Văn hóa Huế
Từ sắc phong triều Nguyễn đến trang báo Nhân Dân
10:53 | 30/03/2017

Để ghi lại những dấu ấn lịch sử, mỗi người có một cách riêng và với nhà giáo, nhà sưu tập Lê Phùng Xuân thì chính những sắc phong triều đình, những tờ tem phiếu, những tấm giấy thế thân đến các trang báo Nhân Dân chính là những cứ liệu phong phú và chính xác của dòng chảy lịch sử một thời.

Từ sắc phong triều Nguyễn đến trang báo Nhân Dân
Nhà giáo Ưu tú, nhà sưu tập Lê Phùng Xuân (giữa) giới thiệu một bản sắc phong triều Nguyễn
Những bản sắc phong triều Nguyễn
 
 
Tôi đến thăm ngôi nhà ba tầng khang trang trong cụm dân cư gần bến phà Vàm Cống như lạc vào một bảo tàng lịch sử thu gọn; mà ở đấy, một giai đoạn dài trong dòng chảy thời gian của lịch sử đất Việt gần như được Nhà giáo Ưu tú, nhà sưu tập Lê Phùng Xuân (ngụ huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp) giữ gìn nguyên vẹn. Có quá nhiều câu chuyện gắn với những bộ sưu tập của ông, thế nhưng tôi bị quyến rũ bởi những bản sắc phong nguyên bản của triều đình nhà Nguyễn. Khi nhắc đến những sắc phong, chưa hẳn những bảo tàng Nhà nước hay nhà sưu tập tên tuổi nào ngày nay có được nguyên bản nhiều như ông. Bằng sự hữu duyên cùng niềm đam mê bất tận, ông đã có được trong tay gần chục bản sắc phong ấy. “Sắc phong của vua chúa phong kiến chính là những văn bản hành chính chính thống nhất của triều đại đó, nó phản ánh đầy đủ tinh thần của nền hành chính công của một triều đại, một vị vua. Tìm hiểu từng sắc phong, từng câu chữ trong sắc phong của các vị vua mới hiểu được ngôn ngữ hành chính, nền chính trị hành chính của thời đó”, nhà nghiên cứu Lê Phùng Xuân chia sẻ.
 
Những sắc phong của các đời vua nhà Nguyễn từ Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Đồng Khánh, Thành Thái... đến Khải Định, Bảo Đại, đều được ông lưu giữ nguyên bản.
 
Cơ duyên nào ông tìm được những bản sắc phong ấy? Tôi hỏi.
 
Tôi là một nhà giáo, thói quen sưu tầm sách, mua sách để nghiên cứu đã ăn sâu vào máu. Chính niềm đam mê với sách đã giúp tôi đến được với những bản sắc phong ấy. Đó có thể là một buổi lên mạng trò chuyện cùng anh em có chung đam mê và trao đổi. Đó cũng có thể là một lần đi vào các điểm bán sách cũ. Đó cũng có thể là buổi lục lọi trong mớ đồ bỏ đi của nhiều hộ dọn đồ phế thải...! - ông Xuân trần tình.
 
Như sắc phong của vua Tự Đức ông có cách đây đúng 10 năm. Ông bảo: “Sắc phong của vua Tự Đức được tôi mang về từ Nam Định. Đó là của một người quen, họ bảo có sắc phong nhưng cũng chẳng muốn giữ lại vì dọn nhà đi xa, muốn trao lại cho người có chung đam mê. Họ cũng lại thích một kỷ vật mà tôi đang có. Vậy là anh em trao đổi ngay. Tình cờ là vậy!”.
 
Không chỉ sưu tầm những bản sắc phong có niên đại hàng trăm năm, nhà nghiên cứu Lê Phùng Xuân còn lưu giữ những bút tích viết tay của Từ cung Hoàng Thái Hậu - mẹ vua Bảo Đại cùng chữ ký. “Đó là những văn bản gốc mà một người bạn ở Huế sưu tầm được, nhưng vì yếu tố gia đình đã chia sẻ cho tôi. Những bản bút tích của Từ cung Hoàng Thái Hậu này cùng với các bản sắc phong nhiều lần được các nhà nghiên cứu, nhà sưu tập lẫn bảo tàng ở Huế đặt vấn đề mua lại nhưng vì độc bản và hữu duyên nên tôi đã từ chối”, ông Xuân chia sẻ.
 

Ông Lê Phùng Xuân giới thiệu những thiệp chúc xuân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đăng trên báo Nhân Dân
 
Đến những tem phiếu bao cấp cùng trang báo Nhân Dân
 
Lịch sử mỗi đất nước, mỗi dân tộc đều gắn liền những biến cố thời cuộc mà có những người cố quên nhưng cũng có những người lưu giữ lại bằng những kỷ vật rất đời thường. Lần giở bộ sưu tập những giấy tờ văn bản, khi đất nước còn cảnh lầm than, đô hộ, ông bảo: “Đây là những tờ giấy thuế thân, thế thân ngày Pháp thuộc, khi sưu cao, thuế nặng đổ dồn lên đầu những người dân đen. Đây là phiếu lệnh bắt quân dịch, đây là những văn bản hành chính về giáo dục, về nhà đất của chính quyền Đông Dương... Các văn bản ấy được tôi sưu tầm từ những kho phế liệu trước ngày đất nước được giải phóng”. Bộ sưu tập hàng nghìn văn bản ấy đưa chúng tôi trở lại một thời kỳ đen tối trong lịch sử dân tộc, giúp chúng tôi hiểu rõ hơn nỗi thống khổ của người dân đất Việt dưới thời phong kiến - thực dân đô hộ.
 
Tôi sinh ra trong giai đoạn cuối của thời kỳ bao cấp, tuổi thơ là những ngày đất nước chuyển mình trong giai đoạn đổi mới, hội nhập nên những tờ tem phiếu mua hàng rất đỗi xa lạ. Vậy nhưng, khi giở những tờ tem phiếu được ông Xuân lưu giữ hàng chục nghìn bản đủ loại mới thấy hết giá trị lịch sử của bộ sưu tập mang lại. “Tem phiếu trong giai đoạn bao cấp được tôi giữ lại từ chính cuộc sống gia đình. Tôi là giáo viên nên những tờ tem phiếu ấy được giữ lại vừa để sưu tập, vừa để nhắc nhở bản thân về một giai đoạn khó khăn của đất nước ngày đầu thống nhất”, ông Xuân tâm sự. Tất cả những tờ tem phiếu mua gạo, thịt, dầu thắp sáng đến từng cm vải được cấp mua mới thấy được một giai đoạn quá đỗi khó khăn của đất nước trước khi đổi mới.
 
Một bộ sưu tập được ông trân trọng lưu giữ là hàng nghìn trang báo Nhân Dân. “Báo chí nói chung rất quý, nhưng những trang báo Đảng còn quý giá vô ngần. Những trang báo Nhân Dân ở miền nam giờ đây có thể tìm mua dễ dàng nhưng trước đây, nhất là thời kỳ trước thống nhất hai miền nam - bắc (30-4-1975) cực kỳ khó tìm. Nhưng chính những trang báo Nhân Dân đã ghi lại chân thực nhất, đầy đủ nhất diễn biến của lịch sử đất nước, của cách mạng Việt Nam”. Ông Xuân vừa nói vừa mang những tuyển tập Báo Nhân Dân được lưu giữ trang trọng trên tầng hai của gia đình. Những trang báo đã úa vàng nhưng sự kiện Đại thắng mùa xuân 1975, về mùa hè đỏ lửa 1972, về cuộc chiến vẻ vang Tết Mậu Thân 1968, về cuộc Tổng tuyển cử sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất vẫn đầy đủ theo trình tự thời gian. Những bài xã luận đanh thép, những bài viết chân thành, sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, những cánh thiệp chúc xuân Người gửi đến đồng bào cả nước dịp Tết đến Xuân về cứ lần lượt hiện ra qua từng trang báo. Một chặng đường lịch sử vẻ vang của cách mạng Việt Nam được tái hiện đầy đủ và chân thực qua từng trang báo cũ.
 
“Trước đây tôi chưa có được những trang báo Nhân Dân đầy đủ. Thế nên, khi nghe chuyện có một kho sách bị lũ phải bán phế liệu ở miền trung, tôi liền tìm cách liên hệ mua lại. Những trang báo hư tôi tìm nguồn khác thay vào đến nay cơ bản đã có đầy đủ. Tuy nhiên, những trang báo trước năm 1960 của Báo Nhân Dân vì thời gian đã quá lâu nên tôi vẫn chưa thể sưu tập hết”, ông suy tư.
 
“Người khác sưu tầm cổ vật để nổi danh, để khẳng định vị thế trong giới, còn tôi chỉ mong lưu giữ, ghi lại lịch sử bằng những điều bình dị nhất”, Nhà giáo Ưu tú, nhà sưu tập Lê Phùng Xuân nói.
 
Những trang báo Nhân Dân đã ghi lại chân thực nhất, đầy đủ nhất diễn biến của lịch sử đất nước, của cách mạng Việt Nam.

 

Theo Báo Nhân Dân Online

 

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng