Chân dung văn nghệ sĩ
Trần Phá Nhạc - Thời gian và khúc khuỷu trên hành trình
14:23 | 20/07/2021

Vào một ngày cuối tháng 4/2021, tôi và một số người bạn của ông ghé đến thăm ông ở nhà riêng trên lầu 7 của một khu chung cư cũ tại TPHCM sau khi ông vừa trải qua cơn bạo bệnh và mới xuất viện sau một thời gian điều trị. Hiện tại, vẫn đang tiếp tục điều trị tại nhà.

Trần Phá Nhạc - Thời gian và khúc khuỷu trên hành trình
Nhà thơ Trần Phá Nhạc chụp vào tháng 05/2021 tại TPHCM (Ảnh: Lê Hồ Ngạn)

Trần Phá Nhạc tên thật Nguyễn Chúc sinh ngày 22-09-1950 tại Quảng Nam, học Trường Trung học Trần Quý Cáp - Hội An. Từ khi bắt đầu học tại Đại học Vạn Hạnh (Sài Gòn 1969 - 1970) đã tham gia phong trào đấu tranh của tuổi trẻ miền Nam và tiếp tục theo con đường đã chọn tại Đại học Văn khoa Huế (1970 - 1972). Thành viên Nhóm Việt vào đầu năm 1972. Mùa hè 1972, cơ sở nội thành Huế vỡ, thoát ly lên chiến khu. Trong phong trào đấu tranh từ 1970 - 1972, thơ Trần Phá Nhạc thường xuất hiện trên Tạp chí Đối Diện và các nội san của sinh viên như: Hướng Đi (Đại học Vạn Hạnh), Thân Hữu (Đại học Sư phạm Huế), Đất Nước Ta (Luật khoa Huế), Mặt trận Văn hóa dân tộc miền Trung (do nhà thơ Ngô Kha làm chủ bút)…

Đến nay ông vẫn chưa xuất bản tập thơ riêng nào cả và chỉ in chung với nhiều tác giả khác trong các tuyển tập thơ: Ngày quật khởi (Huế 1971), Núi gọi biển (Đà Nẵng 2006), Tháng giêng Sài Gòn anh làm thơ yêu em (TP. HCM 1995), 700 năm thơ Huế (NXB Thuận Hóa 2008), Thơ tình Sài Gòn (NXB Trẻ 2005).

Đã công tác tại các báo: Cứu Lấy Quê Hương - tiếng nói của Liên minh các Lực lượng Dân tộc Dân chủ và Hòa bình Việt Nam ấn hành tại chiến khu TT-Huế (1972 - 1975), Tuổi Trẻ (1982 - 1983), Thanh Niên (1993 - 2010), Tạp chí Duyên Dáng Việt Nam và Báo điện tử Một Thế Giới từ năm 2011 trở về sau. Ông thường viết bài với các bút danh: Giao Hưởng, Hồng Hạc, Mai Nguyễn và Tây Tạng. Hiện ông đang sống tại TP.HCM. Số điện thoại liên lạc: 0393.652.290

Khi gặp chúng tôi ghé thăm, nhà thơ Trần Phá Nhạc mừng lắm, vẫn giọng nói hào sảng, nụ cười vẫn hồn nhiên, lạc quan dù cuộc đời ông chất chứa nhiều đoạn trường và trải qua những quãng thời gian nếm mật, từ thuở ở trong “ngôi nhà chung” của Tổng hội sinh viên Huế 22 Trương Định đến khi đưa gia đình rời Huế vào Sài Gòn và cho đến hiện tại. Có lẽ, ít người biết rõ về ông dẫu cho tính ông sôi nổi, vui vẻ với bạn bè nhưng những gì riêng và chất chứa trong lòng, ông đều giấu kín…Đó là phong cách riêng của nhà thơ - nhà báo Trần Phá Nhạc! Lần gặp này, tôi may mắn vì “thuyết phục” được ông kể lại những câu chuyện…

