Từ nay, trên các nẻo đường xứ Huế, không còn hình ảnh một mái tóc trắng bềnh bồng vẫn thường dạo quanh các vỉa phố trên chiếc xe đạp. Từ đây, trên văn đàn sẽ không còn những bài viết, truyện ngắn, những câu thơ mới của nhà thơ Nhất Lâm.
Vẫn hình ảnh mái tóc trắng bềnh bồng trong nắng gió, trên chiếc xe đạp cũ của những năm 1980, anh đi khắp phố phường từ thành cổ Quảng Trị đến Cố đô Huế và qua nhiều vùng đất khác tìm cảm hứng sáng tác.
Cách đây ba năm, anh được chẩn đoán bị bệnh tim do hẹp động mạch vành, nhưng do hẹp nhiều đoạn, cộng với tuổi cao nên không can thiệp y khoa qua phẫu thuật. Dù đã có tuổi và bệnh lý, nhưng sức lao động và bút lực của anh còn hơn rất nhiều người viết trẻ. Sau tiểu thuyết “Xa Hà Nội” là chương trình tác giả tác phẩm của Tạp chí Sông Hương giới thiệu tiểu thuyết “Người tù thông minh” viết về nhà thơ, nhà cách mạng Vĩnh Mai mà anh rất quý trọng, đã được nhiều độc giả đón nhận.
Một ngày trước lúc qua đời, anh ngồi nán lại cùng tôi… ở cà phê vỉa hè, rồi “khẩu” lần cuối với cơn gió chướng và áng mây xám xịt. Chúng tôi nói về “Sống để chết” là tác phẩm công bố sau cùng trước khi anh mất, do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành, nhà thơ Hải Trung trình bày bìa. Trưa hôm ấy, anh nói mệt, nhưng đang viết tiểu thuyết cuối cùng “Máu của Mẹ” đã được 150 trang, dự kiến khoảng 500 trang và mong muốn in ở Huế như một kỷ niệm với vùng đất anh đã sống và gắn bó. Anh còn nói sẽ ra Quảng Trị lo việc kỵ giỗ cho mẹ anh, rồi cuối đời đưa “phu nhân” về quê sống hết tuổi già… Vậy là từ hôm nay, vỉa hè văn chương sẽ vắng một cây bút của rất nhiều thể loại, từ thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết, bút ký và đặc biệt trong làng báo luôn nhớ đến loạt bài viết gây chấn động của nhà báo Nhất Lâm, loạt bài tiên phong cho cuộc chiến chống tham ô lãng phí thời kỳ đổi mới như: “Hội chứng xe xịn”, “Già làng”…
Còn nhớ mới ngày nào, anh cầm trên tay tập thơ của anh bạn thơ Tôn Phong, đi gõ cửa từng người để vận động quyên góp in di cảo thơ cho Tôn Phong. Anh cũng là người sống trọng tình nghĩa với anh em bạn bè, cho dù bạn đã qua đời gần 15 năm. Cho đến những ngày cuối cùng anh vẫn lạc quan, yêu đời và lao động miệt mài trên cánh đồng chữ, sự nghiệp với hơn 18 đầu sách nhiều thể loại, với văn xuôi: Kinh thành bỏ ngỏ, Trăng viễn du, Đồi không tên, 12 con Giáp, Phương Xích lô đời và thơ, Suối Tiên tắm, Đêm phù thủy, Xa Hà Nội, Người tù thông minh, Sống để chết,… cùng với các tập thơ: Thức với mùa trăng, Tiếng khóc và lời ru, Vú đá, Tiếng mưa, Nhật thực và những bản thảo chưa in: Khách sạn giữa rừng, Trở lại Sài Gòn, Hóc xương, Máu của mẹ,…
Nhà văn Nhất Lâm tên thật là Đoàn Việt Lâm (Hoàng Thơ), quê ở làng An Tiêm, xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, là hội viên Hội Nhà văn Thừa Thiên Huế. Ông sinh năm 1936 (ngày sinh theo chứng minh nhân dân 32/13/1936), mất vào lúc 5 giờ ngày 30/08/2016, tang lễ tổ chức tại Nhà văn hóa khu tập thể Đống Đa, số 29 đường Lê Hồng Phong, thành phố Huế. An táng tại nghĩa trang quê nhà.
CHIÊU HỒN
Gửi lại thiên thu cho hồ than thở
Đà Lạt ơi ta tỉnh chiều say
Dáng người từ dốc đời về phố
Như bóng thông chất ngất vờn mây
Những ước muốn tàn dần bên thác rượu
Gió ru ta khúc nhạc chiêu hồn
Thơ đã cạn khi hồn nổi loạn
Ta chiêu hồn và xin bạn hãy giùm chôn
Dã quỳ vàng chắc gì có thật...
Một trời hoa Đà Lạt giúp gì ta...
Những cuộc rượu bạn về tao ngộ
Để nguôi ngoai say lịm quên nhà
Chỉ có em dìu ta như mộng
Áo ướt mềm Đà Lạt dày sương
Ngày nắng vàng hanh hao ta tỉnh
Chừ đêm say mớ ngủ Xuân Hương
Tóc em xõa ấm đầy từ tạ
Một mai kia còn nhớ những ngày
Trong khoảnh khắc đêm dày thu ấy
Tán bách tùng rũ bóng hồn cây
Trăng một nửa bên bồ sắp rụng
Giúp gì ta một mảng sáng hờ
Dìu nhau đi ta chào phố núi
Ai chiêu hồn... ta chiêu hồn thơ.
Theo Hoàng Diệp Lạc - Báo Thừa Thiên Huế