Truyện ngắn
Về nhà
08:42 | 13/01/2017

LÊ MINH PHONG

Người đàn ông miền quê lại dừng xe để sờ lên xác vợ mình. “Còn ấm lắm em à.” Ông nói và bỏ mặc những ánh mắt sợ hãi của dòng người trên phố. “Ta về thôi em.” Người đàn ông nói.

Về nhà
Minh họa: Lê Minh Phong

Mặt trời như chảo lửa chiếu vào khuôn mặt khắc khổ và đôi mắt bạc trắng của người đàn ông. Hơi nóng của bê-tông trên đường và trên những tòa nhà bằng kính dường như muốn thiêu cháy cái xác chết đang được buộc chặt sau chiếc xe honda cũ nát.

“Về nhà thôi. Ta về nhà thôi.” Người đàn ông lại nổ máy và cho xe chạy. Hai bên phố người ta vẫn không ngớt chỉ tay về phía người đàn ông miền quê đang chở xác vợ mình. “Ngủ đi em, không sao đâu. Chẳng sao cả, lỗi không thuộc về chúng ta. Nào, ngủ ngoan nào.” Người đàn ông miền quê cho xe chạy thật chậm, sợ xác của vợ mình sẽ rơi xuống, vì khi buộc xác vợ mình lên xe, ông đã không thể xiết mạnh dây thừng. “Đau lắm, phải không em?” Người đàn ông nói. “Nhưng không sao cả. Về thôi nào.” Người đàn ông nói. Ông nói như thể để giữ lấy cho mình những hơi thở yếu ớt còn lại sau bao ngày đau thương nơi chốn thị thành.

Chiếc xe honda chạy một cách khó khăn dưới sức nặng của cả người còn sống và người đã chết. Họ đã đi qua không biết bao nhiêu dãy phố. Họ đã bỏ lại không biết bao nhiêu ánh mắt sợ hãi của tha nhân trên đường. Họ đã bỏ lại không biết bao nhiêu những tiếng thét của trẻ con trên phố khi chúng chứng kiến xác người được chở đi. Sự đớn đau giờ đây đã chuyển hóa thành những mảnh chai sắc nhọn trong mắt người đàn ông miền quê. Ông đang cố giữ lấy những hơi thở còn sót lại trong lồng ngực của mình. Bây giờ, người đàn ông miền quê biết rằng nếu để cho nước mắt chảy ra thì ông không thể về đến nhà được. “Gắng lên em, mình sẽ về nhà em à. Sớm thôi.” Người đàn ông nói và nghĩ tới những gì ông ta và vợ của mình đã phải trải qua trong bệnh viện suốt mấy tháng trời. Cho tới hôm nay, khi màn thảm kịch này xảy ra, người đàn ông miền quê vẫn không thể nào hiểu nổi về những điều phi lý trong cuộc đời này. Những ngày còn trong bệnh viện, mỗi khi vợ lên cơn ho rũ rượi rồi gục lên vai mình, người đàn ông lại muốn thét lên, nhưng tiếng thét của ông bị nhấn chìm sâu vào cuống họng. Chẳng có một tiếng thét nào được phát ra. Rồi sau những cơn đau, sau những cơn ho rặc rụa thì vợ của người đàn ông lại mê man vào những giấc ngủ đầy mộng mị. Những giấc ngủ sầu muộn đưa người đàn bà đi vào vùng tối tăm của tiềm thức. “Các con ơi, bắt lấy chúng, đừng để những chiếc bánh nướng ấy vụt mất. Ăn đi, thèm lắm phải không?” Đó là những câu nói thường được lặp đi lặp lại khi người đàn bà mê ngủ. Hôn lên tóc của vợ mình, người đàn ông miền quê lại úp mặt vào tay. Úp mặt vào tay để nghe nước mắt chát mặn. Dưới giường bệnh, lũ chuột cống lại nhảy múa những điệu vũ của chúng.

