Văn hóa Huế
HÁT CHẦU VĂN TRONG TÍN NGƯỠNG THỜ MẪU Ở HUẾ
17:26 | 05/08/2020

VĨNH PHÚC

Hát Chầu văn Huế được hình thành và phát triển trên cơ sở kế thừa vốn âm nhạc truyền thống của dân tộc để phục vụ cho mục đích tín ngưỡng của các tín đồ thờ Mẫu. Nó mang những giá trị văn hoá tinh thần rất sâu sắc, vừa thể hiện nhu cầu thẩm mỹ vừa thể hiện ước vọng tâm linh của con người trong cuộc sống. Vì vậy, âm nhạc Chầu văn Huế không chỉ là một hình thức sinh hoạt tín ngưỡng - văn hoá cộng đồng mà còn là một loại hình âm nhạc dân gian độc đáo cần được giữ gìn và phát huy trong đời sống hiện đại để làm phong phú thêm món ăn tinh thần cho người dân.

HÁT CHẦU VĂN TRONG TÍN NGƯỠNG THỜ MẪU Ở HUẾ

1. Khái lược về tín ngưỡng thờ Mẫu

Sơn Tinh, Chử Đồng Tử, Thánh Gióng, Bà Chúa Liễu là tứ bất tử, trong đó vị bất tử thứ tư kể trên trở thành tổ của một “Đạo thờ Mẫu” được coi là một thứ tín ngưỡng mang tính dân gian và tính thuần Việt so với các tôn giáo ngoại lai. Mẫu được duy trì như một tôn giáo bản địa. Đây chính là cội nguồn văn hóa cổ xưa còn được giữ lại.

Đạo Mẫu hình thành và phát triển trên đất nước ta được chia ra 3 thời kỳ đáng chú ý:

+ Thời kỳ sơ khai được hình thành vào thế kỷ thứ XVI và XVII, lập và tạo dựng đền “Phủ Giày” ở quê Mẫu, tiếp đó là Đền Sòng nơi Mẫu hiển linh, có sự chứng giám sắc phong của nhà nước phong kiến lúc bấy giờ. Đây cũng là thời kỳ mà các nhà nghiên cứu cho rằng: một hiện tượng biểu thị sự giác ngộ tinh thần dân tộc của lớp nho sĩ thời bấy giờ, họ khát khao hướng tới một kiểu tôn giáo có sắc thái riêng của Việt Nam.

+ Thời kỳ phổ biến sâu rộng việc thờ Mẫu (mẹ). Cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, các Điện thờ được xây dựng mọc lên khắp nơi. Nhân dân nô nức kéo nhau đi tham gia lễ hội các nơi như: Phủ Giày, Đền Sòng, Điện Hòn Chén, Núi Bà Đen…Hiện tượng này thể hiện một tâm thức hướng về cội nguồn khi đất nước rơi vào sự đô hộ của thực dân Pháp(1).

+ Thời kỳ các đình chùa, miếu mạo được chú ý và phục hồi. Hằng năm các lễ hội dân gian làng, xã được tổ chức vui chơi như ngày hội. Đạo Mẫu được thịnh hành, bén rễ sâu trong nhân dân.

Như vậy, tín ngưỡng thờ Mẫu là một một trong những hình thức tín ngưỡng dân gian khá phổ biến ở Việt Nam, có nguồn gốc sâu xa từ tục thờ Mẹ của cư dân nông nghiệp nhằm đề cao vai trò, chức năng thiêng liêng của người phụ nữ trong cuộc sống. Trong quá trình tiếp thu văn hoá Trung Hoa thì tín ngưỡng thờ Mẹ mang tính bản địa này đã phần nào chịu ảnh hưởng “từ Đạo giáo phù thủy từ Trung Quốc truyền sang”(2) mà biểu hiện cụ thể “như lên đồng, dùng bùa yểm chú trừ tà ma, trị bệnh bằng phương thuật phù thủy...”(3). Nhưng người Việt đã dựa trên nền tảng của niềm tin về các nữ thần để tiếp thu, biến đổi những yếu tố ngoại lai cho phù hợp với màu sắc tín ngưỡng dân gian Việt, hình thành nên tín ngưỡng thờ Mẫu mang nét văn hoá tâm linh rất độc đáo. Tuy nhiên, do truyền thuyết về sự linh ứng của các vị nữ thần ở mỗi địa phương khác nhau nên hệ thống thờ tự thánh Mẫu cũng không thống nhất mà có sự biến đổi tuỳ theo vùng miền, trong đó vị trí tối thượng của ba vị nữ thần tiêu biểu cho ba miền: Mẫu Liễu Hạnh (Vân Cát Thần nữ) phổ biến ở miền Bắc, Thiên Y A Na (Poh Nagar) ở miền Trung, Bà Đen (Muk Juk) ở miền Nam.

