Lộc Minh Đình thời điểm 2001. Ảnh: TL
Lộc Minh đình là nhà riêng của Ưng Bình Thúc Giạ Thị tọa lạc trong “Châu Hương viên”, vườn Châu Hương thôn Vỹ Dạ. Nơi đây, cụ Ưng Bình từng dưỡng nhàn lúc về hưu. Theo nhà văn Phù Giang Phan Thế Roanh, “tiên sinh tình người vui vẻ, cử chỉ tự nhiên, đức độ khác thường, lại thêm hiếu khách, cho nên tiên sinh đã được bạn tác nể vì, Nhân dân mến phục. Đối với một người giàu tình cảm, sẵn hoa cốt, lại sành âm nhạc nhất là các điệu tuồng cổ, hò mái nhì, ca Huế. Tiên sinh thường tự soạn khúc hát, tự cầm roi chầu, cười nói phong lưu, khiến ai cũng nhận thấy ở tiên sinh có một tâm hồn nghệ sĩ: “Cần ca thi tửu quên đầu bạc/Phong nguyệt giang san nhớ tuổi xanh” (1). Cũng tại tư thất Lộc Minh đình, tiên sinh đã làm riêng một bài thơ cảm vịnh, theo điệu ngũ ngôn cổ thể, để tạ lòng tri kỷ:
“Đã mấy mươi năm trời,
Về hưu ở với ngươi
Nhờ ngươi chỗ thờ tự,
Nhờ ngươi chỗ nghỉ ngơi
Nhờ ngươi mới mạnh khỏe,
Nhờ ngươi mới thảnh thơi.
Vợ đau nằm có chỗ,
Con học ngồi có nơi.
Khi láng giềng qua lại,
Khi bạn hữu tới lui.
Khi câu thi chải chuốt,
Khi chén rượu đầy vơi.
Tiếng oanh chào trước ngõ,
Cụm hoa nở ngoài cươi.”(2)
Bên ngoài Lộc Minh đình là khu vườn có chiếc cổng vòm, trên đề ba chữ “Châu Hương viên”, cùng câu đối nôm:
Ưng đọc thi tiên, thẳng đó một đường lên Vỹ Dạ
Muốn nghe kinh Phật, cách đây vài cửa đến Ba La
Nghệ nhân, nghệ sĩ CLB Ca Huế thính phòng biểu diễn ca Huế tại Châu Hương Viên nhân ngày giỗ của cụ Ưng Bình Thúc Giạ Thị. Ảnh: Trang Hiền
Nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương cho biết: “Nguyên cái cổng xây bằng vôi đã trên 30 năm. Đến thời Ngô Đình Diệm, người ta mở đường rộng để đi Thuận An, nên cái cổng xưa với đôi câu đối phải phá đi. Thầy tôi phải trồng hai bên hai bụi tre vàng để thay cửa ngõ”(3). Năm cụ Ưng Bình Thúc Giạ Thị 81 tuổi, cụ làm bài thơ “Mời bạn chơi Tết năm Đinh Dậu, 1957”
“Trên Vỹ Dạ, dưới làng Tây (4)
Tu Phật tu tiên ở chốn này.
Phủ đệ ngày Vương Tuy Lý đó,
Chùa chiền cụ Bố Nguyễn Khoa đây.
Đài xuân thị liễu câu ca mới.
Bến Cạn con đò tiếng hát hay.
Chủ Lộc Minh đình đưa đón khách,
Gọi là thi tửu Tết năm nay”(5)
Theo nghiên cứu của chúng tôi, năm 1933 cụ Ưng Bình Thúc Giạ Thị cùng một nhóm thi hữu tri giao lập ra ở chốn đình lưu, gọi là Lộc Minh đình, một thi đàn đặt tên là Vỹ Hương thi xã do cụ Ưng Bình làm chủ soái; đến năm 1950, đổi tên là Hương Bình thi xã, thế là từ đó trở đi:
Kinh địa có Hương Bình thi xã,
Nhân vật đều trang nhã nho phong.
Nỏ ai vô đó lạ lùng,
Chỉ trong con cháu Tiên Rồng gặp nhau.
Nơi đây các thi hữu đã hòa đồng nhịp sống với các bạn đồng thanh đồng điệu. Thế là ngôi nhà cổ kính, lẫn bóng giữa một khu vườn tươi thắm ở thôn Vỹ Dạ lúc nào cũng nghe thấy cung đàn điệu hát, hoặc giọng ngâm thơ lẫn với tiếng hò...
Chiều chiều trước bến Văn Lâu
Ai ngồi, ai câu, ai sầu, ai thảm
Ai thương, ai cảm, ai nhớ, ai trông
Thuyền ai thấp thoáng bên sông
Đưa câu mái đẩy chạnh lòng nước non
Câu hò mái nhì thiết tha tình yêu nước ấy đã có một thời nhiều người tưởng là câu hát dân gian. Nhưng, thật thú vị, tác giả “câu hát dân gian” lấp lánh vẻ đẹp của viên ngọc ngôn ngữ ấy lại là một vị vương tôn triều Nguyễn, một bậc quốc lão thi ông: Ưng Bình Thúc Giạ Thị.
Ngày 4/4/1961, cụ Ưng Bình Thúc Giạ Thị tạ thế tại Huế, trong ngôi nhà cổ Lộc Minh đình, thọ 85 tuổi. Tuy nhiên, ngôi nhà đã trải qua thời gian dài chỉ còn lưu dấu ấn lịch sử rêu phong, bởi mưa gió và hiện nay có nguy cơ sập đổ. Thiết nghĩ, các cơ quan hữu trách nên tiến hành khảo sát hiện trạng ngôi nhà rường Lộc Minh đình; đây là một địa chỉ mang dấu ấn văn hóa lịch sử của Cố đô Huế.
-------------------
(1) Trọng Đức, Ưng Bình Thúc Giạ Thị (1877 – 1961), Văn hóa nguyệt san, số 62, tháng 7/1961, tr.776/90, 783/97.
(2) Trọng Đức, Ưng Bình Thúc Giạ Thị (1877 – 1961), Văn hóa nguyệt san, số 63, tháng 8/1961. Tr.946/88
(3) Ưng Bình Thúc Giạ Thị, Tiếng hát sông Hương, Tôn Nữ Hỷ Khương, xuất bản 1972, tr.42. Tôn Nữ Hỷ Khương, Hồi ức về cha tôi Ưng Bình Thúc Giạ Thị, Nxb Văn nghệ TP.HCM, 1996, tr.21.
(4) Làng Tây tức làng Tây Thượng, chỗ giáp với làng (thôn) Vỹ Dạ.
(5) Ưng Bình Thúc Giạ Thị, Đời Thúc Giạ - Thơ từ 1942 – 1960, Nxb Bốn Phương, 1961, tr 132.
Theo Hồ Vĩnh - Báo Thừa Thiên Huế