DƯƠNG PHƯỚC THU
Hơn chục năm qua, đã mấy lần tôi được Hội Văn nghệ mời họp để bàn về chuyện sử. Mục đích của các anh lãnh đạo văn nghệ tỉnh là mong những người tham dự đóng góp sức lực, trí tuệ tìm “cho bằng được” cái ngày ra đời tổ chức văn nghệ tiền thân của Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế ngày nay mà (ai cũng nói) đã có từ lâu.
Sở dĩ vậy, vì ai cũng mong, cũng muốn có một ngày truyền thống cho riêng của những người hoạt động trong lĩnh vực văn học nghệ thuật nói chung ở cuộc đất từng là kinh đô của cả nước. Nhưng vì thiếu tư liệu nên các cuộc họp ấy đã không như ý muốn.
Mới đây vào ngày 15/5/2013, tại trụ sở Liên hiệp các Hội văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế lại diễn ra buổi tọa đàm khoa học về chủ đề trên, tôi cũng được mời tham dự. Cuộc tọa đàm lần này có khá nhiều tham luận mang tính khoa học hơn những lần trước, được in thành “kỷ yếu”; nhiều ý kiến phát biểu của những người “có biết, từng biết về sự kiện” Hội nghị Họp bạn Văn nghệ ở làng Mỹ Lợi, xã Vinh Mỹ, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên vào khoảng tháng 10/1950.
Sau nhiều ý kiến trao đổi, nhiều chứng cứ “hồi tưởng” và “nhớ lại” được làm “sáng tỏ” chủ tọa buổi tọa đàm kết luận:
1. Có một Hội nghị Họp bạn Văn nghệ đã diễn ra tại làng Mỹ Lợi vào năm 1950, khoảng tháng 10.
2. Ngày giờ cụ thể chưa được rõ?
3. Địa điểm tổ chức tại rừng dương, có người nói là ở nhà thờ họ Trần, nhưng cũng có người khẳng định tại nhà thờ họ Lê Phước, thôn Tư, cả ba nơi ấy đều thuộc làng Mỹ Lợi - mặc dù đã có vài ý kiến khác nhau, nhưng không quan trọng.
Cuối buổi tọa đàm mọi người đi đến thống nhất: tạm lấy ngày 15/10/1950 làm ngày truyền thống.
Kết thúc cuộc tọa đàm này ai cũng hoan hỉ. Vì bao nhiêu năm công phu lục tìm, vào Nam ra Bắc gặp gỡ những người từng dự cuộc Hội nghị Họp bạn Văn nghệ ở làng Mỹ Lợi đã “hồi tưởng” và “nhớ lại” nay mới được mỹ toàn.
Là một hội viên văn nghệ đã nhiều năm, thú thật là tôi rất mừng.
Mừng thì mừng nhưng ngẫm lại tôi thấy có điều gì đó chưa ổn. Vì quả đúng như vậy thì cũng chỉ mới là ngày “ra đời” của “đứa con” văn học mà thôi. Ở đây chúng ta “đang dò tông tích tìm cả dòng họ văn nghệ” về cái ngày thành lập nên tổ chức tiền thân của Liên Hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế.
Trăn trở và khắc cốt ghi tâm về sự kiện “ngày ra đời Hội văn nghệ” xa xưa ấy. Trong mấy năm bỏ công sưu tầm, nghiên cứu, hệ thống tư liệu để xây dựng đề cương cuốn Lịch sử báo chí Thừa Thiên Huế, từ sơ khởi đến năm 2015, qua những tờ báo xuất bản ở Huế (cả công khai lẫn bí mật) từ 1930 đến 1954, tôi đã tiếp cận được một số tư liệu mà báo chí thời ấy đã công bố. Và rất may cho tôi “duyên lành phổ độ”, tôi đã bắt gặp được cái ngày ấy, ngày ra đời của “Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên”.
Báo Quyết chiến, Cơ quan Thành bộ Việt Minh thành phố Huế, về sau là của Việt Minh Nguyễn Tri Phương (bí danh của tỉnh Thừa Thiên), do Nguyễn Hoàng làm chủ bút; các ông Nguyễn Đức Phiên, Vĩnh Hòa, Nguyễn Cửu Kiếm kế nhau làm quản lý và trị sự. Số 1 ra ngày 27/8/1945, khổ 25x19cm; xuất bản đến trước ngày toàn quốc kháng chiến mấy hôm mới ngừng phát hành. Trong gần hai năm Quyết chiến ra khoảng 385 số (hiện đã sưu tầm được đến số 324 ra ngày 21/9/1946). Tòa soạn Quyết chiến lúc đầu đóng ở 43 Trần Hưng Đạo, sau chuyển sang số 2 Nguyễn Tri Phương, đầu năm 1946 lại chuyển qua Hàng Bè, nay là đường Huỳnh Thúc Kháng.
Cột tin trên báo Quyết Chiến ngày 28/9/1945 đăng tin về Liên đoàn Văn hóa Cứu quốc Thừa Thiên thành lập |
Là nhật báo, Quyết chiến đưa tin hàng ngày rất kịp thời, nóng hổi. Ngoài tin địa phương còn có tin tức trong nước và thế giới; “phóng viên cách mạng” lăn lộn xuống cơ sở cập nhật được nhiều sự kiện mới, kể cả việc: “Ba người Pháp và một người Mọi “đổ bộ” vào cửa Thuận An hỏi thăm Phạm Quỳnh và Nguyễn Tiến Lãng bị “Giải phóng quân” của ta tước lột khí giới”. Báo còn công bố về nhiều tổ chức quần chúng của cách mạng đã được thành lập, ra mắt đồng bào. Một trong những tổ chức ấy là Liên đoàn của những người hoạt động văn hóa nghệ thuật.
Để bạn đọc tiện tham khảo về những sự kiện có liên quan đến ngày thành lập Hội Văn nghệ, những tư liệu dưới đây, được in nghiêng là của báo Quyết chiến đã công bố:
Báo Quyết chiến số 23, ra ngày 20/9/1945 viết:
LIÊN ĐOÀN VĂN HÓA CỨU QUỐC THỪA THIÊN THÀNH LẬP
Hơn 50 nhà văn, nhà báo, nghệ sĩ ở Thuận Hóa họp tại Sở Tuyên truyền tối hôm 18/9/45 đã lập xong Liên đoàn Văn hóa cứu quốc Thừa Thiên.
Liên đoàn này gồm 4 ban: Văn học, Hội họa điêu khắc và Kiến trúc, Âm nhạc, Ca kịch, dưới sự điều khiển của một Ủy ban chấp hành lâm thời 5 người:
Chủ tịch: Hoài Thanh
Phó Chủ tịch: Đào Duy Dếnh
Thư ký: Thanh Tịnh, Hà Thế Hạnh Thủ quỹ: chị Quốc Thuận.
Chương trình và điều lệ Liên đoàn do Ủy ban chấp hành lâm thời dự thảo nay mai sẽ đưa ra thảo luận trong một cuộc Đại hội nghị các nhà văn, nhà báo, nghệ sĩ ở Thuận Hóa.
Trong buổi hội họp hôm 18/9/45, toàn thể hội nghị đã chấp thuận đề án ba bức điện văn cương quyết ủng hộ Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính quyền nhân dân, nhiệt liệt hưởng ứng anh chị em văn hóa Bắc Bộ, và tha thiết kêu gọi anh chị em văn hóa các tỉnh mau tổ chức liên đoàn văn hóa hàng tỉnh để đi đến sự thành lập Liên đoàn Văn hóa cứu quốc Trung Bộ.
Hội nghị thành lập Liên đoàn lâm thời vừa xong, trên cái nôi êm ấm ấy Ban Hội họa (Hội Mỹ thuật) cũng đã ra đời:
Ban Hội họa của Liên đoàn Văn hóa cứu quốc Thừa Thiên đã thành lập Ủy ban lâm thời gồm có:
Chủ tịch: Nguyễn Đức Nùng
Phó Chủ tịch: Phạm Viết Song
Thủ quỹ: chị Mộng Hoa
Thư ký: Nguyễn Xuân Nghi
Kiểm soát: Tôn Thất Đào.
Cột tin trên báo Quyết Chiến ngày 21/9/1945 đăng tin về thông báo về Đại hội nghị Liên đoàn Văn hóa Cứu quốc Thừa Thiên |
Tiếp theo, Quyết chiến số 24 ra ngày 21/9/1945, đăng thông báo mời đại biểu đến dự Đại hội thành lập Liên đoàn chính thức:
Tối thứ bảy 22/9/45, hồi 7 giờ 30, Liên đoàn Văn hóa cứu quốc Thừa Thiên sẽ họp Đại hội nghị tại Sở Tuyên truyền.
