Có lẽ từ những ngày đầu tiên viết nhạc, khi chưa thành danh, người nhạc sĩ này đã dự cảm: Mưa sẽ là một nguồn cảm hứng không thể thiếu và bất tận trong cuộc đời sáng tác âm nhạc của mình. Điều đó không lạ, bởi Huế là một thành phố mưa, dai dẳng mưa, lê thê mưa, có lượng mưa, lượng ẩm nhiều nhất nước. Có khi mưa kéo từ ngày này qua ngày khác, có khi suốt cả tháng, có lúc gần suốt mùa đông. Như mùa Đông vừa qua, mưa và lạnh tưởng như không bao giờ dứt đã làm ngưng trệ nhiều hoạt động cuối năm của dân Huế. Khi... Mặt trời ngủ yên quá lâu cũng là lúc con người dễ rơi vào trầm cảm nhất. Một số người Huế đã bị hội chứng này. Mưa Huế không lớn, không ào ạt như mưa Saigon, chỉ lâm thâm, lâm thâm, từng giọt, từng giọt nghiêng nghiêng. Và mưa nghiêng đến đâu, cái lạnh tê tái len lỏi đến đó. Như thể mưa và lạnh là một cặp tình nhân gắn bó không rời. Đó là ký ức tê tái buồn, đậm sâu nhất cho những người Huế xa quê và cả những ai đã từng sống ở Huế, đã từng bất chợt ghé Huế một lần vào mùa mưa lạnh.
Một trong những nhạc phẩm sớm nhất của Trịnh Công sơn đã thấm đẫm những giọt mưa như vậy: “Mưa lạnh lùng rơi rớt mái hiên nhà nghe não nề. mưa kéo dài lê thê những đêm khuya lạnh ướt mi….Trời sao chưa thôi mưa, để mắt người em ấy, từ nay thôi mờ, nước mắt buồn mi em thơ ngây…” Mưa của Uớt mi đó.
Có khi giọt mưa nhẹ hơn một chút.. bay qua tầng tháp cổ cùng với Diễm xưa, cho lòng ai ngóng vọng: “Chiều nay còn mưa sao em không lại, nhỡ mai trong cơn đau vùi, làm sao có nhau, hằn lên nỗi đau, bước chân em xin về mau… Để rồi bước vào sâu thẳm suy tư đầy tính triết lý: ”Mưa vẫn mưa rơi cho đời biển động, làm sao em biết bia đá không đau. Xin hãy cho mưa qua miền đất rộng. Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau“.
Cơn mưa âm thầm day dứt đó bất chợt ẩn hiện sau cơn nắng, một màu hồng tinh khôi, Mưa hồng: “Này em đã khóc chiều mưa đỉnh cao, còn gì nữa đâu sương mù đã lâu, em đi về trời mưa ướt áo, hàng phượng bay mù không lối vào, hàng cây lá xanh gần với nhau… “
Những cơn mưa cứ lập lại trong những phiến buồn Nhạc Trịnh, kéo dài không dứt, từ những không gian, thời gian khác nhau. Lúc nằm ”trong căn gác đìu hiu“ trong một chiều Chủ nhật buồn, khi nhìn bước chân ai "Đi về giáo đường“ vẫn nghe "Trời còn làm mưa, mưa rơi mênh mang“. Trong những tâm trạng khác nhau, có lúc là một Nỗi đau tình cờ: ”Tôi đã yêu em bao ngày nắng, tôi đã yêu em bao ngày mưa, yêu em bên đời lặng lẽ“, có khi hoá thân trong lời hẹn hò đã xa ngái: “Đôi khi trên mái tình ta, nghe những giọt mưa, tình réo tình âm thầm, sầu réo sầu bên bờ vực sâu… Lời hẹn về là những cơn mưa“.
Lúc ở xa Huế, ”Nghe mưa nơi này, lại nhớ mưa xa“. Mưa Sai gon, Mưa mùa hạ đã bớt u hoài hơn, trong sáng hơn, có lẽ vì không gian ở đây không u trầm như không gian Huế: “Mưa, mùa mưa Saigon mưa… mưa mai từng sợi tóc mây mây hồng. Cơn mưa mùa hạ nồng nàn. Em đi tà áo phiêu bồng trời cao… Mưa, mùa mưa saigon mưa, em đứng bên hiên nhà chờ mùa mưa qua, mưa xa mờ mịt áo em phai nhoà. Không gian còn lại chút hương nhân từ. Mưa như từng giọt rượu hờ. Đêm trong thành phố, ai chờ, chờ ai“. Và cứ thế, những giọt mưa, sáng, trưa, chiều, tối, mùa đông, mùa hạ, nơi này, nơi khác cứ âm ỉ rơi đầy, xuyên suốt những trang nhạc Trịnh.
Dẫu đã là tháng 4, qua rồi mùa mưa lạnh, nhưng đêm nay, mười năm sau khi nhạc sĩ mất, Đêm tưởng niệm, cả thành phố Huế lại đã Chìm dưới cơn mưa để Rơi lệ ru người. Đó là một đêm nhạc khó quên trong đời ca hát của những ca sĩ tên tuổi tham gia hôm đó, Mỹ Linh, Cẩm Vân, Thu Minh, Phương Uyên, Nguyên Thảo v.v… bởi họ đã hát trên một sân khấu lộ thiên, ở Cung An Định, dưới cơn mưa lạnh. Dẫu có ca sĩ đã phải che dù để hát, nhưng trái tim họ vẫn bừng lên ngọn lửa vô cùng ấm áp vì đã được hát trên chính quê hương người nhạc sĩ tài hoa này, dưới cơn mưa đã nhiều lần thấm ướt những trang nhạc Trịnh. Họ hát với tất cả tấm lòng yêu mến và ngưỡng mộ nhạc sĩ , “Từ bờ môi hát lên nhè nhẹ, từ lời ca rớt thành cơn mưa“. Họ đã Níu tay nghìn trùng cùng với ngàn trái tim khán giả đang đứng dưới mưa trong bầu trời Huế hôm ấy và triệu khán giả khác ở khắp mọi nơi trên thế giới yêu mến nhạc Trịnh Công Sơn.
Và đó cũng là một đêm tràn xúc động với những người Huế yêu âm nhạc, yêu nhạc Trịnh Công Sơn, dẫu đã từng hay chưa một lần gặp Anh, người nhạc sĩ tài hoa của quê hương, nhưng ấn tượng về Anh và cơn mưa Huế sẽ theo vào ký ức, một ký ức không thể xoá nhoà khi nhớ về cơn mưa và âm nhạc.
Dự cảm về cơn mưa đã hoá thật. Mười năm tưởng niệm Nhạc sĩ vẫn là những cơn mưa “Chìm dưới cơn mưa, một người chết đêm qua, chìm dưới đất kia, một người sống thiên thu.“
“Chìm dưới đất kia, một người sống thiên thu“, đó chính là người nhạc sĩ mà ca từ đã đi vào sâu thẳm trái tim người yêu nhạc. Nhà văn Nguyễn Quang Sáng, đã phát biểu trong đêm tưởng nhớ: Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sẽ còn được mãi tưởng nhớ không chỉ 10 năm mà cả trăm năm nữa.
Theo Thanh Nhã
(*) - tiêu đề do BBT Khám phá Huế thay đổi cho hợp với nội dung.
art2all.net