Văn hóa Huế
Nghe thơ trong Đêm Hoàng Cung
20:36 | 08/11/2014

HỒ ĐĂNG THANH NGỌC


Xưa nay, không gian cho buổi trình diễn thơ rất được các nhà thơ chú trọng. Nước Nga có loại thơ rất thích hợp với quảng trường mà điển hình là những dòng thơ sang sảng của Mai-a-côp-xki. Một đêm nào đó linh thiêng trong đời, nhà thơ Phùng Quán chọn không gian đồng ruộng quê nhà Thuỷ Dương - Hương Thuỷ vốn xa lạ với thơ ca, để tạ ơn làng qua những dòng thơ gan ruột...
 

Nghe thơ trong Đêm Hoàng Cung
Lung linh Đêm Hoàng Cung - Ảnh: L.V.T

Còn nhớ những năm thập kỷ tám mươi của thế kỷ hai mươi, sinh viên khoa Văn, Đại học Tổng hợp Huế lúc bấy giờ thường tổ chức rất nhiều đêm thơ, đêm thơ nào cũng xông trầm và thắp hương trên những chiếc lá bàng cho không gian thơ huyền bí hơn. Hay hôm nào đó, sinh viên Mỹ thuật Huế đã tổ chức đêm thơ đầy ấn tượng với rượu cần Tây Nguyên và ghế đá sân trường Mỹ Thuật Huế trong một “Đêm Hoàng Cung” đáng nhớ của năm 1982 (nhân kỷ niệm 25 năm thành lập Trường Cao đẳng Mỹ thuật Huế). Tôi biết ở Huế có nhiều nhóm thơ cũng có những lối trình diễn thơ trong đêm Nguyên Tiêu hay những dịp nào đó rất lạ. Giữa thế kỷ hai mươi mốt, họ ngồi bên nhau, có người đầu bạc, có người tóc còn xanh, tắt hết đèn điện, thắp nến lên cho những dòng thơ dung dị cũng lung linh... Mùa sang mùa, ngày sang ngày, những đêm thơ như thế nuôi dưỡng những tâm hồn thi ca nhân loại. Ở xứ Huế, nơi “ra ngõ gặp nhà thơ”, những đêm thơ quả thật đã tạo nên những không gian hết sức đặc biệt.


Hoành tráng ghê gớm là trong dịp Lễ hội Festival Huế 2006, các nhà thơ xứ Huế được các hoạ sỹ trẻ Huế tạo cho một không gian thơ quá đẹp ở nhà kèn trong công viên trước Trường đại học Sư phạm. Những vòm cổng thơ được thiết kế đủ loại chất liệu và lủng lẳng treo thơ trong những cái chai mang những thông điệp về yêu thương ngập ngời linh cảm. Đêm xuống, trong tiếng gió mênh mang sông Hương, trong tiếng sóng nhè nhẹ sông Hương, trong những phút giây lắng đọng hồn người của du khách, thơ được đọc lên tự cõi lòng và cũng đã được đón nhận với muôn vàn tâm trạng...Gần như đó là lần đầu tiên, thơ Huế tham gia lễ hội, lần đầu tiên thơ Huế quảng diễn góp phần níu bước chân du khách về dự hội...

*


Và bây giờ, từ giữa tháng 5/2007, thơ Huế đi vào Hoàng Cung. Chiếc kiệu thơ đã đưa Nàng thơ vào Thái Bình Lâu vào một đêm đầu tháng, rồi những đêm trăng sáng sau đó. Một tháng sáu đêm, chủ đề thơ cứ thế mở ra cho thơ thoát thai vào không gian cổ tích cung đình vòi vọi cao và mênh mông sâu lắng. Sau này, không gian đêm thơ được chuyển vào Cung Diên Thọ, cũng là tiếng thơ với những rêu phong trầm tích, với những âm ba kiêu hãnh của thành quách cung đình…Ấn tượng đêm thơ trong Đêm Hoàng Cung, vì vậy vẫn còn như tươi nguyên trong lòng nhiều người. Đêm thơ này được tổ chức bởi sự phối hợp thú vị giữa những nhà tổ chức Đêm Hoàng Cung và Hội Nhà văn Thừa Thiên Huế. Nhà thơ Hải Trung, cũng là người đảm nhận trọng trách Trưởng ban Thơ ca và Giải trí Đêm Hoàng Cung đã tranh thủ dịp may hiếm có này để đưa thơ vào chốn Hoàng Cung, bắt đầu cho một kiểu chơi thơ rất chi “mệ Huế”. Nói như Phạm Nguyên Tường, Chủ tịch Hội Nhà văn Thừa Thiên Huế: “Đã không biết bao nhiêu lần tổ chức đêm thơ, nhưng tổ chức đêm thơ trong Đêm Hoàng Cung thấy sao linh thiêng quá”.

