Ấp ủ niềm thương với những đoá sen giấy tinh tế đầy nghệ thuật, chúng tôi rủ nhau tìm về làng nghề hoa giấy Thanh Tiên để tìm gặp Hoạ sĩ - Nghệ nhân Thân Văn Huy, người đã có công rất lớn trong việc phục dựng nghề làm hoa sen giấy.
Đón chúng tôi trong căn nhà rường cổ kính tuyệt đẹp là một lão hoạ sĩ với nét cốt cách tao nhã pha lẫn một chút chân chất của một lão nông. Dường như đã đủ duyên cho một lần diện kiến và lần này tôi không còn hoài công như năm trước: rạo rực nhớ đến làng nghề hoa giấy Thanh Tiên mỗi khi Tết đến xuân về nhưng... chỉ đứng ở ngoài vì gặp hôm ông đi vắng.
Ngôi nhà rường với những nét chạm khắc tinh xảo khắc hoạ một nếp nhà gia giáo cổ xưa đậm chất Huế được bài trí hài hoà giữa những sản phẩm hoa sen giấy và điểm xuyết một vài quày hoa đủ màu sắc rực rỡ. Đặc biệt ngôi nhà gây ấn tượng lớn trong tôi đó là những bức tranh quý của người chủ nhân tài hoa được sáng tác từ nhiều chất liệu và phong cách khác nhau.
Được biết bên cạnh niềm đam mê phục dựng nghề làm hoa sen giấy truyền thống ông còn thành danh trong lãnh vực hội hoạ. Những tác phẩm của ông đã có mặt rất nhiều qua các cuộc triển lãm trong và ngoài nước với sự đánh giá rất cao của giới yêu tranh. Sinh ra từ một miền quê mang đậm bản sắc truyền thống dân tộc, người con của làng Thanh Tiên ấy luôn tự hào và mong muốn đem những tinh hồn của quê hương mình trải lòng ra năm châu bốn bể. Với niềm đam mê hội hoạ, người hoạ sĩ tài hoa ấy luôn muốn tìm tòi những điều mới lạ trong sáng tác nên những tác phẩm của ông luôn là những tác phẩm thật đặc biệt. Nhiều lần được thưởng ngoạn những tác phẩm của ông trong những dịp ghé thăm hai ngôi nhà của ông ở làng Thanh Tiên và ở số 38 Nguyễn Bỉnh Khiêm và lần nào cũng vậy, tôi cứ lặng người trước những bức tranh được gia chủ trưng bày trong nhà. Tranh của hoạ sĩ Thân Văn Huy luôn toát lên một màu sắc rất trong, sự "trong" ấy không phải dễ gì ai cũng có được và tranh của ông còn có một nét riêng khác nữa là được làm từ những chất liệu không ai ngờ như xơ dừa, ....
Đặc biệt, với dòng tranh trừu tượng, một dòng tranh không chỉ đòi hỏi người hoạ sĩ phải có một sự am hiểu sâu về kĩ thuật, mà còn phải có một sự nhạy cảm sâu sắc về sáng tạo, cách pha màu, thì trong tranh của hoạ sĩ Thân Văn Huy còn toát lên một tâm hồn lắng sâu không chỉ về nghệ thuật mà còn chứa đựng cả một đời sống nội tâm trong đó. Nếu tác phẩm "Bóng Tịch Dương" làm tôi xúc động với những nét chấm phá tài hoa cô đọng thì tác phẩm "Vui hỉ" lại là một tác phẩm gây thú vị rất nhiều với hình ảnh chú chuột nhìn qua nải chuối, nửa "muốn sang", nửa "muốn dừng lại". Hình ảnh đó thật ngộ nghĩnh, nhưng đó không chỉ là một hình ảnh ngộ nghĩnh như thoạt tiên ta cảm nhận, mà đằng sau đó là cả một "thuyết nhân sinh" của lòng ham muốn và biết dừng lại ở nơi đâu...
Cứ thế, mỗi bức tranh là một thông điệp, một tâm tư của người hoạ sĩ tài hoa muốn gửi gắm vào tác phẩm, chúng cứ mãi làm tôi đắm chìm vào thế giới nghệ thuật ấy nếu không có sự tinh tế của những đoá sen giấy được đặt trong những chiếc bình gốm đang dịu dàng âm hưởng gọi mời.
