Chân dung văn nghệ sĩ
Tạ ơn giai nhân, tạ ơn nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và...
14:36 | 13/10/2016

Trịnh Công Sơn yêu rất nhiều... nhưng định mệnh vẫn cứ bắt anh phải đứng trước cái ngưỡng của tình yêu. Nếu anh còn sống thêm vài mươi năm nữa, sẽ “còn ai nữa”...và cũng thế thôi. Nếu anh bước qua khỏi cái ngưỡng ấy thì chưa chắc anh đã có được cái địa vị “người sáng tác nhiều nhạc tình hay nhất thế kỷ”.

Tạ ơn giai nhân, tạ ơn nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và...

Không biết có ai đó đã nhắc tôi câu dịch từ thơ của Anvers: “Xem thơ nào biết có mình ở trong”. Mỗi lần nghe người yêu nhạc nói chuyện tình của Trịnh Công Sơn (giai đoạn đầu) tôi bổng thấy nhớ và tự bảo thầm “nào ai có biết chuyện tình trong nhạc của Sơn cũng chính là chuyện tình của tôi, của thế hệ tuổi tôi”. Nói như thế bạn đọc sẽ mím môi “thấy sang bắt quàng làm họ”. Nếu không có những giải bày sau đây thì nghĩ như thế không có gì sai cả.

Thành phố Huế xưa nay vốn rất nhỏ. Người đẹp của núi Ngự sông Hương phần lớn tập trung ở hai ngôi trường Đồng Khánh- Quốc Học, từ sau năm 1957 có thêm Đại học Huế. Thế hệ nào cũng có những giai nhân của riêng mình. Giai nhân có ít mà người mê  thì nhiều. Một người đẹp nào đó có hàng chục người “bước theo gót hài”. Tiểu sử của các cô các chàng trai đều thuộc lòng. Nhưng như chính Xuân Diệu đã từng thú nhận “Yêu rất nhiều mà nhận chẳng được bao nhiêu”. Không “nhận” được vì nhiều lý do: Thời ấy, ít có cô gái Huế nào đẹp mà chịu lấy những chàng trai ngang trang ngang lứa. Các cô gái đẹp thường được cha mẹ gả cho những người đã có danh vọng, có sự nghiệp chắc chắn. Rất hiếm thấy các anh chàng lông bông học hành chưa tới mà có người yêu đẹp xuất thân trong các gia đình gia giáo. Tuy nhiên trong thế hệ tôi, chính vì các hố ngăn cách ấy đã nẩy sinh ra biết bao mối tình thầm lặng, yêu một chiều và khi nó xảy ra với những người về sau xuất chúng như nhạc sĩ 
Trịnh Công Sơn thì chúng trở thành những chuyện tình bất tử.

1.“Cuối cùng cho một tình yêu”


Tôi có một người bạn gốc Nha Trang, đang học vẽ nhưng anh lại tỏ ra có tài thơ. Anh yêu cô Đỗ Thị Lệ Th. – em gái của một hoạ sĩ Đỗ B. Cô Lệ Th. có mái tóc thề mượt mà, dáng đi nhẹ nhàng dễ thương giống như cái tên Lệ Th. của cô vậy. Những ai đã gặp Lệ Th. thì không thể không mất ngủ vì cô. Anh bạn tôi yêu Lệ Th. và làm thơ lấy biệt hiệu là Th. Nguyệt. Nhưng rất tiếc gia đình Th. Nguyệt rất nghèo, anh lại chưa có sự nghiệp, nên anh đã thua cuộc trước bạn anh là hoạ sĩ Tôn Thất V. Cùng thắng cuộc theo kiểu của V., có hoạ sĩ Đ.C. với cô T.Nh. Hồi T.Nh. học Đại học Văn khoa, nhiều người phải lòng T.Nh., nhưng trong số ấy không ai tài hoa và kiên trì bằng Đ.C. nên anh đã thắng. Đ.C đã vẽ nhiều tranh lấy cảm hứng từ T.Nh.Xem tranh thiếu nữ của Đ.C., Trịnh Công Sơn, Ngô Kha, Hoàng Phủ Ngọc Tường và kể cả người kể lại chuyện nầy, cũng đều thấy người đẹp của “mình ở trong”.

