Bút danh: VIKILI
- Hội viên Hội Liên hiệp VHNT Phú Thọ
- Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam
- Hiện đang công tác tại Tạp chí Văn nghệ Đất Tổ - Hội Liên hiệp VHNT Phú Thọ
Người trở về
Làng Đại hôm nay xôn xao hẳn lên. Dân trong ngõ, ngoài chùa kháo nhau kéo đến đầy sân, đầy nhà khi hay tin cha tôi trở về. Họ tụ tập, bàn tán với nhau dưới bóng râm của hàng cây phi lao, bạch đàn trên những con đường đầy sỏi son và cát trắng về sự kiện này. Họ đến vì nhiều lẽ và cũng là để thỏa lòng hiếu kỳ hay sự tò mò nào đó. Gần bốn mươi năm trước, cha tôi nằm trong đội hình tình nguyện xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước rồi bỗng dưng thất lạc không rõ tung tích. Mẹ lấy ngày đất nước giải phóng làm ngày giỗ cha tôi. Ông mỉm cười sau khung kính phóng lại từ tấm ảnh duy nhất chụp chung với các bạn đồng ngũ cùng lên đường ra trận năm ấy - ngự trên ban thờ gia đình cũng bấy nhiêu năm...
Ngay chính tôi lúc đầu cũng không tin người đàn ông râu quai nón, nói giọng nằng nặng, khê khê, liên tục rít thuốc lào trong nhà kia là cha của mình. Ông hầu như chỉ gật đầu đáp lại những lời chào hỏi của bà con cô bác. Ông ít nói, không hiểu vì chất giọng đầy âm vực thổ ngữ hay vì ông ngại ngần khi phải tiếp xúc với rất nhiều người, cho dù là anh em con cháu trong dòng họ thì với ông cũng vẫn cứ là xa lạ so với những người không dây mơ rễ má nhưng đã gắn bó gần cả cuộc đời ông. Mẹ tôi đi ra, đi vào tíu tít mời chào và đỡ lời khi có người lại gần thăm hỏi cha tôi. Trông mẹ như trẻ ra. Bao năm nay, mẹ cất giấu nụ cười vào trong gan ruột, cứ âm thầm làm lụng nuôi con. Mẹ thường xuyên thắp hương cho cha nhưng hình như trong lòng bà không tin là cha tôi đã mất vì ngoài tờ giấy báo tử gửi về địa phương thì không có thêm bất cứ thông tin nào về cha tôi từ phía những người trở về. Gia đình tôi vẫn có ý ngóng trông tin tức về ông, vẫn không nguôi hy vọng nhưng cha cứ bặt vô âm tín. Vậy mà, hôm nay cha đã trở về như người về từ thế giới khác.
Bác Chiến - người anh họ xa của cha tôi tập tễnh chiếc chân giả dắt tay ông giới thiệu với từng người. Gương mặt cha lúc thì ngơ ngác, lúc lại ầng ậc nước. Hình như cha đang cố nhớ lại hình ảnh của từng người hồi mới chia tay...Đây là ông Thà, người được mệnh danh “Thà trâu” chỉ vì ngày bé ông nổi tiếng cưỡi trâu phi quanh đồi cọ. Kia là ông Chánh, bạn đánh khăng từng bị cha phang cả chiếc khăng vào mũi trong một trận không phân thắng bại. Còn đây là bà Út còi bạn thanh mai trúc mã của cha nhưng vì bà gầy yếu quá nên bà nội tôi ngày xưa không đồng ý cho họ nên duyên vợ chồng... Sau mỗi lời giới thiệu của bác Chiến, cha tôi lại gõ gõ cái tẩu thuốc lên đầu rồi ông khà khà vỗ thật mạnh vào vai người mà ông đã nhận ra.
* * *
Cha tôi và bác Chiến cùng nhập ngũ một đợt. Họ được điều động đến vùng Tây Nguyên và Nam Lào chiến đấu ở đó. Hai anh em đều bị thương trong hai trận đánh khác nhau. Bác Chiến bị thương nặng hơn phải chuyển ra Bắc rồi phục viên. Cha tôi ở lại và được điều vào một đơn vị coi kho giữa bạt ngàn Trường Sơn hùng vĩ...
