Sáng tác về COVID-19
Dấu ấn nghĩa tình của Thuận Hóa - Phú Xuân - Thừa Thiên Huế và Sài Gòn - Gia Định - Thành phố Hồ Chí Minh trong lịch sử
15:45 | 13/08/2021

TRẦN NGUYỄN KHÁNH PHONG

Dấu ấn nghĩa tình của Thuận Hóa - Phú Xuân - Thừa Thiên Huế và Sài Gòn - Gia Định - Thành phố Hồ Chí Minh trong lịch sử

I. Đặt vấn đề

Như chúng ta đã biết, trong dòng chảy lịch sử của 1010 năm Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội, 710 năm Thuận Hóa - Phú Xuân - Thừa Thiên Huế và hơn 320 năm Sài Gòn - Gia Định - Thành phố Hồ Chí Minh, các yếu tố chính trị, kinh tế, văn hóa, phát triển đô thị của 3 địa phương đều mang tính quốc gia và quốc tế. Trong đó, dấu ấn nghĩa tình giữa Thuận Hóa - Phú Xuân - Thừa Thiên Huế với Sài Gòn - Gia Định - thành phố Hồ Chí Minh trong lịch sử đều bền chặt, keo sơn, gắn bó. Dấu ấn nghĩa tình này thể hiện trong các mối quan hệ giao lưu văn hóa, kinh tế, xã hội giữa cá nhân với cá nhân, giữa các tổ chức đoàn thể và giữa địa phương với địa phương, tất cả đều nhằm mục đích tương trợ cùng phát triển.

II. Dấu ấn nghĩa tình của Thuận Hóa - Phú Xuân - Thừa Thiên Huế và Sài Gòn - Gia Định - thành phố Hồ Chí Minh trong lịch sử

1. Dấu ấn nghĩa tình qua những đóng góp của nhân vật lịch sử, giới trí thức và văn nghệ sĩ

Kể từ khi chúa Nguyễn Phúc Chu giao cho Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh kinh lược xứ Đồng Nai, lấy đất Nông Nại đặt làm Gia Định phủ, lập xứ Đồng Nai làm huyện Phước Long, dựng dinh Trấn Biên, lấy đất Sài Gòn làm huyện Tân Bình, dựng dinh Phiên Trấn. Thiết lập chính thức nền cai trị của chúa Nguyễn vào năm 1698 thì dấu ấn Sài Gòn - Gia Định với Thuận Hóa - Phú Xuân xưa đã bắt đầu từ đây. Mới đầu những lưu dân theo các chúa Nguyễn vào Sài Gòn - Gia Định là người nông dân nghèo, ít học, những kẻ bị tội lưu đày, binh lính đi đánh trận rồi xin ở lại khai hoang lập nghiệp “Công việc đầu tiên của họ là tập trung vào khai hoang trồng trọt để có cái ăn, cái mặc, quy tụ với nhau để có sức mạnh chống lại ác thú. Đến khi chúa Nguyễn cử người vào đây tổ chức thành thôn ấp, phường xã và sắp xếp nền hành chính, cũng chỉ lo đưa người vào đây khai khẩn đất hoang mở rộng diện tích canh tác, để có đủ lúa gạo nuôi dân khỏi đói”([1]).

Trong các nhân vật lịch sử có công với đất phương Nam nói chung và Sài Gòn - Gia Định riêng thì xuất phát từ Thuận Hóa - Phú Xuân cũng rất nhiều, có thể kể đến chúa Nguyễn Phúc Nguyên (1563 - 1635) “Người như một vị anh hùng đứng đầu trong số những vị anh hùng dân tộc đi mở cõi về phương Nam vào thế kỷ XVII”([2]). Rồi đến chúa Nguyễn Phúc Chu (1675 - 1725) “Ông là người đã chính thức hợp thức hóa vùng đất mới khai phá ở phương Nam vào lãnh thổ nước ta”([3]).

Có thể kể đến các nhân vật lịch sử họ vừa là nhà quân sự tài ba, vừa là nữ nhi quý tộc nhưng đều có công trong việc mở mang bờ cõi, vỗ về yên dân, bảo vệ biên giới, tạo điều kiện thuận lợi cho cư dân Việt vào khai khẩn, sinh sống như Nguyễn Phúc Ngọc Vạn, Nguyễn Cửu Vân, Nguyễn Cửu Đàm, Nguyễn Cư Trinh, Nguyễn Khoa Thuyên, Nguyễn Khoa Minh, Lê Văn Phong, Nguyễn Đức Xuyên.

Lúc mới đầu khai cơ lập ấp, vùng đất Sài Gòn - Gia Định “Học thuật phát triển được cũng phải đợi những người thầy giỏi đến từ đất kinh kỳ có truyền thống hiếu học như Phú Xuân, xứ Quảng vào Gia Định mở trường nho học như thầy Võ Trường Toản. Từ đó mới xuất hiện thế hệ học trò giỏi như Trịnh Hoài Đức, Lê Quang Định, Ngô Nhân Tĩnh”([4]). Sinh hoạt trí thức cũng rộn rịp, nổi tiếng đương thời là nhóm Gia Định Tam gia, gồm 3 người là Trịnh Hoài Đức, Lê Quang Định và Ngô Nhân Tĩnh. Họ giỏi về thi phú, thành thạo về môn Địa dư chí. Trịnh Hoài Đức có Gia Định thành thông chí, Lê Quang Định có Hoàng Việt nhất thống dư địa chí “Các bộ thông chí của họ thật quý giá và làm cho dân hiểu biết thêm về đất nước, danh nhân, cảnh vật, sự tích xứ mình”([5]). Trong đó, Lê Quang Định là người từ Thuận Hóa - Phú Xuân vào, ông được đánh giá là một trong những nhà thơ, nhà văn hóa lớn của vùng đất Sài Gòn - Gia Định nói riêng và Nam Bộ nói chung thời bấy giờ.

Riêng vua Gia Long và vua Minh Mạng sau khi ổn định tình hình đất nước đã luôn dành những mối quan tâm đặc biệt về vùng đất phương Nam.

Khi còn bôn tẩu ở phương Nam, chúa Nguyễn Ánh cũng đã đồng cam cộng khổ với nhân dân Sài Gòn - Gia Định, hiểu được lòng dân đã hết lòng che chở cho nên khi đã lên ngôi vua Gia Long nghĩ đến việc “Để bù lại sự thiệt thòi về học hành của dân chúng miền Nam,sau khi đánh thắng quân Tây Sơn, thống nhất đất nước,lên ngôi hoàng đế, vua Gia Long đã đặc biệt chú ý đến việc khai hóa dân trí”([6]). Bằng các việc cử tướng Trương Chí Lý vào làm Đốc học Gia Định vào năm Gia Long thứ 4 (1805), phó Đốc học là Võ Xuân Biên, Hoàng Công Xuân.

Dưới triều vua Minh Mạng thì cử Hoàng giáp Nguyễn Đăng Sở làm Đốc học Gia Định “Tại cấp phủ thì cử một viên Giáo thụ, tại cấp huyện có viên Huấn đạo, đều là những người học quan chuyên trông nom việc học cho dân chúng”([7]). Cũng từ đó mà các nhà khoa bảng Hán học ở Nam Bộ xuất hiện ngày càng nhiều, góp phần to lớn trong việc giúp triều đình ổn định và phát triển vùng đất Sài Gòn - Gia Định và Nam Bộ dài lâu.

Giáo sư Trần Văn Giàu đã cho rằng “Danh nhân Sài Gòn - Gia Định tiêu biểu cho chủ nghĩa yêu nước trong những năm kháng chiếng chống Pháp đầu tiên (1859 - 1864) thật là đông. Số anh hùng vô danh càng đông hơn biết mấy. Trong giai đoạn lịch sử này, cuộc chiến đấu của nhân dân diễn biến dưới quyền lãnh đạo của tầng lớp sĩ phu. Cuộc chiến đấu rất anh hùng đó làm nổi bật lên một số tên tuổi sáng ngời khí tiết. Về quân sự có Trương Định, về chính trị thì Hồ Huân Nghiệp, về văn chương thì Nguyễn Đình Chiểu. Có thể được xem là những vị tiêu biểu nhất cho chủ nghĩa yêu nước Việt Nam thuở ấy trên đất Sài Gòn - Gia Định”([8]). Trong số những danh nhân ấy, có nhà thơ, nhà giáo, thầy thuốc Nguyễn Đình Chiểu, quê cha ở làng Bồ Điền, xã Phong An, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế nhưng ông được sinh ra ở đất Gia Định là quê mẹ. Có thời gian ông theo học suốt 8 năm ở Thừa Thiên và thi đỗ tú tài năm 1843. Năm 1846, Nguyễn Đình Chiểu ra Huế chờ thi hội. Đột ngột được tin mẹ mất, ông bỏ thi quay về Nam chịu tang mẹ. Giữa đường bị bạo bệnh, ông phải ở nhờ nhà ông thầy thuốc ở Quảng Nam, vì khóc mẹ nhiều nên bệnh càng nặng, đôi mắt bị mù. Năm ấy ông 26 tuổi và cũng do mù mắt ông bị từ hôn. Ông vượt muôn ngàn khó khăn để học thêm nghề thuốc và trở thành người thầy thuốc giỏi.

Mù lòa nhưng Nguyễn Đình Chiểu không khuất phục trước định mệnh và chiến đấu ở mũi nhọn chống Pháp xâm lược. Ông không trực tiếp cẩm gươm giáo đánh lại giặc thì tham gia bày mưu định kế phá giặc. Năm 1861, Pháp chiếm thành Gia Định, ông dời ra ở Cần Giuộc nơi có chiến tranh du kích sôi nổi để rồi cùng vui buồn với dân quân về những thành công thất bại, từ đó mới có áng văn hay muôn thuở như bài Văn tế nghĩa sĩ chết trận ở Cần Giuộc([9]).

Thơ văn của ông là thơ văn chiến đấu, đánh thẳng vào giặc ngoại xâm và tôi tớ của chúng:

“Chờ bao nhiêu đạo thuyền không khảm

Đâm mấy thằng gian bút chẳng là”.

Nguyễn Đình Chiểu là người thành công đưa được tính cách Sài Gòn - Gia Định nói riêng và Nam Bộ nói chung vào trong tác phẩm của mình “Nguyễn Đình Chiểu viết truyện Lục Vân Tiên tại Sài Gòn trước khi Sài Gòn bị thực dân Pháp xâm chiếm. Những con người tích cực trong truyện chính là con người Việt Nam ở đất Gia Định được điển hình hóa. Đọc truyện Lục Vân Tiên, người Việt miền Nam thấy chính mình được mô tả, được nhận xét, được tán dương. Vì vậy mà trong truyện Lục Vân Tiên phổ biến rất rộng ngay từ lúc còn chưa được diễn dịch bằng chữ quốc ngữ Latinh. Người lục tỉnh nếu là trai thì thấy họ ở Vân Tiên, Tử Trực, nhất là Hớn Quản, Tiểu Đồng; nếu già thì ở Ông Quán, ông Tiều, ông Chài; nếu gái thì ở Nguyệt Nga, Kim Liên. Tất cả những nhân vật này đã tròn thì rất tròn, đã vuông thì vuông dứt khoát rõ ràng như rựa chém đất, không lắc léo khó hiểu, có thể nói là không suy nghĩ quá lâu, không tính toán quá kĩ”([10]).

Cũng ở Sài Gòn - Gia Định có một gia đình người Huế được xưng tụng là “Toàn gia yêu nước”, “Nhất gia tam kiệt” đã chiến đấu và hy sinh để bảo vệ đất nước đến cùng đó là danh tướng Nguyễn Tri Phương, người em là tướng Nguyễn Duy và người con của Nguyễn Tri Phương là Nguyễn Lâm. Trong đó, danh tướng Nguyễn Tri Phương và Nguyễn Duy từng vào Sài Gòn - Gia Định lập nên nhiều công lớn, mang lại nhiều lợi ích cho nhân dân.