Ở Đại học Văn khoa Huế lúc ấy lại có cô Trần Thị Nh.H. Nh. H. không nằm trong danh sách người đẹp, nhưng cô hay mặc áo dài tím, với dáng đi “mềm mại như tơ”, hát hay nên H. được mến mộ không kém người đẹp. Hoạ sĩ Trịnh Cung lúc còn học Mỹ thuật Huế rất mê Nh.H. và tuyệt vọng, anh đã làm nên bài thơ Cuối cùng cho một tình yêu. Bài thơ nầy đã được Trịnh Công Sơn phổ nhạc và nổi tiếng gần bốn mươi năm qua. Điều không ai hiểu nổi là: “Cho đến nay (2002) Nh.H. đã có gia đình, đã có cháu nội cháu ngoại mà cô vẫn chưa biết bài thơ phổ nhạc bất hủ ấy Trịnh Cung đã làm cho chính Nh.H.” (Lời thú nhận của Trịnh Cung với tôi).

Cùng một mẫu yêu như Trịnh Cung, Trịnh Công Sơn đã yêu Ph. Th. – em ruột của ca sĩ Hà Thanh. Bạn âm nhạc của Trịnh Công Sơn lúc ấy có Lê Gia Phàm, Hà Thanh và Thanh Hải (Hồ Quang Hải). Lê Gia Phàm yêu Hà Thanh. Trịnh Công Sơn, Thanh Hải (học Đệ nhất với tôi và bác sĩ Trương Thìn sau nầy) đều yêu Ph.Th. Và, không chỉ hai người ấy, nói chung những người quen biết gia đình Hà Thanh, hay học cùng một lứa (promotion) với Ph.Th. đều là “đệ tử” trước vẻ đẹp thánh thiện của Ph.Th.cả. Trong số “bái phục giai nhân Ph.Th.” ấy, Trịnh Công Sơn thuộc loại quán quân. Sau nầy có lần Trịnh Công Sơn kể lại là: “Hà Thanh có đến bốn năm người em gái, mình ngồi nói chuyện với Hà Thanh, mỗi lần Ph.Th. đến sau lưng mình là mình biết ngay. Khi nào cô ấy đến gần thì có một mùi hương đến trước. Nhờ cái mùi hương ấy mà mình không bao giờ nhầm Ph.Th. với các cô em gái khác của Hà Thanh”. Chưa bao giờ Trịnh Công Sơn dám tỏ tình với Ph.Th. và Ph.Th. cũng chưa bao giờ có một cử chỉ khiến cho người bạn âm nhạc của chị mình hiểu nhầm là cô có cảm tình riêng với bạn chị. Thế mà Trịnh Công Sơn đã si tình và nhờ cái vẻ đẹp thánh thiện “em đứng lên gọi mưa vào hạ” ấy của Ph.Th. mà anh đã viết nên mấy bài hát Nhìn Những Mùa Thu Đi, Nắng Thủy Tinh, và Gọi Tên Bốn Mùa. Ph.Th. lập gia đình với ông Tiến sĩ B. làm trưởng Khoa Luật rồi làm Bộ trưởng Giáo Dục, “tuổi tác không cân xứng nhưng danh vọng và sắc đẹp thì đẹp đôi”. Sau đó vì thời cuộc Tiến sĩ B. mất sớm, Ph.Th. vẫn giữ sự đoan trang, đức hạnh nuôi dạy các con ăn học đến nơi đến chốn tại Boston (Mỹ). Cuối năm 2000, gặp lại Hà Thanh và Ph.Th. tại Huế, tôi vẫn thấy hai chị em nầy “không sợ thời gian”, vẫn đẹp như “nắng thủy tinh” thuở nào. Nhớ lại chuyện xưa, các cô rất vui và xem đó là những kỷ niệm đẹp của giai đoạn đẹp nhất của đời mình. Tuy chỉ mới một chiều, nhưng bạn bè thuở ấy của Trịnh Công Sơn vẫn xem chuyện Trịnh Công Sơn si mê Ph.Th. là “mối tình đầu” của anh.