Đêm đầu tiên, Chương trình thơ với chủ đề Huế Thơ - Thơ Huế được tổ chức tại sân Thái Bình Lâu trong Đại Nội. Lời giới thiệu của Ban tổ chức do Hải Trung đọc dẫn dắt hàng trăm người dự khán ngược dòng nhìn lại bao thế kỷ trầm tích thơ Huế: “Huế là vùng đất có bề dày về những truyền thống văn hoá, trong đó thơ ca được xem là một truyền thống tiếp nối liền mạch. Dòng chảy của thời gian đã đủ sức để bồi lắng nên một bề dày qua hàng ngàn trang trước tác, hàng vạn trang ký ức của thi ca. Những bài thơ chữ Hán viết về vùng đất này sớm nhất có thể kể đến như Hoá Châu tác (Làm ở Hoá Châu) vào khoảng năm 1345 của Trương Hán Siêu, Hoá Thành thần chung (Chuông sớm ở Hoà Thành) của Nguyễn Phi Khanh, Tư Dung hải môn lữ thứ (Nghỉ chân ở cửa biển Tư Dung) của Lê Tư Thành (vua Lê Thánh Tông)...Nhiều thế hệ tiếp nối từ các chúa Nguyễn như Nguyễn Phúc Chu, Nguyễn Phúc Thái đến các vua Nguyễn như Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Thành Thái; từ các vị hoàng tử như Tùng Thiện, Tuy Lý, Tương an đến các công chúa như Mai Am, Huệ Phố; từ các bậc quan lại như Nguyễn Du, Cao Bá Quát, Nguyễn Công Trứ đến Trần Bích San, Nguyễn Xuân Ôn, Phan Bội Châu; rồi nối tiếp nhiều thế hệ đến ngày nay đã để lại một di sản thi ca phong phú và đồ sộ cho vùng đất Huế. Tất cả làm nên một bề dày của một nền thi ca tồn tại đến 700 năm lịch sử. Đó là một di sản tinh thần, một tài sản văn hoá lớn lao của vùng đất cố đô...”


Trong đêm thơ khơi nguồn này, có ba nội dung chính được nối tiếp, đan xen nhau: giới thiệu Thơ Huế thuộc dòng thơ trung đại, cận hiện đại và thơ của một số tác giả đương đại thuộc Hội Nhà văn Thừa Thiên Huế. Mở đầu đêm thơ đầu tiên trong Đêm Hoàng Cung là bài Vị Nông Ngâm (Ngâm vịnh nhà nông) của vua Minh Mạng. Phần dịch thơ của bài thơ này như sau: “Đêm đón mưa vui trận gió qua/ Hạt tuôn từng đợt gió ngân nga/ Hắt hiu giá rét mùa xanh lá/ Lỏm bỏm đồng sâu áo bạc tà/ Mặc ấm ghi ơn người dệt vải/ Ăn no nhớ nghĩa kẻ đồng xa/ Bao đời trọng nỗi gian nan ấy/ Chẳng lúc nào ngơi tiếng ngợi ca”. Tiếp sau bài thơ mở màn với sự liên tưởng xanh về những cánh đồng nói trên, là năm bài thơ trên Điện Thái Hoà. Điện Thái Hoà là nơi đặt ngai vua và tổ chức các đại lễ triều đình từ năm 1805 đến năm 1945, tròn 140 năm. Điều thú vị là ngay tại ngôi điện được coi là uy nghi nhất của triều đình Phong Kiến, thơ lại được khắc với số lượng rất lớn, hiện vẫn còn ít nhất 191 bài treo ở nhiều vị trí khác nhau. Nói như Hải Trung-người nghiên cứu thơ trên Điện Thái Hoà rất kỹ - “Chúng vừa biểu hiện đặc điểm thẩm mỹ của kiến trúc, vừa tồn tại trong tư cách là một văn bản nghệ thuật”.


