Chân dung văn nghệ sĩ
Nhạc sĩ Châu Kỳ và chuyện tình “Giọt lệ Đài Trang“
14:51 | 15/03/2017

Trước khi trở thành nhạc sĩ chuyên nghiệp, Châu Kỳ là một trong những ca sĩ thuộc lớp đầu tiên của nền tân nhạc Việt Nam. Chàng là con bướm đa tình đã gieo rắc giọng hát tiếng đàn và cả những mối tình trên chặng đường lưu diễn (kể cả tận bên Lào).

Nhạc sĩ Châu Kỳ và chuyện tình “Giọt lệ Đài Trang“

Có cô tiểu thư vì chàng mà phải quyên sinh nhưng cũng có giai nhân đã cứa vào hồn chàng những vết thương rớm máu...

Châu Kỳ: ca sĩ bị tù
 
Người viết có được cái may mắn là chơi rất thân với nhạc sĩ Châu Kỳ khi ông đã... gần 80 tuổi. Tình bạn vong niên này kéo dài được khoảng 10 năm thì nhạc sĩ mất. Quen nhau bên những ly bia ở Hội quán Văn nghệ (81 Trần Quốc Thảo, Q.3, TP.HCM, gọi tắt là 81 TQT), tôi thuộc rất nhiều những ca khúc của Châu Kỳ và thường hát cho ông nghe (say mới dám hát). Ông ngồi im gật gù, đôi lúc “nhắc tuồng”.
 
Dạo ấy, nhà ông ở tuốt bên Tân Quy Đông (Nhà Bè). Hằng ngày, ông đi xe đạp khoảng gần 20 km đến 81 TQT chỉ để uống vài ly bia, nhìn mặt bạn bè, người quen cho đỡ nhớ rồi lại đạp xa ngần ấy cây số về nhà. Có lẽ nhờ “hoạt động thể thao” này mà sức khỏe của ông khá dẻo dai, 80 tuổi mà vẫn minh mẫn, tinh anh.
 
Ông cũng lập một “kỷ lục” ngồ ngộ: mất 18 chiếc xe đạp chỉ vì ham vui với bạn bè. Rồi bạn bè cũng gom góp mua lại chiếc khác cho ông (rồi nhại câu hát Đón xuân này tôi nhớ xuân xưa của ông để trêu ông: “Mất xe này ta sắm xe kia...”). Ít bữa sau... lại mất! 
 
Ông không thể “tự phá kỷ lục” của chính mình khi nhà ông chuyển về phường Phước Bình (Q.9) xa đến 30km nên phải giã từ chiếc xa đạp chuyển qua đi xem ôm đến 81 TQT (ông bao bia cho tài xế xe ôm uống, nhưng phải ... “chừa tỉnh” để chở ông về)...
 
Châu Kỳ sinh ngày 05.11.1923 tại làng Dưỡng Mong (xã Phú Mỹ, huyện Phú Vang, Thừa Thiên – Huế). Cha ông là Châu Huy Hà một nghệ nhân cổ nhạc cung đình Huế. Chị ruột là Châu Thị Minh, được coi là nữ minh tinh duy nhất của miền Trung (trong “Ngũ nữ minh tinh”. Miền Nam: Phùng Há, Năm Phỉ. Miền Trung: Châu Thị Minh. Miền Bắc: Ái Liên, Bích Hợp).
 
Ở Lycée Khải Định, Châu Kỳ được học nhạc với "sư huynh" Pière Thiều – giáo sư âm nhạc đầu tiên ở Huế. Vị này còn dạy cho Châu Kỳ kỹ thuật hát.
 
Dạo đó hầu như chưa có nhạc Việt nên Châu Kỳ thường được hát những bài do ca sĩ Tino Rossi (danh ca Pháp, hát được 300 bài hát quốc tế) hát như J’ai deux amours, Tant qu’il aura estoiles, Òu vous étiez, Mademmoiselle... đến nỗi bạn bè gọi ông là “Deuxième Tino Rossi”. Khi bà chị Châu Thị Minh lập đoàn ca Huế hiệu Hồng Thu, Châu Kỳ trở thành ca sĩ chính của đoàn hát này, “nghiệp cầm ca” khoác lên đời ông từ đấy.
 
Năm 1942, đoàn Hồng Thu lưu diễn ở Savannakhet rồi Thakhet (Lào). Trên bước đường lưu diễn, Châu Kỳ từng “quan hệ tình cảm” với ít nhất 2 cô ca sĩ người Lào. Khi đang diễn vở kịch Hồn lao động thì Châu Kỳ bị mật thám Pháp bắt, đem lên giam ở Ba Vì.
 
Trại giam do một viên trung úy người Pháp trông coi. Ông này có người vợ đầm lai rất đẹp tên là Anna. Nhờ có biệt tài hát những bản nhạc Pháp đang rất thịnh hành thời đó nên Châu Kỳ rất được lòng viên trung úy trưởng trại. Chính vị chỉ huy tốt bụng này đã vận động để Châu Kỳ được ra khỏi tù. Ông còn xuất tiền túi mua vé tàu và cho cô vợ Anna đi theo tiễn Châu Kỳ từ Ba Vì về ga Hàng Cỏ (Hà Nội) để xuôi Nam.
 
Họ đã có một đêm ngủ lại khách sạn. Người viết đánh bạo hỏi Châu Kỳ: “Thế có xảy ra chuyện gì... “trên mức tình cảm” không?”. Châu Kỳ trả lời với đôi mắt xa xăm: “Người ta là ân nhân của mình. Làm sao dám thất thố... Chỉ lúc tôi sắp lên tàu, Anna có hôn nhẹ vào má tôi và nói “Tôi rất quý anh”. Cái hôn phớt đó, tôi nhớ đến suốt đời...”.
 
Về đến Huế, Châu Kỳ bàng hoàng nghe tin mẹ mình bị chết đuối trong một cơn lũ. Những buổi chiều bên dòng Hương Giang ngổn ngang tâm sự, Châu Kỳ viết nhạc phẩm đầu tay Trở về (1943): “Về đây nhìn mây nước bơ vơ. Về đây nhìn cây lá xác xơ. Về đây tìm bóng chiều mơ. Mong tìm mái tranh chờ. Mong tìm thấy người xưa…” Nhạc phẩm Trở về đã gây một tiếng vang trong giới tân nhạc lúc đó. Tuy nó được viết ở cung Ré trưởng nhưng vẫn có nỗi buồn man mác, càng nghe càng thấm thía…
Từ đó cho đến cuối đời, Châu Kỳ đã viết khoảng 200 nhạc phẩm. Về ca từ, ông đã viết được những câu “xuất thần”, chẳng hạn để tả nét đẹp của cô gái Huế ông chỉ cần 3 câu: “Buổi trưa em che nón lá, cá sông Hương liếc nhìn ngẩn ngơ, lũ chim quên ngất ngây từ xa…” (Huế xưa).
 
Tuyệt vời! Đâu cần phải tả em e ấp đi qua cầu Tràng Tiền, đâu cần phải tả mắt mũi miệng em ra sao… Một khi cá còn phải bơi lên mà liếc, chim ở đằng xa còn… ngất, thì … thánh thật!
 

Nhạc sĩ Châu Kỳ và Chế Linh tại Sài Gòn - Ảnh tư liệu
 
Giọt lệ đài trang
 
Tài hoa như thế nêu Châu Kỳ cũng luôn là khách đa tình. Khi đoàn Hồng Thu vào Nha Trang lưu diễn, Châu Kỳ có đến thăm bà dì ruột đang sống tại đây và định mệnh đã đưa đẩy để Châu Kỳ gặp gỡ cô thiếu nữ Đoàn Thị Sum. Năm ấy Sum mới 16 tuổi, là bạn bè với đám con dì của Châu Kỳ. Đoàn Thị Sum là tiểu thư con nhà gia thế, nhưng đôi tâm hồn thơ trẻ đã “hút” lấy nhau một cách cuồng si mặc cho gia đình nàng ra sức cấm đoán vì đã hứa hôn với một gia đình “môn đăng hộ đối”.
 
Ngăn cấm không được, bà mẹ của Sum đã tạo áp lực để “nhổ” đoàn hát Hồng Thu rời khỏi Nha Trang. Cô Sum có ý định trốn nhà đi theo Châu Kỳ nhưng bị ông bố nhốt kỹ trong nhà. Quá bức bối và phẫn uất, cô đã lấy trộm thuốc phiện của bố hòa với giấm thanh uống. Bi kịch này xảy ra khi Châu Kỳ đang diễn ở Phan Rang.
 
Nghe tin cô Sum tự tử, Châu Kỳ cũng quyết hủy mình theo nhưng bà chị Châu Thị Minh khóc lóc, khuyên giải nên Châu Kỳ bỏ vào Sài Gòn (năm 1947) để tìm quên.Muời lăm năm sau, khi Châu Kỳ đưa cô vợ người Sài Gòn mới là Kha Thị Đàng ra Nha Trang thăm bà dì, họ đã đến đốt nhang trước mộ cô Đoàn Thị Sum.
 
Theo sự gợi ý của vợ, Châu Kỳ đã sáng tác bản nhạc Giọt lệ đài trang: “Ngày xưa ai lá ngọc cành vàng. Ngày xưa ai quyền quý cao sang. Em chính em ngày xưa đó, ước xây đời lên tột đỉnh nhân giang… Ngày xưa ai mến nhạc yêu đàn. Ngày xưa ai nghệ sĩ lang thang. Tôi chính tôi ngày xưa đó, cũng đèo bồng mơ người ngọc lầu quan…”.
 
Ngoài ca khúc Giọt lệ đài trang, chuyến trở về Nha Trang dạo đó Châu Kỳ còn tưởng niệm hương hồn cô Đoàn Thị Sum bằng ca khúc Nha Trang mà sau này bà Kha Thị Đàng sửa lại cái tựa là Nha Trang hoài nhớ, nhưng bản nhạc này không mấy phổ biến.
 
Theo motthegioi.vn

 

Các bài mới
Các bài đã đăng