Mẹ là nguồn gốc của sự sống, thờ Mẹ, Mẫu chính là Đạo. Trong quá trình biến động của lịch sử, ảnh hưởng quan điểm về vũ trụ: Ngũ hành tương sinh tương khắc sinh” ít nhiều có ảnh hưởng chi phối đến tôn giáo - tín ngưỡng thờ Mẫu của ta trong sự hình thành tín ngưỡng “Tứ phủ” (Thiên phủ - Địa phủ - Thoải phủ - Nhạc phủ). Trời đất, sông nước, núi rừng, hình tượng người mẹ luôn luôn được nhắc tời một cách thành kính, trang trọng, tin yêu trong tâm thức. Trời thì có Mẫu Thiên, Đất thì có Mẫu Địa, Sông nước biển cả thì có Mẫu Thoải (Thủy) và núi rừng thì có Mẫu Thượng Ngàn (Nhạc Phủ).

Đó là các Thánh Mẫu được tôn thờ trong thiên hạ, nó gắn với quá trình lịch sử dựng nước và giữ nước, phù hợp với đáp ứng được nguyện vọng tha thiết, đòi hỏi của người dân bình thường, gần gũi đời sống con người thực và đời sống tâm linh.

Đất và nước, núi và sông cũng đều có mẹ, có mẹ đất mẹ nước, mẹ núi, mẹ thiên…, tôn vinh đức Mẫu (mẹ) là niềm tín ngưỡng chân thành, sâu sắc rất Việt Nam. Kiếm tìm một thần linh nào đó cũng cốt chỉ nhờ trợ giúp tinh thần để con người tăng thêm sức mạnh, vững niềm tin. Người Mẹ lúc này gần gũi xiết bao! Từ tâm thức con người hiểu như thế và cũng từ đó ra đời sự tôn thờ Mẹ nước, Mẹ rừng, nhân dân thường gọi Mẫu Thoải (Thủy), Mẫu Thượng Ngàn gọi là “Thủy cung thánh mẫu”, “Lâm cung thánh mẫu”. Như vậy, “Tín ngưỡng tứ phủ” có đầy đủ: Thiên phủ, Địa phủ, Sơn phủ (hoặc Nhạc phủ) và Thoải phủ (hoặc Thủy phủ).

Nữ thánh Liễu Hạnh là tấm gương người phụ nữ đầy đủ tài đức được nhân dân tôn thờ và càng ngày được chồng chất những lớp bổ sung để thấy rõ nhân cách của vị thánh bất tử.

2. Tín ngưỡng thờ Mẫu ở Huế

Cũng như ở Tháp Bà tại Nha Trang - nơi thờ nữ phần Po Nagar của người Chàm, có một bài văn bia cho khắc vào bia đá của Phan Thanh Giản ghi lại truyền thuyết Thiên Y Ana là con của Ngọc hoàng Thượng đế đã giáng sinh tại nơi đây…thì  ở Huế, cũng có truyền thuyết người đàn bà thần tiên đã xuất hiện để giúp đời là địa điểm núi Ngọc Trản thuộc làng Hải Cát. Dân làng liền dựng lên một ngôi đền tại hòn núi này để thờ bà. Nhưng ngôi đền đã có ở đây từ bao giờ thì không ai biết rõ. Theo tinh thần một tờ thần sắc do Vua Minh Mạng ban cho đền Ngọc Trản đề ngày 8/5/1834 thì đền đã có tại chỗ dưới thời Gia Long (1802 - 1819). Chắc hẳn kiến trúc của đến bấy giờ còn rất đơn giản. Dù sao sử sách Triều Nguyễn cũng ghi rõ rằng vào tháng 3/1832 vua Minh Mạng đã cho tu sửa và mở rộng đền. Sau đó 2 năm đền lại được trùng tu. Năm 1886, sau khi tức vị, vua Đồng Khánh liền cho xây lại đền này một cách khang trang, làm thêm nhiều đồ tự khí để thờ và đổi tên ngôi đền thành ra Huệ Nam Điện để tỏ lòng biết ơn thánh mẫu. Huệ Nam nghĩa là ban ân huệ cho nước Nam, vua Nam. Huệ Nam Điện ra đời từ đó, với một quy mô quốc gia, được nâng lên hàng quốc lễ, thờ Thánh Mẫu Thiên Y A Na. Dưới thời vua Đồng Khánh “là lúc tín ngưỡng thờ Mẫu đạt đến điểm cực thịnh, điện Huệ Nam trở thành trung tâm thờ Mẫu được chính quyền phong kiến thừa nhận và nhân dân thường xuyên lễ bái. Từ đó, lễ vía Mẹ được vua Đồng Khánh xem như quốc lễ và điện Hòn Chén đã trở thành trung tâm hành hương của tín đồ thờ Mẫu(4).

