Sáng tác về COVID-19
Trời xanh không của riêng ai
10:10 | 07/09/2021

NGUYỄN THỊ DUYÊN SANH

Trời xanh không của riêng ai

1.

Ông Tráng ngồi thu lu trên chiếc ghế xếp nhìn ra quãng đường buổi chiều vẫn còn nhiều nắng. Mấy tuần nay xe cộ thưa vắng hơn. Gian quán nhỏ cũng ít khách hẳn. Nên cái chuyện ông ngồi lâu cả giờ đồng hồ chỉ để uống một ly nước mía hay một thức uống vớ vẩn gì đó, cũng chẳng phiền hà chi. Thỉnh thoảng thím Đủ rảnh rỗi lại ngồi góp chuyện hoặc yên lặng nghe ông kể về cái xứ sớm chiều nắng gió đến quắt cả người trên những cánh đồng muối. Có khi ông cũng say sưa kể vì sao ông bỏ quê vào trong ấy sống đời diêm dân, lúc đầu chỉ là làm công cho một người họ hàng xa lắc có bà con cùng đầu cố đầu sơ chi đó, dần dà rủ người chung vốn mở vựa. Mấy chục năm vẫn trụ lại dẫu chỉ một thân một mình. Ấy vậy mà nay phải bỏ về.

  Thời thím Đủ lăn lóc kiếm sống quanh khu xóm gần bệnh viện này bằng cái gánh cháo gạo ẹo vai suốt ngày thì xóm còn ít nhà, đường đất cũng nhỏ, len lỏi quanh co có nhiều bóng cây trứng cá. Đến giờ xóm đã lên đời. Đường đã có tên, nhà cửa ngời ngời lộng lẫy. Thím cũng lên đời theo. Cả về số lượng và chất lượng. Thím có chú Tuỳ chí thú làm ăn và hai thằng con học hành tử tế. Gian nhà nhỏ chằm vá thời mới về cùng nhau giờ đã được "đẩy" ra mặt tiền, lành lặn và nhanh chóng, cứ như trong một giấc mơ. Ở lâu đến vậy nhưng thím chỉ nghe chị em thằng Linh con Hạnh nhắc đâu đó về một ông chú. Bảo là "đi làm ăn trong nớ" thì e cũng oai vang ghê lắm. Ai dè ngày trở về của "hắn" cũng chỉ lèng èng như này thôi. Thím ái ngại:

- Còn mấy người khác, có ai bỏ đi nữa không?

Ông vỗ hai bàn tay đánh bép mấy lần mới trúng một con bọ mắt đang lượn lờ trước mặt:

- Hả? À, cũng khá nhiều! Muối nằm chờ cả vài năm trong vựa. Không xuất hàng được, thợ ăn cái chi mà ở lại. Tui cũng trù trừ hơn năm nay, cực chẳng đã mới phải bỏ về.

Bàn tay gân guốc gãi lên mái tóc thưa và khô đã bắt đầu ngả bạc, lẩm bẩm:

- Mà như cái người nớ, ở lại biết đâu còn hay hơn...

Thím Đủ đứng dậy nhường chỗ cho chú Tuỳ, chưa bước vào đã nghe nói to cười lớn bằng cái chất giọng vang và ấm:

- Người mô mà nói nghe buồn rứa anh Tráng?

Ông Tráng ngẩng lên, cười không ra cười, nói lảng:

- Chú về sớm vậy? Hôm nay chạy khá không?

- Lai rai anh ơi! Nhưng thời buổi ni mà được rứa cũng là tốt rồi.

- Tốt rồi! - Ông Tráng buột miệng nhắc lại, rồi đứng lên trả tiền nước.

Cả tháng nay ông cứ loay hoay mắc kẹt trong bài toán khó cho những ngày sắp tới của riêng mình. Mà cũng không chắc của riêng ai. Định rồi cũng chẳng đâu tới đâu. Cảm giác hoang mang thắc thỏm khi nhìn thành phố nhỏ vốn yên ả giờ càng trầm lắng hơn, đâu đó từng nơi bị khoanh vùng phong tỏa vì mầm dịch đã vươn dài len lỏi. Nhiều lần đứa cháu dâu muốn giữ người chú lại không cho về ở hẳn dưới làng, bảo rằng để yên dịch rồi tính. Tử thần lên tiếng từ những vùng dịch phương Nam như sóng như gió cuồng nộ, là những con số tăng vọt từng ngày, cứ đè nặng thêm nhiều ác mộng trong những giấc ngủ rời của người đàn ông cô đơn. Nguời chết nhanh, không kịp tiễn đưa, và cũng không được ai đưa tiễn. Bà Sở cũng vậy. Bảo vào Sài Gòn chăm thằng con nằm viện, để còn lo cho nó thi tốt nghiệp. Nhưng rồi người mẹ đơn thân ấy vội vàng đi luôn, chưa kịp cùng ông "ra Huế một lần cho biết", chưa kịp dự tính cho ngày mai muộn màng của cả hai người. Những dự tính, ước mơ rồi cũng chẳng còn gì trong thời buổi khốc liệt được người ta gọi là đại dịch này. Tin nhắn gọn, khô khốc, nháy lên như một tia chớp: "Má cháu mất vì Covid". Có tiếng sấm nào vừa nổ lưng trời. Giữa trưa hè nhưng ông thấy ớn lạnh. Quanh ông đã vắng lặng đìu hiu, nói chi đến những ngày giãn cách xã hội, những con đường, những khu vực bị phong tỏa...