Người hoạ sĩ khiêm tốn, giọng nói trầm ấm nhỏ nhẹ đậm chất Huế tâm sự về cơ duyên khiến ông đến với một lĩnh vực nghệ thuật khác bên cạnh hội hoạ: nghệ thuật làm hoa sen giấy. Trong giấc mơ ông nghe một thanh âm vang vẳng bên tai mình: "hoa sen giấy, hoa sen giấy..." Những từ ấy cứ được lặp đi lặp lại và ông cũng không thể lý giải nổi đó là một điều tâm linh hay vì sản phẩm hoa giấy làng Thanh Tiên quê ông đã từ lâu thấm vào huyết quản của ông, gắn bó với gia đình ông từ bao đời chỉ biết rằng sau lần đó ông nuôi quyết tâm vực dậy tên tuổi làng nghề truyền thống của mình đã có lúc tưởng chừng như sắp mai một.
Với đôi bàn tay tài hoa khéo léo, say mê tìm tòi và trên tất cả là tâm huyết của mình đối với nghề hoa giấy từ thời cha ông mình để lại, người hoạ sĩ ấy lại miệt mài đi tìm cái đẹp mới để từ đó thương hiệu Hoa sen giấy Thanh Tiên lại bừng sáng những gam màu sống động, tinh tế bên cạnh những bông hoa giấy Thanh Tiên quen thuộc. Từ đây, sản phẩm hoa sen giấy của ông ngày càng được hoàn mỹ hơn, những đoá sen giấy lung linh trông như hoa thật, tinh xảo từng đường nét từ màu sắc, cánh, nhuỵ, cuống đến những chiếc lá.
Có thể nói trong nghệ thuật làm hoa sen giấy của nghệ nhân Thân Văn Huy có sự cộng hưởng giữa tranh và hoa, giữa hiện đại và truyền thống, cho nên mặc dù sau này có nhiều nơi làm hoa sen nhưng hoa sen của ông vẫn mang một dáng vẻ riêng biệt. Sen giấy của hoạ sĩ Thân Văn Huy không chỉ dùng để chưng trên bàn thờ như hoa giấy truyền thống mà còn được dùng để trang trí tạo nên một không gian sang trọng nhưng vẫn giữ được những nét Việt đậm đà. Sắc và hồn dân gian thấm đượm hoà quyện giữa cựu và tân, sang mà mộc, mộc mà vẫn sang. Đó là điều lý giải tại sao bây giờ rất nhiều du khách ghé làng Thanh Tiên, tìm về ngôi nhà rường cổ kính của ông để được nghe ông giới thiệu và tận mắt nhìn người hoạ sĩ tài hoa tự tay làm nên những đoá sen giấy lung linh sắc màu.
Năm 2010 ông được Trung tâm sách kỉ lục Việt nam xác nhận là người đầu tiên phục dựng thành công hoa sen giấy và mới đây nhất vào cuối năm 2020 ông đã được Chủ tịch nước phong tặng bằng khen Nghệ nhân Ưu tú. Từ đây hoạ sĩ - nghệ nhân Thân Văn Huy lại thêm bận rộn, bên cạnh giá vẽ ông lại bắt tay vào nắn nót, phơi phóng, trau chuốt với giấy, với màu nhuộm, với những sự tìm tòi không ngừng thăng hoa trong sáng tác. Ngôi nhà của ông ở Thanh Tiên vào những kì Festival và cả những ngày thường luôn thu hút rất đông du khách trong và ngoài nước ghé thăm. Đặc biệt, với mong muốn đưa sản phẩm của làng nghề lan toả và không bị thất truyền nên ông luôn sẵn sàng dạy nghề cho những ai yêu mến và đam mê sản phẩm hoa sen giấy Thanh Tiên. Âu đó cũng là một điều vô cùng quý báu và cũng đã nói lên được sự tâm huyết đối với làng nghề của người hoạ sĩ - nghệ nhân đã vào độ tuổi thất thập cổ lai hy này.
Mùa xuân rồi sẽ đi qua nhưng sắc xuân vẫn còn đọng lại mãi trên từng chồi non lá biếc, trên từng quày hoa giấy thỉnh thoảng chúng tôi bắt gặp trên mọi nẻo đường và những cành sen giấy gợi hình, đượm tình được ấp ủ, trở trăn của người con làng Thanh Tiên. Hoạ sĩ - Nghệ nhân Thân Văn Huy, danh hiệu nào cũng đều vinh dự và xứng đáng với ông!