Đối thoại về tuyến tính và thông điệp trong hội họa
23:03 | 03/11/2014
BỬU CHỈ




Có người quan niệm rằng:
- Khác với những phương tiện ngôn ngữ mà chúng ta thường dùng để diễn đạt ý nghĩ, cảm xúc như tiểu thuyết, thi ca, và ngay cả những ngành không chọn ngôn ngữ và chữ viết làm phương thế diễn đạt như âm nhạc, hội họa không thể nào truyền đạt được một thông điệp khi nó là một thứ nghệ thuật phi tuyến tính (nghĩa là không có trình tự trước sau).

Đối thoại về tuyến tính và thông điệp trong hội họa
"Tiếng vọng một đời người" - Chân dung tự họa của Bửu Chỉ

- Phi tuyến tính vì người xem cảm nhận bức tranh một cách tức khắc và toàn diện.

- Một tác phẩm nghệ thuật có giá trị hay không là ở chỗ khả năng mời gọi của nó đối với người xem tham dự vào sự sáng tạo tác phẩm nhiều hay ít, chứ không ở chỗ nó có áp đặt được thông điệp của tác giả đến người xem hay không?

Tôi không đồng ý với quan niệm trên vì nó có nhiều điểm không ổn và không xác đáng. Để chứng minh tôi sẽ trình bày quan niệm của mình thành hai mảng vấn đề như sau:

1. Khả năng truyền đạt thông điệp của hội họa hữu thể (Figuratif).

2. Khả năng truyền đạt thông điệp của hội họa vô thể (Non-figuratif).

Trong mỗi phần tôi sẽ luôn lưu ý đến mối tương quan giữa tác giả, tác phẩm và người xem.

Nhưng trước hết cần phải minh định rõ một điều là: Hội họa ở đây là hội họa nói chung, sẽ không có lý gì để phân biệt giữa tranh có khung và tranh không khung, giữa tranh giá vẽ và tranh tường. Vì trong cả hai trường hợp ý nghĩa tạo hình không thay đổi.

Nhưng tôi lại thấy không cần phải nói đến tranh hoạt họa (Dessins animés) vì có sự can thiệp của kỹ thuật điện ảnh; cũng như không phải nói đến tranh truyện (Bande dessinée) vì có sự gắn ghép với văn chương. Nhưng trong cả hai trường hợp này ý nghĩa tạo hình của từng bức tranh nhỏ cũng không thay đổi.

Và cũng cần phải xác định một cách khái quát, Thông điệp là gì? - Thông điệp theo tôi là tất cả những gì chứa đựng trong nó một nội dung, và nội dung này có thể chuyển đến cho người khác thành một thông tin. Người khác có thể tiếp nhận, hay không tiếp nhận nó tùy theo nhu cầu thông tin riêng của mình. (Thông điệp: message; thông tin: information).

Tôi xin đơn cử một ví dụ: - Có một nhóm người gặp nạn trên biển, sau đó trôi dạt vào một hoang đảo, nhóm người này đang đói và khát, hoàn cảnh thập tử nhất sinh. Bỗng họ tìm thấy trên bãi cát một bãi phân người còn mới, nhóm người gặp nạn khi ấy mừng rỡ vô hạn, vì họ vừa tìm thấy một dấu hiệu của sự sống của đồng loại, và họ nuôi hy vọng sẽ nhận được sự cứu giúp từ kẻ đồng loại mà họ chưa hề biết mặt, tên, tuổi đó. Nói cho cùng thì đó cũng là một ý nghĩa thông điệp.

- Một trường hợp khác, các bảng dấu hiệu giao thông được trồng ở bên đường: Bảng cấm đi, bảng rẽ trái rẽ phải, bảng cấm bóp còi v.v… Đó là những ký hiệu qui ước của xã hội mà mọi người đều chấp nhận; khi lái xe trên đường mọi người tự giác tuân thủ theo đó để tránh tai nạn. Các dấu hiệu này cũng có ý nghĩa một thông điệp.