Tại Bắc Bộ, cơ bản là hệ thống Tứ phủ, tại đất Champa cũ là Mẹ Thiên Y A NA. Theo bước chân của người Việt, khi tiến về phương Nam, bà Thiên Y A NA nhiều khi hội nhập với Mẫu Việt để có lúc đồng hóa với Thánh Mẫu Liễu Hạnh trở thành Thiên Tiên Thánh Giáo. Hai dòng chảy của việc thờ Mẫu Nam - Bắc ấy tụ hội với nhau tại Huế làm nảy sinh ra điện Hòn Chén bên bờ Sông Hương, một thắng tích của cố đô(5), gọi là tín ngưỡng thờ Mẫu.

Điện Hòn Chén được du khách biết đến không chỉ là một di tích tôn giáo nổi tiếng và còn là một thắng cảnh xinh đẹp hữu tình, cây cối xanh tươi, quanh năm soi bóng xuống dòng Hương. Trong bóng cây cổ thụ có thấp thoáng mái điện rêu phong, có hình chim phụng đang vỗ cánh bay lên trời. Năm 1886 vua Đồng Khánh đã ví toàn cảnh của Điện Hòn Chén như sư tử đang vươn đầu uống nước dưới sông Hương.

Ngày nay, tại điện Hòn Chén các “Tôi con đệ tử” của đạo Thiên Tiên Thánh Giáo vẫn cứ cử hành một cách không chính thức, mỗi năm đến 15 lễ vía khác nhau. Trong đó lễ Tế thu vào đầu tháng 7 âm lịch là trọng thể nhất vì đây vừa là ngày hội tại đền, vừa là ngày lễ rước sắc hàng năm của dân làng Hải Cát.

Tổng hội Thiên Tiên Thánh Giáo thành lập năm 1953, một tổ chức tôn giáo quy tập đông đảo tín đồ thờ Mẫu thuộc nhiều tầng lớp, khởi phát từ giới quan lại, thượng lưu quý tộc… mà điện Huệ Nam - Hòn Chén là một trong hai thánh địa của Thiên Tiên Thánh Giáo tại miền Trung(6)

Mỗi năm, ngày 1/7 người ta đi xin keo để biết ý Thánh Mẫu (Thiên Tiên Thánh Giáo) chọn ngày nào trong những ngày từ mồng 8 đến 12 tháng ấy. Theo lệ cũ, lễ được cử hành trong 2 ngày liên tiếp. Trong những ngày ấy “Tôi con đệ tử” dù ở các tỉnh xa xôi cũng cố gắng về hành hương ở điện Hòn Chén - được xem như đất thánh của họ. Họ tập trung về đây trước đó cả mấy hôm rồi lên bằng xe, bằng thuyền trong những bộ y phục sặc sỡ, cổ xưa nhất.

Cuộc hội hè diễn ra rất tưng bừng, náo nhiệt từ chiều ngày đầu tiên, thâu đêm cho đến buổi sáng ngày thứ ba.

Ngày xưa, Triều đình nhà Nguyễn thường cử một đại thần thay mặt vua lên đền dự lễ cho thêm phần trọng thể.

Trong không khí nhộn nhịp, nô nức của hàng ngàn tín đồ tham dự, trong cung đàn tiếng phách dập dồn, trong điệu Chầu Văn du dương, trầm bổng, trong mùi vị hương trầm hoa quả tỏa ngát cả một vùng núi sông thơ mộng trữ tình, họ bị lôi cuốn một cách dễ dàng vào một thế giới khác do chính họ tưởng tượng ra, trong đó họ trở thành Thánh Mẫu, Chúa Thượng Ngàn, các cô, các cậu...họ nhảy múa với một dáng điệu, ngôn ngữ lạ thường.

