Chân dung văn nghệ sĩ
Thiên thu Văn Giảng
09:57 | 21/10/2014

Văn Giảng, con người của những nốt nhạc mơ mộng chân nhiên nơi miền non nước Hương Bình đã dấn thân trong miền giao cảm của nước, của sông, của tiếng chuông chùa ngân vọng để viết nên những ca khúc bất hủ Ai về sông Tương, Đôi mắt huyền, Từ Đàm quê hương tôi... tô vẻ thêm cho tiếng lòng vùng đất Cố đô.

Thiên thu Văn Giảng
Nhạc sĩ Văn Giảng (1924 - 2013)

70 năm Tân nhạc Việt nam khi bàn về gia tài âm nhạc của Văn Giảng đã nhận định: “Nhạc sĩ được nhắc tới đầu tiên ở miền Trung phải là nhạc sĩ Văn Giảng, một trong những tên tuổi Tân nhạc hàng đầu của đất Thần kinh cùng Nguyễn Văn Thương, Ngô Khanh, Nguyễn Hữu Ba, Châu Kỳ, Hồ Thu, Lê Mộng Nguyên...”.

Vậy mà mùa Phật Đản năm nay, Huế rực rỡ với bao sen hồng nở rộ, bỗng nghe một tin buồn từ Úc châu xa xôi, nhạc sĩ Văn Giảng, người con của Huế đã từ trần vào ngày 9 tháng 5 năm 2013 tại Melbourne, hưởng thọ 89 tuổi. Bất ngờ thay, tôi đã có ý định viết về ông cách đây mấy tháng, đã tìm được số điện thoại(1) của ông ở nước ngoài nhưng chưa kịp gọi để trò chuyện cùng ông thì ông đã vội đi xa. Tôi rất nuối tiếc vì điều này, nay chỉ xin viết đôi dòng trên những tư liệu và những nhạc phẩm của ông còn neo lại với thời gian.

*

Nhạc sĩ Văn Giảng có tên thật là Ngô Văn Giảng, quê quán là ngôi làng văn vật Bác Vọng Ðông, Quảng Điền, Thừa Thiên Huế. Ông sinh ngày 12 tháng 5 năm 1924 tại Huế, trong một gia đình có truyền thống âm nhạc và Phật giáo thuần thành. Trong suốt thời ấu thơ, Văn Giảng chịu ảnh hưởng của nhạc cổ điển qua những ban nhạc tài tử ở Huế. Thuở ấu thơ ông đã mê đàn hát, thích chơi mandolin và guitar. Ông rất có năng khiếu về các món nhạc cụ này. Đặc biệt, tuy không qua một trường lớp âm nhạc nào nhưng ông đã trở thành một người chơi đàn guitar Hawaii (hạ uy cầm), guitar và contrabass (đại hồ cầm) nổi tiếng ở Huế thời đó.

Có chuyện kể rằng, lúc nhỏ trong khu phố của ông có một người biết đàn guitar, ông đến xin học nhưng ông thầy này ra điều kiện là phải mua tặng cho ông ta một cây đàn guitar mới. Vì nhà nghèo nên không tiền mua đàn để tặng, ông phải đành ở nhà tự học. Nhưng sau một thời gian miệt mài, Văn Giảng sử dụng đàn guitar thành thạo, cùng kiến thức về âm nhạc của ông đã vượt qua ông thầy, và chính ông này lại đến nhờ ông chỉ bảo thêm.

Ca khúc Ai về sông Tương của nhạc sĩ Thông Đạt - Văn Giảng
qua tiếng hát của danh ca Duy Trác



Văn Giảng tham gia âm nhạc rất sớm nhưng sự nghiệp tình ca muộn hơn các nhạc sĩ cùng thời. Cuộc hành trình âm nhạc của ông được phân định từng giai đoạn rõ rệt. Theo hồi kí Nhạc tiền chiến của nhạc sĩ Lê Thương: “Sinh hoạt đầu tiên của Văn Giảng là tham gia hòa nhạc với các nhạc sĩ bạn Nguyễn Văn Thương, Lê Quang Nhạc vào khoảng năm 1942-1943 khi ông mới 18 tuổi. Sau đó vào khoảng năm 1944, nối gót nhạc sĩ Thẩm Oánh, tác giả bài A Di Đà Phật ở ngoài Bắc, Văn Giảng cùng với nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba khởi xướng và phát triển nền Phật nhạc tại Huế”.

