Truyện ngắn
Chuyện cũ ở quê nhà
13:48 | 06/10/2014

TRẦN THÙY MAI

Làng tôi nằm ven bờ sông Hiếu, một ngôi làng nhỏ nép sau lũy tre xanh, trông xa như một đám mây dày màu xanh lục nổi lửng lơ trên mặt nước. Tưởng chừng tuổi thơ tôi gắn liền với tiếng lá tre khua xào xạc: sau này, khi tôi đã đi rất nhiều nơi, mỗi lần vọng tưởng về quê, cái âm thanh mơ hồ buồn buồn ấy cứ gieo vào hồn tôi một cảm giác gì mênh mông, khó tả.

Chuyện cũ ở quê nhà
Nhà văn Trần Thùy Mai
Ông bà ngoại tôi mất sớm. Mẹ tôi mồ côi từ khi mới lọt lòng. Người anh lớn đem mẹ bán cho phường hát bội. Đến mười tuổi mẹ được một người bà con chuộc về, năm mười sáu đã xuôi ngược làm ăn tận Bình Định, Phú Yên, rồi trôi dạt ra Quảng Trị. Cuộc đời mẹ không có tuổi nào là thiếu nữ: chỉ toàn gió bụi và truân chuyên, khi buôn bán ở Đông Hà, lúc lên Thượng Lào làm mướn. Cha mẹ tôi gặp nhau chính ở cái đất Lào xa xôi ấy. 

Khi tôi đủ trí khôn để nhớ những việc xảy ra thì cha mẹ đã hồi hương, cắm được bốn cái cọc lều nơi bìa đất ngôi làng ven dòng sông. Dạo ấy Tây còn ruồng dữ lắm. Cha làm cách mạng, chẳng mấy khi tôi được thấy mặt. Mẹ tần tảo buôn xáo nuôi cả nhà, hôm nào cũng gánh gạo đi khi tôi chưa tỉnh giấc và thường về lúc anh em tôi đã ngủ say. Tuổi thơ hầu như không mẹ, không cha, chúng tôi lớn lên bên bà nội. Cho mãi đến ngày lớn khôn, tôi còn nhớ như in cái tiếng ru trầm trầm, khàn khàn của người, hòa trong tiếng lá tre xào xạc, tiếng những thân tre nghiêng ngả cọ vào nhau và tiếng võng đưa kẽo kẹt:

Trồng trầu… trồng lộn… với tiêu

Con đi… đò dọc… mẹ liều… con hư…


Tôi, đứa bé lên bốn, nằm trên chiếc võng gai, lim dim mắt nhìn trời. Một màu xanh chói chang, trong ngần, sáng loáng. Nền trời ấy như chao đi cùng nhịp võng, những ngọn tre nghiêng ngả dập dềnh, và chiếc võng cũng dập dềnh theo lời ru, tất cả như một con thuyền đưa tôi vào giấc ngủ, bập bềnh trên sóng nước.

Buổi chiều, khi nhá nhem tối, anh em tôi dắt nhau ra bến đò trông mẹ. Trời đất xám lại một màu chàm lễnh loãng; cuối dòng sông là một vệt đỏ bầm, dấu vết của mặt trời vừa lặn. Năm thì mười họa, khi nào chuyến đò chót về sớm lắm, hai anh em tôi mới gặp mẹ. Trời chiều lung linh tan ra từng mảnh tan tác trên mặt nước, nơi chỗ mái chèo khuấy động. Tiếng người lao xao lên bến, tản dần đi trong hoàng hôn. Và mẹ thình lình hiện ra trong cái tranh tối tranh sáng của buổi chiều tà, toàn thân chìm trong màu áo đen và màu đêm, chỉ thấy rõ đôi mắt lấp lánh và khuôn mặt mờ mờ trắng.

- Hải, Khôi!

Hai anh em chạy lại, ôm chầm lấy mẹ. Trong bóng tối tôi quàng hai cánh tay nhỏ bé thít chặt cái thân hình tròn trặn, ngửi cái mùi mồ hôi đã khô, mặn mặn, nồng nồng. Mẹ tôi cúi lục ở đáy thúng, lấy ra hai miếng cốm rang. Niềm sung sướng được đón mẹ cứ ghi khắc trong tâm tưởng tôi, đến nỗi sau này, mỗi lần ăn lại vị cốm nếp tôi vẫn cứ thấy lòng lâng lâng, nao nao hạnh phúc.

Ôi những tháng ngày của tuổi thơ tôi!

