Chuyện về phong trào “Mai vàng trước ngõ” thật ngỡ ngàng, khiến tôi nhớ đến câu chuyện được nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường kể lại trong bút ký nổi tiếng “Những người trồng hoa”. Chuyện rằng, nhân (một lần) ăn tết ở Hà Nội, ông có dịp đi chơi hội hoa xuân toàn quốc mở ra ở công viên Thống Nhất, cùng với nhà văn Nguyễn Tuân và nhạc sĩ Văn Cao. Tại hội hoa, có phẩm vật là một cây mai nhỏ nhắn được chưng bày ở gian hàng Huế. Chủ nhân của cây mai là cụ Khánh ở Gia Hội.
Qua mô tả của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, cây mai được trồng trong một đĩa tròn với ít đất, đã già hơn 80 tuổi; toàn thân chỉ to và cao bằng cây bút chì, cành nhánh xoay tròn quanh thân, mút cành nhỏ dần lại chỉ còn như sợi chỉ mà hoa đậu xúm xít như một đàn bướm xuân. Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường viết như thốt lên, “đẹp và kỳ lạ, tôi có cảm tưởng được nhìn thấy cả mọi miền đất nước đang nở hoa dưới bàn tay nghệ sĩ của con người”. Rồi ông nhắc tới nhận xét của nhạc sĩ Văn Cao hôm đó, “đẹp thật nhưng mà cũng vẫn là thiên nhiên mà thôi. Tôi vẫn nể nhất cái tinh tế của con người, ở nơi cây mai Huế ấy”. Nguyễn Tuân cười tủm tỉm: “Giỏi. Chấm giải như thế là giỏi đấy”.
Thật khó khi so sánh cây mai trồng ở đường 23/8 hay những cây mai ở đường mai, rừng mai… trong ý tưởng của ông Chủ tịch UBND tỉnh với cây mai cảnh trong bút ký “Những người trồng hoa” của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường. Tuy nhiên, điều ta có thể cảm nhận được ở đây là vẻ đẹp và sự kỳ công khi trồng và chăm sóc mai vàng. Cũng như chiếc áo dài ngũ thân được bàn tán xôn xao gần đây, cây mai không chỉ là của riêng Huế nhưng lại được xem là vẻ đẹp và cốt cách biểu trưng của con người và vùng đất Kinh kỳ.
Hãy đọc lại lời bàn của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, cũng trong bút ký “Những người trồng hoa”: “Hoa mai với người Huế, cũng như hoa đào với người Nhật, như tuyết đầu mùa với người Nga, không phải là tạo vật bên ngoài mà là nỗi lòng”. Và rồi, có vẻ như sợ người đời không cảm nhận được hết thông điệp mà mình muốn gửi gắm, văn sĩ họ Hoàng tài hoa kia đã viện dẫn đến Cao Bá Quát, khi hạ bút: “Sống rất lâu ở Huế, khí phách như núi Thái Sơn, thế nhưng ông (Cao Bá Quát) bảo rằng, “suốt đời chỉ cúi đầu lạy hoa mai” (nhất đề thủ bái hoa mai).
Trồng hoa không dễ, mai vàng lại càng lắm công phu. Với người Huế, không chỉ trồng mai mà là chơi mai. Và, để chơi được mai Huế cần sự đam mê cùng đầu óc biết phán đoán. Người chăm sóc mai phải làm sao cho hoa mai được đâm chồi nảy lộc đúng dịp, những cánh mai lâu tàn và giữ được màu vàng vương giả. Nó đòi hỏi sự khéo léo và cái duyên với mai Huế. Có gắn bó lâu năm với hoa mai, đặt cái tâm của mình vào mai Huế thì mới “cảm” được mai Huế và biết cách chăm sóc phù hợp.
Khó nhọc mà công phu và tinh tế, thế nhưng, người dân Huế vẫn đang rạo rực với giấc mơ mai vàng…
Theo Đan Duy - Báo Thừa Thiên Huế Online