Nhiếp ảnh
Người mẫu tung chài độc đáo ở đất Cố Đô
13:37 | 30/03/2017

Suốt gần 20 năm qua, trên dòng sông Như Ý (phường Vĩ Dạ, TP Huế) có một gia đình ngư dân chuyên làm người mẫu tung chài phục vụ cho những nhiếp ảnh gia và những người yêu thích bộ môn chụp ảnh.

Người mẫu tung chài độc đáo ở đất Cố Đô
Đã nhiều năm qua, nghề làm người mẫu đặc biệt này đã trở thành nét đặc trưng của xứ Huế
Công việc quăng chài đánh cá trên sông không chỉ đơn thuần là để mưu sinh nữa mà đằng sau nó còn ẩn chứa một vẻ đẹp nghệ thuật mộc mạc, dân dã. Để rồi, những ngư dân tạo ra hình ảnh đó trở vô tình trở thành những người mẫu bất đắc dĩ mà mọi người vẫn quen gọi vui với cái tên “người mẫu làng chài”.
 
Người dân làng chài Phao Võng (khu vực 5, tổ 14, phường Vĩ Dạ, TP Huế) không ai là không biết đến “người mẫu làng chài) Võ Chí Công (85 tuổi) – một người mẫu tung chài nhiều năm của vùng đất này. Theo nghề chài lưới từ lúc 10 tuổi. Công việc của ông cũng như bao người dân chài trong làng khác là đánh bắt con tôm con cá trên sông. Trong cả cuộc đời làm nghề chài lưới của mình, ông Công chưa bao giờ nghĩ tới chuyện một ngày nào đó mình sẽ trở thành một người mẫu ảnh như bây giờ. Bởi thế mà cái nghề đặc biệt này cũng đến với ông trong một sự tình cờ.
 
Nguoi mau tung chai doc dao o dat Co Do
Ông Công kể về câu chuyện làm “người mẫu làng chài”
 
Đó là một buổi chiều cách đây 18 năm về trước, ông đang tung chài đánh cá trên sông thì ông nghe trên bờ có tiếng gọi ông tiếp tục tung chài. Lúc quay lại nhìn, ông vô cùng bỡ ngỡ khi thấy có tới 5, 6 ống kính đang chĩa về phía con thuyền của mình. “Mấy người kia cười bảo rằng thấy tôi tung chài đẹp nên họ muốn ghi lại hình ảnh đó. Nói rồi, họ có đưa cho tôi mấy chục ngàn bảo rằng đó là tiền để trả công cho việc tôi vừa làm. Thực sự mấy chục ngàn thời điểm đó lớn lắm, có khi tôi đánh cá cả ngày cũng không thể kiếm ra được. Tôi ngỡ ngàng không hiểu chuyện gì, không ngờ việc tung chài như thế thôi lại có thể trở thành người mẫu nghệ thuật và được trả tiền công nhiều như thế. Kể từ đó, tôi có thêm nghề mới này!”, ông Công bộc bạch.
 
Sau lần tung chài đầu tiền đó, về sau, hết đoàn này tới đoàn khác tìm tới nhà để nhờ ông làm mẫu chụp ảnh. Thời gian cứ thế trôi qua vậy mà đến tận bây giờ tính ra cũng đã ngót nghét gần 20 năm ông gắn bó với công việc này. Hiện nay, khi sức khỏe không còn cho phép nhưng mỗi lần nghĩ lại quãng thời gian mình đã trải qua trong cuộc đời, ông vẫn luôn cảm thấy tự hào. Những bức hình của mình đã có mặt ở rất nhiều nơi, không chỉ trong nước mà còn lan truyền sang cả các nước khác, được nhiều người biết tới.
 