Ông được xem là nhạc sĩ có trình độ nhạc lí cao nhất của Việt Nam. Từng tu nghiệp các nhạc viện Hawaii và Bloomington (Mỹ), giám đốc trường Quốc gia Âm nhạc Huế, giáo sư trường Quốc gia Âm nhạc Sài Gòn. Nói về nhạc lí, ông có những đóng góp rất quan trọng. Năm 1956, ông đã tìm ra phương pháp ký âm cho nhạc sĩ cổ truyền có thể nhìn bài bản mà trình tấu chung với nhạc sĩ tân nhạc. Sau đó ông thành lập ban cổ kim hòa điệu Việt Thanh, đây là ban nhạc đầu tiên trong nước dưới hình thức tân cổ hòa điệu với những nhạc khí tranh, tỳ, nhị huyền, nhị hồ, đàn nguyệt... hoà tấu chung với piano, guitar, đại hồ cầm... Văn Giảng đã sáng tác cho ban này bản hòa tấu “Ai đưa con sáo sang sông” dài 60 phút, cho xuất bản sách “Kỹ thuật hòa âm”, đến nay vẫn có chỗ đứng trong lịch sử âm nhạc Việt Nam. Gần 30 năm nay, sau khi định cư ở nước ngoài, Văn Giảng đã soạn nhiều sách dạy nhạc, sử dụng nhạc cụ bằng cả hai thứ tiếng Việt, Anh, nhưng chưa được xuất bản. Ông hy vọng có một nhà xuất bản tiếng Việt ở Mỹ nào đó có thể giúp ông ấn hành các tác phẩm này trước khi ông qua đời, cũng như số tiền từ tác quyền từ những trung tâm băng nhạc trả cho ông, ông dành hết để làm việc thiện. Việc chưa thỏa nguyện thì Văn Giảng đã mãi đi xa.

*

Trong sự nghiệp sáng tác của mình ông lấy tới 3 bút hiệu: Văn Giảng, Nguyên Thông và nổi tiếng nhất là Thông Đạt.

Bút hiệu Văn Giảng lấy tên thật, chỉ bỏ đi họ (Ngô) đằng trước, chỉ dành cho những bản hùng ca thúc giục lòng ái quốc hoặc viết về quê hương như các bài Đây Mê Linh, Nam Quan hận khúc, Xa quê, Nhảy lửa... Bút hiệu Thông Đạt lại là sự kết hợp của hai pháp danh Nguyên Thông của Văn Giảng và Tâm Ðạt của người vợ ông. Với bút danh này ông có các nhạc phẩm trữ tình như Ai về sông Tương, Đôi mắt huyền, Hoa cài mái tóc, Tình em biển rộng sông dài, Năm nay em mấy tuổi, Thương tà áo bay, Xin đừng bỏ nhau, Xin đừng chờ em nữa,... làm say đắm biết bao tâm hồn đồng cảm. Và bút hiệu Nguyên Thông với các ca khúc Phật giáo như Từ Đàm quê hương tôi, Mừng Đản sanh, Ca Tỳ La Vệ, Vô thường, Hoa cài áo lam, Tìm đâu xa, Vũ khí chơn tâm Bao la vô tận, Đời sống Đức Phật, Bờ mê bến giác, Buông xả, Dòng sinh diệt, Giả hợp, Hãy tự giác, Mong tỉnh ngộ, tâm bệnh,... mà mỗi mùa Phật Đản ấu thơ tôi đều được nghe, xem các anh chị biểu diễn văn nghệ chào mừng đều có mấy bài của Nguyên Thông. Đóng góp cho nền Phật Nhạc Văn Giảng đã để lại ca khúc nổi tiếng nhất đó là “Từ Ðàm Quê Hương Tôi” viết sau mùa Pháp nạn ở Huế năm 1966. Một bài hát rất nhẹ nhàng, rung cảm thâu trọn cả tình người xứ Huế vào tâm khảm: “Quê hương tôi miền Trung/ Sớm hôm chuông chùa nhẹ rung/ Tiếng muôn đời hồn tổ tiên kiêu hùng.” Chỉ cần nghe một câu ấy thôi, đi đâu xa Huế cũng muốn quay về.

Đặc biệt, ông còn viết nhạc thiếu nhi với những bài hát rất dí dỏm, dễ thương được các nhỏ thời đó thuộc nằm lòng như: Đến trường, Chơi ná, Chê trò xấu nết, Mèo chuột, Tham mồi, Gương sáng Lê Lai, Quang Trung hùng ca, Trăng Trung thu,... Mới đây gặp mấy người bạn vong niên luống tuổi, hỏi ra họ vẫn còn thuộc các bài Gương sáng Lê Lai, Quang Trung hùng ca của Văn Giảng thời đi học mẫu giáo năm nao.