Xe vẫn chạy đều trên phố. Có những người hiếu kỳ rượt theo người đàn ông miền quê rồi lấy điện thoại di động ra chụp ảnh. Hình ảnh người đàn ông miền quê chở xác vợ mình trên phố bằng chiếc honda cũ nát là hình ảnh mà không có một ngôn từ nào có thể diễn tả hết được. Đó là hình ảnh không thuộc về sự đau đớn vì nó đã vượt lên trên hết thảy mọi thứ đau đớn. Hình ảnh đó cũng không thuộc về một tấn bi kịch nào cả, vì nó đã vượt lên trên mọi tấn bi kịch trên mặt đất tang thương. Hình ảnh đó không thuộc về gì cả, nó nằm ngoài mọi nỗi sợ hãi, nó thách thức tất cả những giọt nước mắt. Nó là những chiếc đinh nhọn han gỉ trong lương tri thối rữa của con người.

Ở quê, bên vách núi, trên thềm nhà bằng đất, dưới mái lá mục nát, hai đứa trẻ lấm len vẫn ngồi đó nhìn ra ngõ. Chúng nhìn ra ngõ để chờ đợi như suốt bao ngày chúng đã chờ đợi. Nỗi đợi chờ in hằn trong những con mắt non nớt thơ ngây. “Mẹ...”. Đứa trẻ nhỏ hơn chỉ tay ra ngõ và gọi mẹ. Đứa bé gái lại cố hết sức để ẵm lấy em mình, để dỗ cho em mình ngủ đi và đừng gào khóc nữa. “Chị ơi... Mẹ... Chị gọi mẹ về đi.” Đứa em lại gào khóc, chị nó cũng khóc theo. Hai con chim non ôm lấy nhau và cùng khóc bên thềm nhà hoang lạnh.

Bây giờ chiếc xe honda đã bỏ lại thành phố, đã bỏ lại cái bệnh viện màu vàng hoen ố kia, đã bỏ xa lũ chuột cống hôi xác người, đã thoát khỏi những tiếng rên đau đớn của các bệnh nhân khác. Nó đang thênh thang lăn bánh qua từng cánh đồng thơm mùi rơm rạ. “Mùi rơm, anh thích mùi của rơm, em à. Anh thích những cánh đồng đầy rơm sau mùa gặt.” Người đàn ông ngoái đầu nhìn vào xác vợ mình sau xe và nói. “Em nhớ không, lần đầu mình cầm tay nhau cũng trên một cánh đồng đầy rơm. Em còn nhớ chứ? Em ngủ rồi à? Anh chẳng bao giờ quên được mùi tóc của em hòa vào mùi của rơm trên cánh đồng ngày ấy. Lâu rồi, lâu quá rồi em nhỉ?...” Người đàn ông nói. Và bây giờ thì người đàn ông lại hát, ông hát thật to để những giọt nước mắt không có cơ hội hình thành trong tuyến lệ. “Quê hương ơi, sao người cứ biếng cười mãi thế...”. Tiếng hát của người đàn ông bay theo gió về trời, về với nơi chỉ có mây và núi.

“Em ngủ thật sâu, em nhé.” Người đàn ông miền quê nói và cố để xe đi thật chậm bởi đoạn đường này quá nhiều đá sỏi. “Ngủ sâu và ngửi lấy mùi rơm, em ạ. Thơm lắm. Anh không thích việc em cứ hay quên mọi thứ. Anh nhớ khi mình mới cưới nhau, em đã nói rằng em sẽ chết sau anh, em sẽ không để anh khóc khi nhìn em ra đi. Em quên mất rồi phải không? Ừ, cũng đúng thôi, lâu rồi, lâu quá rồi!” Người đàn ông miền quê lại nói một mình. Khi tới chỗ bóng râm của cây ngô đồng ấy, người đàn ông miền quê dừng xe lại. “Nghỉ một tí em à, đường còn xa quá.” Ông vừa nói vừa sờ lên xác vợ. Có những vết chém tuôn trào trong lồng ngực của ông khi ông biết xác vợ mình đã lạnh ngắt từ lâu. “Em, Mi, Mi ơi...”. Người đàn ông gào lên rồi quỳ xuống bấu mười ngón tay vào xác vợ. Mười ngón tay xuyên qua những hoa văn màu đỏ tươi trên tấm chiếu cói cuộn tròn xác người lạnh ngắt.

