NGUYỄN THANH TÚ
Tôi tình cờ quen Phạm Văn Tý vào những năm đầu của thập kỷ 90. Dạo ấy Bình Trị Thiên chia tỉnh, đáng lẽ tôi phải theo cơ quan ra Quảng Bình (quê tôi) công tác. Nhưng do hoàn cảnh gia đình và đặc biệt tôi đang theo học đại học ở Huế nên đành phải ở lại, chấp nhận thất nghiệp không có việc làm!
Nghĩ là đơn giản vậy, nhưng vốn là người ham công việc, quan hệ xã hội rộng, ngày càng tôi cảm thấy cuộc sống trở nên đơn điệu, buồn chán! Nghe lời khuyên của một cô bạn thân, tôi đến học ở một lớp nhiếp ảnh tại Trung tâm dạy nghề Thành Nội- Huế vào ban đêm. Và dù chỉ một lần nghe Phạm Văn Tý giảng bài, sau này đánh bạn với nhau tôi vẫn hay đùa: “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư” vào những cuộc hàn huyên.
Phạm Văn Tý sinh năm 1959 ở Huế. Lớn lên anh theo học ngành sư phạm rồi trở thành Hiệu trưởng của một trường PTCS từ anh giáo viên dạy giỏi môn Toán. Sau bao nhiêu năm gắn bó với nghề, lặn lội với phong trào xây dựng trường lớp ngay nơi “chôn nhau cắt rốn” của mình ở xã Hương Thọ phía thượng nguồn sông Hương. Rồi cũng gần giống tôi, do hoàn cảnh gia đình, Phạm Văn Tý xin nghỉ việc tại cơ quan để chuyển sang làm nghề ảnh. Ở môi trường mới, ngoài việc chụp ảnh và rửa, phóng ảnh bằng thủ công tại cửa hiệu Mỹ Cảnh của mình, Phạm Văn Tý còn hợp đồng giảng dạy nhiếp ảnh thỏa mãn, anh bắt đầu “làm quen” với ảnh nghệ thuật bằng cách xách máy “săn tìm” những khuôn hình mang bố cục, tư tưởng như mình nghĩ! Và việc ấy như có sức hút kỳ lạ? Ánh sáng thiên nhiên, hơi thở cuộc sống, phong cảnh quê hương... qua ống kính máy ảnh như đánh thức niềm đam mê nghệ thuật trong anh. Mỗi ngày những bức ảnh mới lần lượt ra đời, rồi nó như kết thành chuỗi, thành dòng chảy thấm vào máu thịt làm anh càng tâm đắc hơn với nghề nghiệp của mình đã chọn. Vậy là anh lao vào công việc như một tín đồ “ngoan đạo”. Sau hàng giờ lặng lẽ một mình trong “phòng tối” phóng ảnh cho khách hàng, thời gian còn lại anh dành để chăm chút cho những bức ảnh mà chính anh đã từng lăn lộn tìm kiếm qua những góc phố, nguồn sông, làng mạc...; để tâm sự trao đổi với đồng nghiệp cảm xúc về những bức ảnh đã trở thành tác phẩm.
Sau mấy năm sinh hoạt ở CLB Nhiếp ảnh Nhà Văn hóa Huế, đùng một cái, năm 1995, Phạm Văn Tý rủ tôi viết đơn xin gia nhập vào Hội Nhiếp ảnh Nghệ thuật Thừa Thiên- Huế. Lẽ tất nhiên, lúc đó anh đã nổi tiếng trong giới nhiếp ảnh với nhiều tác phẩm có sức thuyết phục, bởi tất cả những bức ảnh đó, nó đều mang đậm bản sắc Huế- Vẻ đẹp lung linh huyền thoại của sông núi Cố Đô; vẻ đẹp nguyên sơ của làng mạc, ruộng đồng; vẻ đẹp của con người nhân ái, chất phác... Và nếu bây giờ lật tìm lại những bức ảnh ấy, ta sẽ thấy Phạm Văn Tý như một họa sĩ cần cù trong lao động, sắc sảo trong suy nghĩ. Người họa sĩ ấy từng ngày, từng ngày miệt mài vẽ về quê hương mình bằng một tình yêu và sự sáng tạo. Nếu như “Sóng bạc” (giải C ảnh xuất sắc năm 1995) là một phong cảnh mang vẻ đẹp lung linh của sông Hương thì đến tác phẩm “Công phu” (giải ASHAHI-SHIMBUN- Nhật) cái chất Huế trầm tư, cổ kính lại ẩn tích nơi cửa Phật. Có lẽ phải là người Huế “rin” và phải là một người có sự linh cảm của con nhà Phật giáo anh mới chụp nổi một bức ảnh như vậy?