Có thể nói, ở Văn Giảng có tới 3 con người: Con người thứ nhất là một Văn Giảng đáng kính, người thầy tận tụy trong làng nhạc; Con người thứ hai là một Nguyên Thông đáng quý với những dòng nhạc hương tỏa ánh đạo vàng; Con người thứ ba là Thông Đạt đáng yêu của những tình khúc bất hủ.

Văn Giảng ra đi đã để lại một sự nghiệp âm nhạc với hơn 50 tác phẩm âm nhạc có giá trị nghệ thuật, làm thổn thức biết bao con tim, khối tình đồng điệu. Trong đó phải kể đến ca khúc bất hủ: Ai về sông Tương đã làm nên tên tuổi Thông Đạt - Văn Giảng sống mãi cùng thời gian.

*


Ai về sông Tương sáng tác năm 1949 với bút hiệu Thông Đạt, cảm hứng từ một lần đứng bên dòng sông Hương hữu tình mà chạnh lòng thương nhớ cố nhân. Cố nhân nào đã khiến ông đổi tên sông Hương thành sông Tương?

Ca khúc Từ Đàm quê hương tôi của nhạc sĩ Nguyên Thông - Văn Giảng
qua tiếng hát của danh ca Hà Thanh



Đó là một cô gái Kim Long đẹp yêu kiều, người yêu của Văn Giảng thời trai trẻ. Nhưng do duyên tình cách trở, nhà gái không tán thành chuyện gia thất vì gia đình người đẹp Kim Long chuộng Nho phong, không thiện cảm với anh chàng nghệ sĩ mộng mơ với những cây đàn. Sau này cô gái đó lấy chồng để lại một Văn Giảng si tình nhung nhớ. Mãi gần đây, học giả Trần Kiêm Đoàn, từng là một học trò của thầy Văn Giảng, trong bài viết “Người về sông Tương” đã chia sẻ về hoàn cảnh ra đời chi tiết của bản nhạc đó, xin dẫn nguyên văn như sau: “Rồi một hôm, Thầy vào rạp xi-nê Tân Tân, gần cầu Trường Tiền bên bờ Bắc sông Hương để coi phim “Bé Nhà Trời”. Ngay trước mắt Thầy, ờ hàng ghế trước có một cô bé tóc dài. Tuy nhìn không rõ mặt nhưng từ dáng dấp đến hương tóc thoang thoảng mùi hoa ngâu của người thiếu nữ đã làm sống lại hình ảnh người tình Kim Long. Thầy bị xúc động đến nỗi không thể còn ngồi lại lâu hơn trong rạp chiếu bóng để xem phim, nên vội vàng ra khỏi rạp. Thầy đạp chiếc xe đạp Dura Mercier của Thầy dọc theo bờ sông Hương để vô cửa Thượng Tứ vào nhà ở Thành Nội. Thoáng chốc dòng sông Hương hiện ra như là dòng sông Tương chia biệt trong truyện tình cổ sử Trung Quốc. Thầy vừa đến nhà là dựng ngay chiếc xe đạp ngoài hiên, đi nhanh vào nhà và vội vã sáng tác bản nhạc bằng tất cả sự hoài niệm và háo hức nghệ thuật với sự chấn động dị thường như phép lạ hóa thân. Bản nhạcAi Về Sông Tương được viết ra trong vòng mười lăm phút!”

Ca khúc này ra đời thời đó với sự hỗ của nhà xuất bản Tinh Hoa (Huế) ấn hành và được phổ biến trên đài Pháp Á lần đầu tiên qua giọng hát của Mạnh Phát và Minh Diệu. Nhạc phẩm này được thính giả cả nước tiếp đón một cách nồng nhiệt qua các đài phát thanh, riêng đài Pháp Á chọn làm bài hát hay nhất trong năm 1949, và được tái bản 6 lần không kể những lần in tại hải ngoại sau 1975. Hiện nay, nhạc phẩm Ai Về Sông Tương được đánh giá là một trong 10 bài hát hay nhất trong âm nhạc Việt Nam.

Đó là nỗi niềm của một chàng trai si tình hơn 60 năm trước, bên dòng Hương thơ mộng đã gieo hoài lên giai điệu buồn cuộn sâu trong dòng nước. Ca khúc được viết theo cung La trưởng, uyển chuyển, thướt tha trong giai điệu và ca từ rất thơ và lãng mạn. Cuộc đời dâu bể, thế sự đổi thay nhưng nỗi hoài cảm tái tê của Ai về sông Tương vẫn đồng hành với biết bao tâm tư nhân thế. Một buổi chiều thu thành Huế khói sương, lặng im mà lắng nghe:

“Ai có về bên bến sông Tương,
nhắn người duyên dáng tôi thương, bao ngày ôm mối tơ vương”. 