Rồi bẵng đi một dạo, mẹ không buôn đò nữa. Mẹ còn chạy vạy những đâu tận trong thị xã. Cha tôi bị tù, bị tra khảo tàn nhẫn lắm thì phải: bà nội không nói, nhưng hai anh em biết qua lời hàng xóm xì xầm. Nhà cứ im ắng như có tang. Buổi sáng, tôi có tính háu đói, ngủ dậy là chạy ngay xuống bếp lục nồi. Ngày trước bao giờ cũng có sẵn một nồi cháo nấu với “chắt chắt” (1) nóng hổi, bốc mùi lá hẹ. Nhưng rồi một hôm bếp lạnh tanh. Tôi chạy lon ton ra níu áo bà:

- Mệ ơi! mệ! Con không có chi ăn hết nì. Đói bụng bắt chết nì!

Bà ngồi yên trên chõng, đưa hai cánh tay gầy khô ra im lặng vuốt tóc tôi. Mắt bà đỏ hoe, miệng nhếch một nụ cười gượng gạo. Tôi chợt nhận ra lâu nay môi bà không thắm quết đỏ như ngày trước.

Tại sao bà không nhai trầu? Tôi sực nhớ mấy tuần trước đây, mẹ quên mua vỏ cho bà, làm bà xoa xuýt suốt ngày. Bà tôi ghiền trầu và nổi tiếng thuộc loại mẹ chồng khó tính!

Thế mà bây giờ môi bà đã khô quết trầu, và trong bếp không còn cả tấm để nấu cháo nữa. Anh Hải tôi ra tuồng hiểu biết, đá cho tôi một cái đích đáng vào khuỷu chân:

- Mở mắt đã đòi ăn! Có mà ăn cứt họ tề!

Tôi òa khóc… Bất công quá trời, nào tôi đã biết gì đâu. Bà tôi đứng dậy, rút roi đòi đánh anh Hải, bây giờ đến lượt anh Hải khóc thét lên, rồi cuối cùng thì bà tôi cũng khóc, giọt nước mắt lóng lánh trên gò má nhô lên, xếp nếp.

Sau đó một thời gian, cha tôi trở về. Ông đã suy nhược tới mức suốt ngày nằm dài trên chiếc giường gỗ ở nhà trên. Tôi còn nhớ một hôm chạy chơi đến tối mịt mới về, mặt mũi lấm lem, tay chân dính bùn đen nhẻm. Cha tôi đang nằm chống tay ngồi dậy, hắng giọng:

- Khôi!

Tôi nín im, dựa lưng vào vách. Mười ngón tay dính bùn dán chặt vào bức nứa.

- Khôi!

Tôi từ từ lại gần, tim đập thình thình trong ngực. Cha tôi nạt tới: 

- Khôi! Đi mô chừ mới về? Sướng dữ há! Hải, lấy cho tao cây roi!

Cây roi! Trời ơi! Tôi khiếp đi. Có tiếng anh Hải tôi “dạ” dòn dã ngoài hiên. Tôi bủn rủn chỉ muốn kêu lên: anh ơi, đừng lấy roi!

Nhưng anh Hải đã chạy vào, đặt cạnh giường cha tôi cây roi, không, không phải roi mà là cây gậy tre to tướng mới nhìn cũng phát ớn. Tôi đang sắp sửa òa lên khóc thì chợt cha tôi bật cười, bảo:

- Anh em giỏi dậy đằng cho nhau dữ hí! Cha cái thằng Hải!

Anh Hải vừa cười, vừa chạy trốn sau hè. Tôi đứng im, bỡ ngỡ một lúc mới hiểu rằng cha không còn đủ sức để nhấc cây gậy bằng cỡ ấy lên nữa.

Ông nằm xuống, thở mệt nhọc rồi gọi tôi lại gần, nắm lấy tay, nhìn đăm đăm. Trong cái nhìn ấy có gì lạ lùng lắm. Người cha nằm đó, suốt năm năm của thời thơ ấu chẳng mấy khi tôi được sống gần. Bây giờ người ấy nhìn tôi, nửa như ái ngại, nửa như âu yếm, có cái gì đó không sao nói được thành lời.

Cách đó mấy hôm, cha tôi trở bịnh nặng. Bộ phổi đã dập không còn co bóp nữa, máu sủi lên hai mũi phập phồng. Rồi một hôm nửa đêm tôi tỉnh giấc, lạnh người nghe tiếng mẹ và bà hờ trời hờ đất, giữa canh khuya…

Mẹ tôi, lúc bấy giờ, mới hai mươi bốn tuổi.