Cũng có thể gọi ông là một người khá nổi tiếng trong công việc làm người mẫu ảnh nhưng suốt thời gian gắn bó với nghề giờ ông luôn sống khiêm nhường, không hề đòi hỏi bất cứ thứ gì. Ông cười bảo: “Người ngư dân chúng tôi quanh năm chỉ mong sao làm đủ ăn chứ ít khi nghĩ đến chuyện dư dả nên bây giờ bỗng nhiên ông trời tạo cho cái nghề kiếm thêm thì còn đòi hỏi gì nữa. Thêm nữa là suốt mấy chục năm qua làm công việc này tôi cũng có thể biết được rằng nghề thuật không thể nào định giá bằng tiền bạc được”.
 
Quãng thời gian ông gắn bó với nghề này tuy không dài nhưng cũng không phải là ngắn. 20 năm cũng có thể đủ cho ông cảm thấy có tình cảm với công việc làm mẫu này. Thế nên, trước khi “rút lui vào hậu trường”, ông Công cũng kịp truyền lại niềm đam mê này cho những người con của mình để nó không bị mai một. Trong 3 người con trai được ông truyền dạy thì anh Võ Văn Say (53 tuổi, người con trai thứ của ông Công) là người được ông đánh giá có năng khiếu hơn cả. “Để có thể tung được chài đánh cá thì người ngư dân phải học từ trước năm 15 tuổi chứ nếu lớn hơn rất khó mà học được.
 
Công việc này không những đòi hỏi sức khỏe mà cần có có sự dẻo, dai. Khi con người càng lớn, các xương khớp sẽ trở nên khô cứng hơn nên không bao giờ học tung chài đúng kỹ thuật được nữa. Việc tung chài đánh cá đã khó như vậy rồi thì tung chài để chụp ảnh nghệ thuật càng khó hơn bội phần. Tôi phải mất rất nhiều thời gian để hướng dẫn cho các con tôi làm sao tung cho đẹp, cho đúng. Không những vậy, sức khỏe càng phải tốt mới được. Tấm chài nặng đến 10kg, khi đã thấm nước rồi thì sẽ còn nặng hơn nữa. Bởi vậy, người phải đủ sức khỏe mới làm được. Nếu mình làm không đạt phải tung chài nhiều lần thì chỉ có đuối sức. Tư thế mình đứng phải chắc chắn để khi tung chài không bị ngã, khi đó thì không thể có được bức ảnh đẹp cho người chụp được”, ông Công chia sẻ.
 

Công việc làm mẫu này không hề đơn giản, nó đòi hỏi cả kinh nghiệm và sự dẻo dai
 
Cũng đã có rất nhiều người thử sức với công việc này nhưng đa số đều thất bại. Nhìn bề ngoài tưởng chừng như đơn giản nhưng phía sau đó còn ẩn chứa rất nhiều kinh nghiệm mà chỉ có những người trong nghề như ông Công mới có thể hiểu rõ hết được. Thế nên, cho đến thời điểm hiện tại, người làm công việc này ở Huế chỉ có đếm trên đầu ngón tay. Hàng ngày, họ chỉ là những ngư dân sống cuộc đời dân dã, mộc mạc nhưng trong nghệ thuật, họ là những nhân tố góp phần không nhỏ tạo ra một thương hiệu đậm chất riêng của Huế, của dòng sông Như ý hiền hòa, thơ mộng.
 
Ông Phạm Văn Tý (Chủ tịch Hội Nhiếp ảnh tỉnh Thừa Thiên Huế) cho biết: “Những năm qua, hình ảnh tung chài, kéo lưới trên sông Như Ý đã trở thành một thương hiệu riêng của Huế, thu hút các tay máy không chỉ trong tỉnh mà còn các vùng miền đến tác nghiệp. Tại địa phương, các Hội viên Hội Nhiếp ảnh Huế cũng có nhiều tác phẩm ghi lại cảnh sinh hoạt trên sông Như Ý đoạt các giải thưởng lớn trong nước. Đặc biệt, có 4 tác phẩm chụp cảnh tung chài trên sông như ý đạt Huy chương Vàng quốc tế”

 

Theo Dao - Khánh

Phununews.vn

 

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng