Văn hóa Huế
Về Thủy Thanh chơi bài chòi
09:53 | 02/03/2022
Trong những ngày Tết, ngoài các hoạt động tham quan các di sản ở Huế, thì việc tái hiện các trò chơi dân gian không chỉ tạo nên không khí rộn ràng, giúp cho người chơi có những phút giây vui vẻ, gần gũi với nhau mà còn hiểu thêm về nét văn hóa cổ truyền ngày xuân xứ Huế.
 
Về Thủy Thanh chơi bài chòi
Bài chòi là trò chơi dân gian chủ yếu để mọi người có dịp giao lưu và vui vẻ trong những ngày đầu năm mới.
Một trong những trò chơi thu hút bà con và du khách nhất, đó là trò chơi bài chòi diễn ra tại xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy. Tết này về Thủy Thanh chúng tôi đã được nghe những câu hò dí dỏm, những tràng cười vui tươi khi tham gia hội bài chòi.
 
Để tổ chức trò chơi này, người ta thường dựng 11 chòi, chia làm 2 dãy đối diện nhau. Và giữa dãy chòi là một chòi trung tâm hoặc chòi cái. Đối diện chòi trung tâm là Trại chỉ huy gồm có trống chầu dành cho người điều khiển cuộc chơi.
 
Đến với trò chơi bài chòi, người chơi ngồi trong những lều tre, được phát 5 quân bài bằng tre, ban tổ chức để lại một con làm con đi chợ và để lại 2 cặp bài thừa về trại chỉ huy. Khi bắt đầu cuộc chơi, anh người quản trò mang ống bài cái leo lên từng chòi rút bài, trả tiền cho vào một cái khay. Tiếp đến, người quản trò đứng ở chòi cái rút trong thẻ đựng con bài, một thẻ. Rút được con nào, anh hô con đó. Các chân bài ngồi trên các chòi nhìn vào thẻ bài cái của mình. Nếu thẻ bài cái có hai con bài đã hô thì chân bài đánh ba tiếng mõ hoặc ba tiếng trống tum, báo hiệu tên con bài đó đã ứng vào thẻ bài cái của chòi mình.
 
Nét đặc trưng của trò chơi bài chòi là những câu vè, cấu đối, những câu ca dao, dân cao, tục ngữ xưa hoặc do người quản trò ngẫu hứng sáng tác để cho mang lại cho người chơi những tiếng cười sảng khoái hơn bao giờ hết. Ví dụ như có người đi quân bài gà thì người quản trò sẽ hò câu: “Hô ...hô... ơ... Nửa đêm về sáng o o, đầu năm mang để bàn thờ cúng xin. Là con ơ... gà (tam sách)...” . Và trò chơi cứ diễn ra đến khi chòi nào ăn đủ 3 cặp quân bài trước thì hô "tới" và tiếng mõ liên hồi cốc cốc vang lên hòa cùng tiếng trống hồi nổi liên liên tục báo hiệu có người thắng cuộc và xong một ván bài. Sau đó được tặng cờ và khay tiền thưởng của ban tổ chức.
 
Cứ thế, người quản trò tiếp tục rút bài và hô những câu ca vần vè khác. Tiếng hô, tiếng cười, hay những tiếng hò của người chơi, của khán giả làm cho không khí thêm rộn ràng, sinh động vang cả sân chơi rộng lớn.
 
Ông Trần Duy Đối, là người có thâm niên quản trò chơi cho biết: “Không chỉ những câu ca đã thuộc lòng theo bài bản, đôi lúc để người chơi, người xem bớt nhàm chán, người quản trò cũng phải tư duy, sáng tạo ra những câu hò làm cho người nghe, người chơi thêm thích thú, ngạc nhiên hơn”
 
“Mình cảm thấy rất thích thú, vui nhộn và ấn tượng nhất khi được nghe những câu hò, những câu ca dao tục ngữ xưa. Qua đó mình hiểu hơn những nét văn hóa cổ truyền của dân tộc”, anh Nguyễn Thắng, ở thành phố Huế bộc bạch khi được tham gia trải nghiệm trò chơi  này.
 
Có thể nói, bài chòi là một thú chơi nhẹ nhàng, tao nhã. Người chơi đến với bài chòi được hòa vào không gian mộc mạc  cảnh làng quê, là gắn kết bà con thôn xóm lại với nhau trở thành nếp sinh hoạt văn hóa và món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân xứ Huế dịp Tết đến xuân về.
 
 
 
Theo Hoàng Hạnh - TRT Online
 
 
 
 
 
 
 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng