Trong “Mấy nhịp cầu tre”: …Thương chàng (là chàng) bên ấy, Thương em (là em) bên này… (hơ hơ hơ hơ hơ hơ) Cầu tre (tang tịch tình tang)…
Trong “Gạo trắng trăng thanh”: …Sông dài (Long là) Cửu Long v.v…
- Mặc dù kiến thức âm nhạc cổ điển phương Tây đã được ông trau dồi thấu đáo, (Từng học lớp harmonie (Hòa âm), fugue (Fuga), contrepoint (Đối vị), orchestration (Dàn nhạc), instrumentation (Nhạc khí pháp) và direction d’orchestre (Sáng tác giao hưởng) với École Universelle (Pháp). Năm 1956 đã xuất bản sách: “Để sáng tác một bài nhạc phổ thông”) nhưng trong ca khúc viết về quê hương, dân tộc thì ông đã kế thừa vốn nhạc cổ truyền, không lệ thuộc hoàn toàn vào cấu trúc hình thức âm nhạc phương Tây. Chẳng hạn trong phát triển giai điệu âm nhạc, nhạc sĩ thường hay sử dụng thủ pháp nhắc lại âm hình, nhất là thủ pháp mô phỏng, nên tiết chế được chất liệu để tập trung vào chủ đề, hình tượng âm nhạc đã đặt ra, tạo sự dễ nhớ, dễ hiểu cho người nghe như ca khúc “Chuyện tình cô lái đò bến Hạ”, “Chuyện tình người trinh nữ tên Thi”, “Duyên quê” v.v.
Dù ca khúc được cấu trúc bằng thể thức hai đoạn đơn, ba đoạn đơn theo lý thuyết âm nhạc phương Tây nhưng hầu như không chú trọng đến tính tương phản, đối tỉ giữa đoạn một và đoạn hai. Thủ pháp Hoàng Thi Thơ thường sử dụng là điệp câu, điệp đoạn, hay với thủ pháp mô phỏng theo kiểu sự chuyển hệ thang âm trong âm nhạc cổ truyền, và thường là chuyển lên quãng bốn, nên màu sắc dân tộc rất đậm đà.
Thủ pháp mô phỏng theo kiểu chuyển hệ này đã tạo nên một cấu trúc hình thức xinh xắn trong bài “Chuyện tình cô lái đò bến Hạ”:
Câu 1 ở bậc chủ là Rê, câu 2 mô phỏng lên 1 quãng bốn là Son.
Âm nhạc chỉ bằng một đoạn 2 câu như thế nhưng tác giả đã chuyển tải 6 lời ca mang nội dung khác nhau để kể về chuyện tình cô lái đò Bến Hạ. Cách cấu trúc này gần với dân ca một làn điệu nhưng được hát nhiều lời khác nhau. Thủ pháp này được tác giả sử dụng nhiều trong các ca khúc khác. Trong ca khúc “Trăng rụng xuống cầu” sự mô phỏng lên quãng bốn không phải giữa câu 1 và 2, mà giữa đoạn một và đoạn hai:
v.v.
- Ngoài hai yếu tố bổ trợ trên, việc vận dụng thang 5 âm trong dân ca Việt Nam vào ca khúc mới, tác giả đã tạo nên sự gần gũi với nhạc ngữ dân tộc. Bởi thang âm là yếu tố chủ yếu mang lại âm hưởng dân gian trong ca khúc Hoàng Thi Thơ. Sự lựa chọn ngôn ngữ âm nhạc dân tộc trong sáng tác những năm 50 ở bối cảnh miền Nam quả thật là hiếm hoi. Nhưng trong số ít đó, ông đã khéo kết hợp, lựa chọn, trang sức cho ca khúc mình những quãng đặc trưng trong thang 5 âm của các điệu hò, điệu lý… Dù không hoàn toàn xây dựng trên thang 5 âm nhưng tác giả khéo léo pha màu đậm hay nhạt khác nhau giữa thang âm bình quân phương Tây và thang âm dân tộc.
Trong ca khúc “Đám cưới trên đường quê hương” tác giả sử dụng gần như chủ yếu là thang 5 âm: mi - son - la - si - rê. Âm bậc II: fa chỉ thoáng qua một lần vào cuối bài, còn âm đô hoàn toàn vắng bóng.
Ca khúc “Chuyện tình cô lái đò Bến Hạ”, trong câu 1 (thí dụ trên) hình thành trên thang 5 âm: rê - fa - son - la - si - rê. Qua câu 2 có chuyển hệ thang âm nên phát sinh thêm chỉ 1 âm với vai trò lướt thoáng qua một lần: âm đô… Đó là cách pha trộn màu sắc mà âm hưởng 5 âm vẫn là chủ đạo. Có thể thấy trong các ca khúc “Duyên quê”, “Tình ca trên lúa”, “Gạo trắng trăng thanh”, “Trăng rụng xuống cầu”, “Mấy nhịp cầu tre”, “Rước tình về với quê hương”…
Ảnh: dongnhacxua.com
Nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ sáng tác rất nhiều thể loại, kể cả những thể loại mang tính nghệ thuật cao như Trường ca, Nhạc cảnh, Nhạc kịch, Nhạc múa và Nhạc phim… nhưng sống mãi với thời gian, tồn tại lâu bền trong lòng công chúng Việt Nam là thể loại ca khúc với dòng nhạc quê hương. Có một ai đó đã nhận xét: “ông như nhà nhiếp ảnh tài ba đã ghi nhận toàn vẹn khung cảnh sinh hoạt đầy màu sắc, âm thanh và hồn tính của truyền thống dân tộc hiền hòa nhân ái”; và, như một nhà văn, đồng hương, đồng tộc với nhạc sĩ đã nhận xét: “…có lần nhân kỳ nghỉ hè về thăm làng, dự một buổi liên hoan văn nghệ ngoài bãi cỏ trước đình làng. Đêm trăng sáng, gái trai làng vui vẻ vỗ tay hát: “Trong đêm trăng, tiếng chày khua. Ta hát vang trong đêm trường mênh mang. Vô đây em, dù trời khuya anh nhớ đưa em về...”. Trong bối cảnh này, tôi bỗng nhận ra rằng bài “Gạo trắng trăng thanh” này dễ thương lạ lùng. Khó có nhạc sĩ nào tìm được một giai điệu thích hợp với tâm hồn mộc mạc của trai gái làng tôi hơn là những “Gạo trắng trăng thanh”, “Trăng rụng xuống cầu”, “Duyên quê” của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ. Thuở ấy nếu không có ông, không biết những người bạn trẻ của tôi ở làng Bích Khê sẽ hát nhạc gì?” (Hoàng Phủ Ngọc Phan).
Điểm xuyết qua một vài yếu tố góp phần làm cho một số ca khúc quê hương của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ đậm đà âm hưởng dân gian trên quan điểm âm nhạc học. Dòng ca khúc đã đóng góp một màu sắc đặc trưng vào truyền thống, vào kho tàng ca khúc Việt Nam. Hy vọng, sẽ có một chuyên khảo đầy đủ về sự nghiệp âm nhạc của ông.
V.P
(TCSH332/10-2016)
Theo Tạp chí Sông Hương Online