NHỤY NGUYÊN
Trong số 12 nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam được phong tước hiệu FIAP năm 2010, Phạm Bá Thịnh được xếp đầu với tước hiệu Nghệ sĩ xuất sắc hạng Bạc (E.FIAP/s). Là một giảng viên đại học, không nhiều thời gian để anh vác máy đi sáng tác ngoại trừ ngày nghỉ hoặc tranh thủ vào những chuyến thỉnh giảng ở các tỉnh.
Tôi muốn khẳng định: Phạm Bá Thịnh là một nhiếp ảnh gia rất nghiệp dư, nhưng tác phẩm của anh luôn đạt đẳng cấp quốc gia và quốc tế với gần 100 giải các loại và có trên 100 tác phẩm triển lãm ở các Salon của 40 quốc gia khác nhau, chưa kể ảnh triển lãm trong nước liên tục 20 năm qua. Thành công của anh trước hết là nỗi đam mê, sau đó mới tính đến cái nhìn mang tính phát hiện và óc sáng tạo thật sự nghiêm túc ở một loại hình nghệ thuật từng bị ngộ nhận là dễ này.
Sau 150 năm hình thành, lịch sử nhiếp ảnh sang trang mới. Có người chẳng máy ảnh vẫn “chụp” được ảnh qua chu trình xử lý hết sức tinh vi nhờ vào công nghệ phần mềm vi tính. Tất nhiên, đấy hoàn toàn không phải lao động nghệ thuật đích thực. Phạm Bá Thịnh đã biết tận dụng kỹ thuật khoa học một cách vừa phải để cố giữ lại vẻ tự nhiên hoang liêu vốn có, thể hiện sâu ý tưởng của mình. Những tác phẩm mà anh đã đạt giải cao trong hơn chục năm qua, thật khó tin nó được ra lò từ chiếc máy ảnh thuộc hạng trung bình trong giới nhiếp ảnh chuyên nghiệp. Anh nắm khá vững phần lý luận như về chất liệu, thủ pháp, chức năng, đặc trưng, phương thức phản ánh, phân loại, bố cục. Anh kết hợp một vài yếu tố của hội họa như mảng khối, đường nét, và đặc biệt chú trọng phông nền và ánh sáng. Ánh sáng trong ảnh Phạm Bá Thịnh thường chếch, và ngược - nó khó trong xử lý kỹ thuật song với anh thì mỹ mãn.
Xem ảnh Phạm Bá Thịnh, ta dễ nhận ra sự “cách tân” đáng kể. Trước hết là chụp bóng. Bóng, đương nhiên đã “bị” khai thác; trong ảnh Phạm Bá Thịnh, bóng được vực dậy sinh động, và dường như chúng là những linh hồn thân thiện của chúng ta. Những tác phẩm giá trị như Trên đường về (On the way back), Kiếm sống (A hard life), Nắng sớm (Early sunlight), Sau chiến tranh (After the war), Về nhà (Back home),... đều khai thác triệt để sắc thái và biểu cảm của bóng. Những chiếc thuyền phơi úp trên mặt phá, Phạm Bá Thịnh muốn nhận diện nỗi nhọc nhằn, méo mó, nhuế nhóa của phận thuyền long đong sau mùa cá, qua ảo ảnh bóng. Hay như đàn trâu sắp hàng độc đạo trở về thôn xóm, nhờ bóng tương phản với gầm trời qua hai chất liệu màu đen trắng đã khiến không gian được mở rộng biên độ đến vô cùng.
Đặc biệt ở Gập ghềnh đường đua (Bằng Danh dự ISF (2008) và Huy chương Vàng bộ ảnh “Vượt khó” của Việt Nam trong cuộc thi ảnh đen trắng lần thứ 30 của FIAP - 2010). Đập vào mắt người xem là hai “bán thân” dưới. [Nửa] người chạy đầu, chân giả phía phải; [nửa] người sau, chân giả phía trái. Bóng đặc tả nửa cái bóng của người chạy đầu, nói đúng hơn là hai chân. Soi kỹ, thấy bóng chân trái của người này thon thả; còn bóng chân phải (giả) thì vót dần như một lóng xương... Mặt khác, [nửa bóng] người đuổi theo sau song lại là [bóng] người nguyên vẹn. Nghĩa là bóng phía sau đã làm nên một chân dung người; bóng người đó đuổi theo cái bóng tật nguyền phía trước; đuổi để vượt lên, mà đích ở đây không hẳn Đích mà là ước muốn sự hoàn - thiện - người cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
Góc nhìn của Phạm Bá Thịnh thật tinh tế, lạ, thể hiện năng khiếu phát hiện vấn đề. Ở Đại hội TDTT dành cho người khuyết tật năm 2005, hàng trăm têlê hướng vào cuộc bứt phá, những cú rướn vượt số phận nghiệt ngã như một thông điệp về sự sống; Phạm Bá Thịnh có cái nhìn nhân văn đến ngỡ ngàng. Anh chụp Người về cuối (HCB FIAP ở Hungary, Bằng Danh dự ở Ấn Độ). Ở nhiều đối tượng, khi thấy mình không thể vươn lên tốp chạy đầu thì rã dần, rớt dần, và có trường hợp còn bỏ cuộc... Ở đây, người về cuối tung hết tâm lực để vươn tới đích. Đó mới chính là vượt lên bản thể, vượt lên cả nỗi tủi hổ lần thứ hai, thứ ba để chiến thắng chính mình.
