Văn hóa Huế
Sách vàng triều Nguyễn: Dòng lịch sử huy hoàng và bất diệt
09:28 | 02/04/2020

Một trong những nguồn thư tịch cổ quý hiếm trong lịch sử thành văn Việt Nam là những quyển sách được làm bằng vàng, bạc và đồng. Trong nội dung trưng bày mang chủ đề “Quốc hiệu và Kinh đô Đại Việt qua các thời kỳ lịch sử” tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam, Kim sách triều Nguyễn được đông đảo dân chúng quan tâm không chỉ bởi vẻ đẹp tinh xảo của cuốn sách mà còn bởi trong đó chứa đựng một dòng lịch sử huy hoàng và bất diệt.

Sách vàng triều Nguyễn: Dòng lịch sử huy hoàng và bất diệt
Kim sách là một trong những di sản lịch sử quý giá (ảnh chụp hiện vật tại Bảo tang lịch sử quốc gia VN)
Thư tịch cổ của nhà Nguyễn có nhiều chất liệu và loại hình phong phú nhất so với các triều đại phong kiến khác trong lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam. Kim sách triều Nguyễn là di sản quý giá cả về văn bản học, nghệ thuật đúc, khắc... của tiền nhân.
 
Triều Nguyễn tồn tại gần 150 năm (1802 - 1945) với 13 triều vua, đã cho đúc số lượng kim sách vô cùng lớn. Sự ra đời, mục đích, nội dung của kim sách hầu hết được ghi chép đầy đủ trong các thư tịch cổ đương thời như “Đại Nam thực lục”, “Đại Nam liệt truyện”, “Khâm Định Đại Nam hội điển sự lệ”... Lâu nay nhiều người vẫn nghĩ số kim sách này đã bị thất lạc hết hoặc không rõ số phận chúng ra sao. May mắn thay, hiện Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam đang lưu giữ một sưu tập gồm những kim sách quí nhất, quan trọng nhất và linh thiêng nhất của vương triều Nguyễn.
 
Theo Ths. Nguyễn Quốc Hữu - Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam, Kim sách Triều Nguyễn là một loại thư tịch cổ đặc biệt, thường được làm bằng vàng, bạc hoặc bạc mạ vàng để ghi lại sắc mệnh, chiếu dụ vua ban về các việc chính sự, lễ nghi triều đình. Đó là sự kiện các hoàng đế lên ngôi, lập hoàng thái tử, tấn phong hoàng hậu, vương phi hoặc ghi công, phong tước và dâng, ban tôn hiệu, thụy hiệu cho hoàng thân, quốc thích... Việc chế tạo kim sách giao cho Hữu ty thuộc bộ Lễ thực hiện. Lời sách do đích thân các hoàng đế tự biên soạn hoặc sai các danh nho, đại thần đương thời chấp bút.
 
Quy cách kim sách được điển chế vương triều quy định rất nghiêm cẩn. Tùy theo tước hiệu được tôn phong cao thấp khác nhau mà chất liệu, kích thước, trọng lượng và số tờ kim sách khác nhau. Theo sách Đại Nam thực lục, năm 1816, hoàng đế Gia Long lập hoàng đế kế vị Minh Mệnh, ban cho kim sách, kim bảo. Sách dùng 5 tờ vàng, dài 5 tấc 6 phân 6 li ngang 2 tấc 2 phân 4 ly, mỗi tờ dầy 2 ly; ấn đúc bằng vàng, núm bằng con rồng ngồi, vuông 2 tấc 4 phân 3 ly, dầy 3 phân 2 ly, khắc bốn chữ triện “Hoàng Thái tử bảo”. Còn các hoàng thân, hoàng tử, hoàng tôn khi được phong tước công hầu thì dùng sách bạc mạ vàng 5 tờ, dài 5 tấc 4 phân, ngang 3 tấc 2 phân 4 ly, mỗi tờ dầy 2 ly.
 
Năm 1836, hoàng đế Minh Mệnh ra quy định, Hoàng quý phi dùng sách vàng. Lục phi dùng sách bạc mạ vàng. Cửu tần cùng với các tiệp dư, quý nhân, mỹ nhân, tài nhân dùng sách bạc. Tài nhân không vào ban thứ nào dùng lụa màu. Nữ quan, từ thủ đẳng đến hạ đẳng dùng giấy vẽ rồng.
 
Ths. Nguyễn Quốc Hữu: Đây là di sản vô giá của triều Nguyễn để lại cho con cháu đời sau. Các hiện vật này vừa có giá trị về mặt kinh tế, chất liệu bằng vàng rất nhiều, vừa đặc sắc về mặt nghệ thuật, toàn bộ những cuốn sách đều do những nghệ nhân giỏi nhất cả nước tập trung vào xưởng của triều đình được Vua giao cho làm.
 