Mẹ lại đi buôn đò, tiếp tục cuộc đời “một ngày hai bữa cơm đèn”. Và anh em tôi chiều chiều lại ra bến nước trông mẹ. Lại tiếng bơi chèo khuấy nước, tiếng người xôn xao tản dần đi trong bóng chiều, và cái vệt đỏ bầm pha lẫn vàng úa của những đám mây phía đầu sông nổi bật trên màu hoàng hôn xám ngắt. Trên bờ cỏ nhô cao, hai đứa bé ngong ngóng chờ. Từng người, từng người lên bến, bước chân nặng nặng vì gồng gánh. Khi con đò nhẹ tênh quay mũi bơi đi, anh em tôi dắt nhau ra về, chân thẫn thờ khua động trên lá tre khô. Rồi bữa cơm chiều uể oải, buồn thiu, và đến đêm tôi lại nghĩ mình sẽ cố thức để chờ mẹ. Nhưng rồi giấc ngủ đến thật nhanh trên mi mắt trẻ con, tôi thiếp đi trong tiếng bà tôi quạt muỗi sột sạt, tiếng dế kêu, tiếng hát khàn khàn, trầm trầm, hiu hắt:

Trồng trầu… trồng lộn… với tiêu

Con đi… đò dọc… mẹ liều… con hư…


Chẳng hiểu bà tôi nghĩ đến ai khi hát câu ca dao ấy? Mẹ tôi chăng?

Suốt đời dường như hình ảnh mẹ trong tâm tưởng tôi gắn liền với màn đêm tối xẩm. Nhưng ngay cả khi nhìn mẹ trong đêm, tôi cũng thấy khuôn mặt người sao mà sáng thế, dịu dàng, tròn trặn làm sao. Trong mắt mẹ chẳng thể có gì hơn là những tia sáng trìu mến vô bờ. Những giờ ngắn ngủi được sống với mẹ, được ôm cổ mẹ, được nũng nịu đòi quà, đối với tôi là những kỷ niệm hạnh phúc không quên.

Bà tôi thì trái lại. Cha tôi mất, nỗi đau thương cứ khoét mãi trong lòng bà như một viên đạn xoáy. Tóc bà bạc hẳn đi, khuôn mặt xếp nếp những đường nhăn sâu như vết rạch. Lưng bà gãy gập xuống. Giọng bà vốn khàn khàn, nay càng khô khốc lại. Cha tôi là đứa con cuối cùng trong ba người con của bà nằm xuống… Tôi nhớ có lần bà tôi nói gì đấy, mẹ tôi bảo: 

- Mạ đừng nghĩ tào lao. Dâu ở đây, cháu ở đây, mạ đi mô. Ba mấy đứa là con mạ thì tui cũng là con mạ. Nói lẩn thẩn hoài, thiên hạ người ta cười chết.

Bà tôi đi nằm, trở mình sột sạt mãi trên chiếu…

Nhưng rồi mọi sự đều đâu vào đó. Người ta bảo “nàng dâu nuôi mẹ thế gian mấy người” nhưng mẹ tôi đã tần tảo theo con đò nuôi đủ bà cháu chúng tôi. Từng năm, từng năm, nhà được trét lại vách, lợp lại mái, ngoài sân có thêm cái chum, cái vại. Anh em tôi lại có nồi cháo tấm nấu với chắt chắt mỗi sáng, và bà tôi lại có cau trầu. Mọi việc lại đâu vào đấy: hôm nào mẹ quên mua vỏ - thứ này ở làng tôi không có - bà tôi lại xoa xuýt suốt ngày: “Việc chi thì hắn nhớ, việc của con mệ già ni thì hắn quên!” Bữa ăn bây giờ đã có chút cá, chút thịt. Hôm nào mẹ mua thức ăn không vừa ý, bà tôi lại vừa móm mém nhai vừa nỉ non: “Du hời, du hỡi là du (2)! Mi cho tau ăn con cá lù đù, có sạn đằng đuôi!” giọng bà gay gay, khô khô. Ở bà có cái gì làm chúng tôi sợ và ít thích gần, dù sau này lớn lên, chúng tôi biết rằng đó là kết tinh của những thiệt thòi, mất mát trong cuộc đời người mẹ.