Danh tướng Nguyễn Tri Phương, năm 1835 vua phái ông vào Gia Định bình định các vùng đất mới khai hoang. Năm 1841, ông làm Tổng đốc Long Tường, dẹp tan giặc cướp nước ngoài vào quấy phá vùng đất này. Năm 1845, đánh bại quân Xiêm La, ổn định biên giới Tây Nam Bộ. Năm 1853, làm Kinh lược sứ Nam Kỳ, lập đồn điền, khai khẩn đất hoang để mở rộng diện tích canh tác nông nghiệp. Năm 1859, đem quân vào Nam đánh Pháp. Năm 1860 - 1861, chỉ huy quân dân Gia Định, xây dựng chiến lũy Chí Hòa kháng Pháp([11]).

Nguyễn Duy (1809 - 1861), năm 1859 Pháp đánh chiếm Gia Định, ông sung chức Tán lý đạo Định Biên trông coi việc quân sự. Năm 1960, ông tiếp tục phục vụ quân thứ Gia Định, ngày 24.2.1861 quân Pháp tấn công đại đồn Chí Hòa, Nguyễn Duy anh dũng chiến đấu và hy sinh tại chiến trận([12]).

Sau khi Nguyễn Tri Phương, Nguyễn Duy và Nguyễn Lâm tử trận triều đình tỏ bày thương tiếc bèn cho dựng đền Trung Hiếu ở làng Đường Long (nay là làng Chí Long), xã Phong Chương, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế để thờ. Riêng Nguyễn Tri Phương được thờ ở đền Hiền Lương. Còn ở Nam Bộ thì nhân dân Đồng Nai lập đền thờ ở bờ hữu sông Đồng Nai, phường Bửu Hòa, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, trên đường thiên lý Bắc Nam (nay là Quốc lộ 1K). Hiện tại ở thành phố Hồ Chí Minh có Ban quý tế và dòng họ Nguyễn Tri luôn thể hiện tấm lòng tri ân của người dân và con cháu dòng họ Nguyễn Tri đối với công lao của Đức ông Nguyễn Tri Phương([13]).

Đến thời hiện đại, có nhiều văn nghệ sĩ Huế đã để lại cho Sài Gòn - Gia Định - thành phố Hồ Chí Minh những dấu ấn khó phai mờ như:

Kiến trúc sư Ngô Viết Thụ, sinh năm 1926, tại làng Lang Xá, xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế. Ngô Viết Thụ không chỉ là một kiến trúc sư mà ông còn là một nghệ sĩ đa tài. Ông từng có các bức tranh nổi tiếng, như: Thần tốc; Hội chợ; Bến Thuyền; và bộ tranh Sơn hà cẩm tú (Bộ tranh này được treo trong Dinh Độc Lập, gồm 7 bức, mỗi bức dài 2m và rộng 1m). Kiến trúc sư Ngô Viết Thụ, đã để lại cho Sài Gòn một số công trình tiêu biểu do ông thiết kế gồm Dinh Độc Lập (nay là Hội trường Thống Nhất), Trường Đại học Nông nghiệp Sài Gòn, Trường Đại học Y khoa Sài Gòn, Khu Hội nghị Quốc tế (tầng trên cùng của Khách sạn Majestic), Thương xá Tam Đa (Crystal Palace).

Sau 1975, ông là cố vấn Ban chấp hành Hội Kiến trúc sư Việt Nam, cố vấn Ban chấp hành Hội Kiến trúc sư thành phố Hồ Chí Minh. Ông là thành viên Tổ chuyên gia Tư vấn kiến trúc cho Thủ tướng Võ Văn Kiệt.

Khi nói về công lao đóng góp của Kiến trúc sư Ngô Viết Thụ trong lĩnh vực kiến trúc đô thị Sài Gòn thì “Với sự am hiểu sâu sắc về phong thủy, thiết kế của Ngô Viết Thụ luôn đặt công trình vào trong thiên nhiên, với các tỷ lệ phù hợp, nhằm tạo sự hài hòa. Những thay đổi về cảnh quan và những xây dựng phụ xung quanh tòa nhà chính của Dinh Độc lập hay Đại học Nông Lâm gần đây thật khó để thấy tính hài hòa, vài chỗ là phá vỡ…Và Ngô Viết Thụ đã làm gì cho Sài Gòn và Việt Nam, thật khó để cân đo đong đếm nhưng chắc chắn, trong tổng thể bức tranh còn chưa được cân đối, kiểu gì chúng ta cũng phải nhắc đến vài chi tiết đẹp đẽ mang tên Ngô Viết Thụ”([14]).

Đối với nhà điêu khắc Điềm Phùng Thị cũng để lại dấu ấn nghĩa tình với Sài Gòn khi bà tham gia triển lãm quốc tế mỹ thuật, khai mạc ngày 26.10.1962 tại Viên Đình, công viên Tao Đàn, sự kiện này được ghi rõ  “Triển lãm này có sự tham gia của nghệ sĩ từ hơn 20 nước, với khoảng 500 tác phẩm hội họa và điêu khắc. Tại đây, Điềm Phùng Thị thuộc nhóm Việt Nam hải ngoại, tham gia tác phẩm Trụ thần vật, số thứ tự 368”([15]).

Một đơn cử về người Huế ở thành phố Hồ Chí Minh trong những năm kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, đó là Nhà giáo Lương Lê Đổng sinh năm 1917, tại huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Xuất thân từ một gia đình nhà giáo, ông không làm việc cho chính quyền thực dân Pháp mà tiếp tục nghề nghiệp của cụ thân sinh.

Ông làm giáo viên tư thục từ năm 1945 đến ngày giải phóng. Năm 1952, ông được anh em giáo viên cử làm Hiệu trường tư thục Huỳnh Khương Ninh, một trưởng cơ sở cách mạng trong suốt hai thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

Từ năm 1955 đến năm 1975, ông được bầu làm chủ tịch Nghiệp đoàn Giáo học Tư thục Việt Nam là tổ chức công khai biến tướng thuộc Ban Trí giáo vận (T4) dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Đảng ủy giáo đô thị.

Trong suốt thời gian làm giáo học, Ông tham gia vào nhiều tổ chức và hoạt động đấu tranh của nhân dân đô thị như Ban bảo trợ Trung đoàn 11 và 12 (chỉ huy trưởng là ông Tô Ký), Nghiệp đoàn Giáo học Tư thục, Lực lượng bảo vệ văn hóa dân tộc, Ủy ban hành động lao động 26 Nghiệp đoàn mà Ông là chủ tịch.

Trong thời gian hoạt động, Ông bị địch bắt 4 lần, bị hăm dọa và mua chuộc nhưng ông vẫn giữ vững lập trường, trước sau một lòng thủy chung với cách mạng.

Sau ngày giải phóng, năm 1975 - 1976, Ông là Ủy viên Ủy ban nhân dân Cách mạng thành phố và Giám đốc Sở Giáo dục thành phố. Năm 1976 - 1977 là Phó Chủ tịch thành hội Nhà giáo yêu nước rồi sau đó ông công tác ở Mặt trận thành phố. Ông mất ngày 11.11.1984 ở tuổi 67, trong niềm tiếc thương vô hạn của các bạn đồng nghiệp và hàng ngàn học sinh do Ông đào tạo([16]).

Ngoài ra chúng ta còn có thể kể đến những đội ngũ, nhân vật là người Huế hoạt động trong các lĩnh vực nghiên cứu có Võ Xuân Trang, Lê Văn Chưởng, Trần Thuận; các nhạc sĩ Minh Kỳ, Nguyễn Văn Thương; các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu văn học như Trần Thanh Mại, Trần Thanh Đạm, Nguyễn Tri Tài, Nguyễn Văn Dương, Đinh Phong, Trần Hữu Lục, Hồ Đắc Thiếu Anh, Cao Quảng Văn, Trần Thị Linh Chi; các bác sĩ là người Huế từng cống hiến tài năng của mình cho Sài Gòn - thành phố Hồ Chí Minh như Lê Khắc Quyến, Hồ Đắc Duy; các nhà ngoại giao như Tôn Nữ Thị Ninh, Tôn Thất Dương Kỵ…đã đóng vai trò kết nối dấu ấn nghĩa tình giữa Thừa Thiên Huế và thành phố Hồ Chí Minh qua nhiều sự kiện, diễn đàn và tình tương trợ tương thân tương ái trong lúc hoạn nạn khó khăn do thời tiết, thiên tai, dịch bệnh, đó là niềm động viên luôn hướng về nguồn cội Thuận Hóa - Phú Xuân - Thừa Thiên Huế là nơi gốc rễ, còn Sài Gòn - Gia Định - thành phố Hồ Chí Minh là nơi đất lành chim đậu.

2. Dấu ấn nghĩa tình qua những sự kiện

Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, hậu phương miền Bắc và tiền tuyến miền Nam luôn đồng hành cùng dân tộc, góp phần đưa sự nghiệp cách mạng đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Một trong những thành công đó là sự kiện lịch sử quan trọng tạo dấu ấn lớn thời bấy giờ và còn lưu giữ đến ngày hôm nay, đó là phong trào kết nghĩa Bắc - Nam trong thời kỳ chiến tranh ở nước ta đã trở thành một sự kiện lớn có ý nghĩa lịch sử nổi bật và có hiệu quả thiết thực.

Tại Đại hội Anh hùng Chiến sĩ Thi đua lần thứ 3 năm 1956, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động chiến dịch “Vì miền Nam ruột thịt”. Thực hiện chủ trương nầy, năm 1957 Bộ Văn hoá và Thư viện Quốc gia Việt Nam đã chính thức chỉ đạo 26 thư viện các tỉnh và thành phố ở miền Bắc xây dựng trong lòng mỗi thư viện một “Thư viện Kết nghĩa” vì miền Nam ruột thịt theo quan hệ kết nghĩa giữa các tỉnh, thành Bắc - Nam.

Đến nãm 1959, có 29 sự kiện kết nghĩa giữa hai miền Bắc - Nam, sự kiện kết nghĩa đầu tiên là ngày 3.4.1959 giữa tỉnh Hà Nam - Biên Hòa và kết thúc là ngày 8.10.1960 bởi 3 thành phố Hà Nội - Huế - Sài Gòn([17]).

Từ đó ở các thư viện cấp tỉnh khắp miền Bắc đã xuất hiện mô hình thư viện kết nghĩa như các Thư viện Kết nghĩa Thanh Hoá - Quảng Nam, Nghệ An - Quảng Ngãi, Hải Phòng - Đà Nẵng, Lào Cai - Lâm Đồng, Hà Đông - Cần Thơ, Nam Định - Mỹ Tho.

Đặc biệt, đối với hai thành phố có vị trí lịch sử quan trọng ở miền Nam là Huế và Sài Gòn, Thư viện Kết nghĩa Hà Nội - Huế - Sài Gòn vừa do Thư viện Quốc gia trực tiếp phụ trách, vừa do Thư viện Hà Nội xây dựng theo quan hệ kết nghĩa gắn bó keo sơn Hà Nội - Huế - Sài Gòn.

Tại Thư viện Quốc gia, việc xây dựng Thư viện Kết nghĩa Hà Nội - Huế - Sài Gòn được phân công trách nhiệm rất cụ thể: Phòng Hành Chính lo kinh phí; Phòng Bổ sung mua sách báo, đăng ký tài liệu, phân chia tài liệu về các kho Sài Gòn và Huế; Phòng Phân loại - Biên mục mô tả, phân loại sách báo, tổ chức mục lục theo chữ cái và loại sách. Kho sách thư viện kết nghĩa phân thành hai: kho sách Thư viện Sài Gòn, kho sách Thư viện Huế. Thời gian đầu, mỗi tên sách được mua 12 bản, phân đều mỗi kho 6 bản, sau đó mua 10 bản, phân đều mỗi kho 5 bản. Ngoài ra, sách tiếng nước ngoài cũng được chia theo tỷ lệ tối thiểu mỗi kho 1 bản.

