Chân dung văn nghệ sĩ
Trần Hữu Lục -“ Giọt Huế lãng du” bắt đầu cuộc rong chơi mới
14:39 | 06/09/2021
Chuông điện thoại reo, tôi nhấc máy. Đầu dây bên kia là một người đàn ông với chất giọng Huế nhỏ nhẹ, gọi tôi từ Sài Gòn. Đó là lần đầu tiên tôi biết và nói chuyện với nhà văn Trần Hữu Lục.
 
Trần Hữu Lục -“ Giọt Huế lãng du” bắt đầu cuộc rong chơi mới
Trần Hữu Lục- Ký họa của Bửu Chỉ
Ông gọi và mời tôi cộng tác viết bài cho tập san “Nhớ Huế”. Giọng ông thủ thỉ, chân tình đầy thuyết, và thế là từ đó đến hẹn lại lên, số nào tôi cũng cố gắng phải có bài gửi vào để ông tùy nghi chọn dùng…
 
Chiều nay lướt facebook, sững người khi thấy bạn bè thân hữu loan tin ông đã qua đời tại Tp Hồ Chí Minh vì SARS-CoV-2. Tuổi lớn và đã ngã bệnh từ mấy năm nay, ông đã không thể trụ nổi khi cơn bão Covid-19 tràn về và hoành hành nhiều tuần qua nơi thành phố mà ông sinh sống. Trần Hữu Lục- “Giọt Huế lãng du” đã nhẹ bước lên đường rong chơi về phía cuối trời vào lúc 8 giờ 30 phút ngày 30/8/2021 tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, TP.HCM.
 
Trần Hữu Lục sinh ngày 14/3/1941 tại Huế, nguyên là giáo sư dạy Văn Trường Trung học Bùi Thị Xuân (Đà Lạt) và là nhà văn- nhà thơ đa tài với các bút danh Yên My, Trần Phước Nguyện, Hồng Hữu… Chủ bút báo Sinh viên Huế (1967, 1968); Phụ trách Văn nghệ nguyệt san Đối Diện ( Sài Gòn 1972-1975), Hội viên Hội Nhà văn Tp. HCM, Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Điện ảnh Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam. Nguyên Chủ biên Nhớ Huế, nguyên Ủy viên Thường trực Hội đồng hương Thừa Thiên Huế tại TP.HCM…
 
Cố nhà thơ Ngô Minh đã gọi Trần Hữu Lục là “giọt Huế lãng du”. Cảm một tứ thơ của Trần Hữu Lục: Tôi yêu quê hương vô cùng…/Gió vẫn bay về đồng lúa/ Sao tôi còn lạc giữa rừng/ Mới đó chẳng còn ai nhớ/ Tôi là hạt bụi quê hương… Nhà thơ Ngô Minh viết: “Trần Hữu Lục trong hơn bốn chục năm qua lãng du tìm Huế trong cõi riêng mình. Anh bảo anh chỉ là hạt bụi, còn ai nhớ, nhưng Huế vẫn nhớ anh và nhớ một thế hệ văn nghệ sỹ tài hoa, biết dấn thân vì lẽ sống như Trần Vàng Sao, Ngô Kha, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Trần Quang Long, Nguyễn Đắc Xuân, Bửu Chỉ, Thái Ngọc San, Lê Văn Ngăn, Trần Duy Phiên… Chính thế hệ “vàng” này đã làm nên diện mạo văn chương nghệ thuật Huế những năm 60 của thế kỷ trước. Cho đến bây giờ, ngòi bút họ vẫn còn rất nồng nàn…” (Trần Hữu Lục- Giọt Huế lãng du; Ngô Minh- 2009).
 

