Những chiếc bình gốm này lưu giữ bao trầm tích văn hóa
Với đặc thù là bảo tàng chuyên đề về gốm cổ sông Hương đầu tiên ở Thừa Thiên Huế, nơi nghiên cứu, sưu tầm, bảo quản, lưu giữ và trưng bày, giáo dục, quảng bá, phát huy lâu dài giá trị di sản văn hóa sông Hương, bảo tàng là điểm đến văn hóa độc đáo để công chúng tham quan, học tập, tìm hiểu về lịch sử văn hóa và tương tác, trải nghiệm các hoạt động tái hiện lại cuộc sống của cư dân thời cổ, nghề làm gốm cổ truyền... Khác với các bảo tàng khác, Bảo tàng Gốm cổ sông Hương khuyến khích khách tham quan sờ nắm hiện vật để cảm nhận được sự xù xì, trầm tích thời gian của chúng.
Theo GS. TS. Thái Kim Lan, việc quảng bá cho bảo tàng phát triển và trở thành một địa chỉ văn hóa thực sự của Huế là công việc bộn bề và lâu dài. Bà chia sẻ: “Mong muốn của chúng tôi đây sẽ là địa chỉ sống động với nhiều hoạt động khác nhau về văn hóa, vừa giữ gìn, vừa nối kết giữa quá khứ và hiện tại. Trong đó, trao truyền tình yêu di sản, văn hóa đến thế hệ trẻ một cách khoa học thông qua các hội thảo, giáo dục, workshop trải nghiệm về di sản là mục đích bảo tàng hướng đến, để di sản này trở thành cảm hứng, năng lực sáng tạo cho thế hệ trẻ. Hy vọng đây sẽ là không gian mở để kéo giới trẻ dần quay về với các giá trị văn hóa, lịch sử. Ngoài ra, bảo tàng này còn là nơi hội tụ của âm nhạc, thơ ca, sáng tác văn học nghệ thuật…”.
TS. Nguyễn Anh Thư, Khoa Di sản văn hóa, Đại học Văn hóa Hà Nội, người đảm nhận việc trưng bày, sắp xếp và số hóa của bảo tàng cho hay, ngay từ khi mới thành lập, Bảo tàng Gốm cổ sông Hương xác định rõ chiến lược phát triển theo hướng hiện đại và quảng bá các giá trị ra quốc tế. Bảo tàng chuẩn bị sách giới thiệu, clip, website, số hóa hiện vật, sử dụng nhiều ngôn ngữ khác nhau để có thể giới thiệu rộng rãi giá trị hiện vật đến với thế giới thông qua công nghệ số. Đồng thời, ứng dụng thuyết minh tự động, sử dụng QR code, tương tác trải nghiệm thực tế ảo... để du khách tự trải nghiệm, khám phá, tìm hiểu câu chuyện thông qua các cổ vật. Bảo tàng cũng sẽ kết nối khoa học với các bảo tàng khác tại Việt Nam và Đông Nam Á để nhiều người thấy vốn quý của văn hóa Huế.
Theo Minh Hiền - Báo Thừa Thiên Huế Online