Thứ hai là giá trị về mặt tư tưởng đạo đức, nhất là đạo hiếu được triều Nguyễn rất đề cao. Mỗi một cuốn sách là một văn bản độc lập về một nhân vật. Qua cuốn sách này chúng ta hình dung được rõ hơn, chân thực hơn về một nhân vật của triều đại nhà Nguyễn.

Bố cục sách văn thường gồm 3 phần: Mở đầu ghi niên hiệu và tên người dâng, ban kim sách; chính văn nêu lý do, ca ngợi phẩm hạnh, công đức người được dâng, ban kim sách và cuối cùng là tước hiệu được tôn, phong cùng những lời chúc tụng, những điều răn bảo cho được xứng với tước hiệu mới. Nội dung kim sách không những chứa đựng những thông tin giá trị về lịch sử, tư tưởng đạo đức, điển chế, điển lễ đương triều mà còn phản ảnh chân thực chân dung cuộc đời, sự nghiệp của các hoàng đế và các nhân vật ghi trong kim sách.
 
Nội dung kim sách có thể chia theo các nhóm chủ đề: Truy tôn thụy hiệu, miếu hiệu; Các hoàng đế đời sau truy tôn thụy hiệu, miếu hiệu cho hoàng đế đời trước; Các hoàng đế lên ngôi; Các hoàng đế phong lập hoàng thái tử và phong tước cho các hoàng tử; Kim sách về việc giáng chức; Kim sách dùng để đặt tên cho hoàng đế nối ngôi, đặt tên lót và phân biệt thế thứ, thân sơ giữa dòng đế và các dòng phiên…Mặc dù quy định về kim sách rất nghiêm ngặt, nhưng tùy tình hình thực tế mà các hoàng đế đương triều cũng có những thay đổi linh động, mềm dẻo cho phù hợp.
 
Kim sách làm theo khổ chữ nhật đứng, bìa trước và sau trang trí hình rồng năm móng hoặc hình phượng, gáy đóng bốn khuyên tròn. Sự ra đời, mục đích, nội dung của kim sách hầu hết được ghi chép trong các sách do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn như “Đại Nam thực lục”, “Đại Nam liệt truyện”, do Nội các triều Nguyễn biên soạn như Khâm định “Đại Nam hội điển sự lệ”... Bởi vậy, mỗi quyển kim sách là độc bản, không những chứa đựng các thông tin giá trị về lịch sử, văn hóa của triều đại mà còn là một di sản vô giá
 
Những cuốn kim sách là những bảo vật độc bản, được chế tác rất tinh xảo đạt đến trình độ cao về mặt mỹ thuật và kỹ thuật. Trong suốt 143 năm của triều đại nhà Nguyễn với chín chúa, mười ba vua và vô vàn hoàng hậu, hoàng thái tử, hoàng tử, công chúa.v.v... chắc chắn số lượng kim sách được làm phải nhiều không đếm xuể. Thật tiếc, những báu vật này đã bị hủy hoại gần hết.
 
Sau thất bại trong cuộc chiến đấu chống quân xâm lược Pháp và buộc phải ký hòa ước Nhâm Tuất (1862) với thực dân Pháp, vua Tự Đức (1848 - 1883) phải thu gom gần như toàn bộ vàng thoi, bạc nén trong quốc khố để bồi thường chiến phí cho liên quân Pháp và Tây Ban Nha, số tiền được quy đổi thành 2.880.000 lạng bạc. Do quốc khố không có đủ vàng thoi nên vua Tự Đức phải thu hồi một số bảo vật bằng vàng và bạc đang trưng bày trong các cung điện, đúc thành thoi vàng và nén bạc trả để trả cho người Pháp. Theo ông Phan Thuận An, nhà nghiên cứu văn hóa Huế: Năm 1869, vua Tự Đức ra lệnh cho các hoàng thân, hoàng tử, công chúa... nộp lại kim ấn và kim sách mà triều đình đã ban cho họ trước đây, đúc thành 135 đĩnh vàng để triều đình tiêu dung, gây bao nuối tiếc.
 
Kim sách không chỉ phản ánh giá trị lịch sử mà nó còn thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, sự quan tâm với tổ tiên, ứng xử với những người có công với triều đại nhà Nguyễn. Số lượng kim sách được ban ra, truy tôn, truy phong, dành cho bậc tổ tiên rất lớn. Điều này cho thấy nhà Nguyễn đặc biệt coi trọng chữ hiếu. Đó là một truyền thống đạo đức mà đối với triều đại nào cũng đáng tôn vinh. Theo đánh giá của các nhà khoa học, Kim sách còn chứa đựng nhiều thông tin giá trị về lịch sử văn hóa và nghệ thuật đỉnh cao của các nghệ nhân, thợ thủ công cung đình xưa.
 
 
Theo Bảo Thoa - laodongthudo.vn
 
 
 
 
 
 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng