Sáng tác về COVID-19
Mệnh lệnh từ những trái tim
14:58 | 08/10/2021

LƯU LY

Mệnh lệnh từ những trái tim
Ảnh: NSNA Trương Vững
Dịch Covid hoành hành. Cả nước chung tay đẩy lùi dịch bệnh. Huế cũng chung vai cùng đất nước. Nơi thành phố vốn bình yên và thơ mộng này, những ngày qua là cả một chuỗi thời gian của trận tuyến chống dịch và tương thân tương ái.
 
Tôi không phải là lực lượng tuyến đầu xung trận như những bác sĩ trên trận tuyến giành sự sống và sức khỏe cho đồng bào, hay lực lượng bộ đội, công an, tình nguyện...chia lửa trên cùng chiến tuyến. Tôi chỉ có tấm lòng, viên phấn và cây bút nhỏ, chia sẻ nỗi niềm cùng đồng bào qua những  trang viết và bài giảng với học trò...Người xưa thường nói: Đi một ngày đàng, học một sàng khôn. Không biết được điều này thì cũng học hỏi được điều kia. Hay ít nhất cũng là những điều mắt thấy, tai nghe, cảm nhận được bao điều trong cuộc sống...Làm được điều gì cho đời, cho người thì cứ làm thôi!
 
Vừa là nhà văn, vừa là giáo viên. Nhưng những giáo viên như chúng tôi ngoài thời gian lên lớp, giảng đường, còn tham gia tình nguyện hỗ trợ hậu cần cho các khu cách ly. Nhiều người lo lắng lẫn tò mò: đi rứa không sợ lây dịch bệnh à?. Sợ chứ!. Sợ thì ở Nhà đi, đừng liều. Không phải liều đâu ạ! Mà là “thương người như thể thương thân”, người có của giúp của, người có công giúp công, người có sức giúp sức...Ai cũng hành động bằng niềm tin vào những điều tốt đẹp, vào sức mạnh của cộng đồng để đẩy lùi dịch bệnh một cách nhanh nhất.
 
...Đi rồi mới thấy, những nhiệt huyết từ trái tim những người dân Việt, người dân Huế, những cựu chiến binh, phụ nữ, đoàn thanh niên, những cụ già, em nhỏ, đến những công chức, viên chức trong công sở, trường học, cả những tu sĩ, tỳ kheo... vốn tu tâm, tu tính, tu thân trong những Nhà dòng, những ngôi chùa...vốn thuộc về cuộc sống tâm linh yên bình khác.... Thế nhưng, trên trận tuyến “chống dịch như chống giặc”, tất cả cùng đồng hành cùng với nỗi lo chung của Đất nước.
 
Thế mới có những chuyến xe theo mệnh lệnh trái tim của những bác sĩ, điều dưỡng, y tá... tuyến đầu vào Nam chia lửa, mới có những đoàn quân tình nguyện ở các chốt kiểm dịch cả đêm ngày, mới có các anh bộ đội cụ Hồ trên mặt trận chống giặc dịch của thời bình “ sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu khi Tổ quốc cần”, những chuyến xe chở ăm ắp nghĩa tình của người dân mọi miền gửi miền Nam ruột thịt. Người góp ngày lương, người góp công, góp sức...Mỗi một chuyến xe đi chở thêm những ân tình và hy vọng...
 
Người không biết có thể tưởng tượng trong những khu cách ly kia, bên trong cách cổng chỉ có những người cần phải cách ly, ngày ăn ba bữa, hết thời gian quy định thì ra, cổng thì khoá, ra thì phạt, rứa là yên tâm, có gì phải lăn tăn?!
 
Ấy vậy mà không phải vậy. Những bữa ăn không chỉ là cơm, là thịt, trứng, cá, rau củ quả... Mà còn là tình người, lòng người và biết bao nhiêu sự chia sẻ của cộng đồng cùng những người trong khu cách ly. Những khu cách ly ít thì vài chục người, nhiều thì vài trăm, thậm chí năm đến bảy trăm người. Những bữa cơm được phục vụ không giống bữa cơm ngoài quán, nhà hàng hay như ở Nhà...
 