Vượt qua ranh giới của đô thị, Phạm Văn Tý “săn tìm” vẻ đẹp của người lao động nông thôn cũng có lẽ bằng cảm xúc ấy? “Trâu ơi ta bảo trâu này...”, một câu ca dạo thật quen thuộc đã gợi cho tất cả những ai đã một thời chân đất, một thời trẻ nhỏ phải nao lòng! Và khi nhìn ảnh, cái nao lòng ấy như được nung lên tan chảy thành nỗi nhớ, tình thương về một thời, về những em bé đang độ tuổi đến trường. Hoặc một không khí “Vào vụ mới” (giải khuyến khích ảnh nghệ thụât toàn quốc năm 1999) người xem như thấy ngày hội xuống đồng của những tá điền, các cô thôn nữ với vẻ mặt phấn khởi, công việc khẩn trương, bờ be với nhiều đường nét uốn lượn đẹp mắt; Và ngoài những tác phẩm tiêu biểu vừa nêu, Phạm Văn Tý còn dành nhiều giải thưởng khác ở các cuộc thi trong nước và quốc tế: Năm 2003, bức ảnh “Nỗ lực” đoạt giải 3 tại Hà Nội và giải B ảnh xuất sắc trong năm của Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam. Đó là bức ảnh chụp vận động viên khuyết tật Trần Nguyên Thái trên đường đua tại Đại hội thể thao người tàn tật toàn quốc tổ chức tại Huế;
Năm 2005, bức ảnh “Thăm Huế” đoạt giải đặc biệt tại cuộc thi Du lịch lần thứ 4 của Tổng cục Du lịch Việt Nam; Cùng với những giải thưởng ở các cuộc thi, Phạm Văn Tý cũng đã 2 lần có mặt tại giải Cố Đô và có gần 40 giải thưởng khác...
Vâng, tôi nói “Phạm Văn Tý- Người vẽ quê hương mình bằng ảnh” quả không có chút tâng bốc, khoa trương. Con người ấy xứng đáng được vinh dự như vậy bởi trong hầu hết các bức ảnh của anh, người xem như bắt gặp bóng dáng, hình ảnh của con người, cảnh quan xứ Huế! Mà có lẽ đâu chỉ có mình tôi nói về anh khi viết bài báo này! Hội NSNA VN đã kết nạp anh trở thành hội viên; Liên đoàn Nhiếp ảnh nghệ thuật thế giới đã phong tước hiệu A.FIAP. Và khi có được những thành tích đó, Phạm Văn Tý lại lao vào công việc mới. Phong trào nhiếp ảnh địa phương cần có những con người như anh để xới dựng, vun đắp tạo thành sức mạnh. Các thành viên, đồng nghiệp, cấp trên tín nhiệm... vậy là anh trở thành người “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”. Là Chủ tịch Hội Nhiếp ảnh tỉnh Thừa Thiên- Huế, đồng thời là Chi hội trưởng Chi hội NSNA VN tỉnh Thừa Thiên- Huế... Những công việc ấy hợp nên biến anh thành một con người luôn bận rộn với công việc. Mấy năm qua, nhiếp ảnh Huế giành được khá nhiều thành tích, hẳn rằng có sự đóng góp không nhỏ của người nghệ sĩ này.
Tết Bính Tuất
N.T.T
Nguồn TCSH số 205 - 03 - 2006