Từ 5 Kinh đô Xưa & Nay
Trại sáng tác Văn học nghệ thuật 5 vùng Kinh đố Việt Nam xưa và nay
01:16 | 05/11/2014

VNH - Nằm trong Chương trình ký kết phối hợp tổ chức hoạt động văn học nghệ thuật giai đoạn 2010 - 2015 giữa Liên hiệp các Hội VHNT của các tỉnh, thành là Kinh đô Việt Nam xưa và nay; và nhằm tạo điều kiện cho các văn nghệ sỹ thuộc các tổ chức Hội, Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật các tỉnh, thành phố 5 vùng Kinh đô Việt Nam Xưa và nay có cơ hội thâm nhập thực tế để có những tư liệu, hình ảnh về đời sống kinh tế, văn hóa xã hội, về con người và vùng đất giàu văn hóa và tiềm năng du lịch, vùng đầm phá Tam Giang đức trưng của quê hương Thừa Thiên Huế; Và thông qua trại sáng tác để có những tác phẩm mới, những góc nhìn mới về vùng đất và con người Thuận Hóa, Phú Xuân xưa và Thừa Thiên Huế trong thời kỳ hội nhập và phát triển.

Trại sáng tác Văn học nghệ thuật 5 vùng Kinh đố Việt Nam xưa và nay

Năm 2013 là năm đến phiên Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế đăng cai tổ chức hoạt động giao lưu giữa các kinh đô xưa và nay; nhằm thắt chặt hơn mối quan hệ, tình cảm giữa các Hội VHNT, Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế phối hợp với Hội - Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Phú Thọ, Ninh Bình, Thanh Hóa tổ chức trại sáng tác Trại sáng tác Văn học Nghệ thuật 5 vùng kinh đô Việt Nam xưa và nay 2013, diễn ra từ ngày 13 đến 20 tháng 6 năm 2013 tại Alba Thanh Tân hot springs (Phong Sơn, huyện Phong Điền) và tại thành phố Huế.

Tham gia Trại sáng tác Văn học Nghệ thuật 5 vùng Kinh Đô Việt Nam xưa và này có 23 văn nghệ sỹ là những nhà văn, nhà thơ, nhạc sỹ, họa sỹ, nghệ sỹ nhiếp ảnh và tác giả kịch bản sân khấu thuộc các chuyên ngành Văn học, Âm nhạc, Nhiếp ảnh, Sân khấu, Mỹ thuật, đó là: Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh, Lê Trung Tiết, nhạc sỹ Nguyễn Tài Tuệ, nghệ sỹ nhiếp ảnh Nguyễn Đăng Vinh, họa sỹ Nguyễn Bá Trạch (Hà Nội); Nhà thơ Nông Thị Ngọc Hòa, nhà văn Vũ Kim Liên, Đỗ Thu Quân, họa sỹ Trần Thị Lệ Thủy (Phú Thọ); Nhà văn Vũ Thanh Lịch (Nguyễn hải Minh), nhạc sỹ Mai Công Thắng, họa sỹ Bùi Thanh liêm, NSNA Ninh Mạnh Thắng (Ninh Bình); Nhà văn Lê Thiện Trác, nhà thơ Lê Đình Bằng, họa sỹ Lê Hải Anh, tác giả kịch bản sân khấu Nguyễn Thiện Phùng (Thanh Hóa); Nhà thơ Mai Văn Hoan, Nguyễn Văn Vũ, NSNA Đặng Văn Trân, họa sỹ Lê Văn Nhường, nhạc sĩ Quốc Anh (Thừa Thiên Huế). Ngoài các thành viên tham gia trại lần này,  Ban Tổ chức đã phân công thêm nhà thơ Lê Vĩnh Thái làm trại phó trại sáng tác để kết nối các hoạt động tại trại.
Trong thời gian diễn ra trại sáng tác, từ ngày 13 đến ngày 20 tháng 6 năm 2013, Liên hiệp các Hội VHNT Thừa Thiên Huế đã đưa các văn nghệ sỹ 5 vùng kinh đô đi thăm quan, thâm nhập thực tế ở các di tích lịch sử, văn hóa, cảnh quan, các làng nghề truyền thống, làng cổ… thuộc huyện Phong Điền.