Trong cả hai trường hợp nêu trên, người ta cảm nhận tức khắc và toàn diện các hình ảnh; nhưng điều này đâu cản trở người ta nhận một thông tin. Cần gì tuyến; hay tuyến là dòng ký ức, hoài niệm, liên tưởng… đã diễn ra trong đầu óc con người khi ấy.

1. Khả năng truyền đạt thông điệp của hội họa hữu thể (Figuratif).

Không phân biệt Tây phương hay Đông phương. Gọi là hữu thể, những khuynh hướng hội họa mà ở đó mọi sáng tạo tạo hình chủ quan đều dựa, hay còn dựa trên hình ảnh của thế giới tự nhiên bên ngoài (nhà cửa, người, vật…) để biểu đạt ý nghĩ, cảm xúc; và nhờ đó mọi người có thể dễ dàng hiểu được. Ta có thể kể: Hiện thực cổ điển, Tân cổ điển, Ấn tượng, Dã thú, Biểu tượng, Tượng trưng, Siêu thực, Lập thể… Và không thể không kể đến tranh hang động thời tiền sử, hay tranh vẽ thời cổ đại.

Có một số người thường thưởng ngoạn hội họa theo "kiểu văn chương", rồi đem so sánh hội họa với văn chương, mà không chịu thưởng ngoạn hội họa bằng chính hội họa. Kỳ thực, để nói về một nỗi buồn, một nỗi giận dữ, chẳng hạn, văn chương phải viết với một đoạn, mà lắm khi người không biết chữ sẽ không biết được đoạn văn ấy nói gì; trong khi nhìn một bức tranh thì họ hiểu ngay, thấy ngay. Như vậy, cái tức khắc và toàn diện chính là thế mạnh của hội họa so với các phương tiện ngôn ngữ khác. Ngôn ngữ tạo hình là ngôn ngữ trực quan.

Sức biểu cảm của hình hiện thực là mạnh, tức khắc, và phổ biến. Văn chương viết bằng tiếng nước này phải dịch ra tiếng nước khác người nước khác mới hiểu. Còn hội họa thì không cần. Người ta còn gọi hội họa là ngôn ngữ quốc tế. Điều này có được là nhờ mẫu số chung của nó là những hình ảnh rút ra từ thế giới tự nhiên bên ngoài, khiến người xem dễ dàng ký ức, hoài niệm, liên tưởng…, dễ dàng cảm thông, chia sẻ với tác giả bằng chính kinh nghiệm sống của mình. Và nếu không thích thì không chia sẻ, phản đối. Rất tự do.

Thưởng ngoạn một tác phẩm có nghĩa là một sự tham dự của người xem vào tác phẩm về cả hình thức lẫn nội dung. Kết quả có thể là tán đồng hay không tán đồng, thích hay không thích; nhưng điều này sẽ làm cho tác phẩm thêm phần phong phú về nội dung, tác giả nhờ đó có thể nâng tay nghề. Và sinh hoạt nghệ thuật thêm sinh động. Còn cho rằng giá trị nghệ thuật nhiều hay ít là do sự mời gọi của tác phẩm đối với sự tham dự của người xem vào sự sáng tạo của tác phẩm nhiều hay ít, thì điều này tôi không tin. Vì nếu người xem can thiệp vào một cách thô bạo, và vô nguyên tắc thì chẳng khác nào người xem vẽ lại tranh theo ý mình. Khi ấy tác giả và tác phẩm đều bị thủ tiêu. Mọi sự tham gia có tính bổ sung là rất quí giá còn ngoài ra nếu không được thế thì người xem chỉ có quyền chê bai, thậm chí là khinh miệt, rồi quay lưng đi. Sở dĩ tôi nói vậy là vì tác giả có toàn quyền chủ quan trong tác phẩm của mình. Tính chủ quan chính là sự sống còn của tác phẩm. Nếu tác phẩm không còn mang dấu ấn của tác giả, mà mang dấu ấn của ai khác thì đâu còn là tranh.