... Tôi về một khu hậu cần phục vụ cho công tác cách ly tại một trường học đang được trưng dụng tạm thời trên địa bàn thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế. Giữa cái nắng như đổ lửa, mọi người đang hăng say làm công việc được phân công. Nói là phân công cho có khoa học, cho nhanh nhạy, trôi chảy ở các khâu, các phần việc. Chứ gần như những người phụ trách và phục vụ ở các khu hậu cần đều trên tinh thần tự nguyện. Theo lời giới thiệu của Chủ tịch Hội Nông dân địa phương, thì tại đây có rất nhiều thành phần tham gia hỗ trợ: từ quân đội, công an, y tế, lực lượng đoàn thể của Hội phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, Đoàn thanh niên, còn có các người dân trong vùng ủng hộ nhiệt tình. Người ủng hộ ngày công, người ủng hộ lương thực thực phẩm, người ủng hộ đường sữa, nước uống...Thậm chí có những Mệ già bảy mươi, tám mươi tuổi cũng đến tham gia hỗ trợ bữa ăn cho những người đang cách ly.
 
Thực hiện công tác khử khuẩn trước khi vào thăm khu vực chế biến thức ăn, tôi thấy các món ăn đang được nấu bởi các Chị, các Mệ, các em. Những chiếc khẩu trang che kín khuôn mặt, nhưng những ánh mắt ân cần vẫn ánh lên khi chăm chút từng món ăn cho đồng bào.
 
Đến giai đoạn chia thức ăn, tôi cảm nhận rõ tình cảm và trách nhiệm của những người tham gia hỗ trợ hậu cần. Chia thế nào cho đều, trình bày thế nào cho đẹp để người ăn ăn được nhiều, đảm bảo sức khỏe chống dịch,... Những bàn tay thoăn thoắt, người soạn hộp, người gói canh, người chia nước mắm, người chia thức ăn, trái cây...Tôi cũng xin phép tham gia trong buổi chiều ý nghĩa đó, tay đeo găng cẩn thận, khẩu trang đeo kín mít, giữ khoảng cách...Tôi cũng nhanh chóng hoà nhập vào công việc hậu cần như một tình nguyện viên thực thụ. Khi những hộp cơm đã sửa soạn xong và lưu mẫu, thì tất cả được vận chuyển đến khu cách ly phục vụ đồng bào theo quy định.
 
Dù rất muốn trực tiếp chứng kiến những điều diễn ra trong khu cách ly, để viết trọn vẹn hơn về những điều mà có thể tôi, cũng như chúng ta chưa hình dung hết về những điều đã biết và chưa kịp biết...; nhưng những gì đã thấy và chia sẻ, cùng những thông tin được cung cấp từ những người phục vụ tại các khu cách ly, khiến tôi cảm thấy mình không nên làm phiền đến những tấm lòng thiện nguyện. Bởi lẽ, nếu tôi không thể giúp thêm được gì hơn, thì cũng không nên tạo thêm những áp lực và lo lắng cho những người thực thi công việc của mình.
 
Chiếc xe chở những hộp cơm nhỏ - nặng nghĩa tình đang rời khu vực hậu cần, để đến với những người dân trong khu cách ly. Những người lái xe và giao thức ăn sẽ được khử khuẩn toàn xe và người để đảm bảo không lây nhiễm bệnh khi vào khu vực cách ly, nhưng những gì đang đọng lại trong tôi là những tình người, là những sẻ chia của triệu triệu trái tim Việt Nam với truyền thống “tương thân tương ái” của dân tộc. Tôi tin, chân lý ấy sẽ hiệu triệu những trái tim của “ người trong một nước- phải thương nhau cùng”./.
 
 
 
 
 
 
 
Tác giả: Lưu Ly
Các bài mới
Giấc xanh (16/03/2022)
Khóc từ xa (18/01/2022)
Tiếng thu gọi (29/11/2021)
Các bài đã đăng
Hương quê (07/10/2021)