Người cùng về với cha tôi có cái tên rất lạ: Yrak. Anh có nước da nâu rắn rỏi, mái tóc xoăn tự nhiên đen như gỗ mun càng tôn lên vẻ đẹp hoang sơ, mộc mạc mà hết sức mạnh mẽ, kiên cường của người Tây Nguyên. Ngực vồng nở, bắp tay, bắp chân anh nổi cuồn cuộn. Bằng chất giọng trầm đục, lơ lớ tiếng Kinh, Yrak kể lại cuộc gặp gỡ định mệnh của gia đình họ với cha tôi:
Lúc ấy là đầu mùa khô năm 1971. Tổ của Cường có ba người, bảo vệ cả một hệ thống kho lương thực dự trữ cho bộ đội giữa rừng sâu. Nhiệm vụ hết sức bí mật, ai biết việc người nấy, không được phép tiết lộ thông tin. Hàng ngày họ phải đi tuần tra, kiểm tra kho hàng, đảm bảo đủ quân số dự trữ, không được để thất thoát, hư hỏng. Nhiều tốp biệt kích của địch lần mò đến địa bàn do đơn vị họ bảo vệ nhưng không hề tìm thấy một dấu tích nào cho phép chúng nghi ngờ ở dãy núi này có cả một hệ thống kho chứa hàng hóa của bộ đội Bắc Việt. Để đảm bảo an toàn tuyệt đối, tổ nhận lệnh không được có bất cứ hành động nào gây sự chú ý của địch mà chỉ được phép nổ súng khi bị phát hiện. Đã bao lần cây súng trong tay họ giương lên, rê nòng về phía quân thù, sẵn sàng nhả đạn nhưng rồi vẫn im lặng chờ cho bọn địch rút quân.
Mùa khô, Tây Nguyên thiếu nước trầm trọng. Đơn vị nằm mãi trong rừng sâu, phải đi thật xa mới tìm được nguồn nước. Hôm ấy đến lượt Cường cùng một chiến sĩ trong tổ đi lấy nước. Họ vừa xuống suối lấy được mấy bi đông và mấy ống nước khoác lên vai thì gặp một tốp địch đang phục kích phía bên kia. Hai người chỉ kịp đánh tín hiệu mắt cho nhau rồi tản ra trước khi bọn chúng nổ súng. Từng làn đạn đuổi theo trên đầu. Quân địch đông hơn, vừa bắn như vãi đạn vừa ào lên hòng bắt sống. Cường và người chiến sĩ cùng đi vừa đánh trả vừa rút lui về hướng bí mật, cách xa kho hàng của họ. Đang chạy, bỗng thấy Hùng khựng lại, chúi về phía trước, Cường ý thức ngay rằng bạn mình đã bị thương. Nhả ra một tràng AK dài, ông vòng sang, ôm vào lưng người đồng đội kéo đi. Vết thương phía sau vai của người lính chảy khá nhiều máu làm cánh tay thõng xuống. Hùng đẩy Cường ra, quát ông chạy đi để Hùng đánh lừa quân địch tập trung hỏa lực về phía mình song Cường không đồng ý. Nhưng rồi chính ông bị một viên đạn găm vào bắp chân và một viên khác vèo qua chẻ đôi vành tai trái. Biết là dắt díu nhau sẽ hy sinh vô ích, Hùng đẩy Cường ngã nhào xuống khe núi còn mình cũng lăn sang hướng khác và dùng súng bắn về phía quân thù, kéo sự chú ý của chúng về phía mình. Cường lăn tòm vào một hốc đá đầy dây leo chằng chịt, mơ hồ nghe tiếng súng nổ từ phía xa...Mất hai ngày sau ông mới leo được ra khỏi hốc đá sâu với những vết thương đã bắt đầu tấy mủ. Định hình lại trận chiến xảy ra bữa trước, Cường lên kế hoạch đi tìm Hùng. Kinh nghiệm ở rừng cho thấy bọn địch chưa thể rút đi khỏi nơi mà chúng đã phát hiện nhưng chưa thấy hết lực lượng của ta. Đề phòng sập bẫy lũ biệt kích giăng sẵn trong trường hợp Hùng hy sinh hoặc bị bắt, ông quanh quẩn gần hốc đá thêm vài ngày nữa. Cường nhai lá rừng làm thuốc đắp lên vết thương đang bị nhiễm trùng. Bới đất tìm củ rừng ăn lấy sức qua ngày. Nhìn tia nắng mặt trời hiếm hoi chui qua kẽ lá, Cường lẩm nhẩm đếm thời gian trôi. Vết thương nhức nhối khiến toàn thân ông lên cơn sốt bỏng rát. Mấy viên thuốc dự phòng luôn đeo bên người và giữ gìn như của gia bảo đến giờ mới được sử dụng đến. Thêm vài ngày nữa trôi qua, Cường bắt đầu lần mò về nơi đã xảy ra cuộc đụng độ. Cắn chặt môi ghìm cơn đau, ông vạch từng cành lá, rẽ từng hốc cây, bụi cỏ với hy vọng tìm được xác nếu Hùng hy sinh. Vừa đi ông vừa nhủ thầm trong lòng, nói thầm với người đồng đội, nếu có hy sinh thì hãy dẫn ông tới nơi người ngã xuống. Đói, khát, đau đớn khiến Cường ngất lên, ngất xuống. Tỉnh lại là ông lại vơ đại những nắm lá vào miệng nhai ngấu nghiến, miếng thì đắp lên vết thương, miếng thì nuốt vào bụng...