Trồng trầu trồng lộn với tiêu, con đi đò dọc mẹ liều con hư… Người già thường phấp phỏng lo xa, đôi lúc đa nghi. Bà tôi chẳng thích cái nghề buôn đò của mẹ. Nhưng chẳng còn cách nào khác: chính mẹ cũng nào có ưa cái kiếp một ngày hai bữa cơm đèn này đâu. Nhưng còn phải có trầu vỏ cho bà, cơm cá cho hai anh em. Rồi anh em tôi đi học: phải có sách vở, áo quần, guốc dép. Một năm ba bốn lần phải có nếp đậu, gà heo để lo kỵ chạp. Lấy chồng phải gánh giang san nhà chồng… Ở nhà quê, việc kỵ chạp quan trọng lắm. Họ Phan nhà tôi có năm chi. Đến ngày chạp, mỗi nhà trưởng chi đều phải biện mâm cơm cúng ra nhà thờ họ. Nhà tôi cũng là trưởng… Mỗi lần anh Hải cầm mâm về, bà tôi lại nhìn anh, chờ đợi. Nếu anh bảo:

- Mệ ơi, đồ cúng của mình sang nhứt trong năm chi! Lập tức mắt bà tôi sáng lên, miệng móm mém cười sung sướng. Nếu anh Hải bảo:

- Mệ ơi! Gà mình nhỏ quá! Con gà bác Thập to ghê, béo nâng!

Thế là ngày ấy, bà tôi ăn mất ngon và lại bắt đầu xoa xuýt… Nhất là khi nào nghe nói mâm cơm cúng của mình kém mâm cơm nhà chú Xạ, bà tôi buồn hẳn đi. Chú Xạ là em thúc bá của cha tôi, hay cha tôi là em thúc bá của bác Xạ, điều đó nhiều năm đã là đề tài tranh cãi của cả họ. Nguyên nhân là thế này: ông cố tôi ngày trước làm quan, có nhiều vợ và con cái nhiều ngành. Bà vợ cưới sau lại sinh con trước, bà vợ cưới trước lại sinh con sau. Về sau cái mâu thuẫn chung quanh việc ai là anh, ai là em cứ kéo dài mãi: kể thì cũng chỉ là một tiếng xưng hô hão huyền, nhưng trong cái cộng đồng hương thôn bé nhỏ ngày ấy, nó mới mang một ý nghĩa trọng đại làm sao! Bà nội luôn luôn dặn chúng tôi phải gọi người bà con ấy là chú không được gọi bác. Mỗi lần gặp, chúng tôi vừa chào “Thưa chú” là lập tức ông vểnh bộ ria lên, vuốt vuốt chiếc cằm lún phún râu mắt đảo lên trời: 

- Mấy đứa con chú Thợ mới đó lớn dữ he!

Ông cố tình nhấn mạnh hai tiếng “chú Thợ” rồi thêm một câu rất kẻ cả:

- Càng lớn càng phải học cho thông hiểu việc đời nghe mấy cháu. Bác cầu cho tụi bay nối được cái phép tắc của ông cha ngày trước, biết tôn ti trật tự, kẻ dưới người trên.

Ôi, cái tôn ti trật tự phong kiến nó đã làm hai nhà thi nhau, mà phô trương thanh thế, ai cũng sợ người ta đâm thọc: “Ưa làm anh làm ả mà không biết ngả mặt lên”. Mẹ tôi biết thế nên năm nào cũng phải nhịn ăn nhịn mặc cho bà tôi được rạng rỡ trong lòng, cho anh Hải tôi được thay bố ra nhà thờ họ thắp nhang mà không phải nghe ai dè bỉu.

Và cũng một phần vì thế, mẹ vẫn neo cuộc đời vào con đò dọc. Bà tôi vẫn phải chấp nhận cái cảnh đi sớm về tối của mẹ. Chiều chiều, khi hai anh em từ bến đò về, thường thường bà tôi đã đứng đó; trong nhà vừa thắp đèn, trên khung cửa cái bóng gầy khô và gẫy gập của bà đen xẫm lại: bà ngó mông lung về phía bến sông.

Mẹ tôi rất đoan trang, hiền hậu. Nhưng mẹ tôi góa chồng từ năm hăm bốn tuổi và từ ấy đã sáu bảy năm trường trôi qua. Những lúc có mẹ ở nhà, bà tôi vẫn thường hát bằng cái giọng khàn khàn, đục đục:

Con quạ hắn đứng bên tê sông

Hắn kêu ơi mạ, chớ lấy chồng bỏ con!


Cái điệp khúc ấy cứ được ngân nga những lần bà tôi ngồi đẩy rơm bên bếp lửa. Nghĩ cho cùng, dù bà có khó tính gay gắt với mẹ đến đâu, đời bà còn có gì ngoài anh em tôi và mẹ?