2. “Hai mươi năm xin trả nợ dài”

Khoảng năm 1962, gia đình Trịnh Công Sơn gặp khó khăn kinh tế, gian phố lớn ở đường Phan Bội Châu (Ngã Giữa) phải sang cho người khác và qua thuê một căn hộ ở tầng một dãy lầu mới xây ở đầu cầu Phủ Cam [1].Hằng ngày Trịnh Công Sơn đứng trên lầu ngắm các cô nữ sinh đi qua cầu Phủ Cam, đi dọc theo đường Nguyễn Trường Tộ đến trường Đồng Khánh. Trong đám xuân xanh ấy có cô Ngô thị Bích Diễm- con gái thầy Ngô Đốc Kh.- người Hà Nội, dạy Pháp văn tại trường Đồng Khánh và trường Quốc Học Huế. Bích Diễm giống bố, người dong dõng cao, nét mặt thanh tú, bước đi thong thả nhẹ nhàng. Con người của Diễm rất hợp với cái tên Diễm và cũng thích hợp với tâm hồn bén nhạy của Trịnh Công Sơn. Anh yêu Diễm mê mệt.Những ngày không thấy Diễm đi qua anh đau khổ vô cùng. Anh trông thấy con đường trước nhà “dài hun hút cho mắt thêm sâu” (Diễm Xưa). Nhưng anh cũng biết gặp Diễm để nói lên nỗi đau ấy không phải là chuyện dễ. Thầy Ngô Đốc Kh.- thân sinh của Diễm, là một ông giáo rất nghiêm. Ông không thể chấp nhận một anh chàng chưa có bằng Đại học, tóc dài, cằm lún phún râu chuyện trò với các cô con gái đài các của ông. May sao lúc ấy hoạ sĩ Đinh Cường thuê nhà ở gần nhà Diễm để làm xưởng vẽ. Hai bạn canh chừng những khi thầy giáo có giờ dạy, mà Diễm đang ngồi ở nhà học bài thì hai bạn liền “liều” mình qua thăm. Những lần liều đầy mình ấy, có khi Diễm tiếp, có khi Diễm để cho người nhà tiếp và cũng có khi đang có bố ở nhà Diễm tránh để cho khách ngồi chơi xơi nước rồi tự ý ra về. Khác với Ph.Th., Diễm biết Trịnh Công Sơn yêu mình và trái tim cô nhiều khi cũng rung động. Nhưng lúc ấy Diễm không thể vượt qua được sự nghiêm khắc của gia đình để nói cho tác giả Ướt Mi biết điều đó. Trịnh Công Sơn trút hết nỗi lòng yêu Diễm vào bài Diễm Xưa như sau nầy Sơn đã kể lại nhiều lần. Có một điều lúc ấy Sơn không để ý: Những lúc Trịnh Công Sơn đến nhà Diễm, thì Dao A. - em gái của Diễm còn là một cô bé, nhỏ hơn Diễm đến bốn năm tuổi, chạy loăng quăng theo chị. Không ngờ chỉ mấy năm sau Dao A. trở thành một thiếu nữ xinh đẹp với khuôn mặt bầu bĩnh, dễ thương khác thường. Với cái cầu đã bắc từ hồi yêu Bích Diễm, nay Bích Diễm đã vào học Đại học ở Sài Gòn, tâm hồn của Sơn qua cây cầu cũ, nói như Đinh Cường “Sơn lại da diết với cái dáng vẻ khoan thai, áo lụa vàng của Dao A. để rồi thất vọng, để rồi...”. Khác với những lần yêu trước, thất vọng về Dao A.,Trịnh Công Sơn không bắt nhạc của anh phải mang cái gánh thất tình của anh. Không ngờ hai mươi năm sau, trải qua bao nhiêu dâu bể, từ bên Mỹ, Dao A. trở về Việt Nam tìm Trịnh Công Sơn. Không rõ Dao A. nói gì với Sơn, và còn gì nữa không, mà anh đã rất hài lòng với thực tại “Hai mươi năm xin trả nợ dài, Trả nợ một đời em đã phụ tôi” (Xin Trả Nợ Người). Trong hai mươi năm ấy, Dao A. đã có gia đình, đã hiểu rõ cuộc đời, nên “hết phụ” tình Trịnh Công Sơn. Như Đinh Cường đã viết:“Tháng cuối cùng trước khi Sơn mất, Dao A. về thăm, suốt tuần sáng nào A. cũng đến ngồi trên chiếc xe lăn của Sơn, chỉ còn biết nhìn Sơn, cho đến chiều tối mới về nhà.”Trịnh Công Sơn yêu Dao A. phải trải qua hai mươi năm mới “nhận” được lời đáp. Tuy đã quá muộn, nhưng trên cõi đời nầy có mấy ai được yêu và được nhận có một khoảng cách dài lâu đến thế đâu!


