Năm 2015 nầy gợi nhớ đến những con số rất ấn tượng trong lịch sử văn hóa Triều Nguyễn và Huế: 210 năm (1805-2015) vua Gia Long mừng công thống nhất sơn hà; 130 năm Thất thủ Kinh đô (1885-2015); 70 năm Cách mạng Tháng tám thành công, vua Bảo Đại thoái vị (2015-1845); 40 năm thống nhất đất nước lần thứ hai (2015-1975). Trong vòng 210 năm ấy, bước ngoặt quan trọng diễn ra vào năm 1945.
Năm ấy, mặc dù Sài Gòn đã là thủ phủ của Nam Kỳ thuộc Pháp, Hà Nội là đầu não của thực dân Pháp ở Đông Dương, Kinh đô Huế vẫn giữ vai trò trung tâm văn hóa, chính trị của nước Đại Nam (Trung Kỳ) và của người Việt Nam (trong ba Kỳ Trung-Nam-Bắc). Nhân những ngày kỷ niệm lớn năm 2015 nầy, tôi điểm lại một số hoạt động văn hóa văn nghệ tiểu biểu vào năm cuối cùng (1945) của Kinh đô Huế sau đây.
Ngay đầu năm, vào ngày 20-1-1945, triều đình Huế tổ chức trao Giải thưởng văn chương Gia Long trong năm 1944 cho các tác phẩm Nhà Nho của Chu Thiên, Vang bóng một thời của Nguyễn Tuân, Lều chõng của Ngô Tất Tố, Đời sống tinh thần của Thiếu Sơn, Cư kỉnh của Hồ Biểu Chánh.
Không lâu sau đó, vào ngày 10-2-1945, ông Nguyễn Tiến Lãng, Bí thư của Hoàng hậu Nam Phương, rể cụ Phạm Quỳnh, từng thay cụ Phạm làm Chủ bút tạp chí Nam Phong, phát hành tập bút ký viết bằng tiếng Pháp Indochine la Douce (Đông Dương Lành) tái bản lần thứ 3.
Indochine La Douce (Đông Dương lành) của Nguyễn Tiến Lãng
Ngày 9-3-1945, Nhật đảo chánh Pháp, Đại sứ Yokoyama được cử vào Tòa Khâm, thay Khâm sứ Pháp, làm quyền Khâm sứ Nhật tại Huế. Chính phủ Nhật cho phép Triều đình Huế được “độc lập”. Vua Bảo Đại đích thân cầm quyền, ủy cho học giả Trần Trọng Kim lập Chánh phủ. Ngày 8-5-1945, Chính phủ Trần Trọng Kim chọn cờ Quẻ Ly làm quốc kỳ và bài nhạc Đăng Đàn của triều đình Huế làm quốc thiều (tức quốc ca). Lần đầu tiên nước Việt Nam có quốc kỳ và quốc ca (khác với trước kia chỉ có cờ của nhà vua). [Cờ Quẻ Ly, quốc thiều Đăng Đàn chỉ tồn tại trong khoảng 3 tháng rồi cáo chung cùng với chính phủ Trần Trọng Kim).
Đăng Đàn cung với lời mới thuộc ca nhạc Cung đình Huế (Miền Trung)
Như chúng ta đã biết, dưới triều Nguyễn hằng năm có nhiều lễ lược, nhưng không có ngày lễ độc lập. Đến triều Khải Định (1916-1925), nhà vua chịu ảnh hưởng của văn minh văn hóa Tây phương, ông đã chọn ngày 2-5 âm lịch – ngày vua Gia Long tổ chức mừng công thống nhất sơn hà (2-5 Ất sửu - 1805) làm ngày Hưng Quốc Khánh Niệm tức ngày Quốc Khánh dưới triều Nguyễn. Đây là ngày vui của triều đình, của bá quan văn võ, Tôn thất nhà Nguyễn và bá tánh. Có lễ đại triều ở điện Thái Hòa, các quan được đãi yến, xem hát ở Duyệt Thị Đường, ngoài xã hội, treo đèn kết hoa, ăn mừng rất vui vẻ. Đặc biệt trên sông Hương có kết một chiếc bằng Khánh niệm rất uy nghi.
Chiếc bằng Khánh Niệm trên sông Hương thời Khải Định. Ảnh TL của NĐX
Đến mùa hè năm 1945, mừng vừa được Nhật trao quyền, ngày 2-5 Ất dậu (nhằm ngày 11-6-1045) vua Bảo Đại cho tổ chức ngày Hưng Quốc Khánh Niệm rất lớn ở cả ba nơi Huế, Sài Gòn, Hà Nội. Ở Huế, ngoài những lễ lược đã có trước đó, nhà vua còn cho tổ chức các giải thể thao như đua xe đạp, chạy bộ, đua trải rất sôi nổi. Và đây cũng là ngày Hưng Quốc Khánh Niệm cuối cùng của triều Nguyễn ở Huế. Nhân lễ Hưng Quốc Khánh Niệm, nhân sĩ trí thức, văn nghệ sĩ Huế tổ chức một cuộc mít-tinh lớn tại Thương Bạc thành phố Huế để truy điệu các anh hùng nghĩa sĩ đã xả thân vì nước. Trước bàn thờ Tổ Quốc, cụ Xuân-Viên Ngô-Phương-Thảo đã đọc một bài văn tế rất thống thiết.
Mở đầu bài văn:
“Hỡi anh em, đồng bào ta ơi! Bừng con mắt nhìn xem nước mới, “Việt Nam độc lập”, khắp ba kỳ chung một ngọn cờ vàng.
Chạnh tấm lòng chạnh nhớ ngày xưa, “Chí sĩ hy sinh”, dưới chín suối biết bao người mệnh bạc.
Hồn Tổ quốc bơ vơ trong trời đất , trở về đây mà nghe tiếng hoan hô,
Khí anh hùng un đúc giữa non sông, quây quần lại mà nếm mùi cộng lạc”.
Mở đầu trang sử cứu nước từ “Giống Bách Việt đầu đen máu đỏ, trải Đinh, Lê qua Lý Trần, cho đến Hậu Lê” , Quang Trung.v.v.
Chủ yếu bài văn truy điệu các anh hùng nghĩa sĩ chống Pháp. Nhắc đến Phan Thanh Giản, Nguyễn Tri Phương, Tổng đốc Hoàng Diệu, Phan Đình Phùng (ứng nghĩa Cần Vương), Hoàng Hoa Thám, Phan Bội Châu, Nguyễn Thượng Hiền, Phạm Hồng Thái, Trần Quý Cáp, Phan Châu Trinh.v.v. Kết thúc bài văn là lời kêu gọi:
“Chữ đồng bào gẩm lại vẫn đinh ninh, chẳng lựa là anh, là em, là cha, là mẹ, là cố cựu, thân bằng, chung một giống con Hồng, cháu Lạc.
Lòng ái quốc, kẻ mất còn cũng vậy, gọi chung bạn trở về cố quận, dắt dìu nhau hợp lực đồng tâm;
Khí tự cường, người sống thác cũng là, khuyên anh, em bước tới tiền đồ, gắng gổ lấy đồng lao cộng tác. Thượng hưởng!”
Bài văn tế ấy do Hoài Nam Nguyễn Trọng Cẩn soạn thảo. Lời văn hùng hồn, sâu sắc, khiến cho đồng bào ta có mặt trong buổi lễ phải cảm động đến rơi nước mắt.
Có thể nói các hoạt động xã hội chính trị mang tính văn hóa văn nghệ từ mùa xuân đến cuối mùa hè năm 1945 thể hiện rõ vai trò Thủ đô của Huế. Đặc biệt từ sau ngày Nhật đảo chính Pháp, các hoạt động văn hóa văn nghệ giúp đun nóng tinh thân yêu nước cho đồng bào Huế. Với tinh thần yêu nước lên cao độ như thế cho nên khi Cách mạng Tháng 8/1945 đến, toàn dân đã hồ hởi tham gia. Cách mạng Tháng 8 thành công chưa đầy một tháng “Hơn 50 nhà văn, nhà báo, nghệ sĩ ở Thuận Hóa họp tại Sở Tuyên truyền tối hôm 18-9-1945 đã lập xong Liên đoàn Văn hóa Cứu quốc Thừa Thiên. Liên đoàn này gồm có 4 ban: Văn học, Hội họa điêu khắc và kiến trúc, Âm nhạc, Ca kịch, dưới sự điều khiển của một Ủy ban chấp hành lâm thời 5 người: Chủ tịch: Hoài Thanh; Phó Chủ tịch: Đào Duy Dếnh;Thư ký: Thanh Tịnh, Hà Thế Hạnh, thủ quỹ: chị Quốc Thuận”. Rồi cũng chính những thành viên của Liên đoàn Văn hóa cứu quốc Thừa Thiên lập nên Đoàn Văn hóa Cứu quốc Trung Bộ (ngày 23 -11- 1945) do thầy giáo Nguyễn Lân (nhà văn Từ Ngọc) làm Chủ tịch. Hai tổ chức văn hóa văn nghệ nầy mang tên hai địa phương Thừa Thiên Huế và Trung bộ (Miền Trung) nhưng ra đời khi trên toàn quốc chưa có một tổ chức văn hóa văn nghệ nào như thế cho nên buổi đầu hai tổ chức nầy vẫn trong tư thế toàn quốc. Về sau, nhiều thành viên trong hai tổ chức nầy tham gia thành lập các tổ chức văn hóa văn nghệ cứu quốc của Trung ương.
Sau ngày Cách mạng Tháng 8/1945 thành công, Hà Nội là Thủ đô của nước Việt Nam, Huế trở thành Cố đô nhưng vẫn giữ vai trò trung tâm văn hóa văn nghệ Việt Nam cho đến ngày Toàn quốc kháng chiến (đầu năm 1947). Nghiên cứu làm rõ các hoạt động văn hóa văn nghệ ở Thừa Thiên Huế năm 1945, không những để hiểu biết về lịch sử văn hóa văn nghệ địa phương mà còn phục vụ cho lịch sử văn hóa văn nghệ Việt Nam.
Theo Nguyễn Đắc Xuân - Gác Thọ Lộc