Nhiều thách thức trong bảo tồn nhà rường
Không phải ngôi nhà rường nổi tiếng nào ở Thừa Thiên Huế cũng có may mắn như An Hiên. Theo thời gian, việc bảo tồn và khai thác giá trị văn hóa cũng như thương hiệu nhà rường Huế chưa được phát huy mạnh mẽ và có hiệu quả so với tiềm năng, giá trị hiện có, mặt khác một số ngôi nhà rường đã dần xuống cấp. Châu Hương Viên của cụ Ưng Bình Thúc Giạ Thị tại phường Vỹ Dạ (thành phố Huế), được công nhận di tích cấp tỉnh vào năm 2019, vốn là một khu nhà vườn rộng lớn, tráng lệ, chuẩn mực cho kiến trúc nhà rường Huế đầu thế kỷ 20, nhưng do người thừa kế không có điều kiện chăm sóc, sửa chữa cho nên khu nhà vườn chỉ còn duy nhất một ngôi nhà rường cổ xập xệ.
Gần đây, chúng tôi đã có nhiều khảo sát về nhà rường Huế. Dù vẫn còn hiện hữu nhưng nhà rường Huế đã thay đổi diện mạo rất nhiều. Hầu hết đều được xây dựng trước năm 1945, qua cả trăm năm tồn tại cùng mưa nắng, lụt bão, rất nhiều nhà rường Huế xuống cấp trầm trọng. Phần lớn chủ nhân không đủ nguồn lực kinh tế để sửa chữa, trùng tu cho nên nguy cơ hư hỏng nặng nề. Nhiều nhà rường đã không còn, một số khác bị chia năm xẻ bảy, bị thay đổi cấu trúc. Ngay bên trong nhiều khu nhà rường đã xuất hiện những công trình hiện đại... Một số nhà rường còn lại khá nguyên vẹn đang đứng trước những thử thách rất lớn trước "cơn lốc" đô thị hóa và nền kinh tế thị trường. Các nghệ nhân, lao động lành nghề làm nhà rường Huế ngày càng mai một, trong khi việc đào tạo truyền nghề chưa được chú trọng, quan tâm. Nguồn nguyên liệu cho sản xuất nhà rường ngày càng khan hiếm... Bởi thế, hoạt động phục hồi, bảo tồn nhà rường Huế đang đối mặt với rất nhiều thách thức.
Từ năm 2006, HÐND tỉnh Thừa Thiên Huế đã có Nghị quyết về bảo vệ nhà vườn Huế giai đoạn 2006-2010, sau đó tiếp tục hỗ trợ để bảo vệ nhà vườn Huế giai đoạn 2015-2020. Nhưng do số lượng được đề xuất bảo tồn quá lớn, trong khi các chính sách hỗ trợ chưa được áp dụng cơ chế đặc thù, các chủ nhà có diện tích lớn gặp nhiều khó khăn nên việc bảo vệ nhà vườn Huế chậm được triển khai. Năm 2015, HÐND tỉnh tiếp tục ban hành Nghị quyết thông qua đề án "Chính sách hỗ trợ bảo vệ và phát huy giá trị nhà vườn Huế đặc trưng" giai đoạn 2015-2020. Hệ thống nhà vườn trên địa bàn được hỗ trợ trùng tu, tôn tạo với tổng kinh phí gần 30 tỷ đồng, cho 18 nhà vườn ở thành phố Huế và 25 nhà vườn ở làng cổ Phước Tích (huyện Phong Ðiền). Ðã có những tín hiệu vui từ Phước Tích. Như trường hợp ngôi nhà rường của ông Hồ Văn Thuyên từng xuống cấp trầm trọng đã được trùng tu năm 2019. Ông Hoàng Văn Thái, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Ðiền chia sẻ: "Ðề án đã tác động rất kịp thời và hiệu quả trong việc chống xuống cấp các di sản tại làng cổ Phước Tích, đáp ứng nguyện vọng của người dân làng cổ có hơn 500 năm tuổi".
Tuy nhiên, tại thành phố Huế, việc bảo tồn nhà rường cổ vẫn gặp nhiều khó khăn. Ðáng nói là những vướng mắc về vấn đề sở hữu khi phần lớn chủ nhân các ngôi nhà rường đều là đồng thừa kế hoặc đại diện thừa kế, một số người đang sống trong nhà vườn không có quyền quyết định việc tham gia đề án. Nhiều chủ nhân có tâm lý ngại tham gia vì sợ sẽ không được tự do xử lý kiến trúc nhà trong tương lai. Một số nhà xin không tiếp tục tham gia đề án do kinh phí sửa chữa quá lớn.
Câu chuyện về nhà rường tiếp tục là đề tài nóng ở Thừa Thiên Huế. Với mong muốn đặt ra các mục tiêu, định hướng cho thương hiệu nhà rường Huế phát triển hơn nữa, cuối tháng 10/2021, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh đã tổ chức Hội thảo khoa học "Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa Huế trong xây dựng thương hiệu nhà rường Huế". Các chuyên gia cho rằng, cần có một kế hoạch hành động xây dựng thương hiệu, có thể bằng hình thức chỉ dẫn địa lý cho nhà rường Huế, hoặc nhãn hiệu tập thể. Trong đó cần thành lập Hiệp hội sản xuất, kinh doanh nhà rường Huế (gồm các nghệ nhân, các cơ sở, hộ sản xuất, kinh doanh sản phẩm nhà rường, các chủ nhà rường) để làm chủ thể quản lý nhãn hiệu nhà rường Huế sau này. Tỉnh cần có kế hoạch khảo sát, xác định giá trị văn hóa lịch sử, kiến trúc nghệ thuật của các nhà rường Huế tiêu biểu để đưa vào diện cần bảo tồn, đầu tư kinh phí để trùng tu, tôn tạo, phát huy giá trị di sản nhà rường...
Nhiều chuyển động đáng ghi nhận khi bên cạnh thực hiện đề án "Chính sách hỗ trợ bảo vệ và phát huy giá trị nhà vườn Huế đặc trưng", thành phố Huế đã có chín nhà vườn tham gia đề án tổ chức kinh doanh du lịch, phục vụ du khách. Cuối năm 2020, HÐND tỉnh thông qua chủ trương đầu tư tu bổ di tích Ưng Bình tại Châu Hương Viên với kinh phí hơn 10 tỷ đồng. Công trình Châu Hương Viên sẽ được trùng tu có diện tích khoảng 300 m2, với các hạng mục: Nhà chính, nhà phụ, nhà vệ sinh, bình phong, sân nền, hàng rào cây xanh...
Theo TS Trần Hữu Thùy Giang, Giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên Huế, việc phát triển các sản phẩm du lịch gắn với bảo tồn giá trị nhà rường truyền thống Huế là cần thiết, phù hợp điều kiện thực tế địa phương, góp phần phát huy giá trị các nhà rường cổ của Huế đang được trùng tu, chỉnh trang theo chính sách hỗ trợ của tỉnh. Từ đó tạo ra những điểm đến, sản phẩm mới góp phần phát triển ngành du lịch. Thời gian tới, Thừa Thiên Huế phải có chính sách quy hoạch bảo tồn, huy động các nguồn lực, liên doanh liên kết, phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước về du lịch với doanh nghiệp du lịch để xây dựng tour, tuyến du lịch sinh thái gắn với tham quan, trải nghiệm nhà rường Huế