Trong khi đó, dân làng Hải Cát đã tề tựu đông đảo tại Đình làng vào ngày thứ hai, đi trên những chiếc thuyền có đủ hoa thường gọi là Đò Ấn hoặc 2 chiếc kết lại với nhau gọi là Bằng hoặc Lâu Bằng, về Đền rước những cái sắc mà Triều Nguyễn đã phong tặng cho Đền, đưa lên đặt ở Đình để làm lễ tế. Sáng hôm sau, họ lại rước về trả lại đền thờ. Trong những dịp rước kiệu như thế, phần lớn các tín đồ đều hóa trang làm thánh thần, làm chư ông, chư cô hoặc đội lốt người và thú vật sống trên rừng nữa, như Chúa Thượng Ngàn hoặc “ông hổ” chẳng hạn.

3. Hát Chầu văn Huế

Trong âm nhạc truyền thống Huế, Hát Chầu văn là một thể loại âm nhạc nghi lễ tín ngưỡng dân gian, gắn với tục thờ Mẫu có cội rễ sâu xa trong lịch sử văn hóa dân tộc, mà đã nhiều thời như một nhu cầu tâm linh của người dân Việt.

Chầu văn Huế được phát triển rất nhiều nơi và phổ cập từ thành phố đến nông thôn ở Thừa Thiên Huế. Ngoài ra, nó còn được vươn xa và sử dụng rộng rãi ở các tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, Bình Định, Khánh Hòa, Lâm Đồng, thành phố Hồ Chí Minh.

Ở Huế, tín ngưỡng thờ Mẫu rất phổ biến nên số lượng am, điện chiếm một tỉ lệ không nhỏ nhằm đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân. Đó là điều kiện thuận lợi cho môi trường diễn xướng của âm nhạc Chầu văn Huế phát triển và thực hiện đúng chức năng vốn có. Hằng năm, vào trung tuần tháng ba, tháng bảy âm lịch, đông đảo tín đồ thuộc mọi tầng lớp ở Huế cũng như trên địa bàn miền Trung hành hương đến điện Hòn Chén (Huệ Nam) tiến hành những nghi thức sinh hoạt tế lễ để bày tỏ lòng thành kính đối với thánh Mẫu. Vì vậy, ngoài vai trò là một thánh địa của đạo Mẫu ở miền Trung, điện Hòn Chén vào những ngày lễ hội có thể xem như một sân khấu lớn qui tụ nhiều nhóm nhạc chầu văn trong tỉnh cũng như ngoài tỉnh. Chính qui mô diễn xướng được mở rộng càng cho thấy sự phong phú, sức mạnh lan toả của âm nhạc Hầu văn Huế đối với đời sống tâm linh.

Các vị vua đầu triều Nguyễn là những nhà Nho chính thống nên không ủng hộ sinh hoạt tín ngưỡng thờ Mẫu, thậm chí còn chủ trương bài xích đồng bóng bởi cho đó là dạng tà ma, mê tín nhưng như đã nói, đến thời vua Đồng Khánh thì hoạt động tín ngưỡng này “được khuyến khích, mở rộng”(7)“những điều cấm kỵ của nhà Nguyễn trước đó đối với quần chúng lại được dịp giải toả”(8). Đó là cơ hội cho hoàng thân quốc thích, quan lại, giới quí tộc tham gia vào hoạt động này và hiển nhiên các am, điện thờ Mẫu xuất hiện ngày càng nhiều tại các dinh cơ, phủ đệ để rồi “đã có một loại ca hát phục vụ vương triều gọi là “hầu văn” nay gọi là “Hầu văn Huế”(9). Có lẽ với sự hấp dẫn và độc đáo, âm nhạc Chầu văn Huế không chỉ gói gọn môi trường diễn xướng trong sinh hoạt tín ngưỡng dân gian mà dưới thời phong kiến nhà Nguyễn, nó còn thâm nhập vào chốn cung đình, quyền quí để phục vụ nhu cầu thưởng thức của vua chúa, quan lại, quí tộc.

Cho đến nay, chưa có ai có thể khẳng định được Chầu văn Huế đã ra đời từ năm nào, bắt nguồn từ đâu và do ai sáng tác...vì nói chung tất cả những tư liệu Chầu văn để lại không thấy có ghi tên tuổi và ngày tháng ra đời, chỉ biết rằng nó được phát triển rất thịnh đạt ở Huế dưới các triều vua Nguyễn. Xa hơn, thế kỷ XVI, Dương Văn An trong “Ô Châu cận lục” cũng chỉ chép: …“việc  cúng bái thì mở cuộc Chầu văn”…

Hát Chầu văn - thể loại âm nhạc nghi lễ, đặc biệt gắn liền với tín ngưỡng - một hình thức diễn xướng dân gian khá nguyên sơ của sân khấu dân gian. Một số thuật ngữ thường dùng trong thể loại này:

- Hát văn: Là chỉ chung cho loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian.

