PHẠM NGUYÊN TƯỜNG
Tưởng giếng sâu anh nối sợi dây dài
Ai ngờ giếng cạn anh tiếc hoài sợi dây
Tôi chợt mỉm cười với câu ca dao ý vị khi soi mặt bên ngôi giếng cổ mấy trăm năm làng Mỹ Lợi. Lòng người nông sâu khó dò. Nhưng giếng nào có tội tình chi? Ngật chí diệc vị duật tỉnh, luy kỳ bình. Đến giếng, chưa kịp thòng dây gàu xuống mà đã bể cái bình đựng nước là lỗi tại người xớn xác. Chiều chiều mây kéo về kinh. Ếch kêu giếng loạn thảm tình đôi ta, là những cái giếng dính dáng đến triều Tây Sơn bị nhà Nguyễn mạt sát, nguyền rủa. Truyện ngắn chuyển thể thành phim Trăng nơi đáy giếng của nhà văn Trần Thùy Mai là trăng ảo, trăng giả, là lộng giả thành chân, cũng là câu chuyện của lòng người bấn bíu. Lòng giếng thì sao?
Giếng cổ Mỹ Lợi cạn nhưng nước trong vắt, soi lên vòm trời sớm mai nơi góc chợ làng vốn được xem là sầm uất bậc nhất vùng khu ba Phú Lộc này. Miệng giếng và thành giếng là những khối đá Thanh lớn xếp chồng lên nhau, dính chặt, vuông vứt. Điều ấn tượng là những vết lõm cong trên miệng giếng, bác chủ nhà giải thích “bà con họ đến mài dao mà mòn ra rứa”. Thay vì kê lên tấm đá mài, người ta mài dao trên miệng giếng. Cứ tưởng tượng các mệ các mẹ các chị mỏm mẻm nhai trầu, kê đít ngồi mài dao nơi miệng giếng, bốn góc luân phiên, ngày này tháng nọ, hàng mấy trăm năm, đời này qua đời khác... là thấy giếng làng đủ thú vị một cách bền bỉ rồi! Huống chi giếng là quẻ Tỉnh trong Kinh Dịch, trên Khảm (nước) dưới Tốn (gió) với sáu hào âm dương thứ lớp. Học giả Nguyễn Hiến Lê diễn giải trong “Kinh Dịch - Đạo của người quân tử”: Bản thể của giếng là ở đâu thì ở đấy, ấp còn có khi thay đổi, chứ giếng thì cố định một chỗ; có nước mạch chảy vô giếng hoài nên nước giếng không kiệt; nhưng nước chỉ dâng lên tới một mức nào đó thôi, đầy mà không tràn. Công dụng của giếng là ai cũng đến giếng để lấy nước, kẻ qua người lại luôn luôn, người nào cũng nhờ giếng mà có nước, giếng giúp mọi người mà như vô tâm.
Giáo sư - bác sĩ Nguyễn Chấn Hùng, một cây đại thụ của ngành ung thư Việt Nam có lần tâm sự rằng ông luôn ngẫm nghĩ và “dặn mình noi theo tinh thần của giếng nước”. Là thầy thuốc lại vừa là thầy giáo, chỉ theo được gương của giếng là đã thấy tròn đủ y đức. Làm thầy thì tận tình truyền thụ kiến thức cho học trò, như mang tới nước mát nước trong, không câu nệ, hẹp hòi. Làm thầy thuốc cũng vậy, thấy bệnh thì chữa, đừng lo thua thiệt mất mát, càng tận tình chữa bệnh thì càng thấy có thêm nhiều điều để học hỏi, thêm kinh nghiệm và sự thuần thục. Thì cũng như giếng vậy, nhiệm vụ của giếng là cung cấp nước trong và vui khi có người lấy nước để dùng...
Tôi là kẻ hậu sinh, cũng hàng ngày vật lộn cùng biết bao bệnh nhân trong cuộc chiến cam go chữa trị căn bệnh ung thư quái ác. Nhiều khi thất vọng, tưởng chừng tuyệt vọng, bất lực hoàn toàn. Mỗi lần như vậy, trong tâm tưởng tôi lại soi mình vào giếng. Khó nhất là phải giữ cho mình một mạch nước ngầm chảy mãi, để như nước giếng: đầy đặn mỗi ngày, trong veo mỗi ngày. Mong nhất là đừng để ai phải tiếc hoài một sợi dây gàu dài, đừng ai đổ bể tan hoang bên giếng, đừng ai oán thù giếng loạn, đừng là trăng nơi đáy giếng, lộng giả thành chân..., những câu chuyện gió nước muôn đời của giếng.
Vì lòng giếng cũng là lòng người.
Mỹ Lợi, 2014
P.N.T