Nhiếp ảnh
Tọa đàm Kỷ niệm 155 năm thành lập Hiệu ảnh Cảm Hiếu Đường
20:51 | 15/03/2024

Chiều 15/3, Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế đã phối hợp với Hội Nhiếp ảnh Thừa Thiên Huế tổ chức tọa đàm nhân kỷ niệm 155 năm thành lập Hiệu ảnh Cảm Hiếu Đường (14/3/1869 - 14/3/2024).

Tọa đàm Kỷ niệm 155 năm thành lập Hiệu ảnh Cảm Hiếu Đường
Cách đây 155 năm, ngày 2 tháng 2 năm Kỷ Tỵ (tức ngày 14/3/1869), cụ Đặng Huy Trứ khai trương hiệu ảnh Cảm Hiếu Đường tại Hà Nội. Đây được xem là dấu mốc quan trọng, mở đầu cho việc hình thành nghề ảnh Việt Nam, đồng thời khẳng định Đặng Huy Trứ là người đầu tiên đưa nhiếp ảnh vào Việt Nam, làm nền tảng cho sự phát triển mạnh mẽ của chuyên ngành nhiếp ảnh sau này.
 

Nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc - Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Thừa Thiên Huế - phát biểu tại buổi tọa đàm
 
Tại tọa đàm, 07 tham luận đã được các đại biểu trình bày, trong đó có những vấn đề trọng tâm về danh nhân Đặng Huy Trứ và hiệu ảnh Cảm Hiếu Đường đã được làm rõ như: Đặng Huy Trứ - Danh nhân văn hóa kiệt xuất của Việt Nam và tầm nhìn thời đại, Từ nhà kỹ trị canh tân đến việc khai lập nghề nhiếp ảnh Việt Nam với Hiệu ảnh Cảm Hiếu Đường, khai trương Hiệu ảnh Cảm Hiếu Đường năm 1869 là sự kiện lớn của văn hóa Việt Nam... 
 
 
Các tham luận tại tọa đàm lần này đều có nhiều giá trị về mặt tư liệu lịch sử, đánh giá về cuộc đời và sự nghiệp của danh nhân Đặng Huy Trứ, đồng thời qua đó cũng thể hiện rõ những đóng góp tích cực, có ý nghĩa của ông, đặc biệt là giá trị của sự kiện thành lập Hiệu ảnh Cảm Hiếu Đường, đặt viên gạch đầu tiên khai sinh ra nghề nhiếp ảnh Việt Nam.
 

NSNA Phạm Văn Tý với tham luận "Hành trình hướng về cội nguồn của nhiếp ảnh Thừa Thiên Huế"
 
 
 
Đặng Huy Trứ (tự Hoàng Trung), sinh ngày 19 tháng 3 năm Ất Dậu (nhằm ngày 16-5-1825) tại làng Thanh Lương, xã Hương Xuân, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế. Cụ là một nhà yêu nước - canh tân, nhà chính trị, nhà giáo dục, nhà quân sự, nhà thơ lớn của đất nước ở thế kỷ 19. Cuộc đời và sự nghiệp của Đặng Huy Trứ đã được sử sách lưu truyền và sống mãi trong trái tim nhiều thế hệ người dân Việt Nam. Cụ luôn là người tiên phong, thể hiện tư tưởng tiến bộ "vượt lên trước những nhà nho cùng thời đại, không phải nổi bật mà là vượt bậc" (Lê Văn Lan). Việc Đặng Huy Trứ nhận thức rằng kỹ thuật nhiếp ảnh thế giới là phát minh vĩ đại của nhân loại, từ đó tìm hiểu và dũng cảm đưa nghề ảnh về Việt Nam trong bối cảnh hiểu biết khoa học của xã hội đương thời còn rất nhiều hạn chế, là một hành động hết sức dũng cảm. Cụ đã chấp nhận chịu búa rìu dư luận thời đó như tuyên truyền cho "kẻ thù", làm phương hại đến nghĩa khí chồng ngoại xâm...; điều đó thể hiện ý chí canh tân, "khai hoa" rất mạnh mẽ của Cụ.
 
 
 
 
 
Quỳnh Chi
 
 
 
 
 
 
Các bài đã đăng