Sáng tác về COVID-19
Tình Huế trong mùa Côvy
14:23 | 13/09/2021

NGUYỄN THỊ THANH TÚY

Tình Huế trong mùa Côvy
Ảnh minh họa (Internet)
Năm nào cũng vậy, cứ vào giữa tháng tám, đầu tháng chín, Huế lại đón những cơn mưa đầu mùa. Những cơn mưa chuyển mùa nhè nhẹ thổi vào lòng Huế cái mát mẻ, trong lành mà người Huế thiếu khát trong những tháng hè gắt gỏng. Những cơn mưa chuyển mùa làm cho trời Huế về chiều thêm lãng đãng với những màn mây pha đủ sắc trắng xanh, xám hồng. Những cơn mưa chuyển mùa cũng là tín hiệu cho biết ngày khai trường đã chạm vào cửa lớp trên mọi miền Tổ quốc. Năm nay, cũng như ở mọi tỉnh thành khác, mùa tựu trường đến với Huế thật đặc biệt. Người ta không nhìn thấy cái rộn ràng, tất bật của các mẹ, các chị chuẩn bị sắm sửa áo quần, cặp sách mới cho con. Người ta không nhìn thấy cảnh học sinh từng đoàn háo hức đến trường tập trung lao động vệ sinh sân trường, lớp học chuẩn bị cho một niên khóa cận kề. Người ta cũng không nhìn thấy không khí rộn ràng hay cảnh sắc rực rỡ cờ hoa trong ngày khai trường ở các trường học.
 
Vâng, khi đại dịch Covid vẫn đang hoành hành thì tất cả mọi hoạt động trong xã hội đều chậm lại. Mặc dù không phải là tâm bão của đại dịch nhưng Huế vẫn luôn sẵn sàng cho mọi biến cố có thể xảy ra. Huế luôn chọn những giải pháp hiệu quả để đảm bảo cho sự an toàn của người dân. Vì vậy dù trước đó, công tác chuẩn bị cho ngày khai giảng đã được các trường trong địa phương chuẩn bị đâu vào đó, chu đáo, tươm tất, nhưng đến giờ phút cuối, dưới sự chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế, thì Sở Giáo dục quyết định gác lại việc cho các em đến trường trực tiếp tham dự ngày khai giảng năm học mới 2021 -2022; tất cả các em học sinh trên địa bàn tỉnh đều tham dự khai giảng trực tuyến qua đầu cầu tại trường chuyên Quốc Học.
 
Ngày khai trường năm nay tiết trời ở Huế thật đẹp, đẹp như bao mùa khai trường năm trước. Bầu trời Huế trong xanh. Mây trắng e ấp bồng bềnh. Nắng vàng thong thả rải nhẹ trên mọi lối đi. Sân trường Quốc Học như đẹp hơn mọi ngày. Không khí của ngày khai trường ở mọi nơi trên mảnh đất Cố đô đều dồn hết vào nơi đây. Lướt vào các trang mạng truyền thông, người dân Huế không khỏi xúc động khi đập vào mắt là hình ảnh các em nhỏ trong bộ đồng phục mới tinh tươm, nghiêm trang đứng trước màn hình tivi giơ tay chào cờ. Nhìn những hình ảnh ấy khiến lòng người không khỏi xúc động. Chứng kiến các em chào cờ trong một hoàn cảnh đặc biệt như vậy, có lẽ không ai là không khỏi dấy lên một suy nghĩ: “Cầu Phật cho đại dịch sớm qua đi, cho con trẻ được tung tăng đến trường, cho mọi người ngày ngày được bình an!” Chắc chắn đây là ngày khai trường đặc biệt xưa nay chưa từng có trên đất Huế nói riêng và hầu hết các tỉnh thành trên nước ta nói chung. Vâng, mùa khai trường đặc biệt ấy, cũng là một cách để người dân Huế góp phần hạn chế sự lây lan của dịch bệnh. Phải chăng đó là một việc làm cụ thể biểu hiện cho tinh thần chống dịch trên địa bàn Thừa Thiên.
 