Trại sáng tác Văn học nghệ thuật 5 vùng Kinh đố Việt Nam xưa và nay - Phần 1


Trong ngày 15 tháng 6, ngày đầu tiên thâm nhập thực tế, đoàn đã đi thăm Chiến khu Hòa Mỹ. Chiến khu nằm cuối nhánh đường 71 của đường Hồ Chí Minh, cách trung tâm TP. Huế khoảng 40km, Hòa Mỹ (thuộc xã Phong Mỹ, huyện Phong Điền) là một vùng núi rừng, khe suối rộng lớn dựa lưng vào dãy Trường Sơn hùng vĩ, thuận lợi cho việc bảo toàn, xây dựng và phát triển lực lượng cách mạng. Năm 1946, Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế chọn nơi đây làm chiến khu cách mạng trong buổi đầu kháng chiến chống thực dân vào năm 1947. Tại đây, đoàn cũng đã đi thăm vùng Cao su, rừng và bà con dân tộc thiểu số bản Khe Trăn; Thăm di tích lịch sử cách mạng như Nhà Đại chúng - nơi sinh hoạt văn hóa của người dân trong kháng chiến, cũng là nơi hội họp của bộ đội; khu lăng mộ Liệt sỹ Lê Trung Nghĩa, Bia Chiến khu Hòa Mỹ và Bia chiến thắng Đồn Đất đỏ và đoàn cũng đã tham quan, dã ngoại phong cảnh hồ Quao, Phong Mỹ bằng đò máy.
Chia tay với núi rừng chiến khu xưa và hổ Quao thơ mộng, vào ngày ngày 16 tháng 6, đoàn các văn nghệ sĩ lại đi thăm các làng quê đẹp như tranh, đã và đang lưu giữ nhiều giá trị văn hóa của làng quê trung bộ. Các văn nghệ sỹ đã đến thăm chùa Giác Lương - một ngôi cổ tự gắn liền với lịch sử của làng nghề Rèn Hiền Lương, vốn đã nổi danh với nghề rèn nông cụ và binh khí từ thời Hậu Lê.  Nơi đây vẫn còn có một lò rèn ngày ngày nổi lửa, nghệ nhân Trương Thêm với những bí quyết chân truyền làm nên những sản phẩm từng gắn bó với nền văn minh lúa nước tự ngàn xưa; Thăm làng truyền thống làng Mỹ Xuyên, đây là ngôi làng còn lưu giữ nghề truyền thống lâu đời, nghề mộc và chạm khắc mỹ nghệ đã phát triển ở làng này từ thế kỷ 19 với nhiều nghệ nhân tham gia xây dựng các công trình kiến trúc nổi tiếng ở Kinh thành Huế.

Đoàn tiếp tục đi thăm làng cổ Phước Tích, ngôi làng  đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Làng cổ quốc gia, làng đã gìn giữ, bảo tồn hàng chục nhà rường trăm năm tuổi đang được bảo tồn nguyên vẹn giữa không gian xanh mướt của vườn cây trái. Một xưởng sản xuất gốm mỹ nghệ đang dùng dằng chọn lối đi giữa bảo tồn nghề gốm cổ hay sản xuất hàng gốm mỹ nghệ dân dụng cũng níu giữ bước chân của các văn nghệ sĩ, bởi đấy cũng là câu hỏi mà nhiều làng nghề trong cả nước đang tìm cách trả lời. Và trong đêm 17 tháng 6, Liên hiệp các Hội VHNT TT Huế tổ chức lửa trại giao lưu các đoàn tại Khu du lịch Alba Thanh Tân hot - springs.

Sau gần 5 ngày đi thăm quan, thâm nhập thực tế sáng tác tại huyện Phong Điền, chiều ngày 18 tháng 6, các văn nghệ sỹ trại sáng tác vào Huế cùng tham dự các hoạt động  trong chuỗi hoạt động chào mừng kỷ niệm 30 năm Tạp chí Sông Hương ra số đầu tiên (6/1983 - 6/2013), đó là các hoạt động:

Lễ hội sắp đặt Áo Thơ diễn ra vào chiều ngày 18 tháng 6, tại công viên tại công viên Tứ Tượng. Áo thơ được sắp hình chim Lạc biểu tượng cội nguồn của đất nước. Chương trình nhằm khẳng định giá trị thi ca, nghệ thuật của một vùng đất vốn được mệnh danh là bài thơ đô thị, là xứ sở thơ mộng vốn là thơ của các bài thơ.

Trại sáng tác Văn học nghệ thuật 5 vùng Kinh đố Việt Nam xưa và nay - Phần 2



Lễ hội Tri ân Dòng sông được tổ chức tối ngày 18/6 trên dòng sông Hương huyền thoại. Đêm tri ân dòng sông gồm 5 chiếc thuyền lớn đón chào bạn hữu Sông Hương từ mọi miền đất nước về tụ hội. Mỗi chiếc thuyền rồng là mỗi một dấu ấn Cố đô: Lễ hội Tri ân dòng sông, Tình khúc Huế, Ca Huế trên sông Hương, Thơ Huế trên Sông Hương, Thơ - nhạc trẻ...  Tri ân dòng sông bởi chính sông Hương đã đem đến cho vùng đất Cố đô sự đậm đà chất nhạc, chất thơ. Theo dòng lịch sử, tháng 6 năm 1983, tờ tạp chí của văn nghệ sỹ Huế ra đời và vinh dự được mang tên dòng sông huyền thoại: Tạp chí Sông Hương, đến nay vừa tròn 30 năm tuổi. Lễ hội Tri Ân Dòng Sông để gửi những lời thơ tiếng hát ngợi ca con sông, ngợi ca đất trời xứ Huế, ngợi ca tình yêu và niềm sáng tạo vào dòng chảy thao thiết của sông.