Tôi được biết nhà thơ Trần Phá Nhạc từ giữa thập niên 1990 khi tôi còn là một sinh viên và cũng có vài lần được ngồi chung uống vài chai bia ở đường Sương Nguyệt Ánh - là nơi ưa thích của nhà báo Trần Phá Nhạc và bạn bè văn nghệ sau giờ làm việc. Và theo thời gian, tình cảm chú cháu ngày càng gần gũi. Những khi hai chú cháu được ngồi lại với nhau và nhâm nhi ly bia, nghe chú kể về những chuyện xưa, nay…, tôi có cảm giác như được xem một bộ phim tả thực sống động quay ngược lại thời thanh niên sôi nổi mà chú với những người anh và những người bạn cùng thế hệ của mình đã đồng hành trọn tuổi thanh xuân.

Nhà thơ Trần Phá Nhạc thường nói vui rằng ở Huế ông có ba “ngôi nhà tình thương” khi ông từ Quảng Nam ra Huế học. Đó là chùa Diệu Đế, Cư xá Huỳnh Thúc Kháng và Tổng hội sinh viên Huế ở 22 Trương Định. Và cũng chính Tổng hội là nơi ông “định cư” lâu nhất từ giữa 1970 đến tháng 6/1972 khi Mặt trận Quảng Trị bị vỡ và sau đó ông phải thoát ly lên chiến khu làm việc trong Ban tuyên huấn Thành ủy (BC 20). Đến 26/03/1975, ông đã có mặt tại Huế từ sáng sớm…

Ông thường nhắc đến quán cà phê ở Tổng hội sinh viên Huế như là một điểm hẹn với đông đảo thân hữu trước và kể cả sau năm 1975 với kẻ còn người mất như các anh các bạn: Ngô Kha, Bửu Chỉ, Võ Đông, Võ Đại Ngẫu, Hà Thúc Quyết, anh chị Lê Phước Tâm, Trần Khanh - Lê Thị Kim Thi, Bửu Nam, Nguyễn Kỳ Sơn, Trần Hoài - Lê Thị Nhân, Lê Văn Thuyên, Võ Văn Cần, Võ Quê, Lê Nhược Thủy, Nguyễn Duy Hiền - Hoàng Thị Thọ, Trần Đình Sơn Cước - Trinh Tiên, Lê Văn Lân - Ngô Võ Hồng Trân, Phan Lệ Dung, Huỳnh Phước, Phan Hữu Lượng, Nguyễn Hoàng Thọ, Lê Gành…Cũng ở đó, ông đã viết bài thơ “Mẹ phù sa” gửi đăng Tạp chí Đối Diện với mấy câu mở đầu: “Thuở hạt trứng còn nằm trong bụng tối/ như đọt lá mềm cần tiếp bởi phù sa/ mẹ mớm trời xanh vào giọt sữa cho ta/ mớm giọt mưa giông trổ chiều nắng hạ/ như tin yêu đời ta và tất cả/ những gì làm nên nghĩa thịt da”. Đoạn tiếp theo của bài thơ, ông đã nâng hình ảnh người mẹ ấy lên cao hơn trong tâm thức của mình: “Sắn khoai mà ta ăn hằng bữa/ đã cấy từ lòng đất nóng nghìn xưa/ quả tim thở khò khè đêm trở gió/ đã tiếp nguồn máu đỏ của cha ông/ như những cái bình thường ngược xuôi trong đời sống/ đã diễn ra từ thuở vót đầu chông/ ôi thân xác này và sữa mẹ quá mênh mông”.


Lễ cưới Trần Phá Nhạc ở Đài truyền thanh Huế (tháng 04/1977).
Từ trái sang (hàng ngồi): Họa sỹ TÔN THẤT VĂN (góc trái), nhà báo  PHẠM HỮU THU, nhà thơ HẢI BẰNG(đeo gương), nhà văn NGỤY NGỮ (góc phải).
Từ trái sang (đứng): Nhà thơ LÊ VĂN NGĂN và vợ chồng TRẦN PHÁ NHẠC – HỒ THỊ VINH. Ảnh: THÁI NGUYÊN HẠNH


Đại diện họ nhà trai rước dâu ở Kim Long gồm các ông: LÊ TRƯỜNG QUỲNH, ĐOÀN TUYỀN CHÂU, LÊ VĂN NGĂN, TRẦN QUỐC TIẾN cùng hai cô: TRƯƠNG THỊ CÚC và NGUYỄN THỊ MỘNG HOA.
Từ trái sang: Họa sỹ TRẦN QUỐC TIẾN, vợ chồng Trần Phá Nhạc và TRƯƠNG THỊ CÚC. Ảnh: THÁI NGUYÊN HẠNH

Sau năm 1975, với tính cách “tự do” như Trần Phá Nhạc, ông chỉ công tác ở Ban Tuyên huấn trong một thời gian ngắn rồi sau đó chuyển qua Đài Truyền thanh Huế vào năm 1976. Với Trần Phá Nhạc, ông chỉ thật sự muốn làm những gì mình muốn, không bao giờ thích bị ràng buộc. Đó chính là chất nghệ sỹ, bộc trực trong con người ông! Những người bạn và những người đã từng biết ông, ai cũng quý mến và thích tính cách này!

Và sau một thời gian công tác ở Đài Truyền thanh Huế, có lẽ do nhiều lý do và “hết duyên nợ” nên đến năm 1981, Trần Phá Nhạc với hai bàn tay trắng đã cùng vợ và hai con thơ dìu dắt vô Sài Gòn dù chưa biết tương lai thế nào. Hành trang khi đến Sài Gòn chỉ là giấy xác nhận chuyển công tác do Giám đốc Đài Truyền thanh Huế Nguyễn Phước Túc giúp, cùng với giấy nhận việc của Ban Biên tập báo Tuổi Trẻ do Tổng Biên tập Võ Như Lanh ký. Khi vào đến Sài Gòn, cả gia đình ông đã tá túc tại nhà của bạn thân là nhà báo Nguyễn Công Khế (về sau ông Nguyễn Công Khế làm Tổng Biên tập báo Thanh Niên).Và cũng trong thời gian đó, nhà báo Hằng Nga biết được hoàn cảnh của ông đã nhường hẳn căn phòng đang ở trên tầng 7 của chung cư Thông tấn xã cho gia đình ông cư ngụ.

Ngỡ sẽ được “yên vị” ở báo Tuổi Trẻ lâu dài nhưng tại thời điểm đó các mắc mứu rườm rà về thủ tục hành chánh khiến ông không chuyển được biên chế nên chưa đầy một năm sau ông đã tự ý nghỉ việcđể tìm kế sinh nhai khác. Ban đầu nhờ sự giới thiệu của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật TP.HCM, ông đã dựng một sạp bán báo nhỏ trên vỉa hè trước trụ sở Hội Văn nghệ (số 81 Trần Quốc Thảo, quận 3 hiện nay) nhưng không bao lâu cũng lại vì không có hộ khẩu nên ông không được cấp phép “kinh doanh vỉa hè” nữa, phải dẹp sạp và đi bán báo dạo ở khắp các bến xe chợ trời Sài Gòn trong suốt 10 năm dài, từ 1983 đến 1993.Trong thời bôn ba đó, khá nhiều bạn bè ở Huế có dịp vào Sài Gòn đã ra tận các bến xe thăm ông như hai nhà thơ Hải Bằng và Thái Ngọc San chẳng hạn. Bác Hải Bằng mặc dầu lúc ấy tuổi đã cao vẫn lặn lội đi bộ qua tận cầu Sài Gòn để sống chan hòa với anh em bến chợ một đêm mưa. Khi bác Hải Bằng rời Sài Gòn, một số anh em buôn bán ở bến xe ngầm rủ nhau nghỉ bán một bữa để ra tận sân ga xếp hàng tiễn nhà thơ lên tàu về Huế. Thái Ngọc San tận mắt thấy cảnh sống bấp bênh qua ngày ở đó đã ngồi lặng người trong quán nhỏ viết “tặng Nhạc” một bài thơ có tựa “Trên bến xe Miền Đông” mà đến nay tờ giấy bạc màu với nét chữ Thái Ngọc San ngày nào vẫn còn được giữ nguyên: “Người đàn bà mang tấm áo vải bột / chiếc mẹt bên hông / khuôn mặt không tháng không năm / chỉ có lời rao là có thực / Người đàn ông mắt chột / cây đàn cũ rich / thằng bé xoay tròn lon bơ / nỗi đau muôn mặt / Và người bạn tôi với những cuốn sách làm xiếc / trên ngàn bậc thang lời / Nếu không có anh chắc tôi đã quên rồi / tôi đã quên và tôi sẽ hối hận một đời.” Cũng trong những ngày tháng đó, ông vẫn giữ tâm niệm mà mình đã bộc bạch với nhà thơ Lê Văn Ngăn trước kia, lúc còn ở Huế qua hai câu được nghe từ các giảng đường: “Con người là thước đo vạn vật” (Protagoras) và “Người ta không bao giờ tiếc rằng mình đã im lặng” (On ne regrette jamais s’être tu).