Đã có thời cấp ủy tham dự quá gắn bó vào sự sáng tạo. Tác phẩm đã làm cho tác giả cứng tay không vẽ được. Nhưng nào ai dám bảo cấp ủy không phải, hay không được làm người xem tranh. Và với sự tham dự mãnh liệt đến như thế, nhưng có được mấy tác phẩm giá trị còn để lại. Cũng giống như văn chương thôi, xem tranh đòi hỏi phải có trình độ, sự nhạy cảm với cái đẹp, và trực giác mỹ thuật.

Tóm lại cho phần này, xem tranh dĩ nhiên là cảm nhận tức khắc và toàn diện hình màu và đường nét; nhưng điều này không cản trở sự khám phá ra nội dung ở trong tranh mà tác giả muốn nói. Vả lại cái gì nằm ở bên sau tranh mới là quan trọng, mới là đáng nói. Nếu nói phải có tuyến tính mới biểu đạt được ý nghĩ, cảm xúc, thì hội họa có tuyến tính riêng của nó. Tuyến này hình thành ở trong trí óc của người xem nhờ vào ký ức, hoài niệm, liên tưởng, trực giác v.v… và còn nhờ cả vào sự can thiệp của phần vô thức nữa. Nhiều lần "tức khắc và toàn diện" sẽ vẫn cứ phải khác một lần. Kinh nghiệm bản thân tôi cho thấy có những bức tranh càng nhìn, càng hiểu càng ưa; và có những bức tranh càng nhìn càng không thích.

Theo tôi nghĩ, ngay như văn chương tuyến cũng không nằm ở trong trang sách, mà ở trong đầu người đọc nhờ vào khả năng ký ức và hoài niệm… nếu vì lý do gì mà khả năng này bị mất đi, thì đọc trang 2 đã quên trang 1; khi đọc đến trang cuối thì quên cả cuốn sách!

Tôi cho rằng ngay ở trong tranh đã có sự khơi gợi tuyến và định hướng cho tuyến (tôi không nói là có tuyến). Cũng cần nhấn mạnh rằng hội họa không có tham vọng nói hết, giải quyết hết mọi vấn đề, mà chỉ bày tỏ và khơi gợi - khi muốn biểu đạt một ý nghĩ, một cảm xúc, người họa sĩ phải thông qua sự dựng hình. Toàn bộ hình, màu, mỗi đường nét, ánh sáng, bóng tối… sẽ được vận dụng cho sự dựng hình này. Nói cách khác, đây là những phương tiện để gợi nội dung.

Tôi đang nói về hội họa hữu thể. Khi sáng tác một bức tranh, trước hết người họa sĩ phải phác lên bằng hình cái ý tưởng chủ đạo của mình. Toàn thể hình này sẽ được phối trí thế nào để dẫn dắt đến hình tượng chính, như vậy phải dùng đến những đường sức (Ligne de force). Đường sức này được điều hợp theo tiết điệu (rythme) để tạo sự hài hòa.

Sau đó, màu sẽ được dùng để tả chất, gia tăng sự biểu cảm, tạo nền, tạo không gian v.v… Màu được phối trí theo mối tương quan với hình, chịu sự nhào nặn của anh họa sĩ để biểu hiện một điều gì đó. Sáng tối, đậm nhạt nét nhấn, đường nhòa là kỹ thuật cũng sẽ được sử dụng cho mục đích vừa nêu. Và từ đó, những cái chính, cái phụ, trọng tâm của bức tranh sẽ được an bài. Nó được an bài nhờ qui vào một bố cục (composition), bố cục là cách tổ chức không gian tranh, không gian ở đây là quan niệm, là cách nhấn mạnh ý đồ sáng tác của tác giả. Như vậy, trước khi dựng hình, bố cục đã phải có trong đầu của tác giả.