Cái động lồng trong tĩnh. Ảnh của Phạm Bá Thịnh đã làm tròn nhiệm vụ của nghệ thuật là truyền cho người xem âm vang của vạn vật. Năm 2007 anh có triển lãm bộ ảnh về rừng. Chúng ta hãy ngắm một trong số đó: Chồi non (New bud). Chỉ là đọt loài dương xỉ non, những “xúc tu” e ấp co vào, chờ sương mai và ánh nắng duỗi mình. Đời thực vật như được chuyển kiếp qua động vật, vươn cao sự sống. Dáng suối - qua góc chụp của anh trở nên nét thư pháp mềm mại, diệu kỳ giữa đại ngàn.
Một điều khơi nhiều suy nghĩ trong ảnh Phạm Bá Thịnh, là nỗi buồn tinh khiết, cô đặc. Cảm thương người anh hùng của núi rừng A Lưới, anh đã đặc tả cơn đau của mẹ Kăn Phắt có con là Cu Lói bị giặc băm vằm… Nỗi buồn của mẹ - nỗi buồn khô kiệt trên khuôn mặt hiện là di ảnh hiu hắt dưới đồi A Bia những chiều đầy mù sương. Phạm Bá Thịnh hiện đang thực hiện “dự án” triển lãm chân dung văn nghệ sĩ Huế. Điều này cũng khó như một chuyên gia ký họa, chỉ dăm ba nét nhưng nhìn qua là hiểu là cảm ngay tính cách, bản chất của nhân vật. Không dễ. Với nhà văn lão thành Hồng Nhu, chụp lén, chụp lẻ nhiều rồi, có lần Phạm Bá Thịnh còn xách máy lên tận nhà xoải tay bấm máy. Không cái nào vừa ý. Đến lúc cả hai cùng mệt, ra sân ngồi nghỉ. Đương lúc Hồng Nhu bập thuốc, anh mới chợt nhìn ra “chân tướng”… Bức ảnh đó giờ được báo chí sử dụng nhiều, có trên internet, vẫn ấn tượng nhất với vẻ mặt suy tư và đậm chất buồn lẫn sau khói thuốc vừa buông. Ở Cầu nguyện (Praying), mắt nữ nhi nhắm nghiền sám hối; đôi tay chắp lại nguyện cầu; hai làn khói trắng nổi lên trên nền đen của “toan”; đốm lửa vụt hiện như lời nguyền linh ứng... Một không gian tâm linh không gợn chút mơ hồ.
Như mào đầu đã gợi, với Phạm Bá Thịnh, niềm đam mê là chìa khóa mở cánh cửa quan trọng đầu tiên để anh có thể đi sâu vào ngôi nhà nghệ thuật.
Tôi có vài lần theo Phạm Bá Thịnh loanh quanh đây đó. Anh dúi cho tôi một cái máy nhỏ, bảo thấy gì cứ chụp nấy. Lần vui nhất là vào Đà Nẵng hai ngày. Thực tế sáng tác, với anh trước hết là du lịch, hòa vào thiên nhiên, tôi thích anh chính điểm này. Buổi sáng ấy trời đẹp, lên ngang đèo Hải Vân, anh dừng lại loay hoay tìm góc để chụp biển. Rồi anh gọi tôi đến bên chỉ xuống một khúc quanh của đường tàu Bắc Nam, bảo: “Giờ là khoảnh khắc hiếm, mặt trời vừa lên, đường tàu ửng hồng... Chắc lần tới mình phải lên đây từ sớm chờ tàu”. Tôi ngẩn ngơ trước hai đường tà vẹt vẽ một vòng cung rực hồng chói lóa. Chiều lại ngồi ở quán cà phê, Phạm Bá Thịnh bảo chờ chụp cầu sông Hàn. Đến lúc mặt trời vùi vào mây, anh chọn góc bấm máy. Chết cha. Pin hết. Tôi nghe anh thốt lên và khuôn mặt đầy lo lắng. Tôi bảo, vậy thì quay lại quán ngồi tiếp, cắm nhờ sạc vài chục phút. Anh buồn bã lắc đầu, vừa vẽ tay vừa nói: “Lúc này trên thì bầu trời ửng đỏ chan hòa, dưới ánh điện hắt lên rực rỡ, chậm một chút thôi sẽ không còn...”.