Tôi còn nhớ mãi cái ngày mẹ tôi ốm không đi buôn đò được. Mẹ mệt lắm, nhưng không dám nằm. Ngồi bên bếp, mẹ xắt chuối cho heo, cột chuối to đè lên chân mẹ. Những giọt mồ hôi rịn ra ướt cả trán, cả gáy. Tôi chợt thấy dường như sắc mặt mẹ xanh xao và vẻ nhìn có cái gì là lạ. Nó thất thần thế nào ấy, khác hẳn tia nhìn dịu dàng, trìu mến thường ngày. Đôi lông mày mẹ trông sắc hơn và hơi xơ xác: có cái gì đó, tôi còn nhỏ quá để hiểu.

Đang xắt chuối, mẹ dừng lại. Có cái gì quặn trong cơ thể, mẹ phải bụm miệng, chận bàn tay ngang ngực để đè nó xuống. Vừa lúc ấy, bà tôi từ ngoài đi vào, chân bước chầm chậm, dè dặt.

Đôi mắt bà dán vào mẹ tôi, dán chặt vào dưới cằm mẹ; ánh mắt bà vừa sợ hãi, vừa đượm đầy hăm dọa.

Mẹ tôi cúi đầu. Mạch máu nơi cổ mẹ nhảy thon thót đến nỗi tôi cũng thấy rõ. Bà chăm chăm nhìn một lúc, rồi buông ra một tiếng khô, như tiếng cành cây gẫy vụn:

- Thôi rồi?...

Im lặng. Rồi tiếng mẹ khản đặc:

- Dạ.

Bà lặng người đi. Khuôn mặt nhăn nheo co rúm lại: một nỗi đau lặng lẽ, tê tái. Tưởng chừng cha tôi vừa chết lần thứ hai: quả thực, suốt đời tôi chỉ thấy khuôn mặt bà co thắt như thế là vào cái ngày cha tôi mất.

Tôi sợ sệt thu mình lại, ngơ ngác. Quay sang bên, tôi thấy anh Hải. Anh đứng đấy tự bao giờ, môi mím lại, mắt trừng trừng nhìn. Đôi mắt của quan tòa nhìn bị cáo…

Một lát sau bà tôi hỏi, run run:

- Mấy tháng rồi?

Mẹ tôi vẫn cúi gục đầu:

- Ba.

- Ai?

- Con không biết. Chỉ có một lần… Rủi ro…

Giọng mẹ nghẹn lại. Bây giờ khuôn mặt của mẹ cũng vậy như bị ai xé rách ra.

Bà chầm chậm bước lên nhà trên. Không hiểu sao bà lại không gắt gỏng hay chửi um lên như những lần tức giận thường ngày. Bà chỉ ngồi thừ người trên chõng. Rồi chợt bà rên hừ hừ, đưa tay đấm ngực. Mẹ tôi ở dưới bếp khóc nức lên… 

Đã bao năm rồi, kể từ ngày cha đi tù, ốm, rồi mất, tôi mới sống lại những ngày buồn thương như thế. Nhà cửa im ắng như tờ. Bữa ăn, chẳng ai nói với ai một câu: bà tôi nhìn ra sân, mẹ thì cúi gục xuống, và qua quýt cho xong chén. Hình như mẹ chẳng muốn ăn: trông mẹ nuốt miếng cơm tựa như làm một việc gì khổ sở vô cùng. Nhưng mẹ không dám không ăn, không dám lộ vẻ “hôi cơm tanh cá” trước mặt bà cháu chúng tôi.

Anh Hải tôi đi đâu chẳng biết, ngày nào cũng bỏ đi, mặt mũi đen cháy. Anh chỉ thoáng về vào ba bữa cơm. Mẹ không dám rầy anh: một lần, bằm chuối xong, đau lưng quá, mẹ vịn cột bước lên nhà trên - bụng mẹ lúc ấy đã khá nặng - rồi ngồi xuống chiếc giường gỗ ở bên tả bàn thờ. Vừa lúc ấy, anh Hải bước vào, trân trân nhìn. Mẹ co người lại, bối rối như không biết dấu thân thể vào đâu. Còn tôi, tôi biết anh đang hình dung lại cái cảnh cha tôi chết, nằm trên chiếc giường ấy tám năm trước. Hình ảnh mẹ tôi với chiếc bụng nghén cơ hồ một vết bẩn bôi lên hình ảnh cũ: Anh hầm hầm đi lại, cuốn nhanh chiếc chiếu mẹ đang ngồi. Thổn thức, lặng yên, mẹ đứng dậy, nặng nề trở xuống bếp. Đôi mắt mẹ rầu rĩ, van lơn… Tự nhiên tôi mủi lòng muốn chạy đến, nhưng rồi một cảm giác gớm ghiếc xâm chiếm lấy tôi, tôi quay đi…

Cái tin mẹ tôi “đổ bậy” lan ra rất nhanh trong họ. Ngành chú ngành bác bàn ra, tán vào. Rồi thì một hôm bốn ông thúc bá khăn đen áo dài đến nhà tôi. Họ ngồi trên bộ ghế nơi gian giữa, gọi bà tôi vào nói chuyện. Rồi một lát sau hai anh em được gọi vào, bắt đứng ngay ngắn trước bàn thờ, nghe ông bác ngành trưởng của cha tuyên bố bản án của hội đồng gia tộc về thân phận chúng tôi.