2.

Đang cầm bó rau còn mát lạnh vừa lấy ra, ông Tráng giật mình quay lại.

- Chú để con!

Tuyền bước vào, vừa nói vừa mắc túi xách lên cái đinh móc. Cô cười vui:

- Tối nay con nấu món ngon mời cả nhà. Trưa mai anh Linh con theo đoàn vào trong ấy rồi chú!

Cả nhà đây là vợ chồng Linh, con bé Ny và ông Tráng. Đúng ra là phải kể thêm anh trai ông trên bàn thờ, trước mâm cơm con dâu kính cẩn thắp hương cầu nguyện: "Xin ba phù hộ cho anh Linh đi đến nơi về đến chốn, bình an vô sự!"

Tiếng huýt gió nhảy nhót những bước chân vui theo cha con Linh vào đến hiên nhà. Con bé Ny chạy đến bên mẹ. Cái cách chắp tay cung kính, nhưng ánh mắt thì hết nhìn lên di ảnh ông nội lại quay sang ông Tráng khiến ai cũng bật cười. Linh cưới vợ gần một năm thì cha mất. Sau đám tang anh trai, lần này ông Tráng mới về lại. Dù được giải thích nhưng con bé vẫn quả quyết là nó "có hai ông nội, giống nhau như đúc". Cả nhà thấy vậy cũng hay. Bữa ăn không kéo dài như mọi người đã tưởng. Con bé xoắn bên ông Tráng với mấy tấm hình ông vẽ sẵn cho nó tô màu. Cảnh những cánh đồng muối trắng, nắng vàng, và trời thì xanh bao la. Mẹ nó dồn vội mâm chén dĩa vào bếp, không rửa liền như mọi khi. Không khí bỗng đậm lại khi cô đặt ly nước lên bàn, ngồi xuống cạnh chồng. Linh rời mắt khỏi ti vi, quay sang:

- Có dự báo trở trời hay sao mà vợ anh ỉu xìu vậy?

Anh cười lớn kéo vợ ngồi sát vào:

- Này em, thì cũng là công việc thôi mà! Vài tuần là anh về chứ lâu lắc gì!

Vợ cười nhưng miệng gần như mếu xệch:

- Biết vậy. Nhưng lần này em lo quá! Đã có người...

- Rồi, nghe rõ rồi. Đoàn anh đều đã được tiêm phòng, và cố gắng giữ gìn cẩn thận là được chứ gì!

Ông Tráng rót cho mình một tách trà, ngồi xuống góp chuyện:

- Vợ con lo cũng đúng. Nhà neo người, mẹ tụi bây kẹt trong đó từ Tết tới giờ. Một mình nó với con bé Ny cũng tội.

- Mà vào đó thì lo công việc, có tiếp xúc với người ngoài đâu mà đi gặp mẹ với cô Hạnh! - Tuyền lầu bầu, định đứng dậy qua ngồi với con gái.

Linh khoác vai vợ, cười cười:

- Nói cho vuông cho lành, là anh đây vốn khỏe như voi, em biết hơn ai hết phải không? Bao người tình nguyện đi mà chưa bố trí kịp. Vả lại, đã mấy đoàn lần lượt vào hỗ trợ rồi, có sao đâu!

Con bé Ny ngồi chơi một mình bỗng chán, lò dò đến đứng gần bên. Anh bồng con đặt lên đùi, ôm ghì cái đầu tròn tròn xinh xắn và vùi mặt mình trong mớ tóc tơ mịn màng thơm thơm. Giọng anh trầm xuống:

- Giờ thì chẳng nơi nào có thể gọi là bình yên. Sài Gòn, Bình Dương, Đồng Nai vật vã như kia, không lành lặn thì cái bình yên mong manh ở đây cũng sẽ rách nát hết.

