Chân dung văn nghệ sĩ
Nếu Huế không có Hoàng Phủ Ngọc Tường & Trịnh Công Sơn...
09:08 | 11/10/2016

Sáng cho đến khuya, ngồi đâu cũng nghe nhạc Trịnh. Nhạc Trịnh như là của riêng Huế. Ai cũng hát được nhạc Trịnh, nhưng băng nhạc dùng nhiều nhất ở Huế là băng Khánh Ly. Trịnh Công Sơn và Khánh Ly như một tiềm thức Huế suốt nửa thế kỷ nay...

Nếu Huế không có Hoàng Phủ Ngọc Tường & Trịnh Công Sơn...
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn

Về Huế, Nguyễn Văn Cao mời nghỉ Festival Hotel, ngã tư Đống Đa - Lý Thường Kiệt. Căn phòng VIP mà tôi chỉ thường trở về vào lúc đêm khuya. Sáng cho đến khuya, ngồi đâu cũng nghe nhạc Trịnh. Nhạc Trịnh như là của riêng Huế. Ai cũng hát được nhạc Trịnh, nhưng băng nhạc dùng nhiều nhất ở Huế là băng Khánh Ly. Trịnh Công Sơn và Khánh Ly như một tiềm thức Huế suốt nửa thế kỷ nay. Và vui hơn với người Huế là sau 10 năm Trịnh xa cõi trần, Huế đã có con đường mang tên người nhạc sĩ của chính mình.

Thanh Ngọc (tạp chí Sông Hương) nhận xét thú vị: Tình cờ, con đường Trịnh Công Sơn dài 600 mét, trùng với con số 600 bài hát của Trịnh.


Năm 2002, sau ngày mất Trịnh Công Sơn 1 năm, tôi có đề nghị anh Nguyễn Xuân Lý (Chủ tịch UBND tỉnh lúc đó) nên dành một con đường cho TCS; anh nói phải sau 5 năm. Nay 10 năm, đã có con đường ấy. Tôi nghĩ: Huế chậm nhưng mà chắc.

Đó là con đường ven sông Hương thơ mộng khởi đầu từ cầu Gia Hội bên chợ Đông Ba. Khi Hữu Thu đón tôi đến thăm con đường ấy, người ta đang thi công công viên ven sông, bên lề đường TCS. Công viên này là nơi thư giãn thật đẹp, nó cũng là bến đi về của những con thuyền du lịch sông Hương. Tôi hỏi Hữu Thu, công viên có tên gì? Thu bảo chưa đặt tên. Tôi nghĩ: Cũng có thể là công viên Trịnh Công Sơn.

Những căn nhà lụp xụp phía bến sông cỏ mọc um tùm năm xưa, giờ đã có mặt tiền là con đường mang tên người nhạc sĩ và cả một công viên thơ mộng.

Chúng tôi dừng xe và chụp mấy tấm ảnh kỷ niệm trên con đường mơ ước. Trong ống kính máy ảnh, tôi thấy Sông Huế thật gần. Đó là con sông mà bà Tuần Chi không thể bỏ Huế mà đi sang Pháp với con cháu được. Sinh thời bà nói: Tôi chỉ sang Pháp ở, nếu mang theo được sông Hương sang bên đó.

Chợt nhớ câu hát của Trịnh: “Một bờ cỏ non, một bờ mộng mị, ngày xưa”.

