HỒNG CHIẾN
Truyện ngắn
Trời Tây Nguyên mùa mưa thật lạ; đang nắng chói chang, bỗng gió ào ào nổi lên, mây đen kéo tới rồi mưa, mưa ào ạt; một lúc sau hết mưa lại nắng. Ngọc Sa không thích mùa mưa vì ẩm ướt và đi ra vườn đất dính bết vào giày, dép không gỡ ra được. Lẽ ra trong những ngày này, Ngọc Sa đang ở thành phố chuẩn bị nhập học vào lớp một; không ngờ dịch COVID bùng phát, bố và mẹ đi chống dịch nên gửi em về với nội.
Ông bà nội nhà giáo về hưu, thấy Ngọc Sa về mừng lắm, mua hẳn một đôi ủng mới màu đỏ để đi ra vườn không bị dính đất. Đất Tây Nguyên màu đỏ, mưa xuống là mến người, ra vườn, đất yêu bám chặt đến không nhấc chân lên được. Bù lại, mùa mưa cũng là mùa của nhiều loại quả cây ngon vào vụ thu hoạch.
Sáng thức đậy nghe mùi sầu riêng chín ùa vào nhà, Ngọc Sa kêu ầm lên:
- Nội ơi, sầu riêng chín!
Bà Nội bảo:
- Cháu gái dậy đánh răng rửa mặt rồi đi thu sầu riêng.
- Đi hái chứ sao lại thu ạ?
Ngọc Sa ngạc nhiên hỏi, bà nội trả lời:
- Sầu riêng chín về đêm, quả chín tự rụng xuống gốc; sáng ra ta đi lượm mang vào nên gọi là thu.
A, thì ra thế; Ngọc Sa thích thú với khám phá mới, vội tung tăng chạy đi về sinh cá nhân rồi xỏ ủng chuẩn bị ra vườn. Ông nội đẩy xe rùa - xe có hình giống con rùa nhưng chỉ có một bánh thôi, Ngọc Sa lon ton bước theo sau. Mùi thơm của sầu riêng quyến rũ quá chừng, Ngọc Sa hít hà; nội cười, bảo:
- Con nhìn dưới gốc kia kìa!
- Ui nhiều quá, sáu quả bự luôn.
Ngọc Sa reo lên, chạy lên trước hai tay giang ra định bê quả lớn nhất to hơn cả đầu. Nội thấy thế, nói:
- Cháu cầm vào cuống không bê ngang quả, gai đâm vào tay đấy.
- Dạ!
Lại thêm bài học khi đi nhặt sầu riêng, Ngọc Sa thầm nghĩ. Đẩy xe chất đầy quả vào sân, nội chọn quả to nhất mang vào nhà. Lật ngược quả sầu riêng lên, nội nói:
- Cháu nhìn đây, dưới đít quả có những đường nứt, dùng mũi dao nhọn chọc vào vết nứt đó, nảy nhẹ ra là được.
Ô, cách bổ quả đầy gai nhọn này dễ quá, nội thao tác nhanh như phim hoạt hình; tách đôi quả ra, để lộ phần múi phía trong màu vàng tươi. Bà nội dùng thìa xúc hẳn một múi đặt vào dĩa đưa cho Ngọc Sa, bảo:
- Cháu ăn đi!
Cố lắm mới ăn hết một múi, bụng no rồi mà mắt vẫn thèm. Nghỉ một lúc lại theo bà ra vườn hái na. Quả na hình trái tim treo lủng lẳng trên cành. Nội bảo:
- Cháu nhìn nhé, quả nào mắt quả chuyển qua màu vàng nhạt, đường viền quanh mắt na có màu hồng; chắc chắn quả đó sắp chín.
- Quả na cũng có mắt ạ?
Ngọc Sa ngạc nhiên reo lên. Bà bảo:
- Quanh quả na như được bọc trong một tấm lưới; phần nhô ra bên ngoài gọi là mắt na.
- Dạ!
Nội dùng kéo cắt từng quả một, mỗi quả có một cành nho nhỏ ở đầu cuống còn ba hoặc bốn lá xanh, trông đẹp lắm. Nhưng thích nhất là những quả mới chạm tay vào nó đã rời cành, để lại lõi quả trên cây; những quả như vậy Ngọc Sa phải “giải quyết” ngay: bóc lớp vỏ - mắt na bỏ đi, để lộ ra phần trắng trong và gậm một miếng: ngon tuyệt!
Nhà có mười hai cây na, bà hái được hai rổ đầy luôn. Ông nội mang xe rùa ra đẩy quả vào để hai bà cháu đi thăm mít. Bốn cây mít cao hơn đầu nội nhiều nhiều, cây nào cũng sai quả, mùi thơm tỏa ra ngào ngạt. Ngọc Sa kêu lên:
- Thơm quá nội ơi, nhưng nhiều thế này biết quả nào chín mà hái ạ?
- Ở dưới thấp ta dùng tay vỗ, còn ở trên cao dùng cây đập vào từng quả; khi nào nghe quả kêu bịch, bịch… thì quả đó đã chín.
- Hay quá!
Bà mang sào gõ, còn ông mang thang ra hái những quả đã chín chất lên xe, Ngọc Sa đi bên cạnh phụ ông đẩy xe vào nhà. Trong nhà hương trái cây chín thơm lừng.
Trưa đang ăn cơm, mẹ điện về hỏi thăm; Ngọc Sa mừng lắm, khoe luôn:
- Ui chu cha ở nhà nội nhiều trái cây chín lắm nhé, mẹ xem này: na, mít, sầu riêng nữa.
Nói chuyện một lúc, mẹ tắt máy; Ngọc Sa mặt buồn thiu. Bà nội ngạc nhiên, hỏi:
- Sao cháu buồn vậy?
- Mẹ cháu!
- Mẹ cháu làm sao?
- Cháu chỉ nghe tiếng thôi mà không thấy mặt, thấy mắt đâu cả, hình như là mẹ không thương cháu.
- Mẹ đang trong khu cách ly, chống dịch nên phải mặc quần áo, đội mũ bảo hộ và đeo khẩu trang không thể bỏ ra được.
- Đeo cả ngày luôn ạ?
- Đúng.
- Thế thì khó chịu lắm luôn.
- Đúng rồi!
Ngọc Sa ôm lấy bà nội, giọng nghèn nghẹn:
- Thế mà cháu không biết còn trách mẹ; thương bố mẹ quá, nội ơi!
Mùa mưa năm 2021