Dòng thơ cung đình đã bắt nhịp cầu nối cho người nghe thơ thả trôi mình trôi về hơn trăm năm trước trong không gian trầm mặc Kinh thành Huế. Thơ cung đình còn đan xen trong đêm với những bài thơ nổi tiếng của các vua Thiệu Trị, Tự Đức, Thành Thái... Thế rồi cũng thơ ca dẫn dắt người nghe về những ngày Huế xưa đầu thế kỷ 20, với những bài thơ hết sức quen thuộc mà mở đầu là “Giời mưa ở Huế” của Nguyễn Bính. Chao ôi, trong không gian rất mực cung đình, ngồi giữa sân Thái Bình Lâu, nhấp ngụm trà Vũ Di Đình mà nghe thơ Nguyễn Bính, mới thấy sao mà Huế dân dã đến vậy: “Giời mưa ở Huế sao buồn thế/ Cứ kéo dài ra đến mấy ngày/ Thềm cũ nôn nao đàn kiến đói/ Giời mờ ngao ngán một loài mây/Trường Tiền vắng ngắt người qua lại/ Đập Đá mênh mang bến nước đầy/ Đò vắng khách chơi nằm bát úp/ Thu về lại giở gió heo may...”. Và rồi những giọng thơ đương đại quen thuộc rung lên. Thơ của Xuân Diệu, Hải Bằng, Thanh Hải, Lâm Thị Mỹ Dạ, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Khắc Thạch, Nhất Lâm, Lê Tấn Quỳnh... được đọc lên, ngâm lên. Nghe như có những làn gió lạ vừa mới thoảng qua, như những câu thơ trong bài “Địa chỉ buồn” của nhà thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường: “Những chiều Bến Ngự giăng mưa/ Chừng như ai đó mơ hồ gọi tôi/ Tôi ra mở cửa đón người/ Chỉ nghe tiếng gió thổi ngoài hành lang...” Đó là tiếng người xưa vọng về, với những khát vọng bất diệt của tổ quốc ngàn năm. Như bài thơ “Văn hiến thiên niên quốc” tại Điện Thái Hoà được xem như là một bản tuyên ngôn của đất nước: “Văn hiến thiên niên quốc/ Xa thư vạn lý đồ/ Hồng Bàng khai tịch hậu/Nam phục nhất Đường Ngu” (Ngàn năm văn hiến nước ta/ Non sông thống nhất muôn nhà từ đây/ Hồng Bàng lập quốc đến nay/ Giang sơn đã có những ngày yên vui). Giọng ngâm trầm hùng đã làm bài thơ này với chức năng kết thúc chương trình thơ, ghi dấu ấn quá đỗi sâu đậm trong từng trái tim những người nghe thơ.

*


Đêm thứ hai, hay đúng hơn là những ngày thơ của đợt thứ hai, chương trình có chủ đề Sông Hương. Gần như Sông Hương có một dòng chảy cả vào trong đêm thơ giữa Kinh Thành, như lời giới thiệu của Hải Trung: “Sông đã chở trên mình những vỉa phù sa văn hóa, để nối từ thế hệ này sang thế hệ khác từng lớp quặng, cô lắng trong nhiều loại hình nghệ thuật, mà thơ ca là một điển hình.”

Đêm thơ giới thiệu một kho tàng sưu tập thơ về Sông Hương. Mở đầu là bài Thu Chí của Nguyễn Du. Ngay từ xưa, Tiên Điền Nguyễn Du đã tinh tế với những phát hiện mà đến bây giờ vẫn còn rất mới về dòng Hương: Hương giang nhất phiến nguyệt/ Kim cổ hứa đa sầu (nghĩa là một mảnh trăng sông Hương, mà gieo nên một nỗi sầu từ xưa đến nay). Đó không là một nỗi sầu cô quạnh, phiền muộn, mà là cái đẹp luôn làm trăn trở thi ca. Tiếp đó là âm vọng hào khí ngất trời của Chu Thần Cao Bá Quát trong bài thơ “Hiểu quá Hương Giang”. Trong đó có câu thơ nổi tiếng “Trường giang như kiếm lập thanh thiên” (sông dài như kiếm dựng trời xanh). Đan xen trong suốt chương trình thơ là những bài thơ cực kỳ hay về sông Hương từ chốn cung đình. Chẳng hạn những bài thơ về sông Hương trên Điện Thái Hoà, trong đó có những câu: “Sông Hương tiếp dải ngân hà/ Ngự Bình giăng mắc nắng qua lụa mềm/ Cảnh tình nhân trí vui thêm/ Như bầy én lượn bên thềm Hoàng cung”. Hay những câu thơ của vua Thiệu Trị, trong “Thần Kinh Nhị Thập Cảnh” viết về 20 danh thắng của cố đô xưa, bài thơ Hương Giang Hiểu Phiếm (Buổi sớm du thuyền trên sông Hương), nhà vua mượn việc tả cảnh để bày tỏ cái chí của mình: Qua sông Hương vào buổi sớm, đã thấy trời đông hửng ánh dương. Đó là ánh dương của một triều đại, một bình minh lịch sử mà nhà vua là người đứng đầu của triều đại đó. Dịch thơ: “Ôm lấy Kinh đô nước uốn dòng/ Thả thuyền ban sớm nhẹ thong dong/ Dòng xuân sóng lặng trùm hơi khói/ Nhịp mái thuyền xuôi phủ gió rung/ Cây cối vấn vương sương vẫn đẫm/ Cỏ hoa quyến luyến mây còn ngưng/Bao lâu nào rõ dòng chưa dứt/ Đã thấy trời đông hửng ánh dương”. Cũng gặp ở trong đêm thơ này một giọng cười phóng khoáng và đầy ý nhị của Nguyễn Công Trứ: “Trên sông một chiếc thuyền lan/ Một cô gái Huế, một quan đại thần/ Ban ngày quan lớn như thần/ Ban đêm quan lớn tần mần như ma!/ Ban ngày quan lớn như cha/ Ban đêm quan lớn rầy rà như con!”…


