Văn hóa Huế
Hành trình Di sản: Đến Huế thưởng thức Nhã nhạc
14:49 | 04/12/2017
Huế không chỉ có lăng, tẩm, đền đài hay những món ăn đầy lôi cuốn. Huế còn có giai điệu ngọt ngào của một loại hình nghệ thuật đã được công nhận là Di sản thế giới đó chính là Nhã nhạc.
 
Hành trình Di sản: Đến Huế thưởng thức Nhã nhạc
Trình diễn Nhã nhạc tại Duyệt Thị Đường
Đã từ rất lâu, Huế luôn là điểm đến yêu thích của người Việt nhưng không chỉ có vậy, Huế còn là một trong những điểm đến hấp dẫn hàng đầu tại Việt Nam theo đánh giá của bạn bè quốc tế. Đến với Huế, người ta có thể tìm về với quá khứ, với những hoài niệm được kể qua kiến trúc của những đền đài, lăng tẩm, qua từng con đường, góc phố… Đến với Huế, người ta cũng tìm được những phút giây tĩnh lặng giữa cuộc sống đầy náo nhiệt, hối hả…Đến với Huế, người ta còn được trải nghiệm và cảm nhận hương vị thanh tao đầy lôi cuốn của những món ăn từ cung đình đến dân giã…Và còn điều nữa khiến Huế luôn luôn là lựa chọn hàng đầu đó là đến Huế, người ta có thể thưởng thức giai điệu ngọt nào của một loại hình nghệ thuật đã được thế giới công nhận đó là Nhã nhạc.
 
Nhã nhạc là thể loại âm nhạc cung đình, trước kia chỉ được biểu diễn phục vụ hoàng tộc. Theo tài liệu ghi lại: Nhã nhạc - âm nhạc cung đình Việt Nam đã bắt đầu xuất hiện từ thế kỉ 13, nhưng chỉ đạt đến độ điêu luyện dưới triều Nguyễn (1802 – 1945). Triều đình Nguyễn quy định 7 thể loại âm nhạc, gần giống với các thể loại của triều Lê, bao gồm: Giao nhạc, Miếu nhạc, Ngũ tự nhạc, Đại triều nhạc, Thường triều nhạc, Yến nhạc, Cung trung nhạc. Dưới thời Nguyễn, Nhã nhạc được dùng trong các lễ tế đại triều 2 lần/tháng, thường triều 4 lần/tháng: Nam Giao, Tịch Điền, sinh nhật vua và hoàng hậu. Tế bất thường: Đăng quang, lễ tang của vua và hoàng hậu, đón tiếp sứ thần. Tùy theo từng cuộc tế lễ mà có các thể loại khác nhau, như Đại triều nhạc dùng trong lễ Nguyên đán, Ban sóc. Đại yến cửu tấu nhạc dùng trong mừng thọ, chúc thọ, tiếp đãi sứ thần. Cung trung nhạc biểu diễn trong trong các cung hoàng thái hậu và thái hoàng thái hậu; Miếu nhạc sử dụng tại các nơi thờ vua, chúa; Ngũ tự nhạc dùng trong tế Xã tắc, Tiên nông. Tuy nhiên, vào cuối thời Nguyễn, chỉ còn duy trì 2 loại dàn nhạc là Đại nhạc (gồm trống, kèn, mõ, bồng, xập xõa) và tiểu nhạc (trống bản, đàn tỳ bà, đàn nhị, đàn tam, địch, tam âm, phách tiền)...tức là Nhã nhạc Huế (Âm nhạc cung đình Việt Nam) hiện nay. Khoảng năm 1947-1948, Bà Từ Cung (mẹ cựu hoàng Bảo Đại) đã tập hợp một số nghệ nhân Nhã nhạc nhằm duy trì thể loại ca múa nhạc cung đình này. Từ những năm 1990, nhã nhạc bắt đầu bước vào giai đoạn phục hưng và được đưa đi giới thiệu ở nhiều nơi trên thế giới.
 
 

Khách du lịch đến với Huế không thể bỏ qua những chương trình thưởng thức Nhã nhạc hấp dẫn, lôi cuốn tại Duyệt Thị Đường
Khách du lịch đến với Huế không thể bỏ qua những chương trình thưởng thức Nhã nhạc hấp dẫn, lôi cuốn tại Duyệt Thị Đường

Sớm nắm bắt được nhu cầu của khách tham quan, du lịch từ năm 2003, Huế đã triển khai dự án biểu diễn Nhã nhạc phục vụ du khách. Kể từ đó đến nay không thể nhớ hết được đã có bao nhiều người tim đến thưởng thức Nhã Nhạc cung đình chỉ biết rằng Nhã nhạc đã trở thành một phần không thể thiếu của du khách mỗi khi đặt chân đến Huế.
 
