Đất nước thống nhất, Ưng Lang đã gần 60 tuổi. Ông vào TP Hồ Chí Minh sinh sống, vẫn say mê sáng tác cùng với công việc chuyên môn kỹ thuật của mình. Một điều đáng ghi nhận nhất ở Ưng Lang là ông luôn chân thành, quan tâm chu đáo với những người thân, bạn bè, đồng nghiệp. Bất cứ ai đã từng tiếp xúc với Ưng Lang đều thấy ở ông những nết của một người ông, người cha, người anh hiền lành, đôn hậu, cởi mở và rất dễ gần gũi.
Vào những năm cuối đời, ở tuổi trên dưới 90, Ưng Lang vẫn còn rất "phong độ". Nụ cười và ánh mắt của ông vẫn tỏa ra một sức sống tràn trề, thanh lịch, đầy tình thân và làm cho người tiếp xúc thấy dễ chịu.
Gặp Ưng Lang, trò chuyện mới thấy được tinh thần lạc quan trong ông vẫn còn đầy ăm ắp. Ông nhìn cuộc đời một cách nhẹ nhàng, thanh thản, luôn bỏ qua và tha thứ cho mọi lỗi lầm của người khác mà không tỏ ra một điều gì là kẻ cả.
Tâm tài đóng góp cho đời
Kỹ sư Ưng Lang đã hình thành ý tưởng cải tiến xe đạp khi ông chứng kiến những người lao động phải chở nhiều loại hàng hóa nặng nề và cồng kềnh bằng xe đạp rất vất vả, cực nhọc. Ông bèn nghĩ cách thiết kế hệ thống bánh trớn (volant inertie) lắp vào cả hai bánh xe đạp. Và sau nhiều năm nghiên cứu thí nghiệm, ông đã hoàn thiện sáng chế xe đạp cải tiến Lucapro.
Về phương diện kỹ thuật, trong kết cấu tương trợ lẫn nhau, tất cả bánh trớn và bánh xe đều quay nhanh dần theo định luật tăng tốc. Xe chạy tốc độ nào có hệ thống bánh trớn có đường kính tương ứng, giúp người đạp tiết kiệm sức dù đi đường xa và thồ hàng nặng. Khi xe giảm dần tốc độ, bánh trớn sẽ tự động di chuyển đồng quy về hướng trục xe. Lúc xe dừng hẳn, bánh trớn lại trở về vị trí cũ là ôm sát trục xe.
Như ổ líp càng lớn thì đạp càng nhẹ, bánh trớn cũng có chức năng tương tự. Và xe đạp cải tiến có cơ chế điều khiển số lớn sang số nhỏ và ngược lại đều hoàn toàn tự động nhờ hộp số Lucapro. Đây là một bộ phận tự động quan trọng có nhiệm vụ kìm hãm ba bánh trớn luôn đi đúng giới hạn, giữ cho xe đạp dù chạy trên những đoạn đường gồ ghề nhiều ổ gà cũng không bị chao đảo, lạc tay lái. Sáng chế này áp dụng cho xe lăn cũng rất hay. Khi bánh xe lăn được lắp thêm bánh trớn, người khuyết tật sẽ dễ dàng dùng sức của đôi tay đẩy xe vượt qua quãng đường dốc hoặc lồi lõm.
Sáng chế xe đạp Lucapro của Ưng Lang đã được đăng ký bảo hộ bản quyền tại châu Âu.
Một đời phiêu du tài hoa
Ưng Lang lúc trẻ là một chàng thanh niên tuấn tú, hiền lành, hào hoa và có nhiều tài như khiêu vũ, chơi các loại nhạc cụ, nhất là đàn guitare Hawa (Hạ Uy cầm). Môn Hạ Uy cầm do ông tự học mà thành. Có thể nói, Ưng Lang và các nhạc sĩ Đoàn Chuẩn, Nguyễn Thiện Tơ… là những người đầu tiên biểu diễn loại đàn này từ những năm 30 của thế kỷ trước.
Ông là nghệ sĩ biểu diễn và dạy Hạ Uy cầm đầu tiên ở Huế. Sau đó dạy hòa âm phối khí ở Trường Quốc gia Âm nhạc Huế. Tại đây, ông cùng những người bạn thân là Lê Quang Nhạc, Ngô Ganh, Văn Giảng, Tôn Thất Đậu thành lập ban nhạc Aloha Oe (mượn câu chào của người Hawa). Trong những năm 1940, ban nhạc này đã biểu diễn nhiều nơi, cả ở Hà Nội.
Ở Huế, nhạc sĩ Ưng Lang đã tham gia phát triển phong trào tân nhạc, đưa tân nhạc vào đời sống của nhiều tầng lớp trong xã hội. Ông bắt đầu sáng tác nhạc vào năm 1941 với nhạc phẩm đầu tiên là “Tiếng lòng”.
Năm 1942, ông viết tác phẩm “Mưa rơi”, là lời tâm sự buồn của mối tình đầu bị tan vỡ. Đây là bài nhạc viết theo điệu tango, được nhiều nhà nghiên cứu âm nhạc xem là một trong những bản tango đầu tiên và hay nhất của nhạc tango Việt Nam. Nó được nhiều thế hệ ca sĩ tài danh như Mộc Lan, Khánh Ly, Thiên Thanh, Lan Ngọc… thể hiện.