Từ năm 1959, thực hiện chủ trương của Ban Thống nhất Trung ương, ngành thư viện đã chọn một số con em miền Nam đang học tập, công tác trên miền Bắc gởi đi đào tạo chuyên ngành đại học thư viện tại Liên Xô. Thư viện Kết nghĩa Hà Nội - Huế - Sài Gòn đã chọn các anh chị Nguyễn Ngọc Ánh, Đào Hoàng Thuý, Nguyễn Kim Tuyên, Nguyễn Văn Hoài cử đi du học tại Liên Xô để chuẩn bị cán bộ cho hai Thư viện Kết nghĩa Huế và Sài Gòn sau này.

Trong muôn vàn khó khăn của cuộc kháng chiến từ năm 1968 đến năm 1972, nhiều lần Mỹ ném bom phá hoại miền Bắc, Thư viện Quốc gia Việt Nam rời Hà Nội lên huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc để bảo toàn nhân lực và sách, báo thì kho sách kết nghĩa Hà Nội - Huế - Sài Gòn cũng được xử lý kỹ thuật an toàn chờ ngày giải phóng “Tại Thư viện Hà Nội, được sự phối hợp có hiệu quả của Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội, Thư viện Hà Nội đã chuẩn bị cho Thư viện Kết nghĩa Hà Nội - Huế - Sài Gòn theo một kế hoạch dài hơi: vừa xây dựng hai kho sách hoàn chỉnh cho hai Thư viện Thừa Thiên và Thư viện Sài Gòn, thường xuyên xử lý kỹ thuật cho toàn bộ số sách báo được bổ sung, vừa chuẩn bị lực lượng cán bộ sẵn sàng đưa toàn bộ số sách báo vào miền Nam một khi Huế và Sài Gòn được giải phóng”([18]).

Sau ngày giải phóng, Thư viện Khoa học Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh, Thư viện Tổng hợp Thừa Thiên Huế (hợp nhất từ Thư viện Thừa Thiên Huế và Thư viện Nhân dân thành phố Huế) đã có bước trưởng thành, lớn mạnh, nhưng dấu ấn khởi đầu trước đây của Thư viện Kết nghĩa Hà Nội - Huế - Sài Gòn vẫn còn là kỷ niệm lịch sử không quên của một thời, thể hiện khát vọng hoà bình, thống nhất và phát triển, được biểu hiện dưới hình thái cao đẹp của văn hoá Việt Nam([19]).

Hiện tại giữa 2 Thư viện Tổng hợp Thừa Thiên Huế và Thư viện Khoa học Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh vẫn có những liên kết xuất bản sách, triển lãm về di sản văn hóa của 2 địa phương đó là xuất bản sách Thư mục Đề yếu sắc phong triều Nguyễn, do Nhà xuất bản Thuận Hóa, Huế ấn hành năm 2018, giới thiệu 2171 sắc phong triều Nguyễn ở Thừa Thiên Huế vào trong cuốn sách này.

Ở Thừa Thiên Huế đã từng diễn ra cuộc Triển lãm Tài liệu Hán - Nôm, tư liệu gốc và tư liệu phục chế đang diễn ra tại Thư viện Tổng hợp tỉnh Thừa Thiên Huế, kéo dài đến ngày 19.6.2013. Người xem tiếp cận được bản gốc hoặc bản sao các loại văn bản Hán - Nôm tiêu biểu như: sắc phong, chiếu chỉ, sách thuốc quý hiếm của ngự y, sách học của giám sinh trường Quốc Tử Giám, bài thi của sĩ tử...cho đến các loại khế ước mua bán đất đai của người xưa. Phần lớn trong số đó có từ thời Nguyễn, bên cạnh một số thuộc thời Lê Sơ, Lê Trung Hưng và thời Tây Sơn...Đặc biệt là 100 bản sắc, chế của triều đình ban cho các làng xã, nhân vật và hơn 200 văn bằng, gia phả họ tộc. Đây là một phần trong số 105.000 trang tư liệu Hán - Nôm do Thư viện Tổng hợp Thừa Thiên Huế và Thư viện Khoa học Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh sưu tầm, nghiên cứu, phục chế và số hóa trong vòng năm năm qua tại Thừa Thiên Huế.

Ở thành phố Hồ Chí Minh thì Thư viện Khoa học Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh ngày 27.9.2013 tổ chức buổi báo cáo sơ bộ kết quả chương trình số hóa tài liệu Hán Nôm trên địa bàn Thừa Thiên Huế và Hà Tĩnh từ năm 2009 - 2013, với hàng trăm ngàn trang tài liệu đã được chuyển sang dạng kỹ thuật số.

Thư viện Tổng hợp tỉnh Thừa Thiên Huế hiện quản lý nguồn tài liệu, sách báo khá lớn với 95.000 tên sách với 250.000 bản sách; 624 loại báo, tạp chí. Thư viện cũng đang lưu trữ, bảo quản 8.670 tên sách và 3864 tập tạp chí xuất bản trước năm 1975; 4000 bản tư liệu địa chí.

Nhờ có sự kết hợp giữa 2 thư viện nên từ 2009 đến nay, cụ thể tại Huế, dưới sự phối hợp của Thư viện Khoa học Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh và Thư viện Tổng hợp Thừa Thiên Huế, chương trình đã tìm kiếm và số hóa được 104.552 trang tài liệu. Thư viện đã tiến hành sưu tầm, số hóa trên 166.000 trang tư liệu Hán Nôm làng xã tư gia trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Từ tháng 2 - 6.2016, Thư viện Tổng hợp tỉnh đã thu được trên 15.000 trang tài liệu sắc phong, chiếu phong, gia phả thời Lê, Tây Sơn, nhà Nguyễn tại 16 làng, phủ và 60 dòng tộc trên địa bàn.