Ngoài ra còn có một phương cách khác để làm nổi bật nội dung tư tưởng của bức tranh đó là phép viễn cận (perspective). Trước hết đừng chỉ có hiểu viễn cận là phương pháp vẽ xa gần của thời Phục Hưng. Như thế thì quá đơn giản! vì phép này chỉ thể hiện sự say mê về khoa học tự nhiên, về trật tự lý tưởng của thời đại này. Ngay cả cùng thời với Phục Hưng, ở một số vùng khác trên thế giới; hay về sau này đã có nhiều phép viễn cận đã được kiến tạo ra. Có một điều cần phải nói mà không lấy gì làm lạ, chính phép viễn cận thay đổi tùy theo nhân sinh quan, quan niệm văn hóa, tôn giáo, chính trị v.v… của mỗi thời và mỗi vùng. (Vì giới hạn của bài này nên không thể trình bày một cách chi tiết được).

Đối với người xem, họ phải tuân thủ trình tự mà tác giả muốn gợi ra. Nghĩa là xem tranh phải biết bắt đầu từ đâu; cái gì chính cái gì phụ; và đâu là trọng tâm. Có người nói rằng tôi xem tranh, tôi thích cái màu nền, vậy tôi bắt đầu bằng màu nền. Đó là quyền thích của họ nào ai cấm. Nhưng nếu thật sự muốn tìm hiểu bức tranh muốn nói gì, anh ta phải bắt đầu lại từ cái chính đến cái phụ… Nói cách khác đi, xem một bức tranh chuột cắp trứng, thì không thể nào rút cục lại thấy ra là trứng cắp chuột! Trừ phi đó là bức tranh tồi.

Một mặt khác, trước một bức tranh mà mình đã vẽ xong, tư thế của người họa sĩ là khác với người xem tranh. Một bên buộc phải biết mình đã vẽ gì, còn một bên thì tìm hiểu xem tác giả muốn nói gì. Sẽ không vì cảm nhận tức khắc và toàn diện mà khiến đôi khi tác giả có thể vô ý hiểu nhầm tác phẩm của mình như người xem.

Tính thông điệp của hội họa như thế thì đã rõ. Để kết luận cho phần này có thể nhắc lại một câu nói của Van Gogh: "Tôi thích vẽ chân dung của những gái điếm hơn là vẽ nhà thờ; vì hôm nay, Chúa không còn có mặt ở nhà thờ nữa, mà ở ngay nơi đôi mắt của họ." (Thư gửi Théo).

2. Khả năng truyền đạt thông điệp của hội họa vô thể (Non - Figuratif).

Khuynh hướng hội họa vô thể bao gồm những họa sĩ từ bỏ lối biểu hiện nghệ thuật dựa trên hình ảnh của thế giới tự nhiên bên ngoài, và quan niệm hội họa là nghệ thuật bố trí những hình và màu thuần túy nhằm gợi lên những xúc cảm thẩm mỹ thuần túy - Điều mà Paul Klee gọi là biến cái Invisible thành cái Visible - được khai sinh vào đầu thế chiến I (1914) và tồn tại cho đến ngày nay song song cùng khuynh hướng hữu thể. Kandinsky là người đầu tiên khai sinh ra hội họa vô thể, với tác phẩm hội họa bằng màu nước năm 1910. Và ông đã viết cuốn "Du spirituel dans l'Art" (Vấn đề tâm linh trong nghệ thuật). Sáng tạo của ông chủ yếu dựa vào những cảm hứng từ âm nhạc. Khởi đầu là như thế, về sau càng ngày càng thêm đa dạng trong hình thức biểu hiện cũng như quan niệm nghệ thuật khác nhau của nhiều thế hệ họa sĩ.

Nói chung, trực giác thẩm mỹ, những xung lực vô thức về tạo hình là động lực sáng tạo chính của những tác giả thuộc nhóm này. Kandinsky gọi động lực đó là nhu cầu nội tâm (Nécessité inférieure).

