Bộ ông Táo hoàn chỉnh để bán Tết. Ảnh: T.G.
Các năm gần đây, với nhiều tiện nghi bếp núc lần lượt xuất hiện như bếp gas, bếp từ, bếp hồng ngoại, làng nghề Địa Linh đã thay đổi mẫu mã ba ông Táo đất nung. Hết thời ba ông Táo to tướng (gọi là ông Đầu Rau) có thể thay cái kiềng ba chân; giờ đây, ba ông Táo nhỏ xíu chỉ để thờ.
Làng nghề đất tốt
Bạn hẳn không quên phố cổ Bao Vinh ở Huế, một khu phố nhỏ một thời phồn thịnh nay đã suy tàn, nhưng vẫn còn nét đài các xa xưa giống như Hội An. Phía Tây phố cổ là cánh đồng làng Địa Linh (thuộc xã Hương Vinh, Hương Trà, Thừa Thiên - Huế), đất đai phì nhiêu, đặc biệt đất sét rất tốt để làm gạch, ngói và một món hàng không thể thiếu ngày Tết: Ông Táo đất.
Thời các vua Nguyễn cho đặt tại đây một công xưởng để lấy đất tốt làm gạch, tên gọi là “Nê ngoã tượng cục”. Hầu hết các công trình của di tích Huế ngày nay đều làm từ đất (gạch) nơi đây. Theo sách “Ô châu cận lục” cái tên làng “Địa Linh” là do vua thấy đất tốt mà ban cho.
Về Địa Linh, đầu tháng Bảy âm lịch, còn 1 cây số nữa mới đến cổng làng, mà trong gió lồng lộng trên cánh đồng xanh màu mạ mới đã ngửi thấy mùi trấu và củi cháy khét, mùi đất nung.
Đi qua những hàng dậu thưa, bạn sẽ thấy những sân phơi tầng tầng lớp lớp ông Táo đất. Mặc cho thị trường biến động ba anh em “nhà ông Táo” ở làng Địa Linh vẫn cần cù đốt những mẻ lò trong năm cũ; sẵn sàng để đưa những ông Táo thơm mùi đất mới đến với mọi bếp lửa gia đình đón Tết truyền thống.
Ông Võ Văn Đức, chủ lò ông Táo Địa Linh vừa xắn đất vừa nói chuyện: “Do quan niệm coi trọng bộ tượng thờ ba ông Táo đất nung, hết một năm cũ, cần phải mua lại bộ mới, nên nghề làm ông Táo làng tôi chưa bị thất nghiệp. Dù biết mưu sinh bằng cái nghề “cạp đất mà ăn” này thì không bao giờ có được cái Tết thoải mái”.
Theo nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh: “Phong tục tập quán lâu đời của người Huế là coi trọng giá trị phong thủy của cái bếp, không kém gì bàn thờ tổ tiên và cái cửa ngõ. Cả ba yếu tố này nếu tốt đẹp, tổng hợp lại sẽ cấu thành sự hưng thịnh, may mắn, hạnh phúc cho mọi người trong gia đình”.
Bởi vậy xưa bày nay làm, dù khá giả hay nghèo khó, 23 tháng Chạp hằng năm nhà nhà đều làm lễ cúng đưa ông Táo về trời. Với những gia đình kinh doanh, buôn bán phát đạt thường tổ chức lễ cúng ông Táo linh đình, cỗ bàn thịnh soạn.
Mâm cỗ cúng ông Táo của người Huế đơn giản cũng có một dĩa xôi trắng lớn, một miếng thịt nọng heo luộc, ít hoa quả, cau và trầu, rượu; nếu trong nhà có trẻ con thì cúng thêm một con gà trống luộc nữa.
Người Huế không bao giờ cúng cá chép vì “kiêng” (đa số đi chùa và thờ Phật). Còn những người thờ cúng tổ tiên thì lại tin sự tích cá chép hóa rồng, mà rồng là con vật linh thiêng, không được ăn.
Đỏ lửa đón Tết
Khoảng 20 tháng Chạp âm lịch trở đi, các bà nội trợ đi chợ hàng mã mua một bộ đồ giấy cúng Táo quân, gồm có hai cái mũ “cánh chuồn” đàn ông và một mũ đàn bà. Mũ dành cho ông Táo thì có hai cánh chuồn, mũ Táo bà không có.