Nhắc đến tinh thần chống dịch của người Huế thì quả có nhiều chuyện để lưu truyền và nêu gương. Còn nhớ cách đây hơn một tháng, khi tâm bão của dịch bệnh hoành hành ở miền Nam khiến nhiều tỉnh thành bị phong tỏa, hàng hóa không được lưu thông, nhiều người dân rơi vào tình cảnh khó khăn, thiếu thốn; thì người Huế, tuy cuộc sống khó khăn vẫn đồng tâm, hiệp lực chi viện cho miền Nam yêu thương, nơi mà hằng năm vẫn sẵn lòng bao bọc Huế đi qua những trận thiên tai lũ lụt. Ở nhiều địa phương từ huyện xã đến thị thành, các bếp ăn hoạt động liên tục. Nhìn hình ảnh các tình nguyện viên ngày đêm cặm cụi, tỉ mỉ đóng gói từng hũ muối đậu, từng hũ thịt băm, cá khô, rau củ,... để gửi cho Sài Gòn mà cảm được cái tình, cái nghĩa của người Huế dành cho thành phố mang tên Bác kính yêu.
 
Cái nghĩa, cái tình của Huế dành cho Sài Gòn đâu chỉ có thể. Khi Sài Gòn đau Huế không thể ngủ. Khi Sài Gòn mệt Huế không thể ngồi yên. Huế không chỉ chi viện lương thực cho Sài Gòn mà Huế còn chi viện nhân lực cho thành phố yêu thương. Theo truyền thông đưa tin, tính đến ngày 27 tháng 8 năm 2021, Huế đã có năm đợt điều động, chi viện nhân viên y tế vào Thành phố Hồ Chí Minh. Với tinh thần tương thân, tương ái, sẵn sàng cống hiến hết sức mình, hàng trăm cán bộ, y bác sỹ của bệnh viện Trung ương Huế đã không ngần ngại nguy hiểm viết đơn tình nguyện vào miền Nam tham gia tuyến đầu chống dịch với mong muốn chia sẻ những nhọc nhằn, những khó khăn của các y bác sĩ nơi tuyến đầu tâm dịch. Với mong muốn cứu sống những bệnh nhân mắc Covid, góp phần đẩy lùi số bệnh nhân tử vong, đẩy lùi dịch bệnh. Những việc làm của các y bác sĩ ở Huế hay ở bất cứ nơi đâu đều xứng đáng để sử sách nêu gương. Họ đúng là những bậc anh hùng trong thời Covid. 
 
Công tác đẩy lùi dịch bệnh có ở khắp mọi nơi trên đất Huế. Thật xúc động  khi nhìn cảnh các anh chiến sĩ công an hay những nhóm thiện nguyện đứng bên vệ đường tiếp sức cho dòng người lao động từ miền Nam trở về quê tránh dịch. Trên chặng đường về quê, bất kì ai khi qua đất Huế đều nhận được sự hỗ trợ đậm nghĩa tình của chính quyền và nhân dân. Có thể đó chỉ là một chai nước lọc, một vài ổ bánh mì, một vài bịch sữa tươi, một vài lít xăng hay có thể nhiều hơn là dăm ba trăm ngàn đồng, nhưng tất cả đều thể hiện một nghĩa cử, một tấm lòng của người Huế: không dửng dưng với thời cuộc, sẵn sàng chia sẻ yêu thương, truyền năng lượng tích cực để chặng đường về quê của đồng bào tránh dịch nhẹ bớt nỗi truân chuyên. Chẳng hạn vào rạng sáng ngày 25 tháng 7 năm 2021 chính quyền huyện Phú Lộc và các lực lượng chức năng của tỉnh Thừa Thiên Huế đã có mặt trên đỉnh đèo Hải Vân để đón một đoàn xe máy gần 230 người, phần lớn là nam thanh niên di chuyển từ Thành phố Hồ Chí Minh về quê tránh dịch. Chính quyền và nhân dân địa phương đã hỗ trợ đoàn dân thức ăn, nước uống, sữa bánh, trái cây và nhiều thứ cần thiết khác. Công tác hỗ trợ kéo dài đến xuyên đêm. Những hành động đó phải chăng xuất phát từ truyền thống đoàn kết, yêu thương giúp đỡ nhau của người Việt từ xưa đế nay. Nó làm cho lòng người phải cảm phục.
 