Anh Hải được xử về ở với ông bác ngành trưởng, đi học thợ vôi. Còn tôi thì theo ông chú bên Trung Yên, làm nghề rèn. Lúc ấy tôi đã lên mười, có thể giúp đỡ việc vặt trong lò rèn được. Về ở những nơi đó mới có việc cho chúng tôi làm, nghĩa là để khỏi ai phải nuôi không anh em tôi, mà lại đỡ mướn người phụ việc.

Khi nghe cái bản án “xây đàn, tan nghé” ấy, anh em tôi không ai bảo ai, gắm chặt lấy tay nhau và cùng đưa mắt nhìn bà, cầu cứu. Nhưng bà chỉ ngồi im, bất động. Tôi thấy “chú Xạ” đứng trước bàn thờ, râu vểnh lên, khoái trá. Thường ngày có bao giờ bà tôi chịu kém cạnh trước người bà con này đâu? Thế mà bây giờ, bà đứng đó, vòng tay, cúi đầu, nhẫn nhục trước cái cười ấy đầy khinh mạn. Ôi, bà ơi! Bà ơi! Bà không cứu nổi chúng con ư?

Mẹ tôi từ dưới nhà hổn hển chạy lên quỳ sụp xuống:

- Tui lạy trăm lạy, tui lạy ngàn lạy! Đừng bắt con tui. Cho tui nuôi con tui.

Tóc mẹ xõa ra, đầu phục sát đất, tưởng chừng mẹ có thể liếm cả mặt đất. Trên bàn, một giọng nói lạnh lùng, quắc thước buông xuống:

- Con dâu lỗi đạo, không có quyền được nuôi con, không có quyền phụng sự mẹ chồng. Mẹ chồng chị, con trai chị đã có người họ Phan cấp dưỡng. Cái nhà ni chị cũng không được ở nữa.

Mẹ tôi vẫn quỳ mọp, đầu không ngửng lên, toàn thân run bần bật. Mẹ nhắc đi nhắc lại, răng đánh lập cập vào nhau “cho tui nuôi con tui, đừng bắt con tui”.

Ông bác của ba tôi vuốt râu, đĩnh đạc ban từng lời giáo huấn:

- Đàn bà quý nhất là đạo tam tòng. Phu tử, tòng tử. Như thím Cửu đây - ông quay lại chỉ bà nội tôi - cũng thủ tiết thờ chồng từ năm hai mươi tuổi, xóm làng ai cũng nức tiếng khen. Còn chị, con trai đã có hai đứa, còn ao ước chi nữa, không biết học lấy gương tiết hạnh của mẹ chồng. Có muốn bước đi bước nữa, cũng phải giữ phép tắc, bưng cau trầu ra nhà thờ họ xin phép hẳn hoi. Làm người phải biết nghĩ …

Mẹ tôi thổn thức:

- Dạ, cháu cũng chỉ muốn thờ chồng nuôi con. Sợ con khổ, mới liều ở quá đến chừ. Xin bác xét lại thương cháu…

- Không được! Tôi cũng không giận ghét chi chị. Nhưng còn có xóm làng trông vào, còn có vong linh anh. Cái gì cũng xí xóa cho qua, thì còn thể thống gì nữa. 

Khi những người bà con khăn đóng áo dài đã ra đi rất lâu, anh em tôi vẫn đứng đó, trước bàn thờ. Bà tôi vẫn đứng đó với chiếc áo dài trúc bâu đen, vòng tay nín lặng. Làm sao được? Ông chú, ông bác là đại diện dòng họ; bà nội là mẹ chồng; anh em tôi là con trai; muốn hay không muốn, chúng tôi phải cùng đứng về một phía để đòi lại danh dự cho cha tôi, người đã khuất. Đạo lý của gia tộc bắt buộc như thế…

Tâm trí tôi lúc đó như một khoảng không trống rỗng: trán, má, cằm mỏi nhừ, nhức nhối. Tôi nghe tiếng mẹ rên rỉ, tiếng trẻ con lao xao bâu lại ngoài hiên, nhưng không còn thấy cảm thương hay xấu hổ: cơ hồ tâm hồn tôi đã liệt đi, mất hết sự sống…

Rồi cuối cùng, người ta đến bắt anh em tôi.

