TRẦN ĐẠI VINH
Tại thành phố Huế, việc thờ phụng Đức Thánh Trần chỉ ghi nhận được từ giữa thế kỷ XIX đến nay. Ngôi đền thờ Đức Thánh Trần đầu tiên tại Huế, được lập năm Tự Đức thứ 9 (1857) tại làng Dương Phẩm, mang tên là Dương Phẩm linh từ, do một vị hưu quan họ Nguyễn Đình quê làng Phước Yên, nay thuộc xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền phát tâm xây dựng.
Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn mất ngày 20 tháng 8 năm Canh Tý (tức 5/9/1300) tại phủ đệ ở Vạn Kiếp, được truy tặng Thái sư Thượng phụ Thượng quốc công Nhân Vũ Hưng Đạo đại vương.
Sau khi ngài mất, các châu huyện ở lộ Lạng Giang bị bệnh đậu mùa, nhiều người kêu cầu. Mỗi khi trong nước có giặc, thì tế ở đền thờ, hễ nghe gươm trong hộp có tiếng kêu, tất là đại thắng. Hai chi tiết này là khởi đầu về sự hiển linh của đại vương, đã được ghi chép vào Sử ký toàn thư.
Dân gian truyền tụng rằng trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông, ngài đã bắt được đạo sĩ Nguyễn Bá Linh đi theo làm phép thuật trong quân Nguyên Mông, y đã bị chém thành 3 đoạn. Ba đoạn thi hài ấy đã biến hóa thành 3 con tà: Phạm Nhan, Phạm Điệt và Phạm Nghinh, thường chui rúc vào đũng quần phụ nữ phơi phong ngoài sân để quá chạng vạng, làm cho người nữ bị bệnh tà đau ốm thất thường. Bệnh nhân phải đến cầu cúng ở đền thờ Hưng Đạo đại vương, thay chiếu mới, lấy chiếu cũ trải ở đền đem về trải giường nằm mới được yên lành.
Từ đó huyền thoại về việc hiển thánh trừ tà ma, diệt yêu quái quấy hại phụ nữ của Hưng Đạo đại vương dần lan truyền.
A. Ngôi đền chính thờ Hưng Đạo đại vương được lập từ sau khi ngài mất gọi là đền Kiếp Bạc, xây dựng tại phủ đệ Vạn Kiếp của ngài, thuộc hương Kiếp Bạc, lộ Lạng Giang đời Trần.
Kiếp Bạc là tên ghép hai làng: làng Vạn Yên (tức làng Kiếp) và làng Dược Sơn (làng Bạc). Vạn Yên là một thung lũng có dòng sông nhỏ và sâu, sát dưới chân núi Rồng, núi này có hai nhánh: nhánh Bắc là núi Bắc Đẩu, nhánh Nam là núi Nam Tào (tức núi Dược Sơn). Đền Kiếp Bạc xây dựng trên khu đất bằng phẳng, trung tâm của thung lũng sát dãy núi rồng. Trải qua thời gian, các công trình kiến trúc thời Trần, Lê không còn. Đền Kiếp Bạc hiện nay là công trình được xây dựng vào thời Nguyễn, có trùng tu nhỏ sau 1975, nhưng vẫn bảo lưu đường nét cổ kính.
Mở đầu là một tam quan đồ sộ dạng hình chữ nhật nằm ngang không có mái, chỉ có diềm lưỡng long triều nhật, mày trên khắc bức hoành “dữ thiên vô cực”, mày dưới là hoành “Trần Hưng Đạo vương từ” với câu đối chữ Hán:
Vạn Kiếp hữu sơn giai kiếm khí
Lục Đầu vô thủy bất thu thanh
Sau tam quan là khoảng sân rộng lát đá, giữa sân là nhà trình lễ, hai bên sân là hai nhà giải vũ làm nơi soạn lễ vật và chỉnh lễ phục. Tiếp đó là đền chính, có tiền tế, trung từ và hậu cung. Tiền tế là nơi dâng lễ, trung từ thiết bốn cỗ ngai thờ 4 con trai của ngài là Hưng Vũ vương Trần Quốc Nghĩa, Hưng Hiếu vương Trần Quốc Uy, Hưng Nhượng vương Trần Quốc Tảng, Hưng Trí vương Trần Quốc Nghiễn và bàn thờ của vương tế là Điện súy Phạm Ngũ Lão. Hậu cung còn gọi là thượng điện, thiết 4 án thờ: ở giữa là hai án thờ Hưng Đạo đại vương, Nguyên Từ quốc mẫu (tức Thiên Thành công chúa, phu nhân của đại vương). Hai bên là 2 án vương nữ: Đệ nhất Khâm Từ hoàng thái hậu (tức Quyên Thanh công chúa, con gái thứ nhất, hoàng hậu của vua Trần Nhân Tông) và Đệ nhị Anh Nguyên quận chúa (con gái nuôi, phu nhân của Điện súy Phạm Ngũ Lão). Trong bốn khám thờ chạm trỗ, sơn thếp đều tôn trí tượng đồng.