Chở cả nỗi sầu tròng trành trên con nước lững lờ, của con tim thổn thức “mơ bóng em luôn” như những nhịp đập muôn thuở của tình yêu mơ mộng chỉ “mong vài lời em ngập hương” nhắn gửi cho tâm hồn du tử.

Ai về sông Tương lấy cảm hứng từ điển tích từ bầu tâm sự cháy lòng trong Trường Tương Tư của nàng Lương Ý, đời Hậu Chu, gửi niềm nhớ thương cho Lý Sinh, sau khi đau khổ phải xa cách người yêu. Nguyên văn như sau:

“Quân tại Tương Giang đầu
Thiếp tại Tương Giang vĩ
Tương tư bất tương kiến
Đồng ẩm Tương Giang thủy”


 Dịch:

“Chàng ở đầu sông Tương
Thiếp ở cuối sông Tương
Tương tư không gặp mặt
Cùng uống nước sông Tương”


Trong tình sử Trung Hoa, con sông Tương xưa kia cũng đã chứng kiến bao cuộc li biệt tình ái thơ mộng thấm ướt cả bến bờ Tương giang. Dòng Tương Giang từ lâu đã trở thành biểu tượng bất tử, nơi chứng kiến những cuộc tình bi phẫn, chia li nồng nàn sầu, ngút ngàn thương nhớ. Sông Tương vượt thoát khỏi ái ân của một vùng địa dư, là phụ lưu dồi dào cho gửi cả vào nguồn cảm hứng thi ca bất tận lan xa đến trời Nam.

Ngay cả Nguyễn Du trong truyện Kiều cũng có câu mang tâm trạng điển tích ấy:

“Sông Tương một dải nông sờ
Bên trông đầu nọ bên chờ cuối kia”.


Văn Giảng đã đi thêm bước nữa, bay bổng cùng những nhịp điệu cố đẩy nỗi buồn thơ thẫn ra xa:

“Ai có về bên bến sông Tương,
nhắn người duyên dáng tôi thương, sao đành nỡ dứt tơ vương.
Ôi duyên hờ từ nay bơ vơ.
Dây tình tôi nắn cung tơ, rút lòng sầu trách người mơ...”


Nỗi niềm Văn Giảng của mấy mươi năm trước đã neo đậu vững vàng trong dòng chảy của nền Tân nhạc Việt Nam, một đốm sáng lẻ loi của con thuyền mộng giữa vùng non nước Cố đô. Âm hưởng Ai về sông Tương vẫn còn chưa thỏa cơn rút sầu trả hết cho dòng Hương trăm năm vẫn thẫn thờ. Văn Giảng đã đồng cảm tâm sự đó mà viết nên nhạc phẩm say đắm lòng người gắn với dòng sông bất tử đó vậy.

*

Người nhạc sĩ tài hoa Văn Giảng dù đã từng đi xa, ở tận bên trời người khuất nẻo, dù đến hôm nay đã thiên cổ cùng dòng Tương Giang biền biệt “dứt tơ vương”, vẫn mãi mãi là người con của Huế. Ông từng nhắn gửi tâm tư dung dị rằng: “Đối với tôi thì sông Tương là sông Hương. Tôi chỉ mong cuối đời về lại con sông này…”. Và có lẽ người con ấy giờ này cũng đã về rồi, về với mái trời Từ Đàm quê hương, về với sông Hương, lắng nghe tiếng sông Hương mơ mộng nghìn năm thắp xanh những sử thi buồn. Xin ngưỡng vọng một nén nhan cho thiên thu Văn Giảng trong nỗi niềm chiều nay... tôi cũng về sông Tương.
 

Vợ chồng Nhạc sĩ Văn Giảng (ảnh chụp năm 1949)
Vợ nhạc sĩ Văn Giảng qua đời, chỉ một tuần sau khi chồng mất.
Sau khi nhạc sĩ Văn Giảng mất vào ngày 9/5/2013, vợ nhạc sĩ Văn Giảng, bà Ngô Thị Bạch Đẩu, vì quá xúc động nên sức khỏe suy yếu dần.
Đến 5 giờ 50 phút chiều ngày 17/5/2013, bà cũng đã ra đi theo chồng tại thành phố Melbourne (Úc) hưởng thọ 85 tuổi.
Sự ra đi của đôi vợ chồng nhạc sĩ Văn Giảng - Bạch Đẩu kết thúc một mối tơ duyên 64 năm bền bỉ, viên thành.
Sông Hương xin chia buồn cùng gia đình Nhạc sĩ.



Theo Lê Vũ Trường Giang - SDB TCSH 9/6-13



 

Các bài mới
Các bài đã đăng