Bên vách núi, trên thềm nhà, hai đứa trẻ vẫn đang chơi đùa với những viên sỏi. “Đây là ba, còn đây là mẹ.” Đứa bé gái chỉ vào hai hòn sỏi nhỏ và nói với em mình. “Em ở đâu?” Đứa trẻ nhỏ hơn phụng phịu hỏi chị. “Em ở đây, em ở giữa ba và mẹ.” Đứa bé gái đặt một viên sỏi nhỏ hơn vào giữa hai viên sỏi lớn. “Chị ở đâu?” Đứa em hỏi. “Chị Ly đi học rồi, tan trường rồi, chị Ly đang về nhà đây.” Đứa bé gái lại nhặt ra một viên sỏi nhỏ và đặt xuống nền đất. Rồi nó lặng người đi. Đã hai tháng nay nó phải nghỉ học. Nó nghỉ học vì nhà không có tiền đóng học phí. Nó nghỉ học vì mẹ nó lên phố để nhập viện. Đứa bé gái cảm thấy nhớ trường, nhớ lớp, nhớ những con chữ đầu tiên trong đời nó. “Chị viết tên em nhé, chị biết viết tên em rồi đấy, Miên à.” Đứa bé gái dùng một chiếc que nhỏ viết tên em nó lên nền nhà. Những ngón tay bé xíu ấn chiếc que di chuyển trên nền đất lạnh.

“Em hát lên đi.” Người đàn ông miền quê ngoái lại nhìn xác vợ mình sau xe và nói. “Bài nào cũng được.” Người đàn ông nói rồi cho xe chạy số 1 vì ông chuẩn bị lên một đoạn đường dốc khá cao và có nhiều tảng đá lớn gần như chắn ngang đường. “Em hát bài gì cũng được mà. Hát đi. Mi.” Người đàn ông miền quê biết rằng chẳng có ai trả lời mình cả, nhưng ông vẫn nói, ông nói cũng giống như ông phải thở để duy trì sự tri nhận của mình, sự tri nhận ngoại giới đã dần trở nên mờ đục trong đôi mắt tuyệt vọng. “Nào, lên nào...”. Người đàn ông gào to và cố gắng hết sức để giữ thăng bằng cho chiếc honda cũ nát, cũ nát như một con ngựa già đang trở nên vô dụng. Người đàn ông và chiếc xe đang bò lên dốc như đang bò lên chính số phận nghiệt ngã của mình. “Các con ơi, ba mẹ gần về rồi nè.” Người đàn ông nói và cắn vào môi, môi người đàn ông thâm đen và bật máu. Tiếng nói của người đàn ông bị những tảng đá lớn hai bên vách núi nuốt vào hư vô.

“Mẹ...”. Đứa trẻ nhỏ vẫn khóc mặc cho chị nó đã ôm chặt nó vào lòng. Chúng nhìn ra ngõ rồi phóng tầm mắt về phía có những dãy núi trước mặt, những dãy núi xa mờ. Chúng biết rằng phía bên kia những dãy núi đó có ba mẹ chúng. Rồi chúng nhìn thấy những áng mây đen bắt đầu kéo tới trên đỉnh núi. Chúng còn nghe tiếng sấm ở đâu rất xa vọng lại. Gió bắt đầu đổi chiều, da thịt chúng bắt đầu cảm nhận được hơi thở của cơn mưa cuối hạ. “Em đói.” Đứa em nói. Đã mấy ngày nay chị em chúng chỉ ăn toàn cơm nguội và một ít khoai lang của những người láng giềng sang thăm và cho chúng. Đứa bé gái dìu em nó vào bếp và nhìn vào nồi cơm nguội trơ đáy. “Mẹ gần về rồi, Miên à. Mình ra thềm ngồi chờ đi.” Đứa bé gái dỗ dành em nó và cạo lấy những hạt cơm còn sót lại, bỏ vào một chiếc bát bằng nhựa. Bây giờ, dưới hiên nhà, hai đứa trẻ đang sung sướng với những hạt cơm nguội. Chúng đưa từng hạt cơm nguội vào miệng và nhìn ra ngõ. Mưa. Bắt đầu có những giọt mưa len lỏi trong gió rồi rơi xuống trước hiên, và sau đó thì những sợi mưa dài bất tận rơi xuống, khiêu vũ trên mái lá của căn nhà nhỏ. Hai con chim non nép vào nhau và ôm chầm lấy nhau trong sợ hãi. Mưa mỗi lúc mỗi lớn, tiếng mưa át đi tiếng khóc của trẻ nhỏ. Mưa nhấn chìm những tiếng khóc đó vào tận sâu trong những bí mật của hàng ngàn giọt nước kéo xuống từ trời.

“Mưa. Mưa rồi, Mi à.” Người đàn ông miền quê dừng xe và buộc lại xác vợ mình. Ông cố gắng kéo manh chiếu dài ra để phủ lên xác vợ cho khỏi bị ướt. “Ngủ ngoan. Không sao cả, chẳng sao đâu, nhà mình phía trước, qua khỏi mấy dãy đồi nữa thôi.” Người đàn ông nói và những vết đâm trong tim ông bắt đầu trào lên nơi cuống họng. “Ngủ. Anh cũng mong tới ngày anh được yên ngủ. Mi à. Em à.” Người đàn ông nói và lên xe. Chiếc xe lại khó nhọc đưa họ về nhà dưới màn mưa đen kịt. Chiếc xe vẫn cố trườn mình về phía trước. Nước từ trên những đỉnh núi bắt đầu ào xuống chắn ngang lối về. Rồi khi nước dâng lên ở những đoạn đường thấp thì chiếc xe chết máy. Nó đã bỏ cuộc.

“Đừng khóc, đừng khóc nữa, em mà khóc chị cũng khóc theo em đấy.” Đứa bé gái vừa nói vừa vỗ tay lên lưng em mình để dỗ dành nó. “Chị hát nhé, chị hát cho em nghe nhé, nhưng chị quên hết những bài hát ấy rồi, chị Ly không được đi học nữa nên chị Ly quên dần đi những bài hát ấy...”. Đứa bé gái nói và úp mặt vào tóc em mình để ngửi lấy mùi mồ hôi chát mặn. Trời bắt đầu tối dần, mưa vẫn không ngớt, hàng chè tàu trước ngõ tả tơi trong mưa, những con gà lạc mẹ đang kêu chiêm chiếp dưới gầm giường. Hai con chim non vẫn nép vào nhau trước thềm để đợi ba mẹ của chúng. Ba mẹ sẽ về và mang theo đủ các loại bánh trái từ thành phố. Thành phố bao giờ cũng đầy ánh sáng hoa lệ và các loại bánh trái, những chiếc bánh ngọt mà nhiều lần chúng đã thấy trên tivi, những chiếc bánh có nhân bằng sữa và hạt đậu xanh, những chiếc bánh thơm mùi dừa và mùi gì đó nữa mà chúng không thể tưởng tượng ra được. Khi về nhà, mẹ sẽ đi nấu cơm, ba sẽ thắp hương lên bàn thờ tổ tiên và hai chị em sẽ rúc vào trong chăn chơi trò đuổi bắt. Khi ba mẹ về nhà thì nhà sẽ đầy tiếng cười và lửa sẽ hò reo trong bếp. Và rồi thì cơm nóng, rồi thì canh rau ngót và những quả cà muối. Rồi có thể sẽ có những lát thịt ngon ba mẹ mua về từ thành phố. Thành phố, thành phố thật tuyệt vời, thật tuyệt nếu một ngày nào đó hai con chim non sẽ được lên thành phố. Có khi nào được như vậy không?

Có bao giờ được như vậy không hả những giấc mơ bé mọn ấy?...

Dưới mưa, trên những đoạn đường đất lở, màu đỏ của đất đá, màu bạc trắng của nước mưa như đang nhấn chìm người đàn ông miền quê cùng với xác vợ mình. Bây giờ họ là những chấm nhỏ di động dưới màn mưa. Phía trước họ là những dãy núi điệp trùng chìm khuất. Đường về nhà sâu hun hút. “Quê hương ơi, sao người cứ biếng cười mãi thế...”. Người đàn ông miền quê hát nhưng dường như đó không còn là tiếng hát. Đó là tiếng tru, tiếng tru đơn độc trong mưa và trong núi rừng câm lặng. “Mi, thức dậy đi em, được rồi đấy, em đùa anh như vậy là đủ rồi. Thôi đi, thôi đi nào, mở mắt ra cho anh xem nào.” Giọng nói của người đàn ông lạc đi và sau cùng chỉ còn là những tiếng khò khè trong cổ họng.

Dưới mưa, bên thềm nhà ẩm thấp, những con gà con rúc đầu vào trong áo của hai đứa trẻ tìm hơi ấm. Đứa trẻ nhỏ cũng rúc đầu vào ngực chị mình để tìm hơi ấm. Trong mưa, trong gió lạnh của núi rừng thì tìm đâu ra hơi ấm? Nhưng có lẽ tất cả chúng đã được học cách để tìm lấy hơi ấm trong nhau, hơi ấm của tưởng tượng sẽ giúp chúng sinh tồn trong số phận nghiệt ngã của chúng ở cuộc đời tạm bợ này.

“Về nhà rồi.” Người đàn ông như reo lên. “Mi ơi, mình về nhà rồi, thức dậy thôi em.” Người đàn ông miền quê nói và cố đẩy chiếc xe đi nhanh hơn. Trước mắt người đàn ông, lấp ló sau màn mưa là một ngôi nhà nhỏ neo bên vách núi. “Về nhà thật rồi.” Người đàn ông nói và ngoái nhìn xác vợ mình sau xe. “Anh phải nói gì đây với các con? Mi ơi, anh phải nói sao đây với các con?” Người đàn ông miền quê đứng lại. Người đàn ông miền quê đứng lại như một con thú rừng mắc bẫy giữa biển trời trắng nước. “Anh phải nói gì đây, Mi ơi?” Ông nghiến chặt răng. “Về nào.” Người đàn ông nghiến chặt răng và cố đẩy chiếc xe honda tiến về phía ngôi nhà bằng lá. “Về thôi. Các con ơi, ba mẹ về rồi đây.”

“Ba mẹ về. Miên ơi, ba mẹ về rồi.” Đứa bé gái reo lên và đánh thức em nó. Hai chị em bật dậy và ào ra ngoài sân. Người đàn ông miền quê cho xe nép vào hàng dậu và quỳ xuống ôm lấy con mình. “Mẹ đâu hả ba? Cái gì sau xe vậy ba?” Hai con chim non đồng thanh cất tiếng hỏi rồi trườn tới bên chiếc xe: “Mẹ đâu rồi ba? Cái gì đây ba?” Đứa bé gái vén manh chiếu cói ra xem rồi gào lên thảm thiết.

Người đàn ông trườn tới xiết chặt con mình vào lòng và ngửa mặt để mưa rơi xuống trong mắt.

Mưa.
Mưa rừng rơi.
Buốt tóc...

L.M.P
(TCSH334/12-2016)

Tác giả: Lê Minh Phong
Các bài mới
Lưỡi đêm (07/08/2017)
Giấc xuân (19/01/2017)
Các bài đã đăng
Gió xanh (04/10/2016)
Đêm rừng lạnh (07/10/2014)
Mưa Huế (07/10/2014)
Lưỡi đêm (06/10/2014)