Nhạc sĩ Lê Hoàng Long kể về mối tình đầu của Ưng Lang như sau:
Sau khi tốt nghiệp Trường Công chánh Huế, Ưng Lang về làm việc tại Sở Lục lộ tỉnh Nghệ An đặt tại Vinh. Lúc ấy ông 21 tuổi. Ông được gia đình người bà con cho một căn phòng để ở. Phòng ông có cửa sổ nhìn sang dãy nhà đối diện. Bên đó có một cô gái. Chiều chiều sau khi đi làm về ông thường mở cửa sổ cho mát và lấy đàn ra lả lướt vài bài cho đỡ buồn. Tiếng Hạ Uy cầm réo rắt, ngân nga vọng vang sang nhà người đẹp. Ngày nào như ngày ấy, đúng giờ là tiếng đàn lại nỉ non, thánh thót. Ở bên kia mỹ nhân nhẹ nhàng thướt tha, uyển chuyển, lúc ẩn, lúc hiện sau tấm màn cửa đong đưa như đang uốn lượn trong vũ khúc trước làn gió nhẹ.
Tay nắn phím, tay buông tơ, nhưng Ưng Lang vẫn kín đáo để ý, thấy cảnh đẹp như Hằng Nga trong vũ khúc Nghê Thường. Tức cảnh sinh tình, tiếng đàn lại càng thêm thánh thót. Bên giai nhân, bên nghệ sĩ tình trong như đã, mặt ngoài còn e. Ưng Lang mừng thầm rằng đây là mối lương duyên tiền định nên ngày ngày lại càng chải chuốt từ y phục đến tiếng đàn.
Hai người yêu nhau bằng một mối tình thật đằm thắm và thơ mộng. Họ cùng thề non hẹn biển sống với nhau đến hết cuộc đời. Nhưng có ai biết được chữ ngờ?
Tháng 3-1945, Nhật đảo chính Pháp và ra lệnh cho tất cả các công chức phải trở về nguyên quán. Ưng Lang cũng không thoát khỏi cái lệnh quái ác ấy nên phải khăn gói trở về làm việc tại Sở Công Chánh Thừa Thiên. Buổi tiễn đưa, đôi tình nhân bịn rịn chia tay lòng đau như cắt. Về đến quê nhà mưa rơi rả rích suốt ngày, bầu trời u ám, nỗi buồn càng thêm da diết. Mưa rơi đã ra đời như thế và trở thành ca khúc vượt thời gian.
“Mưa rơi. Màn đêm xuống rồi! Mây sầu khắp nơi. Thương nhớ đầy vơi…
Bâng khuâng, nghe tiếng tơ dịu dàng. Nhìn lá úa theo hoa tàn, tiếc than phút giây lìa tan...”.
Mưa rơi là câu chuyện thất tình của ông, nhưng lại có ghi phần lời của Châu Kỳ, Ưng Lang từng giải thích rằng bài hát do ông hoàn thành cả nhạc lẫn lời. Lúc đó Châu Kỳ - người bạn và cũng là người em của ông đang gặp chuyện buồn tương tự: người tình ca sĩ Mộc Lan đã bỏ Châu Kỳ mà đi Hà Nội. Mang tâm sự buồn như vậy cho nên khi thấy "Mưa rơi" thì Châu Kỳ đề nghị cho thay đổi vài chỗ trong lời hát với dụng ý nhắn kèm lời gửi gắm…
Về sau, Ưng Lang có gặp lại người con gái ấy. Nhưng mọi sự rồi cũng nguôi ngoai. "Đời bướm phù du, thân phận con người" mà.
Ưng Lang còn có một số bản nhạc nói về tình yêu quê hương và tình yêu đôi lứa trong tập "Chiều thôn Vỹ". Trong gia tài âm nhạc của ông, có thể kể các tác phẩm tiêu biểu như: “Mưa rơi”, “Chiều tiễn biệt”, “Chiều về thôn Vỹ”, “Ký ức Tango”, “Nhạc lòng”, “Xuân thắm”, “Lạc nẻo” (thơ Phạm Nhuận), “Khi tôi về” (thơ Trần Dzạ Lữ), “Một thoáng” (thơ Mỹ Hạnh), “Quán hoa giấy” (thơ Lữ Quỳnh), “Những cánh thời gian” (thơ Thân Thị Ngọc Quế), “Chiều thứ sáu’ (thơ Phạm Đích)…
Lời ca đẹp và buồn mênh mang trong những bài nhạc của ông gợi nên hoài niệm về một thuở xa xưa “Nơi xưa còn đó đâu tiếng cười, ngày nào vàng ánh huyền mơ, qua tia nắng gầy thềm nhà xưa rêu phong, xa mênh mang…” - “Chiều tiễn biệt” của Ưng Lang.
(*) Lời bài hát “Chiều tiễn biệt”, tác giả Ưng Lang.
Theo Đinh Công Bảy - An Ninh Thế Giới Online