Hàng năm đền Kiếp Bạc mở hội lớn từ ngày rằm đến 20 tháng 8. Danh hiệu truy phong cao nhất của ngài là Cửu thiên Vũ đế.
Trong hệ thống đền Đức Thánh Trần, Kiếp Bạc là đền thứ nhất, thứ nhì là đền A Sào (ở xã An Thái, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình), thứ ba là đền Bảo Lộc (ở thôn Bảo Lộc, huyện Mỹ Lộc, thành phố Nam Định).
Theo thống kê của GS Vũ Ngọc Khánh thì ở Nam Định có 168 đền thờ Đức Thánh Trần, Hà Nam: 54 đền, Hải Dương: 46 đền, Hưng Yên: 29 đền, Thái Bình: 35 đền, Hà Nội: 53 đền.
B. Tại thành phố Huế, việc thờ phụng Đức Thánh Trần chỉ ghi nhận được từ giữa thế kỷ XIX đến nay. Ngôi đền thờ Đức Thánh Trần đầu tiên tại Huế, được lập năm Tự Đức thứ 9 (1857) tại làng Dương Phẩm, mang tên là Dương Phẩm linh từ, do một vị hưu quan họ Nguyễn Đình quê làng Phước Yên, nay thuộc xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền phát tâm xây dựng.
Năm 1921, Khải Định thứ 6, vua Khải Định mua lại một khu đất lớn tại làng Dương Phẩm trong đó có đền Dương Phẩm linh từ, để xây dựng cung An Định, nên vị thủ từ kế tục là ông Nguyễn Đình Nẫm phải mua một khoảnh đất tại ấp Phủ Tú làng Dương Xuân Hạ của ông Phó Ngự y Lê Văn Nguyên (nay là số 114 đường Phan Châu Trinh, gần cầu Kho Rèn) để xây dựng ngôi đền mới tiếp tục phụng thờ Đức Thánh Trần, gọi là Tân Phẩm linh từ. Công trình được tái lập gồm có tiền điện và hậu điện bằng nhà rường 3 gian 2 chái. Điện thờ đã được vua Bảo Đại ban sắc tứ, cùng lúc với việc ban sắc phong riêng cho Cửu thiên Vũ đế Trần triều Thái sư Thượng phụ Thượng quốc công Nhân Vũ Hưng Đạo đại vương, phong làm Trác vĩ Dực Bảo Trung Hưng Thượng đẳng thần, và sắc phong cho hai em của ngài là Chiếu Minh đại vương, Chiếu Văn đại vương, cùng bốn con trai của ngài đều được phong làm Trác Vĩ Trung hưng Thượng đẳng thần, kể cả phò mã Điện súy Phạm Ngũ Lão.
Tiền điện thiết ba án thờ: hai bên là án thờ Dã Tượng và Yết Kiêu, giữa là án thờ Hưng Đạo đại vương, dưới án là khám hạ thờ Ngũ phương Hổ tướng thần quân (cũng gọi ông Năm Dinh). Hậu điện cũng thiết ba án, án giữa tôn trí tượng đồng Hưng Đạo đại vương, có hai tượng hầu hai bên. Hai án tả hữu thờ tứ vị hoàng tử, nghĩa tế Phạm Ngũ Lão.
Trước điện thờ là ngôi đình tứ giác nóc cổ lâu, hai bên phía trước đắp hai voi chầu, phía sau hai ngựa chầu. Bên trong cổ lầu viết bài văn vần dịch áng Hịch tướng sĩ văn bằng chữ Nôm. Cách một khoảng phía trước là bình phong chạm lộng có bờ nóc đắp lưỡng long triều nhật, gần lề đường là một cổng xây nóc cổ lâu một cửa, mày trên đắp ba chữ Hán “Trần Thánh Điện”, mày dưới bốn chữ “Ngọc Tướng Kim Thần” và dòng chữ quốc ngữ: Đền thờ đức thánh Trần Hưng Đạo, đều đắp sành sứ rực rỡ.