Hội thảo “Đóng góp của các tạp chí địa phương trong dòng chảy Văn học Việt Nam” tại hội trường nhà hàng nổi Sông Hương. Hội thảo là sinh hoạt thường kỳ nhằm giao lưu, trao đổi nghiệp vụ của các tạp chí văn nghệ 6 tỉnh Bắc miền Trung (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế). Riêng năm nay, Hội thảo có tham dự của một số tạp chí ở các vùng Kinh đô Việt Nam xưa như: Báo Người Hà Nội của Hội LH VHNT Hà Nội, Tạp chí văn nghệ Ninh Bình của Hội VHNT Ninh Bình, Tạp chí Văn Nhân của Hội VHNT Nam Định.

Lễ kỷ niệm 30 năm tạp chí Sông Hương ra số đầu tiên (6/1983-6/2013) tại Phòng Hội nghị - Khách sạn Century Riverside Huế. Cũng trong thời gian này, các văn nghệ sỹ đã đi thăm quan kinh thành Huế, thăm các điểm di tích, thắng cảnh của Cố Đô Huế.

Trong thời gian từ ngày 13 đến ngày 20 tháng 6 năm 2013, qua các chuyến đi thâm nhập thực tế, các các văn nghệ sỹ đã phản ảnh chân thực về cuộc sống lao động, sản xuất của bà con nhân dân ở các làng nghề truyền thống và thắng cảnh của Cố đô Huế bằng chính tác phẩm của mình. Đó là 28 bài thơ, 7 truyện ngắn và ghi chép, 9 tác phẩm mỹ thuật, 9 ca khúc và hơn 50 tác phẩm nhiếp ảnh về thắng cảnh, di tích và con người Cố đô Huế, gồm các tác phẩm của các tác giả:

Văn xuôi: Mùa giáng sinh đáng nhớ, Giỗ tổ thời mở cửa - Lê Thiện Trác; Người đàn bà lần đầu tiên khóc thật - Lê Trung Tiết; Váy em hoa bay - Vũ Thanh Lịch (truyện ngắn); Giấc mơ trưa - Vũ Kim Liên; Ấn tượng trại sáng tác VHNT 5 vùng Kinh đô Việt Nam xưa và nay tại Thừa Thiên Huế - Đỗ Quân (ghi chép); Rút marathon - Nguyễn Thiện Phùng (kịch bản sân khấu).

Về thơ: Một thoáng hồ Quao, Hẹn với Tam Giang, Về Mỹ Xuyên, Nét Huế, Chiếc bình vôi của mạ, Đêm lửa trại, Thơ viết trên sông Hương, Tình quê nơi đất khách - Lê Đình Bằng; Hiền Lương xanh quá, Giấc mơ về một bóng râm, Bài thơ tình viết bên hồ Quao - Nguyễn Văn Vũ; Mơ, Huế giờ đã ở trong em, Huế hồi xuân - Mai Văn Hoan; Về thành phố - Nông Thị Ngọc Hòa; Hoa cỏ may, Lang thang, Ma lực của sắc màu, Áo dài ơi, Không đề cho Huế, Đêm đang dần về sáng, Giờ thôi - Vũ Kim Liên; Làng cổ Phước Tích, Khúc tình ca tháng năm, Ký ức ngày qua - Phạm Ngọc Túy; Cau - Vũ Thanh Lịch; Và em như chim bay qua tháng ngày anh, Lục bát rời - Lê Vĩnh Thái.

Về Mỹ thuật: Mạch ngầm, Phước Tích - Lê Văn Nhường; Ôm những giấc mơ - Nguyễn Bá Trạch; Cây thị ngàn năm - Lê Hải Anh; Hoa chuối rừng, Chân dung dân tộc, Tuổi thơ - Bùi Thanh Liêm; 02 tác phẩm của họa sỹ Trần Thị Lệ Thủy.
Về âm nhạc: Huế xanh - Quốc Anh; Về với Huế - Mai Công Thắng; Nơi cội nguồn tôi yêu, Nỗi oan để ngỏ, Từ Lam Kinh đến Thăng Long, Nặng khối tình trong tim một quân vương, Câu chuyện Thăng Long, Về miền cổ tích vơi ta không - Nông Thị Ngọc Hòa.

Về Nhiếp ảnh: Đặng Văn Trân - 22 tác phẩm; Nguyên Đăng Vinh - 15 tác phẩm; Ninh Mạnh Thắng - 20 tác phẩm (những tác phẩm đã hoàn chỉnh).

Trên đây là kết quả bước đầu của đợt thâm nhập thực tế sáng tác về di tích, thắng cảnh và gặp gỡ, trao đổi với những người dân nơi đây- Cố đô Huế của các văn nghệ sỹ 5 vùng Kinh đô Việt Nam xưa và nay. Chắc chắn những hình ảnh về Cố đô Huế, về cuộc sống thường ngày, lao động và sản xuất của bà con nhân dân ở các ngôi làng, các làng nghề nơi các văn nghệ sỹ đã đi qua, các di tích, thắng cảnh và con người Cố đô Huế sẽ trở thành chất liệu quý để các văn nghệ sỹ hình thành nhiều tác phẩm hay hơn, dài hơi hơn về vùng đất này, về đời sống của con người nơi đây.


Văn Nghệ Huế







 

Các bài đã đăng