Nâng cấp Thư viện Tổng hợp tỉnh Thừa Thiên Huế thành Trung tâm bảo quản tư liệu quốc gia là định hướng mang tính chiến lược nhằm phát triển hệ thống các thiết chế văn hóa các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

Với nguồn tài liệu phong phú, đa dạng và quý giá, cùng với những giá trị di sản vô giá như quần thể di tích cố đô Huế, Nhã nhạc Cung đình Huế, mộc bản triều Nguyễn, thơ văn chữ hán trên kiến trúc Cung đình Huế, việc hình thành Trung tâm bảo quản tư liệu quốc gia trên cơ sở nâng cấp Thư viện Tổng hợp tỉnh Thừa Thiên Huế là hoạt động cấp thiết, phù hợp xu thế phát triển ngành thư viện hiện đại; Đồng thời thực hiện Quyết định 581/QĐ-TTG ngày 6.5.2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020, Quyết định 2054/QĐ-TTg ngày 13.11.2014 của Thủ tướng Chính phủ và Thông báo kết luận của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện tại buổi làm việc với UBND tỉnh Thừa Thiên Huế.

Bên cạnh đó, việc nâng cấp Thư viện Tổng hợp tỉnh Thừa Thiên Huế thành Trung tâm bảo quản tư liệu quốc gia, cùng với hình thành trung tâm bảo quản vùng tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh sẽ góp phần tổ chức một mạng lưới thư viện công cộng rộng khắp, linh hoạt, phù hợp trên địa bàn cả nước; Đồng thời, xây dựng phong trào đọc sách trong xã hội, góp phần xây dựng thế hệ đọc tương lai phục vụ công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Hội đồng hương Thừa Thiên Huế tại thành phố Hồ Chí Minh được thành lập vào năm 1984, lúc đầu chọn địa điểm tại nhà ông Nguyễn Đình Châu tại số 214 đường Phan Đăng Lưu, phường 3, quận Phú Nhuận, thành phố Hồ Chí Minh. Địa chỉ này được xem như trạm liên lạc của những người yêu Huế ở nước ngoài với người yêu Huế trong nước. Sau đó, ông Phan Thanh Pha - Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Huế và ông Nguyễn Đắc Xuân vào thành phố Hồ Chí Minh giúp ông Ngô Đống lập Hội đồng hương Thừa Thiên Huế ngay tại nhà 214 Phan Đăng Lưu. Từ đó công việc của Hội đồng hương Thừa Thiên Huế đều tổ chức tại nhà 214 Phan Đăng Lưu([20]).

Hội đồng hương Thừa Thiên Huế tại thành phố Hồ Chí Minh đã xuất bản được Tập sách Nhớ Huế kéo dài từ năm 1998 đến năm 2017. Khi đó “một nhóm anh em nhà báo, nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, họa sĩ, nhà nhiếp ảnh, nhà nghiên cứu phê bình văn học nghệ thuật đã bàn nhau xin Ban liên lạc đồng hương thành phố Huế tại thành phố Hồ Chí Minh cho ra một tủ sách “NHỚ HUẾ” để ghi lại những kỷ niệm về Huế thân yêu”([21]). Đây là diễn đàn chuyển tải những tâm tư tình cảm, hoạt động của Hội đồng hương Thừa Thiên Huế - người Huế xa quê đến với người dân Thừa Thiên Huế ngoài quê nhà.

Cùng với đó, hằng năm, Hội đồng hương Thừa Thiên Huế ở thành phố Hồ Chí Minh về với quê nhà trao tặng hàng trăm suất quà, hàng chục tỷ đồng giúp đỡ người nghèo, khuyến học khuyến tài cho học sinh sinh viên và xây dựng nhiều công trình phúc lợi xã hội phục vụ đời sống nhân dân nơi quê nghèo.

3. Nghĩa tình Thừa Thiên Huế và thành phố Hồ Chí Minh hiện nay

Cùng với các mối quan hệ giao lưu kết nghĩa giữa cá nhân, tổ chức đoàn thể nói trên thì các tổ chức chính quyền giữa hai địa phương trong suốt thời gian dài cũng có những mối quan hệ bền lâu, gắn kết vì mục đích nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

Điển hình là Báo Sài Gòn Giải Phóng luôn đồng hành cùng đồng bào vùng cao Thừa Thiên Huế như sự kiện sáng 2.4.2015, tại xã A Đớt, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế, Ban Tổ chức Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn Báo Sài Gòn Giải Phóng phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đôi Biên phòng tỉnh Thừa Thiên Huế và chính quyền địa phương tổ chức lễ khánh thành và đưa vào sử dụng Trạm quân dân y xã A Đớt. Công trình có quy mô gồm 5 phòng trực, khám và điều trị cùng các hạng mục phụ trợ khác với tổng kinh phí 585 triệu đồng do Tổng Công ty Bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) tài trợ thông qua Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn - Báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức và vận động. Trạm quân dân y xã A Đớt đi vào hoạt động nhằm phục vụ việc khám chữa bệnh cho hơn 400 hộ dân với hơn 2.200 nhân khẩu tại xã A Đớt cùng hàng ngàn đồng bào các xã lân cận và người dân khu vực biên giới nước bạn Lào.

Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn - Báo Sài Gòn Giải Phóng đã tài trợ cho tỉnh Thừa Thiên Huế hơn 4 tỷ đồng để trao học bổng, trang bị phòng máy vi tính, xây nhà tình nghĩa và triển khai xây dựng các công trình dân sinh khác.

Trong tình hình hiện nay, khi dịch bệnh Covid-19 đang bùng phát dữ dội ở thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh thành Nam Bộ thì người dân Thừa Thiên Huế vẫn luôn dõi theo và đã có những hành động ý nghĩa nhằm chung tay cùng thành phố Hồ Chí Minh chống dịch.

Chỉ trong một thời gian ngắn, nhiều việc làm thiện nguyện đã được phát động. Sáng ngày 14.7.2021, tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức chuyến bay nghĩa tình chở 127 y bác sĩ của Bệnh viện Trung ương Huế, Sở Y tế và sinh viên tình nguyện của Trường Đại học Y - Dược Huế cùng gần 4 tấn hàng gồm thiết bị y tế và thực phẩm xuất phát từ Cảng hàng không quốc tế Phú Bài vào chi viện cho thành phố Hồ Chí Minh.

Mới đây, Bệnh viện Trung ương Huế được Chính phủ và Bộ Y tế giao trọng trách lớn là sẽ thiết lập Trung tâm hồi sức Tích cực 500 giường cấp cứu các ca bệnh nặng Covid-19 tại số 2 Trường Chinh, phường Tây Thạnh, Quận Tân Phú. Đoàn đi còn mang theo số lượng lớn các trang thiết bị, y tế, thuốc men, vật tư, hoá chất phục vụ công tác điều trị các ca bệnh Covid-19 nặng.

Ngày 30.7.2021, Bộ Y tế có Quyết định số 3635/QĐ-BYT về việc thành lập Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 trực thuộc Bệnh viện Trung ương Huế, tại thành phố Hồ Chí Minh. Trung tâm có quy mô 500 giường, đặt tại số 2 Trường Chinh, quận Tân Phú, thành phố Hồ Chí Minh, có tư cách pháp nhân, con dấu và sử dụng chung tài khoản với Bệnh viện Trung ương Huế để triển khai các hoạt động. Trung tâm là tuyến cuối trong bậc thang điều trị người bệnh Covid-19 tại thành phố Hồ Chí Minh, có chức năng thu dung, cấp cứu người bị bệnh Covid-19 nặng, nguy kịch. Đồng thời, hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật trong cấp cứu, hồi sức tích cực và điều trị bệnh nhân Covid-19  cho các cơ sở thu dung, điều trị, chăm sóc người bệnh Covid-19 trong khu vực được phân công.

Tổ chức vận hành Trung tâm, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế có nhiệm vụ huy động nguồn nhân lực y tế, cơ sở vật chất, trang thiết bị của Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện C Đà Nẵng, Bệnh viện Đa khoa Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới, Bệnh viện Trung ương Quảng Nam và Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa và các nguồn lực hợp pháp khác. Kinh phí hoạt động của Trung tâm Hồi sức COVID - 19 Trung ương Huế được sử dụng từ nguồn kinh phí phòng, chống dịch COVID-19 và các nguồn kinh phí hợp pháp khác. Trung tâm sẽ giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ.

Hưởng ứng tuần lễ “Chung tay cùng Thành phố Hồ Chí Minh chống dịch” do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Huế phát động, sáng 17.7.2021, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Huế đã tổ chức Lễ tiếp nhận và phát lệnh xuất phát các chuyến xe nghĩa tình, chở theo hàng chục tấn thực phẩm khô và đông lạnh gửi vào tiếp sức cho người dân thành phố Hồ Chí Minh, góp sức, góp phần ủng hộ đồng bào thành phố Hồ Chí Minh vượt qua khó khăn trong thời gian giãn cách. 

Chỉ trong thời gian 4 ngày, tính từ ngày phát động 13.7.2021 đến ngày 16.7.2021, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Huế đã nhận được 231 triệu đồng của 77 tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp, trường học và cá nhân hảo tâm; Ủy ban MTTQ Việt Nam của36 phường, xã đã nhận được  hơn 1,3 tỷ đồng và hơn 30 tấn nguyên liệu từ các tổ dân phố, doanh nghiệp, trường học, hộ gia đình ủng hộ. Trong những ngày qua đã có hơn 5.000 cán bộ, đoàn viên, hội viên, nhân dân ngày đêm trực tiếp tự tay làm ra gần 20 tấn thực phẩm khô và  gần 12 tấn cá tôm từ những sản vật của các địa phương để gửi đến Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh và người dân Thừa Thiên Huế học tập, làm việc, sinh sống trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid -19. 

Đây là nghĩa cử cao đẹp tiếp tục kế thừa, phát huy truyền thống “Hà Nội - Huế - Sài Gòn - Là cây một cội, là con một nhà" mà cách đây hơn 60 năm, trong Lễ kết nghĩa ngày 8.10.1960, tại Thủ đô Hà Nội, ba thành phố, ba trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa tiêu biểu của cả nước là Hà Nội - Huế - Sài Gòn đã thề ước; là tình cảm sắt son của thành phố Huế gửi đến thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu! Đây còn là một sự kiện đặc biệt - là sự khởi đầu tốt đẹp - là dấu ấn quan trọng về sự đoàn kết, thống nhất, đồng sức, đồng lòng, tình cảm gắn bó của của toàn thể Đảng bộ, chính quyền, quân và dân thành phố Huế.

Người dân thành phố Hồ Chí Minh đã hỗ trợ cho người người Huế rất nhiều sau mỗi đợt lũ lụt, thiên tai. Nghĩa tình của người dân thành phố Hồ Chí Minh, người Huế luôn trân quý. Việc Thừa Thiên Huế chi viện bác sĩ, nhân viên y tế cho thành phố Hồ Chí Minh thể hiện nghĩa tình gắn bó giữa Huế và thành phố Hồ Chí Minh, địa phương kết nghĩa.

Ông Trần Kiêm Hảo, Giám đốc Sở Y tế Thừa Thiên Huế, cho biết việc chi viện bác sĩ, nhân viên y tế cho thành phố Hồ Chí Minh đã được địa phương chuẩn bị chu đáo. Đội ngũ y bác sĩ đi thành phố Hồ Chí Minh đợt này là những người có kinh nghiệm, từng tham gia công tác chống dịch Covid-19 ở Huế.

Và gần đây nhất, chiều ngày 2.8.2021, sau chuyến bay đón 240 công dân về Huế cách ly có thu phí tại các khách sạn. VietJet Air bay ngược vào thành phố Hồ Chí Minh chở đoàn bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế và 5 tấn hàng ủng hộ nhân dân ở thành phố Hồ Chí Minh. GS.TS Phạm Như Hiệp - Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế dẫn đầu đoàn công tác.