Gần trưa, tôi thuê một chiếc xe ôm thăm mấy người bạn. Hoàng Phủ Ngọc Tường đang tắm. Một người cháu đang tắm cho ông. Mỹ Dạ bảo: Anh Tường vừa in cuốn “Lời tạ từ gửi một dòng sông”. Sao lại “tạ từ”? Ông Tường sinh năm 1936, sau bạo bệnh nằm liệt giường 13 năm nay, ông vẫn “viết văn bằng miệng” và đã in được thêm 6 cuốn sách. Một nỗ lực vĩ đại. Từ nhà tắm, ông Tường ngồi xe lăn ra tiếp tôi. Ông mừng, nhưng trách tôi sao Tết rồi không về Huế. Tôi bảo vì mẹ tôi mới mất năm ngoái nên phải về quê, hương khói cho cụ. Ông lặng một lát rồi nói: Sau khi in cuốn “Lời tạ từ gửi một dòng sông”, mình quyết định ngừng bút, không viết thêm gì nữa. Tôi hỏi tại sao? Ông nói như đã định từ lâu: Mình biết mình hết rồi, không còn gì để viết nữa. Nếu cố viết, kém quá thì chỉ hại mình thôi.

Tôi buồn một phút.

 


Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường


Hoàng Phủ Ngọc Tường là một cây tùy bút đứng ở hàng đầu, cùng với Nguyễn Tuân, Vũ Bằng, Phan Nhật Nam... Nhưng tôi vẫn thích đọc ông nhất. Văn ông khoáng đạt, nhẹ nhàng mà sâu sắc, đọc bị cuốn nhanh chứ không nhẩn nha như cụ Nguyễn. Nhiều tên sách của ông đã đi vào cổ điển: Ai đã đặt tên cho dòng sông, Sử thi buồn, Hoa trái quanh tôi... Tôi đã từng được xem bản sưu tập của một người yêu văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, họ cắt những bài viết của ông trên báo và dán vào bộ sưu tập với cách trang trí thật đẹp. Đời văn được yêu mến như thế thật là hạnh phúc.

Giờ ông “ngừng bút”. Vĩnh viễn. Tiếc quá. Tôi nói: Thì khi nào bỗng dưng thích, lại viết. Làm thơ chẳng hạn, chỉ cần “nhẩm bút” cũng thành thơ mà. Nhưng ông lắc đầu.


Ngày xưa khi ông chưa ngã bệnh, chuyện trò không dứt. Bà mẹ vợ thường nói với khách khi ông vắng nhà: Ông Tường đi nói rồi. Tôi coi ông là cuốn “từ điển sống”. Nhắc chuyện gì ông cũng có thể nói được hàng giờ, mà nói thật sâu, thật kỹ, thật văn hoa. Ông như một nhà văn hóa nhiều tầng vỉa. Nhiều cuộc nhậu với ông, chỉ thấy ông uống rượu và nói chứ không ăn. Bởi thế, trong một bài thơ tặng ông, tôi đã viết:

Rượu ngon nhắm với nói cười
Nghe thời gian tím một trời phù dung...

Bây giờ (13 năm nay) ông nói thật khó khăn. Mỹ Dạ nhiều lúc phải làm “phiên dịch viên” cho ông.

Chia tay vợ chồng ông, tôi nghĩ, một ngày nào đó, trở lại Huế không có Hoàng Phủ Ngọc Tường... Vâng, nếu Huế không có Hoàng Phủ Ngọc Tường và Trịnh Công Sơn...

Chợt nhớ một bài thơ tôi viết tặng hai người nổi tiếng này từ thời còn ở Huế:

DIỄM XƯA

Cho TCS và HPNT


có thể tóc nàng bạc trắng
vô tình sỏi đá thành vôi
có thể cơn mưa đã tạnh
trái tim chẳng mọc thêm chồi
 
chàng trai yêu nàng đã chết
bên tầng tháp cổ rêu mờ
cánh chim thiên di mỏi mệt
bay ngoài câu hát ngu ngơ
 
bọn trẻ như chàng ngày trước
thả hồn trong quán cà phê
ở đó có nàng kiều diễm
vai thon ôm mái tóc thề
 
thầm thì đêm nghe gió nói
nàng là con của Diễm xưa...

 

Theo Nguyễn Trọng Tạo - Báo Thừa Thiên Huế

Các bài mới
Các bài đã đăng