Ngoài Tân Phẩm linh từ, tại Huế từng có 17 ngôi đền thờ vọng Đức Thánh Trần, nhưng trải qua thời gian, nay chỉ còn có bốn đền còn có quy mô và còn đệ tử lui tới hành lễ vào ngày sóc vọng và các lễ vía, lớn nhất là lễ kỵ 20/8 và lễ thánh đản mồng 10 tháng chạp. Đó là Thanh Cao vọng từ, địa chỉ 28/6 đường Nguyễn Khoa Chiêm, vị trí ở dưới chân núi Ngự Bình, do ông Tôn Thất Hội và vợ là Phan Thị Thoại xây dựng năm 1926; Phú Đức vọng từ, địa chỉ số 70 đường Đào Duy Anh phường Phú Bình do ông Trần Bộ Nhuận lập năm Canh Ngọ 1930, Linh Quang vọng từ, địa chỉ số 14 kiệt 320 đường Bạch Đằng phường Phú Hiệp do vợ chồng ông họ Ngụy Như (là thân phụ của GS Ngụy Như Kon Tum) xây dựng, nay do bà Trần Thị Tú trông coi; và Phước Đức vọng từ địa chỉ số 399 đường Chi Lăng phường Phú Hậu, mới trùng tu gần đây nên còn nét tươi tắn, rực rỡ.
Nhìn chung việc thờ phụng cũng tương tự, đại đồng mà tiểu dị đôi chút, do quy mô của đền và hoàn cảnh kinh tế của vị thủ từ.
Trước năm 1975 các đền thờ này đều có đệ tử tham gia vào mỗi phổ khoảng trên dưới 100 người. Trong đó phần lớn là các gia đình có thân nhân mắc bệnh tâm thần, đến xin cầu cúng tại đền, được ứng nghiệm thuyên giảm, nên thường xuyên lui tới hành lễ với tâm niệm biết ơn Đức thánh.
Sau 1975 số đệ tử giảm dần, chỉ còn rải rác vài mươi người, nhưng với lòng thành kính và truyền thống gia tộc, các gia đình thủ từ vẫn siêng năng hương khói phụng thờ mỗi dịp sóc vọng, lễ vía.
Xét văn sớ cầu cúng của các đền tại Huế, thấy rõ sự dung hợp Phật - Thánh, sự dung hợp Phật - Đạo, thể hiện ở lời cầu khấn “Phật Thánh đài tiền phủ thùy chiếu giám, thể nạp phàm tình”.
Đối tượng cụ thể, đầu tiên là: Bổn từ Linh Quan trấn thủ tôn thần, để xin xét duyệt mà dâng tấu lên: Cửu thiên Vũ đế Trần triều hiển thánh Nhân Vũ Hưng Đạo đại vương.
Lại kính cẩn cầu một tập hợp gồm Ngọc Hoàng thượng đế, Bắc Cực Tử Vi đại đế, Nam Tào diên thọ, Bắc Đẩu giải ách (đều của Đạo giáo), tiếp đến là Thập phương quá khứ, hiện tại, vị lai chư Phật, Hiền Thánh tăng, Quán Thế Âm Bồ Tát (Phật giáo đại thừa). Kế đến là Phú Hữu đế quân, Thuần Dương Lữ Đế tổ sư (Đạo giáo). Đồng thời cáo với Thánh phụ, Thánh mẫu, Vương phi, Hoàng đệ, Hoàng tử, Hoàng nữ, Vương tế của Đức Thánh Trần, cũng như các vị thần quan, gồm:
- Tam tòa hội đồng, Tả hữu văn võ lưỡng ban, Chư vị phối thờ.
- Ngũ phương Hổ tướng thần quan.
- Bổn từ chưởng thủ liệt vị thần quan.
- Bổn cảnh Thành hoàng tôn thần, Thổ địa phước đức chánh thần.
- Phong đô thoải phủ liệt vị thần quan.
Và Thiên thiên lực sĩ, vạn vạn hùng binh đồng thùy chiếu giám.
Hơn 10 năm gần đây, ban chấp hành họ Trần tỉnh Thừa Thiên Huế thiết lập 3 án thờ vọng liệt tổ vương triều Trần, Đức Thánh Trần và Chiêu Minh vương Trần Quang Khải tại chùa Quảng Tế (đường Thanh Hải, Huế) để cử hành 2 lễ: lễ giỗ liệt tổ vương triều Trần 18 tháng giêng và lễ tưởng niệm anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo vương và Thái sư Trần Quang Khải vào 20 tháng Tám.
Đó cũng là cách biểu lộ lòng tri ân của hậu thế đối với một vương triều anh hùng và các vị anh hùng dân tộc đời Trần đã đóng góp to lớn vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ đất nước, và phát triển văn minh Đại Việt trong hai thế kỷ XIII, XIV.
TRẦN ĐẠI VINH([1])