Điều cốt yếu trong chương trình nghị sự là thảo luận về điều lệ và chương trình hành động.
Vậy xin mời tất cả các nhà văn, nhà báo, kịch sĩ, họa sĩ, nhạc sĩ và các nhà điện ảnh, nhiếp ảnh, những người có mặt trong buổi họp hôm 18/9 cũng như những người vắng mặt hôm đó đến dự cho đông.
Lời đăng báo này thay giấy mời riêng.
Ủy ban chấp hành lâm thời kính mời.
Để chuẩn bị cho một hoạt động nghệ thuật có ý nghĩa chào mừng thắng lợi của Đại hội nghị thành lập chính thức Liên đoàn Văn hóa cứu quốc Thừa Thiên, Ban Hội họa đã ra thông báo mời các họa sĩ tham gia triển lãm phòng tranh tuyên truyền. Đây là cuộc triển lãm mang tính lịch sử đầu tiên của giới họa sĩ Huế sau Cách mạng tháng 8/1945.
Thông báo này được đăng cùng số báo với “giấy mời” của Liên đoàn:
Chủ nhật 23/9/45, hồi 3 giờ chiều tại Viện Dân biểu cũ sẽ khai mạc phòng triển lãm tranh tuyên truyền của Ban Hội họa trong Liên đoàn Văn hóa cứu quốc Thừa Thiên, dưới quyền bảo trợ của anh Phó ủy trưởng Tuyên truyền Trung Bộ.
Vậy xin báo cho các họa sĩ biết để đem ngay tranh tới phòng tuyên truyền.
Ban Hội họa - Liên đoàn Văn hóa cứu quốc Thừa Thiên.
Và chỉ sau 4 ngày hoạt động lâm thời, Đại hội nghị Liên đoàn Văn hóa cứu quốc Thừa Thiên đã chính thức khai mạc như dự kiến. Quyết chiến số 26 ra ngày 24/9/1945, đưa tin:
ĐẠI HỘI NGHỊ LIÊN ĐOÀN VĂN HÓA CỨU QUỐC THỪA THIÊN
Tối hôm 22/9, Liên đoàn Văn hóa cứu quốc Thừa Thiên họp Đại hội nghị tại trụ sở Ban Tuyên truyền Trung Bộ, đã duyệt y điều lệ và chương trình hành động của Liên đoàn do Ủy ban chấp hành lâm thời dự thảo và bầu Ủy ban chấp hành chính thức như sau:
Chủ tịch: Hoài Thanh
Phó Chủ tịch: Đào Duy Dếnh
Thư ký: Hoàng Hữu Xứng, Thanh Tịnh
Ủy viên tài chính: chị Quốc Thuận.
Liên đoàn dự định xuất bản một tờ tuần báo lấy tên là Đại chúng và lập một đoàn tuyên truyền lưu động sẽ đi khắp các huyện trong tỉnh.
Trụ sở tạm thời của Liên đoàn ở số 2 đường Nguyễn Tri Phương, Thuận Hóa.
Cột tin trên báo Quyết Chiến ngày 24/9/1945 đăng tin về Đại Hội nghị Liên đoàn Văn hóa Cứu quốc Thừa Thiên |
Địa chỉ số 2 đường Nguyễn Tri Phương cũng chính là nơi đóng nhật báo Quyết chiến và tuần báo Đại chúng. Tháng 11/1945, Đại chúng ra số đầu tiên, do Tôn Thất Dương Kỵ làm chủ bút, Phan Thao là Thư ký Tòa soạn, họa sĩ Phạm Đăng Trí trình bày. Từ tháng hai năm sau, vẫn ban biên tập ấy, Đại chúngđược nâng lên thành tạp chí, mỗi tháng ra một kỳ, số 1 ra ngày 1/3/1946. Từ lúc này Đại chúng trở thành Cơ quan văn hóa cứu quốc Trung Bộ, chuyển về 35 phố Hàng Bè.
Căn cứ vào những tư liệu trên, rõ ràng Liên đoàn Văn hóa cứu quốc Thừa Thiên đã được thành lập vào ngày 18/9/1945, đây chính là tổ chức tiền thân của Liên Hiệp Các Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế ngày nay.
Như vậy, đến tháng 9/2015, cùng với Quốc khánh lần thứ 70 Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, Liên Hiệp Các Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế sẽ bước tới cái tuổi “xưa nay hiếm”.
D.P.T