Lại thêm ba cái áo thụng màu sắc sặc sỡ và ba đôi hia, đặc biệt không mua quần cho Táo ông. Vì vậy, trong các phim hài Tết diễn viên đóng vai ông Táo thường chỉ đội mũ cánh chuồn, mặc áo thụng, chân đi hia mà không mặc quần.
Sau khi lễ cúng hoàn tất, ba ông bà Táo cũ được chủ nhà đem bỏ ở một góc đình, miếu hoặc cây cổ thụ nào đó, nói chung là những nơi ít người đến. Những ông Táo cũ này cũng có dụng ích. Theo các thầy “bộ thuỷ” Huế (thầy cúng theo Lão giáo), muốn trừ yểm “Thần trùng” (người chết trùng) thì kiếm một ông Táo cũ đặt lên bụng người chết khi khâm liệm.
Anh Võ Văn Nhật, Võ Văn Nam và chị Hoàng Thị Gái làm thợ đốt lò nung ông Táo cho biết rằng: “Sản phẩm ông Táo làng Địa Linh theo truyền thống có hai hình thức. Thứ nhất là ba ông Táo rời, kích cỡ lớn và tầm trung bình.
Bộ cao lớn có thể dùng thay kiềng bắc xoong, nồi nấu nướng hàng ngày. Nông dân ưa chuộng loại này, tiện dụng để đun thổi bằng củi hay rơm rạ. Thứ hai là bộ ba ông Táo liền nhau, nhỏ cỡ bàn tay, để thờ mà thôi”.
Ngồi xem chị Võ Thị Hằng, Huỳnh Ngọc Ròn và Nguyễn Thị Thuỳ Linh vẽ và tô màu các ông Táo, họ bảo: “Hình thức bộ ông Táo Địa Linh vẫn trung thành với mẫu mã truyền thống ngày xưa.
Tượng bà Táo đúc rời hay kẹp ba giữa hai ông Táo thì bao giờ cũng dễ nhận ra nhờ cái lỗ chấm làm dấu”. Thấy vui vui, tôi hỏi chuyện này là sao? Các gia đình làm ông Táo cũng không giải thích được, họ chỉ nói người xưa bày nay làm vậy...
Để hoàn thành được một bức tượng ông Táo, đòi hỏi thực hiện nhiều công đoạn tỉ mỉ. Thông thường, công đoạn nhồi đất sét cho mịn nặng nhọc nhất. Phải có đến ba người trai tráng khỏe mạnh làm việc.
Ông Đức bảo “một xe đất sét tốt như vầy mua 4 tấn hết 700 nghìn đồng”. Khối đất trộn với nước, chia thành từng khối nhỏ, nhồi đến khi nào mềm nhão và lấy hai ngón tay vê vê thấy mịn là được”.
Một người cho đất vào khuôn, thổ thật mạnh cho đất nén chặt vào khuôn. Rồi cầm chiếc nạng gỗ nhỏ có sợi dây thép rất căng, gạt bỏ đi phần đất thừa bên ngoài. Lấy bộ ông Táo đất còn mềm ấy đem ra sân phơi. Hai người còn lại sẽ quét sơn lên ông Táo vừa khô.
Sơn màu cánh gián được hòa hơi loãng. Những người thợ sơn hay vẽ ông Táo lành nghề mỗi ngày có thể quét khoảng một nghìn ông Táo, tiền công khoảng 250 nghìn đồng/ngày.
Các bộ ông Táo chỉ bán được trong tháng Chạp, nhưng phải làm từ mùa hè, để phơi nắng tốt. Mỗi tượng bán với giá hơn 5.000 đồng trừ tất cả chi phí từ đất, màu sơn, bao bì… thì lãi 2.000 đồng – cậu bé Võ Văn Quang, cháu nội ông Đức cho biết như vậy.
Nghề làm ông Táo ở Địa Linh đã có từ thời Chúa Nguyễn vào kinh đô Phú Xuân. Nhưng hiện nay do tục lệ thờ ông Táo trong bếp đã nhạt phai, nên nghề truyền thống ấy đang có nguy cơ lụi tàn. Hiện trong làng Địa Linh chỉ còn ba người con của ông Võ Văn Đức bám trụ với nghề.
|
Theo Vũ Hào - Giáo dục Thời đại