Ngủ trọ ở nhà một người bạn tôi, mới 4 giờ sáng, đã thấy anh bật dậy lắp têlê vào máy sẵn sàng. Tôi đã thức, anh vẫn chưa vội gọi ai, cứ ngồi vậy đợi. Hừng đông vun quầng, đó là thời điểm xuất phát. Chúng tôi chạy xe mất khoảng 20 phút thì đến bến bãi phường Thọ Quang. Mặt trời đỏ au, to như cái nia vừa nhú phía Cù lao Chàm. Thuyền giao cá đã rời bến, chỉ còn bãi người và nhấp nhô từng đống cá nhỏ to dày đặc. Mặt trời - núi - biển - người và cá nhộn nhịp, tung tẩy - khung cảnh mờ sáng không gì tuyệt hơn. Vậy mà Phạm Bá Thịnh sau khi “bắn” liên thanh, đã phét đùi chặc lưỡi với tôi: “Mình đến muộn. Sớm hơn chút nữa mới phải, lúc đang toàn bãi này nến sáng…” Tôi nhìn bao quát, vẫn còn lưa thưa đèn đóm, hình dung, rồi gật đầu thừa nhận, cha này đúng “lõi đời”.
Nắng lên. Chúng tôi bước về phía những con thuyền nhỏ, từng nhóm khoảng mươi người cùng kéo chung mẻ lưới. Phạm Bá Thịnh chụp như cướp thời gian. Sợ mặt trời già, sợ người dân ùa lại xem mất đi cái không khí tự nhiên. Anh mang đôi giày vải, chụp một phát, sóng dạt lên lại nhảy phốc một phát. Nhưng quá mải miết, có đợt sóng dồn nước lên cả đầu gối, anh vẫn chụp, nhảy, cười thích thú như trẻ thơ. Tôi thấy anh ngó xuống, rồi gọi tôi đến “công bố” phát hiện tiếp theo: mỗi lần sóng dạt lên rồi rút xuống, mặt cát sáng như gương… Một hình ảnh tuyệt vời mà tôi nghĩ, mỗi đôi tình nhân nào lãng mạn đến với biển lúc này, sẽ yêu biển hơn nhiều.
Phát hiện và chờ đợi khoảnh khắc trong nhiếp ảnh thật quan trọng, song chỉ mới là điều kiện cần. Niềm đam mê trong loại hình nghệ thuật này phải được “chi tiết hóa”, nghĩa là đam mê ngay trong khoảnh khắc chụp. Khi cảnh vật nằm trong khuôn hình, người bấm máy thổi hồn vào cảnh vật mới mong truyền được tới đối tượng thứ ba là thị giả trọn vẹn cảm xúc đằm địa. Phạm Bá Thịnh bảo anh từng chụp bà già mặc bộ áo Chăm cổ, làm gốm ở Bàu Trúc, đến lúc ngưng thì xoàng luôn, tối tăm mặt mũi như bị thiếu máu đột ngột. “Tuyệt phẩm”. Mừng hết biết, về nhà xả vào vi tính, hỡi ôi, thẻ nhớ chứa nó tiêu đâu mất. Tiếc ngẩn. Anh nhất nhất chờ ngày trời đẹp bắt xe vào chụp lại. Để hay, Phạm Bá Thịnh tiếc nuối tác phẩm đã chụp bị mất kia như thế nào; mà sắp xếp hai ba ngày trở vào Ninh Thuận chỉ để chụp lại nó, ai dám chắc sẽ đạt như đã từng?... Một xế chiều nọ, anh đang trên đường, chợt thấy ngư dân gánh lưới về phía biển, ánh tà dương rọi xiên vào lưới đẹp như hai chùm pha lê, thêm ngọn đèn bão là trung tâm sự sống khi mặt trời đang tắt; anh rượt theo ngã oai oái mấy lần, chộp được “của hiếm” rồi, mới nhớ đến chiếc xe và xách máy đắt tiền đã vứt lại bên đường xa đến độ không còn nhìn thấy. Cũng vậy, niềm nhiệt huyết đã khiến anh vượt hơn trăm cây số về nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn vừa đúng giờ dâng hương để rồi ghi được khoảnh khắc xúc động trong tác phẩm Phút tưởng niệm người lính. Có dịp đầu năm mưa xuân lả tả, xem hội đu tiên anh phải tay cầm ô tay nâng máy, vẫn ghi được cái ngẫu hứng chan chứa men tình trai đu gối hạc khom khom cật, gái uốn lưng cong ngửa ngửa lòng...
Đã mang danh nghệ thuật, tác phẩm phải đạt tới cái lý thuyết cũ là chân thiện mỹ. Nơi góc nhìn Phạm Bá Thịnh có chút buồn, nhưng yếu tố huyền ảo đã khiến không gian kia cô lại niềm rung cảm sâu xa. Với bản thân anh, một nhân vật khiêm nhường và thật sự lặng lẽ trong sáng tạo - đó cũng là chân dung chưa ống kính nào thể hiện đầy đủ.
N.N
Nguồn TCSH 261/11-10