Một vài giây im lặng, nghe rõ cả tiếng gió bên ngoài và tiếng rèm vải quệt nhẹ trên bậu cửa sổ. Một vài giây của dùng dằng thương cảm. Nhiều nỗi thương gần thương xa. Đúng lúc điện thoại đổ chuông. Giọng nói trong và vui vang lên vì Linh bật loa ngoài:

- Anh Linh ơi! Em đã gửi thêm mấy số liệu qua mail rồi nghe! Cho em gửi lời chào chị Tuyền, hẹn bữa nào cô Thanh ra sẽ đến chơi với công chúa Ny!

Là Thanh, cô bạn sau anh mấy khoá, hiện đang giảng dạy ở trường Y. Phơi phới yêu đời, nhìn những ngày "vào trận" sắp tới với tất cả niềm tin trong sáng, cô tham gia theo đoàn cùng với mấy sinh viên giỏi của mình. Thanh vô tình chuyển đến gia đình anh một cung bậc vui tươi trong bản hòa ca vừa nãy đang chùng xuống, rời rã. Đêm cuối hè xuống chậm. Vài tia chớp nháy qua hiên cho biết cơn dông chỉ rời rạc hiếm hoi đâu đó trong cái thành phố vốn đã thiếu mưa rất lâu này. Ánh chớp soi rõ bóng Linh lặng yên trong khung cửa sổ, khi tiếng nói chuyện rủ rỉ của mẹ con Tuyền cứ nhỏ dần ở phòng trong...

3.

Từ làng chạy lên cũng gần năm chục cây, ông Tráng vẫn hào hứng đèo sau xe máy lỉnh kỉnh những thứ quà quê. Bao đậu phụng còn nguyên vỏ, túi mè đã vút sạch cát, mấy cân nếp thơm và chai dầu phụng do đứa cháu họ xa tự ép lấy. Hôm qua cả thành phố đổ xô đi mua đồ dự trữ. Số lượng thực phẩm từ các siêu thị đến phố chợ, hàng quán đều bán sạch trong chớp nhoáng. Tuyền sốt ruột vì khu vực gần cảng cá ngoài quê đã bị nghi lây nhiễm, bố mẹ đẻ nhắn tin đứng ngồi không yên. Lớp mẫu giáo của bé Ny cũng tạm ngừng đón các cháu. Cô lúng túng không biết xoay sở thế nào.

- Con cũng chẳng mua chi nhiều. Đợt dịch năm ngoái, rồi tiếp đó là bão lụt, trữ cho lắm rồi lại ăn đồ dở, còn vứt bỏ vì quá hạn nữa. Nhưng lần này nghe tình hình xấu quá. Chỉ sợ cháu bé thiếu...

- Con không phải lo! Thành phố chừng bao nhiêu dân đây, hàng hóa đâu đến nỗi nào mà sợ! Con cứ để chuyện bếp núc cho chú!- Ông Tráng nhẹ nhàng trấn an cháu dâu.

Sẵn có xe máy của Linh, ông làm chuyến về quê. Đi loanh quanh trong những xóm nhà ở xứ cát bỏng, không xa cũng là những nơi bị khoanh vùng phong tỏa nên ông cũng không ở lại lâu. Ngôi nhà nhỏ của thằng cháu đang cần, và ông biết mình sẽ phải làm gì.

Mẹ con Tuyền về nhà đã thấy ông lúi húi cưa ghép mấy đoạn ống sắt và cả ống nhựa, hình thành một khung giàn xinh xắn áp vào phía ngoài hiên bên trái nhà, chỗ nhiều nắng suốt buổi sáng. Bên dưới là những thùng xốp xếp sát nhau trong một khoảng diện tích khiêm tốn. Mấy bao đất trồng đã được chàng trai shipper nhanh nhẹn chuyển tới. Những ngày ông cắm cúi vào việc, lâu lâu con bé Ny lại chạy tới thủ thỉ:

- Ông Tráng ơi, Ny nhớ ba Linh!

Ông nhìn đôi mắt con bé trong veo đang chờ một lời dỗ dành:

- Ừ, ông cũng nhớ!

- Ông hỏi ba Linh khi mô về đi ông!

Ông đặt cái bay xới đất xuống, chùi tay vào ống quần rồi đến ngôi bên cháu:

- Khi mô đuổi con cô vít đi hết thì ba Linh về.

- Con đó có cắn ba Linh không hả ông?

Ông phì cười, vung tay chém trước mặt:

- Cẳn sao được! Ba Linh là hiệp sĩ trừ gian diệt bạo, con cô vít là bọn xấu sẽ bị thua.