Cảm phục hơn nữa là chế độ an sinh của chính quyền địa phương dành cho những người Huế trở về từ vùng tâm dịch. Họ được đưa vào những khu cách li. Được lo cho nơi ăn chốn ở, được theo dõi sức khỏe để sớm trở về hòa nhập với cuộc sống quê nhà. Tôi hiểu rõ điều đó vì tôi đã từng tham gia buổi phục vụ bếp ăn cho khu cách li. Đó là bếp ăn tại Ủy ban nhân dân phường Hương Sơ trên đường Nguyễn Văn Linh. Trước đó, qua truyền thông, qua bạn bè đồng nghiệp, tôi phần nào hình dung không khí làm việc tại các điểm phục vụ bếp ăn nhưng đến buổi sáng hôm đó, trực tiếp tham gia cùng đội tình nguyện của cơ quan công tác, tôi mới cảm hết sự quan tâm của chính quyền địa phương đối với người dân trở về từ vùng dịch. Thật sự tôi rất xúc động khi nhìn thấy hình ảnh các anh bộ đội nấu nướng bên những chảo cá, chảo thịt, chảo rau khổng lồ. Những người tình nguyện viên như tôi chỉ đảm nhận những công việc phụ như nhặt rau, thái củ quả, làm sạch các thứ. Còn khâu chế biến, nấu nướng vẫn là việc chính của các đồng chí bộ đội. Nói là “đồng chí” chứ thực ra các chú ấy còn nhỏ tuổi hơn tôi rất nhiều. Nhưng thật sự tôi cảm phục tinh thần làm việc của các chú. Nhìn các chú đứng suốt gần ba tiếng đồng hồ, mồ hôi nhễ nhại bên cạnh ba bếp lửa rừng rực, tôi thực sự thương. Trông các chú còn rất trẻ, chỉ tầm độ hai lăm tuổi trở xuống nhưng vô cùng tháo vát, đảm đang. Cứ việc ai người đó làm, bếp nào người đó lo. Không hề nghe chuyện trò tỉ tê điều gì cả. Thật sự các chú rất nghiêm túc trong công việc. Tôi thấm thía câu nói đã nghe từ lâu: “quân lệnh như sơn”. Các chú nấu nướng xong thì những tình nguyện viên chúng tôi cùng nhau cho thức ăn vào hộp (cũng theo sự hướng dẫn của những chú bộ đội khác). Tôi nhớ sáng hôm đó, đội bếp chúng tôi lo cho 300 khầu phần ăn. Tôi thực sự choáng ngợp trước mỗi phần ăn. Thịt, cá, rau củ, trái cây tráng miệng đều đầy đủ cả. Chúng quá nhiều. Nếu so sánh với sức ăn của tôi, một khẩu phần như vậy tôi phải dùng đến hai bữa. Tự dưng lòng tôi dấy lên một niềm biết ơn đối với chính quyền địa phương. Họ đã chăm lo chu đáo cho cuộc sống cho những người dân ở khu cách ly. Cái nghĩa, cái tình đồng bào là thế đấy.
 
Tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp. Cuộc chiến chống dịch vẫn còn dài. Khó khăn vẫn còn nhiều ở phía trước. Tỉ lệ người tiêm chủng vắc-xin vẫn chưa phủ khắp thì điều cần thiết trong lúc này là mỗi người dân phải đoàn kết, đồng lòng thực hiện các chỉ thị chống dịch của Đảng và Nhà nước. Thực hiện nghiêm túc khuyến cáo “5K”. Sẵn sàng góp công, góp sức trong điều kiện có thể để cùng mọi người hạn chế sự lây lan của dịch bệnh. Làm được những điều đó, tôi tin chắc rằng bình yên cũng sớm trở lại với quê hương. Hình ảnh mấy em nhỏ tung tăng đến trường lại trở về trong những ánh mắt yêu thương.
 
Huế, ngày 09 tháng 9 năm 2021
 
 
 
 
 
 
Các bài mới
Giấc xanh (16/03/2022)
Khóc từ xa (18/01/2022)
Tiếng thu gọi (29/11/2021)
Các bài đã đăng
Em mơ một ngày (10/09/2021)
Ta lên đường (10/09/2021)
Có chúng tôi! (10/09/2021)