Lúc còn nhỏ ông học đàn mandoline. Khi lên trung học thấy người ta đàn guitare ông rất thích. Có giai thoại kể rằng, thuở đó, trong khu phố của ông có một người biết đàn guitare, ông đến xin họ nhưng ông thầy này ra điều kiện ông phải mua tặng cho ông ta một cây đàn guitare mới. Nhà nghèo làm sao có tiền mua đàn để tặng, ông phải đành ở nhà tự học. Nhưng sau môt thời gian, tài nghệ sử dụng đàn guitare cùng kiến thức về âm của ông đã vượt qua ông thầy, và chính ông này lại đến nhờ ông chỉ bảo thêm. Năm 1949, ông sáng tác bài “Thúc quân”, một bản nhạc hùng rất được nhiều người ưa thích. Cùng năm này, ông cho ra đời bài “Ai về sông Tương” với bút hiệu Thông Đạt. Nhạc phẩm này được thính gìả cả nước tiếp đón một cách nồng nhiệt qua các đài phát thanh, riêng đài Pháp Á chọn làm bài hát hay nhất trong năm 1949, và được tái bản 6 lần không kể những lần in tại hải ngoại sau 1975.
Hiện nay, nhạc phẩm này được đánh giá là một trong 10 bài hát hay nhất trong âm nhạc VN. Có một giai thoại khác về nhạc sĩ Văn Giảng với bài “Ai về sông Tương” như sau: “Trong các thập niên 40, 50 ở Huế có nhà xuất bản Tinh Hoa nổi tiếng, chuyên xuất bản các nhạc phẩm của các nhạc sĩ trong nước. Một hôm, ông Tăng Duyệt, giám đốc nhà xuất bản, nói với nhạc sĩ Văn Giảng đại khái rằng, ông chỉ biết làm nhạc hùng chứ không biết làm nhạc trữ tình như các nhạc sĩ khác; vì trước đó, Văn Giảng chỉ sáng tác nhạc hùng mà thôi. Ông im lặng không nói gì cả. Về nhà, ông lặng lẽ sáng tác bài “Ai về sông Tương” và gởi đến các đài phát thanh trong nước. Ông Tăng Duyệt nghe bài hát hay quá muốn xuất bản nhưng không biết Thông Đạt là ai. Một hôm nhạc sĩ Đỗ Kim Bãng và nhà văn Lữ Hồ đến nhà Văn Giảng chơi, thấy bản thảo của bài hát này và nói cho ông Tăng Duyệt biết. Ông này liền lái xe chạy đến nhà nhạc sĩ thương lượng ký hợp đồng xuất bản. Thời đó, các thanh niên đều thuộc bài này và thường hay hát nghêu ngao:
“Ai có về bên bến sông Tương,
nhắn người duyên dáng tôi thương,
sao đành nỡ dứt tơ vương….”
Ảnh: Internet
Trong hai thập niên 50-60, ông là giáo sư âm nhạc tại các trường trung học ở Huế như Quốc Học, Hàm Nghi, Trường đào tạo giáo viên tiểu học và trưởng ban nhạc đài phát thanh Huế. Trong thời gian này ông cho xuất bản tập nhạc “Hát mà học” gồm 10 bài hát dành cho thiếu nhi. Ông được học bổng du học ngành nhạc tại Hawai và Bloomington.
Năm 1956 ông thành lập ban hoà tấu Việt Thanh gồm các nhạc cụ cổ truyền như tỳ, nhị, độc huyền, nguyệt , sáo, vv… và ông sáng tác cho ban này bản hòa tấu “ Ai đưa con sáo sang sông” dài 60 phút. Ngoài ra ông còn cho xuất bản sách “Kỹ thuật hòa âm” dày 350 trang.
Năm 1969, ông vào Nam, dạy tại trường QGAN Saigon và soạn hòa âm cho hai hãng dĩa Asia và Sóng nhạc. Ông được Bộ Văn Hóa cử làm Trưởng phòng học vụ Nha Mỹ thuật, đảm trách học vụ các trường âm nhạc Saigon, Huế và các trường Cao đẳng Mỹ thuật.
Năm 1970, ông được Huy chương vàng giải Văn học Nghệ thuật của Tổng thống VNCH với bản “Ngũ tấu khúc” (Quintet for flute and strings). Ông còn được đề cử làm giám đốc nghệ thuật điều hành Đoàn văn nghệ VN gồm 100 nghệ sĩ tân, cổ nhạc và vũ do nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ phụ trách, cùng ban vũ cổ truyền do nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba đảm trách, tham dự Hội Chợ Quốc Tế ở Osaka Nhật Bản.
Ngoài tên Văn Giảng với các bài ca hùng tráng như “Thúc quân”, “Lục quân VN” ( bài hát này dược các quân trường ở miền Nam chọn làm bài ca nhịp bước cho các tân binh mới nhập ngũ), “Đêm Mê Linh ”, “ Quân hành ca ”, “ Qua đèo ”, “ Nhảy lửa ”, ông còn có bút hiệu Thông Đạt với các nhạc phẩm trữ tình như “ Ai về sông Tương ”, Đôi mắt huyền ”, “ Hoa cài mái tóc ”, “ Thương tà áo bay ” , “ Tình em biển rộng sông dài ” , “ Xin đừng bỏ nhau ”, “ Xin đừng chờ em nữa ”, “ Năm nay em mấy tuổi ” và bút hiệu Nguyên Thông với các ca khúc Phật giáo như “Từ Đàm quê hương tôi ”, “ Mừng Đản sanh ”, “ Ca Tỳ La Vệ ”, “ Vô thường ”, “ Hoa cài áo lam ”, “ Bao la vô tận ” ,” Bờ mê bến giác ”, “ Buông xả ” ,” Dòng sinh diệt ”, “Đời sống Đức Phật ”,” Giả hợp ”, “ Hãy tự giác ”, “ Mong tỉnh ngộ ”, “ Tâm bệnh ”, “ Tìm đâu xa ”, “ Vũ khí chơn tâm ”.
Sau 1975 ông kẹt lại ở Saigon và có mở lớp dạy nhạc tại đường Phạm Văn Hai, gần chợ Ông Tạ, quận Tân Bình. Năm 1981 ông vượt biên đến đươc Natuna của Nam Dương và để cám ơn hòn đảo đã cho ông dừng chân trên đường đi tìm tự do ông sáng tác bản “ Natuna người tình đầu ”. Hiện giờ ông đang định cư tại Thành phố Foolscray, bang Victoria, nước Úc. Ông là một nhạc sĩ có tà , nhạc phẩm của ông phong phú, đa dạng . Ông đã đóng góp nhiều cho nền âm nhạc VN nhưng không hiểu tại sao các Trung Tâm sản xuất DVD ca nhạc lại nỡ quên đi không làm DVD về sư nghiệp âm nhạc của ông.
Theo blogspot.com