Cảm hứng về dòng sông Hương vẫn còn chảy mãi qua nhiều thế hệ thi ca tiếp nối. Nhạc sĩ, thi sĩ Văn Cao đã từng du lãm với mùa thu Sông Hương bằng “Một đêm đàn lạnh trên sông Huế” để khi xa rồi, thi nhân cứ day dứt: "Ôi nhớ nhung hoài vạt áo xanh”. Hay sau này, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm bất chợt phát hiện ra sông Hương mỗi ngày thêm mỗi mới trong bài “Chiều Hương Giang”: “Sau chiều nay, còn buổi chiều khác nữa/ Có thể mây cao, có thể nắng vàng”. Khoảnh khắc “vô tình trong nắng muộn, mắt tôi nhìn trong suốt nước Hương Giang” là những phát hiện rất mới của thi sĩ.

Và cháy lòng là mỗi câu thơ của nhà thơ Thu Bồn qua bài "Tạm Biệt":
“…Nhịp cầu cong và con đường thẳng
Một đời anh tìm mãi Huế nơi đâu
Con sông dùng dằng con sông không chảy
Sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu”
…Tam biệt Huế với em là tiễn biệt
Hải Vân ơi xin người đừng tắt ngọn sao khuya
Tạm biệt Huế với chiếc hôn thầm lặng
Anh trở về hóa đá phía bên kia."


Và cũng đã có nhiều du khách trở về “hoá đá” sau khi nghe thơ trong Đêm Hoàng Cung với những bài thơ hay và đầy minh triết...


Sau này, đêm thơ tiếp theo có các chủ đề là “Thần Kinh nhị thập cảnh”; là đêm thơ về “Mẹ” nhân mùa Phật đản về, cảm nhận từ chữ Hiếu trong tín ngưỡng Phật Giáo; là đêm thơ về di sản Huế… Mỗi tháng có đến sáu đêm thơ với hai chủ đề, chia ra hai kỳ ở đầu cuối và giữa mùa trăng. Cuộc chơi thơ này sẽ còn dài...

*

Thơ trong Đêm Hoàng Cung - đó là một sáng kiến tuyệt vời của những nhà tổ chức và những nhà thơ xứ Huế. Sân chơi thơ với biên độ mở rộng ra, nhà thơ tham gia lễ hội và “tiếp thị” cái hay, cái đẹp của thơ đến với công chúng qua một không gian hết sức đặc biệt. Tôi đã từng nghe các diễn viên tập Thài chuẩn bị Lễ hội Nam Giao trong sân Duyệt Thị Đường nằm ngay cạnh Thái Bình Lâu, thấy không gian trong chiều hoàng hôn bỗng trở nên linh thiêng kỳ lạ. Lần này nghe thơ trong đêm Đại Nội, cứ có cảm giác như người xưa đang trở về với mình, mình trở về với người xưa qua những dòng thơ vắt ngang trời Hoàng Cung, qua những ánh nến lung linh những niềm rung cảm, chấp chới và ngập ngời những âm thanh thơ. Thơ vẫn sống, mãi mãi là cuộc chơi hoành tráng giữa thế gian, ít ra, điều đó đã đúng ở Huế.


H.Đ.T.N





 

Các bài mới
Các bài đã đăng