Xét về mặt ngôn ngữ tạo hình (Langage pictural), ngôn ngữ hội họa vô thể hoàn toàn khác với ngôn ngữ hội họa hữu thể ở chỗ không còn vay mượn "tư liệu tạo hình" từ thế giới bên ngoài nữa; nhưng ý nghĩa về nhu cầu bày tỏ, biểu đạt, của người họa sĩ bằng hình và màu vẫn không thay đổi. Không phải vấn đề hình, màu, đường sức, tiết điệu, bố cục chỉ luôn đặt ra cho hội họa hữu thể; ngay cả trong hội họa vô thể vấn đề tiết điệu, đường sức, bố cục, vẫn được xem trọng. Cho dù vô thể, nhưng không bôi bát lung tung. Vì bất cứ cái gì phi thẩm mỹ thì không thể nào là mỹ thuật được. Ví dụ như xem một tác phẩm của Pollock, thoạt nhìn vào cứ tưởng như rối rắm; nhưng khi nhìn kỹ thì những dòng màu đan xen nhau một cách đầy tiết điệu, và tạo nên những mỹ cảm.

Đừng tưởng tranh vô thể không thể hiện những nỗi đam mê, những cơn cuồng nộ, hay nỗi buồn… Tranh Zaowouki thơ mộng như tranh đời Tống, Staël phẫn nộ, Kandinsky lãng mạn và đầy cá tính triết lý, Soulage đầy chất nội tâm v.v… Tất cả những trạng thái tâm hồn đó, ở đây đã được diễn tả bằng hình và màu thuần túy do chính bàn tay và khối óc nghệ sĩ sáng tạo.

Không khác gì những khuynh hướng hội họa khác, và gần như là thiên chức nghệ thuật, hội họa vô thể mang đến cho thế giới hội họa hiện đại thông điệp về một sự thật mới, một vẻ đẹp mới đầy tính tâm linh.

Đứng trước một tác phẩm hội họa vô thể, mỗi người xem có thể cảm nhận một cách khác nhau. Họ có thể thích hoặc không thích; hoặc bằng trí tưởng tượng của mình họ có thể phát hiện thêm những điều mới mẻ. Nhưng không phải vì thế mà sự tham dự của người xem vào tác phẩm lại không có những giới hạn. Tranh vô thể cũng có nhan đề; dĩ nhiên không phải nhờ nhan đề mà tranh tồn tại và có ý nghĩa, mà qua đó tác giả muốn nhấn mạnh trọng tâm, và hướng sáng tạo của mình. Ví dụ: Bố cục, Bố cục với màu đỏ và màu xanh, Nâu và xám, Ngẫu hứng v.v…

Tóm lại, nghệ thuật hội họa trong tư cách là một ngôn ngữ tạo hình, nó mang đầy đủ cái khả năng diễn đạt như mọi ngành nghệ thuật khác. Nó có tuyến tính riêng và mang thông điệp. Do đó các nhà nghiên cứu mỹ thuật hiện đại chủ trương xem tranh là làm một lecture.

Bacon nói: "Ars, Homo additus naturae" (Nghệ thuật, con người thêm vào thiên nhiên). Ý nghĩ người bao giờ cũng đầy ắp trong hội họa, hà cớ gì con người lại không tiếp tục chuyển cho nhau những bản thông điệp về cuộc đời.

B.C
Vĩ Dạ 17/10/1999
 


---------------
Chú thích:
Việc phân hội họa thành hai mảng như trên là do sáng kiến của tôi để tiện trình bày vấn đề, dựa trên tính cách của ngôn ngữ tạo hình. Do đó, ngay trong hội họa hữu thể (Figuratif) sẽ cùng tồn tại nhiều thể loại hội họa qua nhiều thời đại, nhiều vùng, miễn là có sự sử dụng hình ảnh của thế giới bên ngoài, dù theo quan niệm nào đó, thể hiện bằng cách thế nào đó. Vì vậy nó sẽ bao quát từ lúc khởi đầu khi con người biết dùng hình vẽ để nói về một điều gì đó, cho đến khi nó được con người xây dựng thành một bộ môn nghệ thuật chuyên biệt như ngày nay. Và trong một chừng mực nào đó, cũng sẽ không loại trừ chữ tượng hình.

 


 

Tác giả: Bửu Chỉ