- Hát Chầu văn: (hay Hầu văn) theo một số ý kiến của các nghệ nhân là hát văn sự tích, hát kể cho mọi người nghe.

- Hát văn thờ: (dâng vật thờ) là mở đầu nghi lễ, thánh tích công đức các vị thánh mẫu, các vị anh hùng dân tộc.

- Hát văn hầu bóng: (ngồi hầu đồng) do cung văn đảm nhiệm khi một người trong Đạo tứ phủ là “Giá” cho các thánh nhập vào trong một “Vấn”.

Ngoài ra, cung văn phải vận dụng theo các trình tự diễn ra của người hầu đồng (bóng) bằng giọng điệu âm nhạc và lời văn qui định sẵn.

Hát hầu văn theo cách gọi, tên có khác nhau. Miền Bắc gọi “hát Văn”, miền Trung (Huế) gọi là “hát Chầu văn” hoặc “Hầu văn”, miền Nam thì gọi “Rỗi bóng”.  Điệu hát Văn ở Bắc có lâu đời, từ xa xưa của người Việt, vùng văn hóa sông Hồng, rồi dần dần theo gót người di dân vào phía Nam, dừng lại ở Huế với tên gọi là “Hát Chầu văn”, vào Nam thì người ta quen gọi là “Rỗi bóng”. Hát Chầu văn ở Huế và Hát Văn ở miền Bắc không giống nhau.

Chầu văn Huế thì hát đơn, hát đôi, hát tập thể, có khi cả ban công văn (8 đến 10 người) cùng đứng hát và nhảy múa hát theo từng tính chất “giá hầu”, còn ở miền Bắc chỉ hát đơn cộng vào đó là phần đệm nhạc có trống, mõ, đàn Nguyệt, Thanh La, và khi chầu đồng thì chỉ ngồi ít khi đứng.

Sách Ô châu cận lục của Dương Văn An ghi lại từ năm 1555 ở vùng đất này có nêu: “…Xuân sang thì mở hội đua thuyền, với nhiều trai thanh, gái lịch. Hè đến thì bày cuộc viếng thăm với nhiều chốn múa nơi ca; Việc cúng bái thì dùng cổ xôi gà , mở cuộc chầu văn…”, cũng có lẽ xuất phát từ nội dung và ý nghĩa chầu bóng mẹ (Mẫu), hầu hết các vị trong “Tứ phủ cộng đồng” Hội đồng các thân thuộc của 4 phủ: Thiên - Địa - Nhân (nhạc) - Thoải (thủy)…

Nội dung những bài hát Chầu văn thường mô tả, diễn đạt sự tích ca ngợi các vị Thánh - Thần - Tiên được thờ trong điện, gắn liền với những truyền thuyết và câu chuyện dân gian.

Về môi trường diễn xướng, Hát Chầu văn là loại hát thờ, là lối hát trước bàn thờ Thánh (bao gồm cả lên đồng) gắn bó chặt chẽ với nghi lễ tín ngưỡng tại am, điện thờ Thánh Mẫu. Là loại văn để hầu bóng, gọi là văn ca thỉnh hàm (được thể hiện thành lời ca, hát), thỉnh mời các vị thần thánh giáng trần, hóa vào các con đồng để phán bảo (lên đồng là sự hóa thân vào một vai thần, thánh, hay ma quỷ linh thiêng trong hành lễ, tức là thần, thánh, ma quỷ đã nhập vào người ngồi đồng…)

Đặc điểm của hát Chầu văn là quá trình hành lễ gắn liền với hình thức sinh hoạt lên đồng, hầu bóng mà ở đó, con đồng sẽ hóa thân vào các vị thần linh để phán truyền, dạy bảo, chữa bệnh hay ban phát tài lộc cho những người tham gia buổi lễ. Trong suốt thời gian tiến hành nghi lễ lên đồng, hầu bóng, âm nhạc Chầu văn đóng vai trò quan trọng, có tính cách phù phép, với mục đích thôi miên người ngồi đồng, tạo điều kiện thuận lợi cho con đồng nhập bóng, và giúp việc nhập hồn của các vị thần linh vào con đồng được linh ứng. Sau khi đức Thánh Bà nhập đồng chứng đàn thì cung văn sẽ tùy vào từng giá đồng để chọn những bài văn chầu phù hợp với từng vị thần linh nhập giá, bởi mỗi vị thần linh có một tính cách, đặc điểm ngoại hình, phục trang, cử chỉ riêng. Thế nên, môi trường diễn xướng của âm nhạc chầu văn diễn ra đồng thời với nghi lễ lên đồng, hầu bóng tại các am, điện thờ thánh Mẫu.