Ông bác ngành trưởng và ông chú bên Trung Yên đến, lần này không khăn đóng áo dài nữa. Cùng đi với hai ông là chú Xạ và hai người bà con còn trong tuổi trai tráng. Anh em tôi đang làm cỏ trong sân: trong khi ba người lớn tiến vào nhà thì hai anh thanh niên mỗi người nắm lấy một đứa trong chúng tôi. Anh Hải tôi đứng yên, răng nghiến lại, không nhúc nhích. Tựa hồ anh đành chịu chấp nhận số phận khắc nghiệt, một số phận anh không muốn nhưng biết không cách nào tránh khỏi. Còn tôi, lúc ấy tôi òa lên khóc, dãy dụa. “Mạ ơi! Mạ ơi!” Trong trí tôi hiện ra những buổi học ngoài trường làng, những trưa chạy tìm ổ chim sơn ca trên đồng lúa, những buổi chiều đón mẹ ngoài bến sông và vị cốm thơm ngậm sữa… Thôi thế là hết! 

“Mạ ơi! Mạ ơi!” Tôi vung vẫy gào khóc. Trên ngưỡng cửa, bà tôi hiện ra. Bà đứng im như đá. Tưởng chừng cả một khối đá từ nghìn năm đang đè xuống thân bà.

Tôi cố nghểnh đầu lên, réo gọi mẹ. Nhưng sao tôi không thấy mẹ…

Một tiếng rên dài, thống thiết, kỳ lạ đến rợn người vọng ra từ trong nhà. Nghe tiếng rên ấy, bà tôi giật nẩy người.

Rồi thực không ngờ, bà tôi chồm lên: tưởng như khối đá vừa vỡ tung thành muôn mảnh vụn. “Cút! Cút đi!” bà hét lớn, giọng bà xé tai như tiếng gió. “Đồ bất nhơn!”


Minh họa: Bửu Chỉ


Chú Xạ tiến lên, hùng hổ định nói một cái gì đó. Nhưng bà tôi đã rút con dao xắt chuối - con dao dài bằng nửa thân người - phóng vút ra giữa sân, con dao quay một vòng trên không, loáng một cái sáng lòe dưới nắng rồi cắm ngập xuống mặt đất, cán rung rung, rung rung.

- Tao không chịu nổi nữa rồi. Cút đi! Không tau băm vằm mổ xẻ tụi bây!

Bà tôi nói như rít lên. Hai người con trai buông chúng tôi ra, lũ trẻ con đang bâu quanh sân rùng rùng bỏ chạy. Trong nhà vọng ra những tiếng rên gấp gáp, tiếng thở nặng nhọc và đau đớn.

Anh em tôi chạy vào vừa lúc bà tôi nức lên:

- Mạ tụi bây làm răng rồi!

Mẹ nằm trên chõng, nửa thân mình đầy máu. Cái thai tám tháng quằn quại dưới làn da bụng: cái thai cũng xúc động theo với thân phận anh em tôi, nó vùng vẫy rách cả lòng mẹ.

Hai đứa tôi bụm mặt không dám nhìn. Chung quanh, người ta kéo đến, xôn xao. “Không xong rồi! Không xong rồi!”

Cô mụ đến, khám cho mẹ rồi lắc đầu. Cả người mẹ co thắt như một cái túi thít chặt, không sao mở được.

“Không xong!” tôi nhắm mắt nghe người ta nói bên tai. Rồi có người bế bổng tôi lên:

- Hai đứa con mô rồi, đem vô cho mẹ hắn nhìn mặt.

Người bế tôi đưa cao tôi lên chuyền qua đám đông. Tôi lại thấy mẹ trên chõng, mình đắp ngang chiếc chiếu cũ. Mồ hôi ướt đẫm cả tóc và mặt mẹ.

Mi mắt mẹ nặng nề như muốn khép lại. Bà tôi mếu máo kêu:

- Mở mắt ra mà ngó con đã, con ơi!

Mẹ nhướng mắt lên. Hai anh em tôi được người ta đẩy đến bên giường. Tự nhiên cả khuôn mặt xám ngắt của mẹ như rực sáng. Môi mẹ thì thầm những tiếng mà chỉ chúng tôi mới hiểu.

Hãy… còn…?

“Mạ ơi, tụi con đây, tụi con hãy còn đây!” Hai chúng tôi kêu to lên. Mẹ cười… nụ cười nhợt nhạt và sung sướng làm sao. Rồi cả người mẹ như duỗi ra, giãn ra. Có điều gì đó vừa xảy đến - Sau này chúng tôi mới biết, điều đó, người ta gọi là sự mầu nhiệm.