Trần Hữu Lục thăm nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường tại tư gia (2005) 
 
Những năm 1967-1968, khi đang còn là sinh viên, Trần Hữu Lục đã bắt đầu viết văn và là chủ biên các tờ báo Thân Hữu (ĐHSP Huế, 1967), Sinh viên Huế (1968). Đó là những năm tháng sôi nổi của chàng sinh viên trẻ Trần Hữu Lục- một trong những nhân vật nòng cốt của Nhóm Việt- nhóm sinh viên Huế yêu nước hoạt động công khai, chủ trương tìm về cội nguồn dân tộc, chống lại khuynh hướng lai căng, vong bản; đánh thức lương tâm, trách nhiệm của tầng lớp trí thức trước vận mệnh dân tộc ở thời kỳ mà Mỹ đang đổ hàng trăm ngàn quân vào miền Nam. Từ đó hình thành các tổ chức yêu nước, xuống đường chống Mỹ và đòi hòa bình cho đất nước. Giai đoạn ấy, Trần Hữu Lục phụ trách phát thanh và báo chí của sinh viên Huế. Ông xông xáo, dấn thân cũng với Ngô Kha, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Võ Quê, Trần Vàng Sao, Lê Văn Ngăn, Ngụy Ngữ, Trần Phá Nhạc, Thái Ngọc San, Bửu Chỉ…
 
Sau ngày lập gia đình cùng cô nữ sinh Đồng Khánh Nguyễn Thị Phước, ông và vợ lên sống, dạy học ở Đà Lạt. Tại xứ sở sương mù, Trần Hữu Lục tiếp tục hoạt động, sáng tác trong Nhóm Việt; Phụ trách văn nghệ của nguyệt san Đối Diện- một tạp chí đối lập ở Sài Gòn chủ trương truyền bá tư tưởng hòa bình, chống ngoại lai. Sau năm 1975, ông chuyển về Sài Gòn làm việc trong ngành giáo dục, làm biên tập cho báo Tuổi Trẻ, báo Du lịch Tp Hồ Chí Minh…
 

Cùng vợ - cô nữ sinh Đồng Khánh Nguyễn Thị Phước (1963)
 
Một trong những việc làm nhiều ý nghĩa và đáng trân trọng của Trần Hữu Lục đó là việc ông cùng với các thành viên trong BCH Hội đồng hương Thừa Thiên Huế tại Tp. HCM đã khởi xướng, liên kết với Nhà Xuất bản Trẻ để thực hiện tủ sách Nhớ Huế và ra mắt tập san Nhớ Huế. Tủ sách Nhớ Huế đã tập hợp hàng chục đầu sách có giá trị của các tác giả người Huế, sách viết về Huế… Còn tập san Nhớ Huế, gọi là tập san nhưng mỗi ấn phẩm như 1 cuốn sách nhỏ, được chăm chút theo từng chuyên đề: Người Huế xa quê, Trường Huế, Áo dài Huế, Hương vị Huế, Huế-đất học, Festival Huế, Người Huế đương thời… Nhớ Huế phát hành đi hàng chục tỉnh thành trong cả nước, được bạn đọc, nhất là những người Huế xa quê nhiệt thành đón nhận. Nhớ Huế tập hợp nhiều cây bút tên tuổi, nhiều bài viết dồn nén hàm lượng thông tin, hàm lượng lịch sử-văn hóa Huế, rất đáng lưu giữ, nghiền ngẫm. Nhiều năm gần đây, sức khỏe không cho phép, Nhớ Huế thiếu bàn tay chăm chút của ông nên cũng không thấy xuất hiện nữa. Đó thật là một sự hẫng hụt đầy tiếc nuối với người đọc.
 

Tập san Nhớ Huế chuyên đề Xuân 2012 với tranh bìa của HS Đinh Cường
 
Vẫn biết sinh-lão-bệnh-tử là quy luật thường tình, không ai có thể cưỡng được. Nhưng cái tin Trần Hữu Lục đã dừng cuộc chơi nơi trần thế vẫn khiến người thân, bạn bè ông, bạn đọc yêu mến ông buồn thương vô hạn. Nỗi buồn thương như còn được nhân lên bội phần khi mà không một ai có thể đến viếng để được thắp cho ông một nén nhang tiễn biệt bởi bối cảnh nghiệt ngã của dịch bệnh. Đành từ xa dâng một nén nhang lòng bái biệt. Từ đây, ông lại bắt đầu một cuộc rong chơi mới cùng Ngô Kha, Thái Ngọc San, Trần Vàng Sao, Trịnh Công Sơn, Bửu Chỉ, Đinh Cường…- những người anh em, những người bạn bè một thời sôi nổi của ông. Một cuộc rong chơi miên viễn và không chút vướng bận…
 
 
Theo Diên Thống - Báo Thừa Thiên Huế Online
 
 
 
 
 
 
 
Các bài đã đăng