Hiểu được những gì ông đã trải qua nên vào 1993, BBT Báo Thanh Niên đã chấp thuận để ông về làm việc ở đó cho đến năm 2010. Bài thơ “Mặc áo cho người tình” ông viết trong thời gian này (đăng trên Thanh Niên 9.7.2005) thể hiện phần nào tính lãng mạn của ông dù trải qua nhiều chặng đường khúc khuỷu:

Mặc áo cho người tình

Mặc áo cho người tình đêm nguyệt thực

Em hóa thân

thành một bông sen

đang nở

và đang thở

trong anh.

.

Nhớ mái tóc ngắn và dáng em thon nhỏ,
vòng đeo màu hổ phách trên tay
Nhớ lần đầu
bên nhau,
gọi tên em
giữa thánh đường mỹ phúc,
em hóa thân thành một cành lan thanh tịnh,
trắng trẻo và thơm như mới tắm
và anh mặc áo cho em
chiếc áo kết bằng hoa cát tường
bằng sương thanh khiết rửa lành những vết thương.
Mặc áo cho người tình đêm mưa
những trận mưa hoa
ngập hết người em.
Mặc áo cho người tình
đâu chỉ một ngày một tháng một năm,
mặc áo cho người tình
đâu chỉ trăm năm,
mặc áo cho người tình vĩnh cửu
bởi em là
kim liên
tên một loài sen không tàn
mọc rất xa mặt đất
nơi tất cả từ ánh sáng sinh ra
Nơi đó
nỗi nhớ nhiều như mây trên trời
không ở chỗ nào nhưng chỗ nào cũng có.

Một bài thơ khác của ông đã đăng trên Tạp chí Cửa Việt với tựa đề “Rừng động”

Rừng động

Đã lấm máu vào ngày sinh của mẹ

đã ăn nắm cơm người cúng cho ma

đã ngủ dọc khắp đình hoang miếu lạ

đã trú mưa trong nhà xác đi ra

nên tai nghe gió khóc nhiều hơn thổi

từ lâu rồi rừng động mãi trong tôi

.

Lá vẫn đổ khiến đường xưa xẩm tối

chim bị mù rụng cánh nhớ mây trôi

hồn những muốn bay khỏi vòng chìm nổi

đến nguồn cao tìm lại nắng ven đồi

nước trong vắt giữa lòng khe trút vội

suối nhận vào, trao bóng sáng tràn thêm

đêm mộng thấy vượn già đau khổ hú

bỗng đổi sầu thành mộng giữa mùa yêu

bướm vàng lót phấn làm chăn chiếu

hoa đến trao thân dưới bóng chiều

.

Nếu mai kia đại ngàn xanh bốc cháy

trong lòng này đầy lửa của ai đây?

 

TPN

 

Tạm biệt ông, tâm tư ông vẫn muốn sẽ có dịp viết lại câu chuyện về những tháng ngày không thể nào quên ở Huế, về những hình ảnh bình dị đời thường mà ông đã chứng kiến!

 

 

LÊ HỒ NGẠN

 

 

 

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng