Chân dung văn nghệ sĩ
Nguyễn Khoa Điềm - nỗi niềm của một thi nhân
17:27 | 25/11/2020

Một phần chương Đất nước trong trường ca Mặt đường khát vọng của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã được đưa vào đề thi môn Ngữ văn của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020. Ngay sau khi buổi thi kết thúc, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã trải lòng với báo giới những lời tâm tình tự tâm can: “Hãy để thế hệ trẻ được thể hiện tình yêu nước tự nhiên, đừng giành lấy phần nhận thức của người khác. Tuổi trẻ là phải tự nhận thức, không ai thay thế được họ đâu”. Nguyễn Khoa Điềm là một gương mặt tiêu biểu của nền thi ca nước nhà.

Nguyễn Khoa Điềm - nỗi niềm của một thi nhân
Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm

* Nguyễn Khoa - một “danh gia vọng tộc”

Nguyễn Khoa Điềm xuất thân từ một dòng họ “danh gia vọng tộc” của đất nước, dòng họ Nguyễn Khoa. Dòng họ Nguyễn Khoa có nguồn gốc từ Hải Phòng (hiện nay), sau đó theo Nguyễn Hoàng vào Nam. Kể từ khi vào đất phương Nam, con cháu của dòng họ Nguyễn Khoa nối đời làm quan ở vùng đất mới nhưng vẫn không quên sự nghiệp văn chương. Nhiều tổ tiên của dòng họ Nguyễn Khoa được liệt vào hàng khai quốc công thần ở vùng đất mới với những tên tuổi nổi tiếng như: Nguyễn Khoa Chiêm, Nguyễn Khoa Đăng, Nguyễn Khoa Thuyên… Bảng trung hầu Nguyễn Khoa Chiêm, tác giả tiểu thuyết chương hồi đầu tiên ở Việt Nam Nam triều công nghiệp diễn chí. Nội tán Nguyễn Khoa Đăng, một vị quan nổi tiếng tài năng, nghiêm minh, sáng suốt và còn để lại những lời ca tụng tới hôm nay:

1. Thương em, anh cũng muốn vô

Sợ truông nhà Hồ, sợ phá Tam Giang

2. Phá Tam Giang ngày rày đã cạn

Truông nhà Hồ nội tán cấm nghiêm…

                                                                                 (một số dị bản có thể khác đôi chút).

Cố nội Nguyễn Khoa Điềm, cụ Nguyễn Khoa Luận, Bố chánh tỉnh Thanh Hóa buồn vì thời cuộc bị người Pháp đô hộ mà không giúp được gì cho nước cho dân nên từ quan đi tu ở núi Sam và trở thành một nhà sư nổi tiếng - Viên Giác đại sư. Cha ông, nhà văn Hải Triều Nguyễn Khoa Văn, một nhà lý luận Marxist, nhà phê bình văn học Việt Nam nổi tiếng. Hải Triều là nhà lý luận tiên phong trong nền báo chí cách mạng Việt Nam, đặc biệt qua hai cuộc tranh luận gây được tiếng vang lớn vào thập niên 1930: Duy vật hay duy tâm và Nghệ thuật vị nghệ thuật hay Nghệ thuật vị nhân sinh. Hải Triều Nguyễn Khoa Văn là người có công lớn trong việc phổ biến chủ nghĩa Marx đến công chúng.

* Dòng máu hoàng tộc và văn chương

Trao đổi với báo chí, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm cũng cho biết khi viết trường ca Mặt đường khát vọng ông là một thanh niên mới trưởng thành. Có lẽ sinh ra và lớn lên trong một gia đình với môi trường thấm đẫm không khí văn chương đã có ảnh hưởng không nhỏ đến những sáng tác sau này của Nguyễn Khoa Điềm. Không chỉ xuất thân từ một gia tộc có truyền thống văn chương, ở Nguyễn Khoa Điềm còn chảy một dòng máu hoàng tộc từ bà nội ông, Công nữ Đồng Canh, hiệu Đạm Phương, còn được gọi là Đạm Phương nữ sử. Công nữ Đồng Canh là cháu nội vua Minh Mạng, con gái Hoằng Hóa quận vương Nguyễn Phúc Miên Triện. Khi 20 tuổi, bà được mời vào cung vua để dạy các công chúa và cung nữ học tập, vì vậy bà được gọi là “nữ sử”.

Có lẽ thế hệ trẻ hôm nay và những lớp người sau sẽ chỉ nhớ đến nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm chứ hầu như không mấy ai còn nhớ “ông quan” Nguyễn Khoa Điềm. Là một thi nhân nổi tiếng và đầy mẫn cảm, chắc hẳn Nguyễn Khoa Điềm đã nằm lòng câu đúc kết gan ruột mà cụ Đào Duy Anh đã viết trong Nhớ nghĩ chiều hôm: “Ô hay mọi thứ đều mây nổi/ Còn với non sông một chữ tình”.

Đạm Phương là một nhà thơ, nhà hoạt động văn hóa, xã hội nổi tiếng, một nhà báo nữ ở giai đoạn đầu tiên của nền báo chí Việt Nam đầu thế kỷ XX, một trong những cây bút hàng đầu của làng báo Việt Nam thuở ấy. Kể từ bài báo đầu tiên đăng trên Nam Phong tạp chí vào tháng 7-1918 đến năm 1929, bà đã viết hơn 200 bài báo đăng trên các tờ báo: Trung Bắc tân văn, Thực nghiệp dân báo, Hữu ThanhLục tỉnh tân văn… trong bối cảnh rất ít các tờ báo ở Việt Nam khi ấy. Công nữ Đồng Canh là người tham gia thành lập và làm Hội trưởng Nữ công học hội Huế năm 1926, tổ chức giáo dục tư nhân đầu tiên ở Việt Nam dành cho các em gái. Không chỉ là một nhà giáo dục, nhà báo nổi tiếng, sinh thời, bà cùng các ni sư Giác Tuệ (Trương Thị Như Tịnh, Hoàng quý phi của vua Khải Định), sư bà Diệu Huệ (mẹ nhà bác học Bửu Hội), sư bà Diệu Không đã có nhiều hoạt động đóng góp thiết thực cho văn hóa, Phật giáo nước nhà.

* Nỗi niềm của một thi nhân

Hai tập thơ để lại ấn tượng khó quên với người đọc của Nguyễn Khoa Điềm là Đất ngoại ô (1972) và Mặt đường khát vọng (1974). Nhà thơ Trần Đăng Khoa nói đại ý rằng những bức tượng của các văn nhân, thi sĩ nổi tiếng, bao giờ gương mặt họ cũng thường cúi xuống thật thấp. Là văn nhân, thi sĩ, họ phải luôn kiếm tìm xung quanh mình những thân phận đau khổ của kiếp người. Nguyễn Khoa Điềm là một nhà thơ nổi tiếng, hẳn nhiên ông không nằm ngoài quy luật này.

Nguyễn Khoa Điềm tốt nghiệp Đại học Sư phạm Văn ở miền Bắc và đã xung phong vào chiến trường Trị - Thiên từ ngày đầu chống Mỹ. Khi viết Mặt đường khát vọng, chàng thanh niên ở tuổi trưởng thành đã viết những câu thơ đầy “khát vọng” thuần chất cha ông:

“...Nhân dân thông minh

Không hề lừa ta dù ca dao cổ tích

Ta lớn lên bằng niềm tin rất thật

Biết bao nhiêu hạnh phúc có trên đời

Dẫu phải khi cay đắng dập vùi

Rằng cô Tấm cũng về làm hoàng hậu

Cây khế chua có đại bàng đến đậu

Chim ăn rồi trả ngon ngọt cho ta

Đất đai cỗi cằn thì người sẽ nở hoa

Hoa của đất người trồng cây dựng cửa

Khi ta đến gõ lên từng cánh cửa

Thì tin yêu ngay thẳng đón ta vào...”

Năm 1993, Nguyễn Khoa Điềm nhận chức Thứ trưởng Bộ Văn hóa - thông tin rồi sau đó là Bộ trưởng Bộ Văn hóa - thông tin, rồi Ủy viên Bộ Chính trị - Trưởng ban Tư tưởng văn hóa Trung ương (2001-2006).  Quan lộ lên đến đỉnh cao nhưng cũng không làm khép lại sự nghiệp văn chương ở ông. Khác với một số văn thi sĩ khi rẽ ngang sang quan lộ thường khép lại con đường văn chương, Nguyễn Khoa Điềm không nằm trong số đó. Ông đã trở về với Cõi lặng của chính mình với những vần thơ đầy dứt khoát:

“Bây giờ là lúc có thể chia tay điện thoại để bàn, cạc vidit, nắm đấm micrô

Tự do lên mạng với đời sống, ăn ngủ với bụi đường

Một mình một ba lô và xe đạp

Bây giờ gió gọi anh đi

Mặt trời đánh nhịp về tám hướng

Từ giã cà vạt, giày đen, lời trịnh trọng

Anh là một với cánh đồng, cánh hẩu với quán cóc, ăn chịu với cỏ

Hò hát một mình, đọc những gì yêu thích, ghi chép những gì cần ghi chép

Thế giới thật rộng, những ngả đường độ lượng

Cho anh làm mới cuộc đời mình…”.

(Bây giờ là lúc… Báo Văn nghệ,
ngày 5-8-2006)

Trải lòng với báo chí nhân sự kiện này, trước câu hỏi: “Suy tư về đất nước của ông hiện nay so với trước như thế nào?”, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã nói rằng ở tuổi này ông khó có thể viết được những vần thơ như thế nữa. Ông cũng cho biết: “Suy nghĩ về đất nước của tôi vẫn vậy. Đất nước là của nhân dân chứ không phải của các triều đại, của các ông vua. Nhân dân xây dựng lên đất nước, đất nước là của nhân dân nên phải chăm lo cho nhân dân. Trước nay tôi vẫn nghĩ như vậy”. Tin vào Nhân dân, tin vào sức mạnh của Nhân dân, đó là niềm tin nhất quán trong con người thi nhân Nguyễn Khoa Điềm. Không chỉ tin vào Nhân dân, thi nhân luôn có niềm tin vào cuộc sống, niềm tin vào lòng tốt của con người dẫu cho có lúc phải viết những vần thơ “rỉ máu”:

“Không cách nào khác

Dẫu bị chặn hết mọi nẻo về

Anh vẫn hy vọng vào lòng tốt -

Lòng tốt của anh, lòng tốt mọi người -

Để đứng cao hơn cái chết...”.

(Hy vọng 2, Tạp chí Sông Hương,
số 252, tháng 2-2010.
Bài thơ được viết ngày 26-7-2006).

Vũ Trung Kiên

(nguồn Báo Đồng Nai)

 

 

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Nhạc sĩ Thu Hồ (03/05/2017)