III. Kết luận

Khi nói đến thành phố Hồ Chí Minh “là nơi giao lưu, hội tụ trong nước, ngoài nước; dân cư ngày một đông đúc, đủ các thành phần xã hội, người nước ngoài đến làm ăn buôn bán ngày thêm nhiều, sự trao đổi thông tin qua lại giữa thành phố và các tỉnh, giữa thành phố và thế giới lại càng nhanh chóng, thành phố đặc biệt nhạy cảm với mọi diễn biến chung của thời cuộc và mỗi biến động của nó lan tỏa rất nhanh đến các tỉnh, đến toàn miền Nam ra cả nước và mức nào đó ra nước ngoài và ngược lại”([22]). Không đâu xa, Sài Gòn - Gia Định - thành phố Hồ Chí Minh vẫn mãi là đầu tàu kinh tế của cả nước, là nơi đất lành chim đậu, thành phố nghĩa tình, thân thiện đã có nhiều gắn bó với vùng đất Thuận Hóa - Phú Xuân - Thừa Thiên Huế trong suốt chiều dài hàng trăm năm. Ân nghĩa về việc làm, hành động, giao lưu nhân dân giữa hai địa phương sẽ bền chặt mãi mãi.

Người dân Thừa Thiên Huế sẽ luôn đồng hành với thành phố Hồ Chí Minh trên trận tuyến chống dịch Covid-19 cũng như người dân thành phố Hồ Chí Minh đã từng sát cánh với Thừa Thiên Huế qua những thiên tai các năm 1985, 1999 và năm 2020 vừa qua. Đến đây mới thấy được giá trị tình người, tình địa phương và đặc biệt là tình nhân ái bao trùm cả nhân dân hai địa phương mang giá trị văn hóa đặc trưng của cả nước.



[1]: Nguyễn Đình Tư: Các nhà khoa bảng Hán học Nam Bộ. NXB Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh, 2020, trang 11.

[2]: Nguyễn Hạnh (Chủ biên): Sơ lược tiểu sử các nhân vật lịch sử có công với đất phương Nam. NXB Hồng Đức, Hà Nội, 2015, trang 11.

[3]: Nguyễn Hạnh (Chủ biên): Sơ lược tiểu sử các nhân vật lịch sử có công với đất phương Nam. NXB Hồng Đức, Hà Nội, 2015, trang 12.

[4]: Nguyễn Đình Tư: Các nhà khoa bảng Hán học Nam Bộ. NXB Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh, 2020, trang 7.

[5]: Nhiều tác giả: 30 năm đấu tranh của giáo giới Sài Gòn - Gia Định (1945 - 1975). Câu lạc bộ Nhà giáo hưu trí thành phố Hồ Chí Minh, xuất bản năm 2000, trang 19.

[6]: Nguyễn Đình Tư: Các nhà khoa bảng Hán học Nam Bộ. NXB Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh, 2020, trang 12.

[7]: Nguyễn Đình Tư: Các nhà khoa bảng Hán học Nam Bộ. NXB Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh, 2020, trang 13.

[8]: Trần Văn Giàu (Chủ biên): Địa chí Văn hóa thành phố Hồ Chí Minh. Tập 1. NXB Thành phố Hồ Chí Minh, 1987, trang 254.

[9]: Nhiều tác giả: 30 năm đấu tranh của giáo giới Sài Gòn - Gia Định (1945 - 1975). Câu lạc bộ Nhà giáo hưu trí thành phố Hồ Chí Minh, xuất bản năm 2000, trang 25.

[10]: Nhiều tác giả: 30 năm đấu tranh của giáo giới Sài Gòn - Gia Định (1945 - 1975). Câu lạc bộ Nhà giáo hưu trí thành phố Hồ Chí Minh, xuất bản năm 2000, trang 20.

[11]: Nguyễn Hạnh (Chủ biên): Sơ lược tiểu sử các nhân vật lịch sử có công với đất phương Nam. NXB Hồng Đức, Hà Nội, 2015, trang 31.

[12]: Nguyễn Hạnh (Chủ biên): Sơ lược tiểu sử các nhân vật lịch sử có công với đất phương Nam. NXB Hồng Đức, Hà Nội, 2015, trang 44.

[13]:Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đồng Nai, Ban quản lý Di tích - Danh thắng: Di tích đền thờ Nguyễn Tri Phương. Đồng Nai, 2013, trang 45, 48.

[14]: Hiền Hòa: Sài Gòn - Chợ Lớn rong chơi. NXB Hội Nhà văn, Hà Nội, 2015, trang 70, 74.

[15]: Hiền Hòa: Sài Gòn - Chợ Lớn rong chơi. NXB Hội Nhà văn, Hà Nội, 2015, trang 217.

[16]: Nhiều tác giả: 30 năm đấu tranh của giáo giới Sài Gòn - Gia Định (1945 - 1975). Câu lạc bộ Nhà giáo hưu trí thành phố Hồ Chí Minh, xuất bản năm 2000, trang 328, 329.

[17]: Trần Nguyễn Khánh Phong: Dấu ấn trí thức Huế ở Sài Gòn và Hà Nội trong dòng sinh mệnh dân tộc. Trong sách: UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật và Hội Khoa học lịch sử: Hà Nội - Huế - Sài Gòn: Dòng sinh mệnh dân tộc nhìn từ các đô thị văn hiến. NXB Hà Nội, 2021, trang 297.

[18]: Trương Thị Cúc: Thư viện kết nghĩa Hà Nội - Huế - Sài Gòn dấu ấn của một thời. Tạp chí Sông Hương, số 198 tháng 8 năm 2015, trang 70.

[19]: Trương Thị Cúc: Thư viện kết nghĩa Hà Nội - Huế - Sài Gòn dấu ấn của một thời. Tạp chí Sông Hương, số 198 tháng 8 năm 2015, trang 71.

[21]: Nhiều tác giả: Nhớ Huế. Tập 1. NXB Trẻ, 1998, trang 5.

[22]: Nhiều tác giả: 30 năm đấu tranh của giáo giới Sài Gòn - Gia Định (1945 - 1975). Câu lạc bộ Nhà giáo hưu trí thành phố Hồ Chí Minh, xuất bản năm 2000, trang 12.

 

 

 

 

Các bài mới
Giấc xanh (16/03/2022)
Khóc từ xa (18/01/2022)
Tiếng thu gọi (29/11/2021)
Các bài đã đăng
Lời kêu cứu (13/08/2021)
Sài Gòn ơi (13/08/2021)
Tìm em CORONA (11/08/2021)