Cứ thế, rồi Cường cũng tìm thấy Hùng ngay dưới gốc cây xà nu cổ thụ. Thân hình Hùng rách nát bởi rất nhiều vết đạn. Quần áo bị lột bỏ. Trên ngực Hùng có mảnh giấy ghi dòng chữ “Bộ đội Bắc Việt hãy nhìn đây!” được chèn bởi một viên đá to. Cường thận trọng quan sát rồi bò xung quanh chỗ Hùng nằm. Bọn chúng không gài lựu đạn và cũng đã bỏ đi xa vì thân thể Hùng đã bốc mùi. Ông nâng đầu Hùng lên, khóc rưng rức. Tìm mãi mới thấy chiếc áo của bạn bị bọn giặc ném lên cành cây, nhưng không thấy chiếc quần đâu, Cường bèn cởi chiếc quần dài rách tướp của mình mặc cho Hùng. Mắt ông như lồi ra khi nhặt tờ giấy chúng để lại trên thi thể người đồng đội. Ông bặm môi, gấp nhỏ tờ giấy nhét sâu vào gấu áo. Cầm chiếc lưỡi lê trong tay, Cường bắt đầu bới đất để mai táng Hùng. Vừa làm ông vừa khóc, vừa khấn:
- Hùng ơi! Hãy nằm lại nơi đây, khôn thiêng hãy phù hộ cho mình tìm được đơn vị. Chúng mình sẽ quay lại đón cậu...
Không biết phải mất bao lâu ông mới làm xong phần mộ cho người đồng đội. Hòn đá chèn ngực Hùng được ông chôn ngay dưới chân để đánh dấu. Cường không đủ sức bồng súng đứng dậy tiễn biệt người bạn chiến đấu mà cứ thế đổ ập lên phần mộ mới đắp của Hùng. Rừng chiều mênh mông. Tĩnh lặng.
...Tỉnh dậy, Cường nhằm hướng mặt trời lết đi. Lại tiếp tục rau rừng, củ rừng, thậm chí cả xác những con chim, con thú mới chết trong rừng ông cũng...chén để lấy sức tìm về đơn vị. Một mình giữa rừng sâu lê lết, ẩn náu tránh kẻ thù làm Cường mất phương hướng. Lê mãi, lê mãi, ông đến được khu rẫy bỏ hoang của một người Ê đê. Kiệt sức, ông gục xuống mê man.
...Ông mở mắt khi có ai đó đập mạnh vào vai mình. Phản xạ tự nhiên, Cường vồ lấy cây súng nhưng không nâng nổi nó lên. Người phụ nữ cúi xuống nâng đầu Cường và đặt bát nước vào miệng ông. Cường uống một hơi hết sạch bát nước rồi thều thào xin thêm bát nữa nhưng người đàn ông đi cùng xua tay bảo người phụ nữ không cho uống nữa. Họ dìu Cường vào lều nương gần đó. Hai người hỏi gì Cường cũng lắc đầu, ông chỉ chiếc áo đang mặc trên người và cố ý giải thích cho họ hiểu mình là bộ đội Cụ Hồ, là quân ta chứ không phải quân địch. Giống như Cường, hai người cũng lắc đầu nguầy nguậy. Phải đến khi ông ra hiệu bảo họ mang cây súng lại gần, chỉ vào ngôi sao và hàng chữ cái tên ông khắc ở báng súng, họ mới tỏ ra hiểu ý. Họ lại trao đổi với nhau, Cường thấy người phụ nữ mang lại cho mình nắm cơm nhỏ thì ông ứa nước mắt, run run cầm lấy nắm cơm. Nhưng, người vợ bất ngờ rụt tay lại. Bà ta bẻ nắm cơm cho vào bát và đổ nước vào, lấy tay bóp nát rồi mới đưa lại cho Cường. Sau bao ngày đói khát tưởng chừng không gượng dậy nổi, ông mới lại được húp nắm cơm nát mà vợ chồng người Ê đê đưa cho. Ông cảm động vô cùng, lấy tay chỉ vào ngực mình tỏ ý biết ơn họ. Thế rồi ông được vợ chồng họ mang về bản phục thuốc, chữa vết thương. Tai trái của ông hầu như không còn nghe thấy tiếng động. Mỗi khi phải suy nghĩ điều gì hoặc mỗi lúc thời tiết thay đổi làm ông đau đớn như có hàng ngàn con ong kéo đến châm chích trong não. Thỉnh thoảng ông lại lên cơn động kinh, la hét om sòm, miệng không ngớt gọi Hùng ơi! Hùng ơi!...
...Nghe Cường bày tỏ nguyện vọng trở lại tìm đơn vị, vợ chồng Yrut buồn lắm, họ cố nói cho ông hiểu:
- Không được đâu, chân bộ đội Cường còn yếu lắm, chưa đi xa được đâu.
- Bộ đội biết ơn Yrut và Hbang nhiều lắm, nhưng bộ đội phải về đơn vị thôi. Bộ đội còn phải đi đón thằng Hùng nữa!
- Bộ đội Cường cứ ở đây, mình chữa khỏi hẳn, mình với bộ đội sẽ đi đón bộ đội Hùng mà...
Yrak lúc ấy còn nhỏ nhưng đã biết thương bộ đội Cường. Nó khóc:
- Bộ đội Cường phải ở lại đi đặt bẫy với Yrak cơ!
- Ừ, chú Cường sẽ đi đặt bẫy cùng Yrak. Yrak không khóc nữa nhé?
Biết có nằn nì cũng không được. Cường đành nín lặng, định bụng ở lại thêm một thời gian ngắn nữa chờ cho vết thương lành hẳn sẽ lên đường. Chiến tranh ngày càng ác liệt. Bản của Yrut trèo mãi lên núi cao. Cường cũng phải dời đi theo họ. Ông nghiễm nhiên trở thành người con của bản Ê đê, thành em của Yrut, Hbang. Những trận sốt rét rừng triền miên kéo đến hành hạ ông. Vợ chồng Yrut, Hbang kéo ông lần lượt qua hết mùa rẫy này đến mùa rẫy khác từ đỉnh núi này sang đỉnh núi khác. Nhiều lần Yrut cùng ông đi tìm mà không thấy cánh rừng nơi đơn vị ông đóng quân. Càng không thể tìm được nơi đã an táng Hùng trong điều kiện chiến tranh khốc liệt làm biến dạng địa hình, địa vật. Trong tim ông luôn canh cánh lời hẹn trở lại đón Hùng ngày nào. Tờ giấy bọn địch để lại bên thi thể Hùng vẫn được Cường cất giữ cẩn thận. Vậy mà...
Giải phóng đã mấy năm mà bản của Yrut vẫn không hay biết. Họ vẫn dắt díu nhau du canh, du cư khắp nơi. Cường được vợ chồng Yrut cưu mang chữa khỏi các vết thương, nhưng viên đạn sượt qua tai lạc vào đầu thì không lấy ra được. Trí nhớ của ông thuyên giảm rất nhanh. Đến khi thạo tiếng của dân bản thì những hình ảnh về quê hương cũng mờ nhạt trong đầu ông...
* * *
... Nhiều lần cùng đoàn cựu chiến binh về thăm lại chiến trường xưa, bác Chiến thường để ý và liên hệ với những nơi đoàn dừng chân để hỏi thăm tin tức về cha tôi xem ông được an táng nơi đâu nhưng không một ai hay biết.
Tình cờ, một hôm bác xem truyền hình phát phóng sự về một người thương binh làm giàu bằng nghị lực kiên cường nhưng do không nhớ quê quán, số hiệu đơn vị chiến đấu, không giấy tờ tùy thân chỉ giữ duy nhất một tờ giấy nhặt được trên người đồng đội lúc hy sinh chứng minh ông là bộ đội từng chiến đấu ở Tây Nguyên, hiện làm con nuôi của một bản Ê đê ở Đăk Nông. Như có linh tính mách bảo, bác vội ghi lại địa chỉ của người thương binh và nhanh chóng thu xếp chuyến đi Đăk Nông. Bác đem theo tấm ảnh hồi mới nhập ngũ, trong đó có cha tôi. Nhìn tấm ảnh cùng những lời rủ rỉ của bác Chiến, trí nhớ của cha dần tỉnh thức...
Giờ ông ngồi đó, trầm ngâm không phải do ông ngại bởi cách phát âm của mình mà bởi cha tôi đang quá đỗi xúc động. Ông đang nhớ chú Hùng và lại lẩm bẩm: Hùng ơi! Hùng ơi!...
V.K.L