Nội dung ngợi ca, tán thán các vị thần thánh, cảnh vật trên thiên giới. Người hầu đồng (con đồng) cũng như các con nhang đệ tử dự lễ đều ước muốn được thần thánh phù hộ cho bản thân và gia đình luôn gặp may mắn, bình an. Đặc biệt, theo quan niệm của những người buôn bán thì tham gia vào những buổi lễ lên đồng là hình thức cầu xin thần thánh giúp họ ăn nên làm ra.

Quá trình tiến hành nghi lễ, một cuộc hát Chầu văn dài hay ngắn phụ thuộc vào tính chất nghi lễ, số lượng các giá đồng, thời gian ngồi đồng của các con đồng, tuy nhiên, về quy trình thì có những nguyên tắc tương đối ổn định. Có thể nói rằng khi đề cập đến quy trình diễn xướng của cuộc hát Chầu văn thì cũng là đề cập đến quy trình của một buổi lên đồng, vì thế âm nhạc cũng phải chia làm nhiều giai đoạn:

Giai đoạn thứ nhất: Là lễ cúng thí thực do người chủ am, điện chủ trì. Sau đọc lá sớ là hát Sai quan tướng, cung văn hát điệu Khải…

Giai đoạn thứ hai: Lễ cung thỉnh, hát Chầu văn thờ theo điệu Văn cúng - Phú - Nhị tự: Tính chất chúc tụng, ca tụng và thỉnh mời các vị thần thánh. Tiếp theo là hát dọc, hát rập tốc độ nhanh, tiết tấu sôi động để kích bóng lên…

Giai đoạn thứ ba: Hát giọng Cờn, giọng phú (tùy theo bóng Cô hay Cậu).

Tiếp đến là phần giáng bút, phán truyền, dạy bảo. Mọi người tham gia lắng nghe, nhạc không diễn tấu. Sau đó là ban lộc: Hát Phú khách. Cuối cùng là thánh thăng (thần linh không nhập đồng nữa): Cung văn kết thúc giá đồng bằng câu “Xe giá hồi cung”.

Các nhà dân tộc học, tâm lý học, âm nhạc học trong cũng như ngoài nước rất chú ý và tìm hiểu, nghiên cứu các hiện tượng "lên đồng" của hát hầu văn. Vai trò âm nhạc cũng chi phối phần lớn, thử xem thang âm điệu thức nào, tiết tấu nào hoặc sự thay đổi điệu thức, tiết tấu gây ra trạng thái tâm hồn đi đến chỗ nhập vai “lên đồng”.

Nghi thức lên đồng (hầu bóng): Người ngồi đồng với một tâm niệm tin tưởng thần linh, bày tỏ lòng yêu kính vị thần nào đó, cầu khẩn thỉnh thần về - khi thần nhận lời thì sẽ nhập vào người đó, và người đó sẽ được ân phước của thần. Các “con nhang” đệ tử ngồi đồng phải có ý thức trong hành lễ với một tâm linh thăng hoa cao độ. Người ngồi đồng phần lớn là các bà, các chị nông dân, những người buôn bán ở thị trấn gần xa - họ cầu mong cho sự giải oan số phận, gởi gắm niềm tin, cầu đồng một chuyến may ra giải thoát được những âu lo…Cầu đồng một chuyến để thánh thần cứu giúp, chở che, tai qua nạn khỏi, cuộc sống được yên lành, gặp nhiều may mắn thuận lợi.

Người thủ nhang cho biết thêm, trong trình thức lên đồng, rất ít khi người ta dám hầu bóng Mẫu. Mẫu chỉ giáng những lúc có đại sự quốc gia hoặc trong lễ rước mỗi năm một lần.