Hai chị em Bích Diễm và Dao Ánh - những "nàng thơ" trong các sáng tác của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (Ảnh do nhà nghiên cứu Trần Viết Ngạc tặng Cà Phê Gác Trịnh sáng 1/4/2015)


3.“Coi như phút đó tình cờ”

Gặp người đẹp Trịnh Công Sơn dễ yêu, mà không riêng gì Sơn, các bạn thân sơ của anh cũng đều như thế. Sơn không nề hà chuyện yêu một chiều, không sợ đau khổ vì tình phụ, đã yêu là yêu mãi, yêu hoài, yêu hết mình. Nhưng cũng có lúc anh “chán tình”, vì cho rằng mình yêu nhầm. Ngày ấy, ở bên kia sông Thọ Lộc, đối bờ với nhà tôi, thuộc phường Vỹ Dạ, có cô nàng tên Nguyệt, rất đẹp. Trịnh Công Sơn đã yêu say đắm. Vô tình, trong lúc nói chuyện với Sơn, cô buột miệng khen một anh chàng nào đó đẹp trai “vì anh ấy lai Tây”. Chỉ một chuyện vô tình rất nhỏ, thế mà Trịnh Công Sơn cảm thấy bị xúc phạm, anh không thể hiểu nổi một người mình yêu mà lại có một quan niệm thẩm mỹ “lệch lạc” đến như thế. Tất cả những yêu thương Nguyệt trong lòng anh bổng nhạt nhoà hết. Anh viết bài Nguyệt Ca. Anh ca ngợi cô nàng Nguyệt hết lời khi “trăng là Nguyệt”. Nhưng khi anh phát hiện ra:“từ trăng thôi là Nguyệt”, Nguyệt không phải là người anh mơ ước, anh xem chuyện anh yêu Nguyệt “coi như phút đó tình cờ” và về sau anh không nhắc đến Nguyệt nữa. Tuy nhiên đối với tôi và nhiều bạn bè của anh, mong sao Sơn có nhiều dịp yêu “tình cờ” như thế để anh có thêm nhiều Nguyệt Ca nữa.

Trịnh Công Sơn yêu rất nhiều, về sau có thêm Bich Kh. (như tôi đã viết nhiều lần), có Chu Nguyệt Ng., có Michiko, có Hồng Nhung...nhưng định mệnh vẫn cứ bắt anh phải đứng trước cái ngưỡng của tình yêu. Nếu anh còn sống thêm vài mươi năm nữa, sẽ “còn ai nữa”...và cũng thế thôi. Nếu anh bước qua khỏi cái ngưỡng ấy thì chưa chắc anh đã có được cái địa vị “người sáng tác nhiều nhạc tình hay nhất thế kỷ”. Tôi viết điều ấy với kinh nghiệm thực tế. Có một người làm thơ, bạn của Trịnh Công Sơn, cưới được một cô nàng hồi đi học ngồi cạnh Dao A. của Sơn, về sau “người ấy” không còn thơ nữa (Đó không phải là một trường hợp cá biệt). Trịnh Công Sơn bị “tình phụ”, còn người ấy lại bị “thơ phụ”.

Hơn sáu mươi năm nhìn lại cuộc đời, tôi xin tạ ơn những giai nhân đã làm “sáng giá” cho tuổi trẻ của chúng tôi. Vẻ đẹp của các cô là hành trang đẹp cho suốt cuộc đời theo đuổi chân thiện mỹ của lứa tuổi tôi. Chúng tôi không những giữ hình ảnh các cô trong tâm hồn mà còn giữ được hình ảnh thực của người đẹp trong các tập Album. Cám ơn nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, cám ơn Trịnh Cung, cám ơn Đinh Cường...nhờ tài năng của các bạn mà những người đẹp trong tâm hồn, trong các tập Album của thế hệ chúng ta trở thành vĩnh cửu.

Kỷ niệm một năm sau ngày Trịnh Công Sơn rời cõi tạm, 1.4.2002

 

Nguyễn Đắc Xuân


[1]. Nhà số 11/3 Nguyễn Trường Tộ, hiện nay là nhà của anh chị Hoàng Phủ Ngọc Tường- Lâm Thị Mỹ Dạ. Có thời gia đình anh Tường chị Dạ đi Hà Nội và TP HCM, gia đình Nguyễn Đắc Xuân ở tại đó trong một năm (1978-1979).

Các bài mới
Các bài đã đăng