Đứa bé gái có vẻ như đã bằng lòng, tươi cười đứng dậy xoay một vòng cho chân váy xòe tròn, vung tay lên hô lớn: "Trừ gian diệt bạo! Trừ gian diệt bạo!"Rồi mới bỏ chạy ra ngoài sân. Ông cũng vào bếp phụ làm bữa trưa giúp Tuyền và để mắt tới con bé đang chơi quanh quẩn đâu đó.

Mãi làm, ông Tráng cũng ít ra quán thím Đủ. Những ngày này anh chồng không chạy xe nữa mà theo tổ đóng gói thực phẩm chuyển vào cho đồng hương trong đó: "Ui chao, hàng thì đủ thứ hàng, tươi có chín có, lớp nọ lớp tê, nhưng mà cho chi khắp? Người mình trong nớ đông dữ lắm!"Ông Tráng chỉ biết thở dài: "Thì cũng là tấm lòng. Nhà nghèo thương con kiểu nhà nghèo. Chứ thấy vậy sao đành thím! Tui là tui nể chú Tuỳ lắm đó!" Thím Đủ cười hởi lòng hởi dạ nhưng cũng khiêm nhường: "Thấm tháp chi mô anh! Chộn rộn rứa ai ngồi yên cho được. Có anh ở khu phố mình tình nguyện đi trực chốt, không dám về nhà vì sợ lây mới tội chơ!"...

Tuyền đi về lặng lẽ, nói chuyện với con bé cũng ít hơn. Cô không rời màn hình điện thoại kể cả khi ngồi ăn:

- Anh ấy bảo vẫn ổn, con đừng gọi điện và nhắn tin. Có gì ở nhà nhờ chú Tráng. Trong đó lực lượng y bác sĩ được tăng cường nhưng vẫn rất thiếu. Công việc quá tải nên thời gian nói chuyện hay nhắn tin cũng coi như là xa xỉ. Dăm ba phút nghỉ ngơi là cần hơn hết.

Cô dừng lại để thở, cũng để kìm nén chút tủi thân. Dĩ nhiên cô hiểu tình thế bắt buộc lúc này. Những hình ảnh ảm đạm và những con số nghiệt ngã cứ tăng vọt, những ám ảnh chập chờn làm bải hoải những cơn mê lúc ôm con nửa đêm về sáng. Bao nhiêu đồng đội của anh đang oằn mình gánh chịu áp lực của công việc, chắc chắn là có cả lòng hy sinh để làm nên sự kiên trì nơi nhiều hiểm nguy đang chờ chực ấy...

Đã có vài cơn mưa làm những buổi chiều trở nên mát dịu hơn. Người ta đã bớt hoảng loạng và bình tâm hơn vì đã dần quen với những thông cáo báo chí về những ca bệnh. Người ta theo dõi, đếm số các F0, F1, F2... và bảo nhau rằng sau này lịch sử sẽ có thêm tên gọi "năm Covid thứ nhất, thứ hai..." Bình tâm để tìm cách tự bảo vệ mình chứ không vô cảm, vì điều tai quái đó đang và sẽ gõ cửa bất kỳ ai. Tuyền đếm ngày Linh đi công tác và thắp nhang cầu nguyện. Ông Tráng ngoài giờ loay hoay cơm nước, kể chuyện hoặc dạy con bé Ny tô màu thì lại ra ngồi săm soi "công trình xanh" và đếm ngày gieo hạt, đếm những luống hạt nứt mầm. Mấy hom rau bát bát đã trổ vòi xanh non tơ vươn lên chân giàn. Màu xanh phơi phới đã phủ khắp mặt các thùng xốp. Đã có nhiều hy vọng từ những sức sống mới nơi một góc hiên nhà bé nhỏ. Những người chung quanh ông biết đâu cũng đang cố gắng nuôi dưỡng niềm hy vọng trong cơn khốn khó của đại dịch này. Nương dìu nhau để hy vọng, để sinh tồn, không ai muốn mình đơn độc lúc này. Ông nghĩ vậy và bất giác ngước nhìn lên, nhìn rất xa. Trời hôm nay xanh quá. Đầu thu rồi còn gì. Dù nơi ấy đã vắng đi một người, và có thể ông sẽ không về lại, nhưng nhất định ông sẽ nhớ mãi bầu trời xanh nơi ấy. Ngày mai, nếu còn có ngày mai. Bầu trời xanh sẽ không của riêng ai...

 

 

 

 

Các bài mới
Giấc xanh (16/03/2022)
Khóc từ xa (18/01/2022)
Tiếng thu gọi (29/11/2021)
Các bài đã đăng
Tôi yêu Sài Gòn (06/09/2021)
Mùa chuyển gió (31/08/2021)
Anh sẽ về (23/08/2021)