Nhà hát đầu tiên mở cửa biểu diễn Nhã nhạc là Duyệt Thị Đường. Đây là không gian diễn xướng được xếp vào loại cổ nhất Việt Nam hiện nay, bởi từng được xây dựng cách đây gần 200 năm, dưới triều Nguyễn. Thời đó, Duyệt Thị Đường là nơi biểu diễn nghệ thuật như tuồng, múa, nhã nhạc cung đình cho nội cung vua. Ấn tượng đầu tiên của hầu hết các du khách khi bước chân vào Duyệt Thị Đường là sự hoành tráng, trạng trọng và toát lên không khí linh thiêng. Công trình được xây dựng bằng gỗ, lợp ngói lưu ly, bốn gian hai chái, tọa lạc trong một khuôn viên hình vuông có tường bao quanh. Sân khấu là phần sàn nhà nằm giữa bốn gian, khi diễn thì trải chiếu hoa lên sân khấu. Trần nhà hát được trang trí hình ảnh các vì tinh tú, những đám mây ngũ sắc, vầng trăng khuyết, nền trời xanh rất đẹp, tạo cho người diễn cũng như người xem cảm giác như đang ở ngoài trời. Mặc dù là một công trình được xây dựng kiên cố, nguy nga nhưng trải qua nắng gió, thời gian Duyệt Thi Đường đã xuống cấp, hư hỏng khá nhiều.
 
 

Trong nhiều năm qua, Duyệt Thị Đường đã tổ chức hàng nghìn buổi biểu diễn phụ dựng được nhiều điệu múa cổ..
Trong nhiều năm qua, Duyệt Thị Đường đã tổ chức hàng nghìn buổi biểu diễn phụ dựng được nhiều điệu múa cổ...

Từ năm 1995 đến nay năm 2002, được sự trợ giúp của Chính phủ và các doanh nghiệp Pháp, Duyệt Thị đã được đầu tư trên 10 tỉ đồng để trùng tu. Ngày 1/1-/2003, Duyệt Thị Đường đã chính thức mở cửa đón du khách tới tìm hiểu và thưởng thức nghệ thuật cung đình. Cuối năm 2003, khi Nhã nhạc cung đình Huế được Unesco công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, nhà hát Duyệt Thị Đường trở thành điểm đến của công chúng yêu âm nhạc cổ. 
 
Cho đến nay, nhà hát đã tổ chức hàng nghìn buổi diễn; sưu tầm và khôi phục 8 trong số 11 điệu múa cổ, 40 bài nhã nhạc và nhiều trích đoạn tuồng cổ, trong đó có nhiều tiết mục được dàn dựng công phu như Trống Thái Bình, Tam luân cửu chuyển (đại nhạc), Phú lục địch, Kim tiền (Tiểu nhạc)… nhà hát cũng đã sáng tạo, dàn dựng hàng chục tác phẩm mới trên chất liệu cổ, phù hợp với thị hiếu người xem.
 
Một điều lý thú khác nữa khi đến Duyệt Thị Đường nghe Nhã nhạc đó là việc giữa các phần biểu diễn, du khách còn được nếm hoa quả tươi ngon của xứ Huế và thưởng thức trà cung đình – cũng là một nét văn hóa vô cùng đặc trưng của Huế. Một chương trình biểu diễn thường không kéo dài, chỉ khoảng 30-40 phút, đủ để giới thiệu đến du khách giai điệu ngọt ngào của Nhã nhạc và đủ để tạo cảm giác “thòm thèm” lôi kéo du khách tới những lần sau. Giá vé cho một chương trình nghe Nhã nhạc và thưởng thức trà cung đình cũng rất hợp lý chỉ từ 70.000 – 120.000/ 1 người.
 
Nếu như, bạn đã từng đến Huế, đến Duyệt Thị Đường thưởng thức Nhã nhạc, chắc chắn bạn sẽ đồng ý với ý kiến này. Ngược lại, hãy thử 1 lần đến với cố đô Huế để trải lòng và cảm nhận giai điệu ngọt ngào của một loại hình di sản của Việt Nam đã được thế giới công nhận.
 
 
Theo Lan Hương - Tin tức Việt Nam
 
 
 
 
 
 
 
 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng