Năm nay (2003), nhạc sĩ Trần Hữu Pháp (NSTHP) “mới” tròn 70 tuổi, nhưng dễ đã mấy chục năm, sau khi nhạc sĩ Trần Hoàn rời Cố đô ra Hà Nội nhận các trọng trách, NSTHP nghiễm nhiên ngồi “chiếu trên”, là “già làng” của giới âm nhạc Thừa Thiên Huế. Kể cũng phải; từ bốn mươi năm trước, khi hàng triệu thiếu nhi miền Bắc đội mũ rơm dắt lá nguỵ trang đến trường, miệng líu lo ca bài hát ông vừa sáng tác “Tiếp đạn nào / Tiếp đạn chuyền tay trên chiến hào / Cho chú dân quân bắn nhào phản lực...” thì không ít các nhạc sĩ nổi danh bây giờ có lẽ còn... bú mẹ! Vậy mà trước mắt tôi (và chắc là với không ít người nữa) - nói ông anh đừng giận nhé - vị nhạc sĩ lão làng này lại rất...trẻ con!
Có lẽ một phần vì bài hát thiếu nhi nổi tiếng một thời “Em bé Bảo Ninh” với những ca từ và nốt nhạc vui tươi nhí nhảnh “em như cánh tên / bay trên cồn cát / rẽ gió xông lên...” để lại ấn tượng khá đậm nét trong tôi. Chúng ta vẫn thường nói “văn là người” thì “nhạc” cũng là “người” chứ khác gì. Quả là NSTHP luôn giữ được nếp sống hồn nhiên của trẻ thơ. Ngay lúc đã về hưu, thỉnh thoảng tôi lại gặp ông cỡi chiếc xe máy Peugeot xanh-đỏ đến Hội Văn nghệ với cặp kính lão thường trực trên khuôn mặt thanh tú, với nụ cười lích rích như...trẻ con khi ông lấy từ chiếc xắc đeo vai cái ra-đi-ô cát-sét rồi mở cho nghe bài hát này, khúc nhạc nọ mà ông vừa thu thanh, dù thính giả không yêu cầu. Ông cũng rất hồn nhiên khoe rằng cái ra-đi-ô này là quà tặng của huyện X., cái cát-sét kia thì vừa đổi cho ai đó; tuy vậy, nếu bạn nào thích, ông vẫn vui vẻ đổi hoặc nhượng lại! Khó mà biết được bao nhiêu chiếc ra-đi-ô cát-sét đã qua tay ông. Có lẽ là do Trời không phú cho ông khả năng tự biểu diễn được sáng tác của mình. Biết là ông ít giận ai, có bạn vừa nghe ông đánh nhịp hát một vài câu đã vội níu tay ông và bảo: “Ông hát như thế chỉ làm hại tác phẩm của ông thôi!” Bị chê nhưng NSTHP vẫn cười hồn nhiên: “Tôi hát hay để các ca sĩ thất nghiệp à?” Vậy nên có tác phẩm nào mới là ông phải vội nhờ người hát dùm rồi thu băng cát-sét, nhưng hình như chưa có chiếc máy nào thoả mãn được yêu cầu truyền lại chính xác vẻ đẹp cùng những điều ông gửi gắm trong các sáng tác của mình.
Thực ra, sâu xa hơn chính là ông chưa bao giờ thoả mãn với mình, luôn luôn muốn sáng tạo thêm những sóng nhạc mới. Hơn bốn mươi năm sáng tác, thật khó kể hết những tác phẩm của ông. Sau 15 năm công tác ở Hà Nội đảm trách các chức vụ Biên tập viên Báo Tiền Phong và Nhà Xuất bản âm nhạc, Trưởng phòng Văn nghệ Đài Phát thanh Hà Nội, rồi Uỷ viên Thường vụ Hội Văn nghệ Hà Nội, ông về Huế năm 1975 phụ trách Thư ký Phân hội âm nhạc, rồi Chi hội trưởng Hội nhạc sĩ Việt Nam tại Thừa Thiên - Huế cho đến nay, nhưng sáng tác của ông không chỉ bó hẹp trong hai địa phương đó. Hầu như đặt chân tới đâu, chiếc “ăng-ten” âm thanh trong lòng ông cũng rung động mãnh liệt. Không tính những bài viết về Hà Nội, Huế và quê hương Bình Định, nhiều tên đất tên làng và nhất là tên sông đã “vào” trong sáng tác của ông. Nào “Bến Hải yêu thương”, “Hoa hồng trên sông Thạch Hãn”, “Bình minh sông Gianh”... rồi “Mênh mông sông Hàn”, “Khát vọng sông Trà”, “Krông Ana biếc xanh”, “Tìm em sông Hậu sông Tiền”...Trong một lần “tự bạch”, ông cho biết: “...Tuổi thơ của tôi ra đi từ một dòng sông quê hương (Lại Giang) và qua hai cuộc chiến tranh, những dòng sông trên quê hương đã cho tôi nhiều cảm xúc...” Vậy nên “TUYỂN TẬP CA KHÚC TRẦN HỮU PHÁP” (Tập I) vừa xuất bản nhân dịp ông tròn 70 tuổi đã mang tên “Những dòng sông tôi đã đi qua”. Cả những vùng đất xa lạ, như trong dịp ông tham dự Hội nghị âm nhạc quốc tế mùa Xuân Praha 1984, NSTHP cũng có ngay bài “Mùa Xuân Praha” được Đài Phát thanh Praha dàn dựng tức thì...
Tôi hỏi:
- Anh có nhớ mình đã sáng tác được bao nhiêu bài hát không?
- Chịu! Làm sao mà nhớ được! Chỉ riêng các tuyển tập đã có hàng trăm bài.
Ông cười, thoáng chút ngượng nghịu rất dễ thương và đưa cho tôi xem qua những tuyển tập đã xuất bản: “Dòng sông ai đã đặt tên”, “Quê hương một sắc dừa xanh”, “Một sắc hoa” (Thanh xướng kịch về chuyện tình công chúa Huyền Trân),“Bài ca từ Huế yêu thương”, “Dòng sông kể chuyện”, “Bóng dáng quê hương”... Chỉ riêng tập mới nhất “Những dòng sông tôi đã đi qua” đã có 50 bài. Những dòng sông vốn dễ gợi hồn thơ, sóng nhạc, nhưng trong tập “Bóng dáng quê hương” cũng gồm 50 bài hát lại đều viết về những người lao động, những đơn vị, xí nghiệp tưởng là rất khó gợi cảm thì thật... tài tình! Nào là “Chiều Long Thọ”, “Em là cô gái thú y”... rồi “Tỷ phú nghèo”... (Tôi chắc là anh Long Vũ - người dẫn chương trình “Chiếc nón kỳ diệu” trên VTV3, cũng không thể đoán được “Tỷ phú nghèo” là ai, dù 10 chữ cái đều đã công khai! Tôi lật mở sách theo mục lục, mới biết đó là những người làm kho bạc! Mà ca từ cũng rất chi là “thơ”: “... Đã lâu rồi anh nhớ về em quá / Nhưng sợ em giờ tay hòm chìa khoá / có thể quên cái thuở học trò /... Anh gặp em mà lòng bỡ ngỡ.../ Em giữ tiền giữ bạc nhưng tình không bạc...”
Cho dù vậy thì không ít người vẫn chê cười và xem thường các nhạc sĩ quá thích thú chạy theo “đơn đặt hàng” và loại sản phẩm “mì ăn liền”. Vấn đề quả là không vui vẻ gì đối với công việc sáng tạo nghệ thuật nhưng NSTHP không hề né tránh; ông nói ngay:
- Tôi nghĩ nếu người nhạc sĩ biết đi sâu vào thực tế, phát hiện được chất “thơ” chất “nhạc” ngay trong những công việc khô khan, vất vả, gắn bó tình cảm với đối tượng cần miêu tả, thực sự yêu thương họ, thì vẫn có thể sáng tác hay. Bài “Em bé Bảo Ninh” cũng có thể gọi là bài hát theo đơn đặt hàng. Năm 1964, sau khi giặc Mỹ bắt đầu gây chiến tranh phá hoại, tôi cùng các anh Hoàng Vân, Phạm Tuyên, Xuân Giao... vào Quảng Bình với nhiệm vụ sáng tác ca ngợi chiến công đầu ở vùng tuyến lửa. Nhờ đó mà có “Quảng Bình quê ta ơi” (Hoàng Vân), “Bám biển quê hương” (Phạm Tuyên), “Giữ lấy bầu trời Quảng Bình-Vĩnh Linh” (Xuân Giao)... Còn tôi, tình cờ tìm thấy bài thơ “Em tôi” của Nguyễn Văn Dinh trong văn phòng Ty Văn hoá Quảng Bình vừa đổ nát vì bom Mỹ; tôi liền đi tìm tác giả và chúng tôi hăng hái cùng bơi qua sông Nhật Lệ để đến với Bảo Ninh, sau khi đã uống mấy thìa nước mắm cho ấm người. Đêm đó, bài hát hình thành và ca sĩ Kiều Hưng đã trình diễn ngay cho các chiến sĩ bên mâm pháo...
Gần bốn chục năm đã qua kể từ ngày ấy, nhưng NSTHP vẫn sôi nổi như khi nhắc tới những bài hát “kịp thời” mà ông viết trong mấy năm gần đây như bài “Chuyện tình trong cơn lũ”. Tự biết mình hát không hay, ông đọc lời ca mà vẫn say sưa như hát: “Bên một dòng sông nhỏ / Có hai người yêu nhau / Bỗng chiều đông nước lũ / Dòng sông xanh đổi màu / Trong khoảnh khắc thương đau / Giữa dòng trôi như thác / Cứu ai trong gang tấc / Người con trai xả thân.../ Mỗi khi chuông chiều buông / Chuyện tình mãi còn vương...”
Thì ra, chuyện sáng tác theo “đơn đặt hàng” phục vụ kịp thời của nhạc sĩ cũng không khác chi người “anh em” viết văn làm thơ và các ngành nghệ thuật khác. Theo cách nhạc sĩ Trần Hoàn đúc kết cuộc đời nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường bằng 7 chữ “T”(là Tâm, Tình, Tài, Thực tiễn và Trung thực) vấn đề chung quy cũng xoay quanh mấy chữ “T”. Ở đây chỉ khác là có thêm chữ “Tiền”. Nếu chỉ chạy theo đồng tiền thì khó mà có tác phẩm hay, nhưng nhạc sĩ hay văn sĩ, hoạ sĩ... cũng là con người trần tục, nghĩa là phải có tiền để sống. “Có thực mới vực được đạo”! Mà Xí nghiệp X., Nhà máy Y. cần một bài “đơn vị ca” cho sướng cái bụng trong những dịp lễ hội, cho người thợ thêm tự hào với công việc thầm lặng chẳng mấy ai biết đến, cũng là việc chính đáng như anh nhận tiền thù lao khi trao sản phẩm đã hoàn thành cho bên “đặt hàng”. Chẳng phải vì cơ chế thị trường “tiền trao cháo múc” mới phải như vậy. Đó chính là cách cư xử văn minh, là thái độ trân trọng đối với lao động - lao động chân tay cũng như trí óc.
Nhân nói đến tiền nong, lại nghĩ đến chuyện nhạc sĩ Phó Đức Phương vừa lập Trung tâm đòi “bản quyền” cho các tác phẩm âm nhạc, tôi hỏi:
- Bài hát “Dòng sông ai đã đặt tên” nhiều người hát như thế, có ai trả nhuận bút cho anh không?
- Chẳng có đồng nào cả! Mà có đến 8 ca sĩ trình diễn khắp nơi, rồi thu đĩa, in băng hình cả trong nước và nước ngoài!
NSTHP hồn nhiên và sung sướng “khoe” vậy, dù bị “thất thu” nặng nề! Hoá ra còn có thứ cao quý hơn đồng tiền!
“Dòng sông ai đã đặt tên” chưa hẳn đã là bài hát hay nhất về Huế, nhưng quả là tiền bạc - dù là bạc triệu, bạc tỷ, cũng khó “mua” được một tác phẩm như thế! Đó là của “Trời” cho, là sản phẩm của cả đời người nghệ sĩ. Giả như NSTHP không làm rể xứ Huế thì chắc là đã không có bài hát ấy. Vậy là quá trình sinh thành nên bài hát phải tính từ ngày chàng trai quê Bình Định tình cờ gặp cô gái Huế nguyên là nữ sinh Đồng Khánh Hoàng Thị Như Thuần trên Cửa Hội khi anh tập kết ra Bắc. Cô y tá Thuần lúc còn làm ở Bệnh viện Huế, từng lấy thuốc men tiếp tế cho cách mạng, nhưng rồi việc bị lộ, tổ chức phải đưa cô ra Bắc sớm. Cô có mặt ở Cửa Hội để chăm sóc những cán bộ, chiến sĩ tập kết sau một hành trình dài, không ngờ lại lọt vào “vòng ngắm” của chàng trai Bình Định. Sau đó, mỗi người mỗi ngả.
