Văn hóa Huế
Trúc chỉ - nơi chứa đựng tinh thần Việt
09:57 | 13/11/2017
Ra đời và được định danh ở Huế từ cách đây hơn 5 năm, Trúc chỉ đã lan tỏa ra cộng đồng và đóng góp cho nghệ thuật tạo hình, nghệ thuật đồ họa Việt Nam một loại hình mới với thuật ngữ “Đồ họa Trúc chỉ/trucchigraphy”.
 
Trúc chỉ - nơi chứa đựng tinh thần Việt
Seo giấy. Ảnh: Trúc chỉ art
Nghệ thuật giấy của người Việt
 
Từ ý niệm làm cho tấm giấy không chỉ dừng lại ở "thân phận" làm nền, họa sĩ Phan Hải Bằng - giảng viên Trường đại học Nghệ thuật - Đại học Huế, người sáng lập Dự án Nghệ thuật Trúc chỉ Việt Nam, đã đưa câu chuyện của nghề giấy đi xa hơn một chất liệu hỗ trợ cho sáng tạo thông thường, có khả năng trở thành một tác phẩm độc lập, tự thân.
 
Sau quá trình nghiên cứu và sáng tạo, Phan Hải Bằng cùng các cộng sự đã cho ra đời một loại hình mới của nghệ thuật - giấy, giấy- nghệ thuật của người Việt, góp thêm một khái niệm mới nữa bên cạnh giấy Dó, một thành tựu của truyền thống Việt đã được khẳng định. Một trong những nền tảng kỹ thuật của nghệ thuật Trúc chỉ là đồ họa Trúc chỉ/ trucchigraphy - sự kết hợp độc đáo giữa nghề làm giấy, kỹ thuật dùng áp lực nước và nguyên lý của nghệ thuật đồ họa (printmaking).
 
Danh xưng Trúc chỉ do nhà văn, nhà nghiên cứu, dịch giả Bửu Ý định danh vào năm 2012, với ý niệm thông qua hình ảnh của cây tre để đề cao tinh thần và biểu tượng văn hóa Việt. Trúc chỉ theo ý đó được hiểu là một loại hình nghệ thuật - giấy của người Việt, do người Việt tạo ra, chứ không phải chỉ để gọi tên một loại nguyên liệu. Người Nhật có Hòa chỉ (washi), người Hàn có Hàn chỉ (hanji), người Trung Quốc có Xuyến chỉ thì bây giờ Việt Nam có Trúc chỉ. Huế là nơi khai sinh ra nghệ thuật Trúc chỉ.
 
Họa sĩ Phan Hải Bằng chia sẻ: Với tâm thức “Tiếp biến truyền thống” ngay từ đầu, chúng tôi khai thác, vận dụng nghề thủ công truyền thống một cách linh hoạt và ứng biến với quy trình, kỹ thuật, phương thức tư duy khác nhau để sáng tạo nghệ thuật. Các loại nguyên liệu sẵn có tại địa phương: rơm, tre, mía, chuối, dâu, bèo, lá, cỏ… đều được nghiên cứu, thử nghiệm. Mỗi loại nguyên liệu cần một quy trình xử lý khác nhau và cho ra những thú vị khác nhau trong biểu hiện thị giác và khả năng tạo hình. Điều này mở ra nhiều hướng tiếp cận và khai thác khác nhau về sau trong sáng tạo.
 

Sản phẩm Trúc chỉ. Ảnh: Võ Nhân
 
Lan tỏa vào đời sống
 
Nếu như những tác phẩm mỹ thuật truyền thống (treo tường) hầu như chỉ được cảm nhận ở hiệu ứng bề mặt theo ánh sáng thuận thì tác phẩm Trúc chỉ được cảm nhận ở cả hiệu ứng bề mặt và hiệu ứng xuyên sáng của ánh sáng ngược. Trúc chỉ cũng có thể đối ứng và thích hợp với các điều kiện không gian, ánh sáng khác nhau nên hoàn toàn có thể tham gia vào cuộc chơi của nghệ thuật đương đại một cách tự nhiên khi có thể thể hiện được tất cả các đề tài, ý tưởng và hiệu ứng thị giác mà họa sĩ mong muốn, từ những bức tranh treo tường truyền thống cho đến những dự án sắp đặt, media, đương đại…
 
Ngoài những tác phẩm riêng biệt, nghệ thuật của Trúc chỉ chủ yếu là những dự án dài hơi, gồm một hệ thống các tác phẩm lớn liên hoàn và độc bản. Triển lãm “Trúc chỉ - Lời của sông” (phiên bản 2017) tổ chức mới đây tại Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng được giới mỹ thuật đánh giá quá đẹp về mặt thị giác, quá lạ về chất liệu và quy trình thực hiện, với hệ thống tác phẩm quá hoành tráng, trong đó có “dòng sông” Trúc chỉ dài 150m. Sự phát triển của Trúc chỉ từ ngày mới ra đời đến nay không chỉ ở kích thước mà chính là ở phương thức biểu hiện và kỹ thuật đồ họa Trúc chỉ ngày càng được hoàn thiện.
 
