.
 
Lúc đầu phường có 5 xóm thợ nằm ven bờ hữu ngạn sông Hương, đoạn qua trước dinh Kim Long.
 
lang-nghe-tao-nen-nhung-bao-vat-quoc-gia-o-hue-1
Để đúc đồng, người thợ phải tạo khuôn từ đất sét và vỏ trấu.
 
Trong thời chúa Nguyễn Phúc Tần, các nghệ nhân ở phường Đúc đã tự tay đúc 10 chiếc vạc đồng. Đời chúa Nguyễn Phúc Chu, họ đúc chuông đại hồng chung đặt tại chùa Thiên Mụ; sau đó họ được đưa vào công xưởng của triều đình để sản xuất súng ống, tiền bạc.
 
Triều vua Gia Long giao cho công xưởng đúc 9 khẩu thần công từ vũ khí thu của nhà Tây Sơn, gọi là “thần oai vô địch thượng đại tướng quân”. Lúc đầu, 9 khẩu thần công này được đặt hai bên Ngọ Môn, năm 1917 có 5 khẩu chuyển về gần cửa Quảng Đức, 4 khẩu ở cửa ngăn.

lang-nghe-tao-nen-nhung-bao-vat-quoc-gia-o-hue-2
Cửu vị thần công do chính tay các nghệ nhân phường Đúc tạo nên.

Giải thích việc trên 9 khẩu thần công có những hoa văn phương tây, ông Nguyễn Văn Sính nói xưa kia khi đúc những bảo vật này không chỉ có thợ trong nước mà còn có sự góp sức của người nước ngoài.

 
Với cửu đỉnh đúc thời vua Minh Mạng, ông Sính cho hay là sự kết hợp tay nghề của thợ đúc đồng cả nước, trong đó nghệ nhân phường Đúc là lực lượng chính.
 
Theo ông, dù thời nào thì ở phường Đúc việc đúc đồng phải trải qua các công đoạn như: Sú đất, nặn khuôn, giáp khuôn, chèn khuôn, bố khuôn để đưa vào lò. Sau đó là nung khuôn - pha chế hợp kim - nấu chảy nguyên liệu rồi ra cơi, rót khuôn, làm nguội, đánh bóng, nhuộm sản phẩm.
 
"Đó là những công đoạn không chỉ lao lực mà còn thử thách trí tuệ và tài năng của người thợ", ông nói.
 

Nghệ nhân Nguyễn Văn Sính nói về nguồn gốc nghề đúc ở phường Đúc.
 
"Ngày xưa các nghệ nhân pha chế tỷ lệ chì, đồng như thế nào mà các bảo vật quốc gia không bị rỉ rét theo thời gian. Bên cạnh đó, các hoa văn rất tinh xảo, đặc biệt là hoa văn được đúc khi đồng đang nóng. Tay nghề của thế hệ đi trước rất cao, trong bối cảnh không có máy móc giúp sức", ông Sính chia sẻ.
 
Trải qua nhiều biến động lịch sử, đa số con cháu của các nghệ nhân xưa ở phường Đúc vẫn theo nghề của ông cha. Hiện phường Đúc có trên 50 lò đúc đồng, là một trong những địa bàn có nghề truyền thống sinh hoạt nhộn nhịp nhất xứ Huế.
 
Theo Võ Thạnh - Vnexpress
 
 
 
 
 
 
 
 
Các bài mới
Các bài đã đăng