Chàng trai Bình Định sung vào Đoàn văn công của Đội Thanh niên xung phong xây dựng các tuyến đường sắt phía Bắc; năm 1958 về công tác tại Báo Tiền Phong thì bất ngờ, “chàng” gặp lại “nàng” đang phục vụ tại văn phòng Trung ương Đoàn. Như là duyên Trời định vậy! Cũng đáng gọi là của “Trời cho”. Tiếng là làm rể Huế, nhưng mãi đến năm 1975, sau ngày đất nước thống nhất, NSTHP mới được tận mắt chiêm ngưỡng dòng sông thơ mộng từng làm say lòng biết bao thế hệ thi nhân, nghệ sĩ. Tuy vậy, suốt 17 năm ở Hà Nội, hẳn là dòng sông ấy đã thành nỗi tương tư của chàng. Ngôi nhà cụ Nghè Bộc - thân phụ của nàng, ở ngay cạnh sông Hương, phía trước nhà máy vôi Long Thọ.
Tôi bỗng hình dung những đêm nàng trăn trở nhớ về quê hương, tiếng chuông Thiên Mụ, nhịp chèo quẫy nước và giọng hò mái nhì vang vọng trên sông trăng dâng sóng trong lòng nàng thì tâm hồn chàng cũng bồi hồi xao xuyến. “...Ta nhớ về sông Hương da diết / Ơi con sông xanh biếc ánh mắt mẹ ngày xưa / Ơi con sông mơ màng những chiều mưa...” Từ Hà Nội, khi đất nước còn chia cắt, NSTHP đã viết những dòng như thế trong bài “Tiếng hát gửi sông Hương”. Một nỗi nhớ sâu thẳm và dai dẳng vọng mãi đến tận lúc ông viết bài hát của cuộc đời mình. “...Dòng sông ai đã đặt tên / Để người đi nhớ Huế không quên...”
Sông Hương là báu vật Trời ban cho Huế; với NSTHP thì cùng với dòng sông ấy, những làn điệu Nam Ai, Nam Bình... thật đúng là của Trời cho để làm nên tác phẩm nghệ thuật “Dòng sông ai đã đặt tên”. Và không chỉ riêng bài hát này, nhiều tác phẩm khác của ông đều thấm đượm âm hưởng dân ca. Nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát, nguyên Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, sau một chuyến thăm Huế đã viết: “...Tôi đến Huế để tìm một tiếng chuông, gặp một nhạc sĩ có tấm lòng dân tộc, anh ta sẵn sàng giúp tôi có được tiếng chuông ấy, bởi anh ta luôn hướng về ngôn ngữ dân gian, âm nhạc và cử chỉ của anh đều thấm đượm tình người; đó là NSTHP...”
Trân trọng di sản quý giá của dân tộc, từ nhiều năm trước, NSTHP đã tìm đến các nghệ sĩ nổi tiếng ở Huế như Nguyễn Văn Giáo, Nguyễn Kế, Văn Lang, Mộng điệp, Thái Hùng... ghi lại được 15 bản nhạc cổ truyền trên “giấy trắng mực đen” - cuốn sách xuất bản năm 1996 được hoan nghênh cả trong và ngoài nước, được nhiều diễn viên lớp trẻ xem như sách giáo khoa.
Một nguồn mạch nữa làm nên giọng điệu riêng của NSTHP là ông biết “mượn” hồn nhiều thi sĩ làm chất “gây men” đầu tiên và nhờ ca từ đẹp mà những sóng nhạc vốn vô hình “neo đậu” được lâu dài vào trí nhớ thính giả. Hai bài hát nổi tiếng của ông “Em bé Bảo Ninh” và “Dòng sông ai đã đặt tên” được “gây men” từ lời thơ của Nguyễn Văn Dinh và Ưng Bình Thúc Giạ Thị; cũng như thế, “Đêm tự tình với sông Hương” lời phỏng thơ Hàn Mặc Tử, “Bài ca từ Huế yêu thương” - Tố Hữu, “Huế vấn vương” – Huy Cận, “Bến trăng xưa” -Yến Lan, “Dòng sông một bờ” – Nguyễn Khắc Thạch, “Huế thu” - Võ Quê... Có lẽ nhờ thế mà ca từ trong nhiều bài hát của ông đều có vần điệu, có chất thơ. Bài “Chuyện tình trong cơn lũ” đã dẫn ở trên là một bằng chứng; và đây nữa: “Những dòng sông tôi đã đi qua / Từ Cửu Long Giang đến dòng Nê-va / Mùa thu vàng rơi trên sóng biếc / Mỗi dòng sông là một khúc anh hùng ca...”
Nhắc đến chuyện ca từ, NSTHP cho biết, bài “Dòng sông ai đã đặt tên”, có một từ đã thay đổi do nhà thơ Tố Hữu góp ý sau khi nghe trình diễn bài hát một cách thú vị trong dịp ông vào thăm Huế. “Sao không viết luôn là nhớ Huế không quên”? Nghe NSTHP trình bày rằng tựa đề tác phẩm là một câu nghi vấn, nên không muốn viết rõ địa danh (thoạt đầu lời ca là “nhớ mãi không quên”), nhà thơ Tố Hữu nói: “Âm nhạc không cần đánh đố...” NSTHP thấy ông nói rất chí lý, hơn nữa, đã có từ “không quên” thì từ “mãi” là thừa. Vậy nên ca từ bài hát có “dị bản” và một số ca sĩ không chú ý đã trình diễn theo lời ca ban đầu. Thế mới biết muốn có ca từ thật hay, thật “đắt” cũng phải công phu.
“Nhà tôi ở số mười lăm / Trên đường Nguyễn Huệ tiếng tăm lẫy lừng / Quê tôi Bình Định anh hùng / Vì yêu quê vợ nên ở cùng Huế thơ!”
Đó là “bài ca dân gian” viết dùm NSTHP chục năm trước. Bây giờ thì gia đình ông đã chuyển về “khu nhà chính sách” đường Tôn Đức Thắng, gần cuối đường Nguyễn Huệ. Tôi đến thăm ông khi ngôi nhà vừa lên tầng. Tầng 2 là quà tặng của Tỉnh Bình Định cho người con dù ở xa vẫn luôn nhớ về quê hương. Ông đã xuất bản một tuyển tập ca khúc (“Quê hương một sắc dừa xanh”) viết về Bình Định, một băng hình cùng tên và băng cát-sét “Em là cô gái quê dừa”. Ngôi nhà không thật đẹp nhưng rộng rãi chẳng thua gì trụ sở Phân viện Nghiên cứu văn hoá nghệ thuật ở ngay bên cạnh, khiến ông đã “khoe” với tôi một ý tưởng khá táo bạo:
- Có bạn bảo tôi mở một Trung tâm đào tạo âm nhạc...
Có thể lắm chứ! Hiếm có gia đình nào có 3 người là Hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam như gia đình ông, mỗi người lại chuyên một lĩnh vực riêng. Trần Hữu Ý, chuyên ngành lý luận, hiẹn giảng dạy âm nhạc tại Trường Đại học Sư phạm Huế; Trần Hữu Việt, giảng dạy Piano tại Trường Đại học Nghệ thuật Huế; còn ông chuyên ngành sáng tác, lại có vô số kinh nghiệm chấm thi, đánh giá tài năng do thường xuyên được mời làm giám khảo các hội diễn ca nhạc ở Trung ương và địa phương.
- Và chức “Giám đốc” Trung tâm, khỏi phải bầu bán, anh kiêm luôn chứ gì!
Tôi vui vẻ góp lời, mừng cho ông tuy đã ở tuổi 70, lại đang bị bệnh cao huyết áp đe doạ, mấy tháng nay đành “cất” chiếc xe Peugeot ở góc nhà, cần đi đâu phải gò lưng đạp chiếc xe mi-ni của trẻ con, nhưng vẫn hăng hái hướng tới tương lai. Ông vừa trần hữu pháp - 70 tuổi còn thơ soạn xong tuyển tập ca khúc (Tập 2) với tựa đề “Gửi Huế cung đàn”, chỉ còn thiếu tiền để in! Ông cũng đang muốn hoàn thành Tập 2 cuốn sách ghi lại những điệu nhạc cung đình. Và bản thảo cuốn sách dạy nhạc cho tuổi thơ do Nhà Xuất bản Âm nhạc “đặt hàng” đã viết tới trang cuối. Mặc cho tôi vừa “chê” giọng ông không “chuẩn”, NSTHP vẫn hồn nhiên vừa vung tay gõ nhịp vừa hát bài học đầu tiên về âm nhạc cho tuổi thơ - mỗi câu hát hướng dẫn một nốt nhạc, một dòng kẻ, âm điệu nhí nhảnh rất chi là... trẻ con!
70 tuổi rồi mà tính cách vẫn như... trẻ con, vẫn hồn nhiên ngây thơ thì đó là diễm phúc của người nghệ sĩ. Xin được mừng thọ ông bằng câu kết của bài viết này.
Trường An - Huế, Xuân 2003
Nguyễn Khắc Phê