Thông thường người ta hầu bóng các vị trong “Tứ phủ cộng đồng”, có thể các quan giám sát, các ông Hoàng, cô Nương, các Cậu…Có thể ta chọn một số “Giá” hầu bóng về diễn xuất, để nhập vai: Cô Đôi Thượng Ngàn, Cô Bơ Thủy Phủ, Cô Bơ…cung hiến khán giả những màn kịch múa, cưỡi ngựa múa gươm, chèo đò, bắt bướm…Hiện tượng “lên đồng” có liên quan đến vai trò âm nhạc, hát múa. Giai điệu, nhịp điệu, lời ca tạo không khí dẫn dắt người nghe, người ngồi đồng, vào thế giới tâm linh. Nhịp điệu tự do, lúc thì 3/4, lúc thì 4/4 tính chất kể sự tích nhẹ nhàng sâu lắng, không vội vã. Những tay đàn phải tỏ ra điêu luyện, nếu để âm thanh lọt qua tiếng hát một cách vụng về, dễ bị mời ra khỏi cuộc.

Hát Chầu văn có vai trò quan trọng trong các buổi lên đồng, là phương tiện kết hợp đồng thời với trình tự lễ lên đồng để thỉnh cầu thần linh phù hộ, cũng như phản hồi thông tin từ các vị thần linh.

Trong buổi lễ lên đồng, âm nhạc Chầu văn đóng vai trò kết nối giữa thế giới thần linh với thế giới trần tục. Nó hỗ trợ đắc lực cho các con đồng nhanh chóng nhập giá để vào vai các vị thần linh truyền dạy, chỉ bảo. Trong không gian linh thiêng, các con đồng nhảy múa theo tiếng nhạc rộn ràng, mỗi cử chỉ, điệu bộ, ngôn ngữ, phong thái...của con đồng đều được các cung văn tấu lên những làn điệu tương ứng, phù hợp từng khoảnh khắc giao tiếp với thần linh.

Âm nhạc Chầu văn được xem như phương tiện gián tiếp để thỉnh cầu thần linh phò trợ, đồng thời là phương tiện phản hồi  thông tin từ những lời cầu xin ấy. Ngoài ra, không gian nghi ngút khói hương tràn ngập ánh nến, màu sắc rực rỡ của trang phục hay cách bài trí vật phẩm...còn là chất xúc tác tăng thêm phần phấn khích cho các cung văn và bà đồng hợp nhất với thần linh. Sự phối hợp nhịp nhàng giữa hai đối tượng ấy có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong suốt quá trình diễn xướng nhằm tái hiện tổng quát tính cách, chân dung nhân vật đang hoá thân. Vì vậy, âm nhạc chầu văn có vị trí không nhỏ trong quá trình nhập giá, xuất thần của các con đồng.

Lời ca trong những làn điệu Chầu văn luôn kết hợp với các áng văn chầu để thực hiện vai trò đề cao công ơn của đức Thánh Mẫu đã tạo dựng đất đai, cây cối, dạy cách trồng lúa nước, trừ tà diệt ác đem lại cho nhân dân cuộc sống ấm no, bình yên. Những lúc gặp điều rủi ro, bệnh tật các tín đồ cũng thường đặt niềm tin vào đức Thánh Mẫu mà họ tin rằng, quyền lực siêu nhiên Thánh Mẫu sẽ giúp họ vượt qua hoạn nạn. Với lòng thành kính họ gửi gắm ước nguyện của mình bằng hình thức tổ chức cúng bái, lên đồng như một phương tiện nhằm giải mã những điều bí ẩn vây quanh mình mà bản thân không thể lí giải được. Sự hiện hữu niềm tin diễn ra đồng thời với sự phát triển của lễ thức lên đồng như một nhu cầu tiềm ẩn có sẵn trong từng tín đồ khi tiếp thu và kính cẩn nhận Thiên Y A Na làm Mẫu. Chính quyền năng vô hạn của bà được tôn vinh bằng sự kết hợp của thơ ca và âm nhạc tạo nên hình ảnh thiêng liêng có ảnh hưởng vô cùng sâu đậm trong đời sống tín ngưỡng.

Là một hình thức diễn xướng dân gian khá nguyên sơ với tính sân khấu, có thể tách ra trình diễn, chọn một số GIÁ (liên khúc) của hầu bóng về diễn xuất để nhập vai. Cô Đôi Thượng ngàn, cậu Bơ…là những nhân vật trình diễn cho người xem những màn kịch múa, hái hoa, bắt bướm, chèo đò, múa dao, cưỡi ngựa…thật sinh động và hấp dẫn.

Hát Chầu văn Huế được hình thành và phát triển trên cơ sở kế thừa vốn âm nhạc truyền thống của dân tộc để phục vụ cho mục đích tín ngưỡng của các tín đồ thờ Mẫu. Nó mang những giá trị văn hoá tinh thần rất sâu sắc, vừa thể hiện nhu cầu thẩm mỹ vừa thể hiện ước vọng tâm linh của con người trong cuộc sống. Vì vậy, âm nhạc Chầu văn Huế không chỉ là một hình thức sinh hoạt tín ngưỡng - văn hoá cộng đồng mà còn là một loại hình âm nhạc dân gian độc đáo cần được giữ gìn và phát huy trong đời sống hiện đại để làm phong phú thêm món ăn tinh thần cho người dân.

Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật của hát Chầu văn Huế hiện nay là công việc thiết thực, cấp bách khi di sản này đã là một bộ phận trong tổng thể di sản “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” vừa  được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

V.P

--------------

Chú thích:

1. Đặng Văn Lung: Tam Tòa Thánh Mẫu. NXB Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 1991.

2. Trần Đại Vinh: Tín ngưỡng dân gian Huế. NXB Văn hoá Thông tin, Hà Nội, 2006, trang 138, 139.

3. Trần Đại Vinh: Sđd.

4. Nguyễn Hữu Thông (Chủ biên): Hải Cát - Đất và Người. NXB Thuận Hóa, Huế, 2006, trang 188.

5. Trần Thu Hà, Đặng Văn Lung: Văn hóa dân gian Thừa Thiên Huế, số 12.1993 và 11.1995.

6.  Nguyễn Hữu Thông (Chủ biên): Hải Cát - Đất và Người. NXB Thuận Hóa, Huế, 2006, trang 223.

7. Nguyễn Hữu Thông (Chủ biên): Hải Cát - Đất và Người. NXB Thuận Hóa, Huế, 2006, trang 163.

8. Nguyễn Hữu Thông (Chủ biên): Hải Cát - Đất và Người. NXB Thuận Hóa, Huế, 2006, trang 163.

9. Bùi Đình Thảo (Chủ biên): Hát chầu văn. NXB Âm nhạc, Hà Nội, 1996, trang 18,19.

--------------

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

1. Hội Khoa học Lịch sử Thừa Thiên Huế (2005): Cố đô Huế xưa và nay, NXB Thuận Hoá,  Huế.

2. Hội Khoa học Lịch sử Thừa Thiên Huế (2006): 700 năm Thuận Hoá - Phú Xuân, Kỉ yếu Hội thảo Khoa học, Huế.

3. Dương Văn An (2001): Ô châu cận lục tân dịch hiệu chú. Hiệu đính hiệu chú Trần Đại Vinh, Hoàng Văn Phúc, NXB Thuận Hoá, Huế.

4. Phan Thuận An (1990): Điện Hòn Chén - Kiến trúc Cố đô, Trung tâm Quản lý Di tích, Huế.

5. Tôn Thất Bình (1998): Hát hầu văn ở Huế, Tạp chí Văn hoá dân gian, số1.

6. Võ Hoàng Lan (2000): Hầu đồng - Một hình thức sinh hoạt sân khấu dân gian, Tạp chí Văn hoá Nghệ thuật, số 9.

7. Hà Xuân Liêm (2003): Tín ngưỡng dân gian thờ Mẫu ở điện Huệ Nam (Hòn Chén) Huế, Tạp chí Huế xưa và nay, số 58.

8. Ngô Đức Thịnh: Đạo Mẫu, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội.

9. Ngô Đức Thịnh (1992) (Chủ biên): Hát văn. NXB Văn hoá dân tộc,  Hà Nội 1992.

10. Ngô Đức Thịnh (2008): Lên đồng, hành trình của Thần linh và Thân phận, NXB Trẻ.

11. Trần Thu Hà, Đặng Văn Lung (1993): Văn hóa dân gian Thừa Thiên Huế, số 12.

12. Trần Thu Hà, Đặng Văn Lung (1995): Văn hóa dân gian Thừa Thiên Huế, số 11.

13. Bùi Đình Thảo (Chủ biên,1996): Hát chầu văn. NXB Âm nhạc, Hà Nội.

14. Nguyễn Hữu Thông (Chủ biên, 2001): Tín ngưỡng thờ Mẫu ở miền Trung Việt Nam. NXB Thuận Hoá, Huế.

15. Nguyễn Hữu Thông (Chủ biên, 2006): Hải Cát - Đất và Người. NXB Thuận Hoá, Huế.

16. Trần Đại Vinh (2006): Tín ngưỡng dân gian Huế, NXB Văn hoá Thông tin, Hà Nội.

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng