Nguyễn Lãm Thắng với năng lượng sáng tạo dồi dào của mình đã cần mẫn, bền bỉ đi qua từng chặng đường thơ nhiều trúc trắc, phá bỏ các ước lệ, cũng như kiến tạo một tinh thần thơ nghiêm túc với chữ nghĩa.
Tập thơ có thể nói là đồ sộ với hơn 300 bài thơ, chia thành các tiểu mục nhỏ như: buồn vui chi cũng tím bầm nhớ thương; thương dân ca, nhớ hò khoan quê mình; những điều không nói là thường rất đau. Người thơ đã niệm cùng câu kinh rong chơi, chạm vào mưa mà nhớ, đi đến tận cùng nỗi nhớ, đây vết sẹo câm, kia vết thương dịu dàng và đâu đó đã chết trong lòng một giấc mơ.
Nguyễn Lãm Thắng để cho con chữ tự do bay, nhảy, múa trong các trạng huống đời sống, những cơn mơ, ý nghĩ móc ruột từ đêm, chợt nhận ra rằng trần gian chật quá, để vỗ về một hạt bụi và trả lời giấc mộng của chính mình với bao ngậm mùi bể dâu:
“trước sau cát xóa lối về
ta làm một cái bổn lề nhơn gian”.
Có câu thơ đã tạc vào nỗi trắc ẩn của một tâm hồn đa cảm:
“nát nhàu một lối đi quen
cỏ xưa đâm rát những đêm hẹn hò”.
Trường Giang