Đọc “Mưa mùa lên men”, người đọc dễ dàng nhận ra bóng dáng thấp thoáng của một Huế trang đài mà cổ kính trong thơ Nguyễn Thiền Nghi. Dường như, cây đa, bến nước, con đò, một khu vườn lộng gió, một khoảng sân đầy nắng óng, một con đường sương giăng, một ngôi nhà cổ phủ màu rêu, một nhà thờ nghi ngút khói bay…, những hình ảnh thân quen ấy người ta có thể bắt gặp ở bất cứ nơi đâu, nhưng chẳng hiểu sao vẫn thấy rõ ràng sắc màu của Huế loang loang trong từng câu chữ.
38 bài thơ trong “Mưa mùa lên men” đã gói gọi những ưu tư, trăn trở, những suy ngẫm của nhà thơ xứ Huế về con người, về tình yêu, về cuộc đời. Những hoài niệm đã qua luôn khiến người ta day dứt không nguôi, những chênh vênh trong cuộc đời đôi khi khiến con người bơ vơ, lạc lõng. Ở đó, người đọc luôn thấy bóng dáng của cái tôi cô đơn ẩn hiện trong từng nhịp thơ khi gãy gọn, khi chậm rãi, buông lơi, có khi lại day dứt như giọng hò ai miên man trên sông nước Hương giang giữa mùa trăng chơi vơi sương lạnh.
Tôi đã thấy bóng hình chàng lãng tử lang thang trên phố một chiều mù sương khi ngày trở gió, mang trong mình nỗi cô đơn “Biết giấu vào đâu ngón tay buốt nhớ giọt tình”, để “Cái nhớ chừ lên da thịt/một chút tình nhỏ xuống cũng thành men” (Men Huế). Tình yêu, nỗi nhớ nhung buốt lên khiến nỗi cô đơn như bủa vây giữa không gian thành quách cổ kính, ngát lịm hương sen mờ ảo, để người thơ cũng muốn “Bọc Huế vào mơ”, ôm giữ những niềm riêng.
Nỗi cô đơn ấy ẩn hiện và xuyên suốt tập thơ, như vướng vít trong giọt mưa, trong ánh nắng, trong làn mây, trong ánh trăng đêm bàng bạc giữa đất trời xứ Huế, nó như loang ra giữa biển trời, giữa mây ngàn gió núi, để đôi lúc lại thấy mình chơ vơ giữa tháng ngày “Tôi như con mèo khát tình/Chạy đuổi tiếng kêu gào của mình/Lạc lõng trên mái gió/Đóng đèn cái nhìn rổ cỗi già/Về phía không em” (Chênh chao mưa). Có khi, sự chênh chao như ngọn gió đêm, như mạch nước ngầm, cứ lan dài ra phủ thấm cả những hoang hoải đời người “Tôi nhảy múa tôi trong rỗng toác cuối ngày/những bước hoang tưởng hạnh phúc/trên sàn cô đơn mịn cát đêm/theo nốt nhạc mưa vừa viết/vào lưng trần không áo tình che” (Vũ khúc dã tràng). Có lúc là sự thảng thốt, lạc lõng khi đứng trước sự bao la của biển trời mà nhận ra lòng mình chẳng có nơi neo đậu “Vốc một vốc nước biển/là thấy cả trời mây/em không còn ở đó/tôi tan chảy vào đâu (…) Vấp tiếng cười của nắng/mà cháy nám hoàng hôn/bạt ngàn mây bạt nhớ/tôi giờ biết về đâu” (Một thoáng biển), cũng có khi là sự bất lực trong thầm lặng “Có khi thấy mình tựa ngôi sao băng/rơi vào vô hạn/âu lo cuộc người không biết về đâu” (Trước biển).
Có đôi khi ta thấy một Nguyễn Thiền Nghi đầy suy tư. Dường như sự được mất, có không trong cuộc đời này đều hư ảo, chẳng có gì là mãi mãi với thời gian, giống như ánh trăng hư ảo giữa trời, rơi vỡ trên nền đất, hóa hư không. Như bến đò nằm đó giữa bao nắng mưa cuộc đời, để rồi một ngày cầu bắc qua sông, đò thôi không còn bến đậu, để ai đó đứng chơ vơ bên bến cũ, thảng thốt trong hoài niệm, người cũ giờ nơi nao “Chạy xe/về lại nơi đây/đường thôi đất đá/cầu thay đò rồi/áo hoa giờ hóa mây trời/ níu vai cầu/ nhớ vai người/ ngày xưa” (Bến xưa).
Ở “Mưa mùa lên men”, Nguyễn Thiền Nghi cũng dành một góc cho những bài thơ viết về đại dịch COVID-19. Ở đó, người đọc sẽ gặp lại nỗi bàng hoàng về những con số u ám được réo lên mỗi ngày khiến lòng người chìm trong nỗi bất an triền miên. Nhưng rồi, trước những giông tố, những thử thách của đời sống, “Những tấm lòng mở ra/ dìu nhau đi qua đại dịch”. Và ngày trôi đi, người ta lại nhận về những yêu thương ấm áp, cuộc đời này vẫn thật đẹp bởi có những tấm lòng luôn ấm áp chở nặng thương yêu.
Đọc “Mưa mùa lên men”, người đọc sẽ bị cuốn hút bởi cách dùng chữ của Nguyễn Thiền Nghi, nó vừa đẹp, vừa lạ lẫm và đầy hình ảnh như: “Nắng không còn duỗi thẳng/ những ngón tay chờ nhau”; “Những chiếc bóng tầm gởi/quấn nhau thành sợi buồn khô”; “Trong ngôi nhà cổ/có người/chẻ buồn nhen lửa/đốt trời nhớ quên”; “Một nụ hoa vừa nứt cánh/cong cả ban mai”... Người đọc như được dẫn dắt, khơi gợi, để thỏa sức gợi mở những trường cảm xúc, những cung bậc tình cảm da diết và đầy tính liên tưởng. Người đọc như “say” theo những con chữ, để rồi một lần lại một lần khi những vẫn thơ được ngân lên, lòng lại thấy những xúc cảm mới chậm rãi dâng trào. Khác với ngày hôm qua.
Theo Linh Chi - Báo Thừa Thiên Huế Online