Nhiều họa sĩ đã tìm thấy ở Trúc chỉ phương thức thể hiện mới lạ, độc đáo và đạt thành tựu với những giải thưởng mỹ thuật chuyên nghiệp trong nước, quốc tế. Nhiều tác phẩm, công trình, đồ án tốt nghiệp đại học từ Trúc chỉ cho thấy hiệu ứng giáo dục, thẩm mỹ và xã hội như tiêu chí phát triển của Trúc chỉ Việt Nam. Từng đoạt một số giải thưởng ở các triển lãm nghệ thuật mang tầm quốc gia với nghệ thuật Trúc chỉ, nữ họa sĩ Ngô Đình Bảo Vi trải lòng: “Tôi đến với Trúc chỉ vì tôi tìm thấy điều tương đồng với hành trình của mình. Nghệ thuật Trúc chỉ là một mảnh đất mới, rộng lớn cho người làm sáng tạo. Sự vận dụng của nó trải dài và chưa có dấu hiệu gây khó khăn cho bất kỳ một ý tưởng hay một concept nào. Các biểu hiện đều có thể được tạo ra với kỹ thuật Đồ họa Trúc chỉ”.
 
Họa sĩ Bảo Vi cũng là người phát triển nghệ thuật Trúc chỉ theo hướng mỹ thuật ứng dụng, song song với nghệ thuật tạo hình. Chị chịu trách nhiệm thiết kế các ứng dụng trong thiết kế sản phẩm, đồ lưu niệm, thiết kế trang trí nội ngoại thất, phụ kiện thời trang, trang sức.. Trúc chỉ. Các nghệ phẩm của Trúc chỉ, như: nón, dù, quạt, ví, cà vạt, đèn lồng... đi vào đời sống xã hội như một giá trị được chấp nhận. Ngoài những thiết kế độc lập, Trúc chỉ kết hợp với các làng nghề truyền thống tại Huế, như: tranh làng Sình, hoa giấy Thanh Tiên, làng nón, diều, quạt, dù… để tạo nên những sản phẩm đặc biệt. Đơn cử, bộ đèn Bát âm là sự kết hợp giữa Trúc chỉ với tranh làng Sình, tre Bao La, thêu và đúc đồng. Cứ thế, các tác phẩm, nghệ phẩm của Trúc chỉ dần đi vào đời sống một cách tự nhiên.
 
Bảo Vi hào hứng: “Ngoài việc mang hơi hướng truyền thống đã định hình, chúng tôi đang dốc sức tạo ra một Trúc chỉ ứng dụng mang tính đương đại. Với khả năng dường như vô hạn ở Trúc chỉ, chúng tôi mong muốn tinh thần Việt sẽ hiện hữu ở khắp nơi qua hình thái nghệ phẩm Trúc chỉ...”.
 
Trúc chỉ cũng đã trở thành món quà lưu niệm đặc biệt được nhiều đơn vị, cơ quan đặt hàng. Đặc biệt, bức tranh Trúc chỉ phỏng tác hình Ngọ Môn đã được làm tặng phẩm cho Nhật Hoàng khi đến thăm Huế tháng 3/2017. Họa sĩ Phan Hải Bằng tâm đắc: “Xứ sở Nhật Bản tự hào về nền giấy thủ công đạt đến đỉnh cao, tuy vậy hầu như vẫn chưa được xây dựng để trở thành một tác phẩm giấy tự thân. Trúc chỉ đã làm được điều đó và chúng ta có quyền tự hào”. Tại không gian trải nghiệm ở số 5 Thạch Hãn, TP. Huế, Trúc chỉ cũng thu hút một lượng khách không nhỏ, nhất là du khách quốc tế đến tham quan, trải nghiệm không chỉ Trúc chỉ mà cả một nét văn hóa Huế bằng cả ngũ quan. Cứ thế, Trúc chỉ được nhiều người biết đến, lan tỏa và trở thành một giá trị mới của Huế bên cạnh hoa giấy Thanh Tiên, tranh làng Sình... như mong muốn của họa sĩ Phan Hải Bằng khi bắt đầu sáng tạo ra Trúc chỉ.
 
 
Theo Trang Hiền - Báo Thừa Thiên Huế Online
 
 
 
 
 
 
 
 
Các bài mới
Các bài đã đăng