Anh em tôi được đưa lên nhà trên. Nửa giờ sau, bà tôi bồng lên một đứa bé - không, một khuôn mặt đỏ hỏn và nhăn nheo gói trong chiếc áo cũ. Một con người vừa đáp tống vào lòng mẹ mà nhảy vào đời. Tất cả những người lớn đều thở phào: nếu em được sinh ra trước hay sau đấy một ngày có lẽ chúng tôi không khỏi cảm thấy kỳ cục, khó chịu. Nhưng hôm nay, sau một biến cố như thế, sự ra đời của em thành ra một việc bình thường, may mắn.

Mẹ tôi được lau rửa, đắp ấm, nằm thiêm thiếp trên giường. Đứa bé nằm bên mẹ. Em gái của tôi…

Trên nhà trên, bà nội tôi ngồi, bần thần một hồi lâu rồi thong thả nói với bà con lối xóm:

- Thế mô họ cũng nói tui là mẹ chồng mà dung túng cho dâu. Thôi thì nói chi thì nói, đến nước ni tui cũng không nề hà chi nữa. Vợ thằng Ngộ (3) cũng như con tui. Con tui có dại, thì tui nuôi cháu…

Ngày mai lại, bà tôi đi chợ Đông Hà mua lá, mua than. Thế rồi em gái tôi lại lớn lên, giữa nhịp võng, bầu trời, tiếng lá tre xào xạc buồn buồn và lời ru của nội…

Từ ấy đến nay đã mười tám năm qua. Câu chuyện xa xưa cứ lùi dần, lùi dần vào sương khói của thời gian, để lại trong lòng tôi một kỷ niệm mà mỗi lần nhớ đến lại thấy cay xè đôi mắt.

Mẹ tôi giờ đã già, bà tôi còn già hơn nữa. Hai năm sau cái ngày tai ương ấy, cả nhà tôi bỏ làng lên tỉnh làm ăn, mãi đến sau ngày giải phóng mới trở lại.

Vẫn tiếng lá tre, tiếng gió, và mặt trời chiều trên dòng sông. Chỉ có chúng tôi là đổi thay cùng năm tháng.

Cha tôi được truy tặng liệt sĩ. Anh Hải trước đây bị bắt lính, sau đi cải tạo một thời gian, bây giờ đã có vợ con và làm trong ban quản trị hợp tác. Tôi tốt nghiệp đại học, hiện nay về dạy ở trường cấp 3 thị xã Đông Hà. Về thân thế hai đứa con trai, có thể nói mẹ tôi cũng phần nào mãn nguyện.

Cuối cùng, là em gái tôi …

Người ta phải mất một thời gian khá dài để làm quen với việc dùng hai chữ “em gái” để gọi một sinh mệnh bé nhỏ và xa lạ, tình cờ lạc vào trong cuộc sống gia đình như thế. Nhưng em đã lớn lên và dần dần quen thuộc với chúng tôi: một hình hài đỏ au trong mớ tã; một mái tóc bông bê, đôi má phính lem luốc và đôi vành tai nhỏ đeo khuyên; rồi đến khuôn mặt phảng phất nét mặt mẹ ngày xưa, với đôi mắt tròn, đen, lấp lánh.

Tưởng chừng đôi mắt ấy đang hóm hỉnh nheo lại trước mặt tôi khi tôi đọc những dòng thư từ nơi xa.

“Em đến Mátxcơva vào mùa đông. Lần đầu du học ở một nơi hoàn toàn khác với quê mình, em bỡ ngỡ trước bao nhiêu sự vật, anh ạ! Tuyết phủ trắng mọi nẻo đường, tuyết đẹp tuyệt vời! Trời lạnh căm căm, thế mà trong công viên trai gái vẫn quàng vai nhau đi bách bộ, khi đưa nhau về họ chia tay nhau và hôn nhau trên ngưỡng cửa. Tự nhiên, anh biết em nghĩ gì không? Em nhớ tới mệ mình, giá mệ còn ở đây anh há, thế nào mệ cũng đay nghiến: “Ngó đã trơi đời chưa tề, gai tinh con mắt!”

Sang đây, em nhớ cả nhà, lạ ghê, em lại nhớ mệ nhất anh à. Em đi rồi ai xay trầu cho mệ, mấy anh là con trai có bao giờ lo những việc tỉ mỉ đó. Răng mệ chắc yếu lắm rồi, mạ cũng già ai đi mua trầu mua vỏ cho mệ hở anh… Vậy mà hồi ở nhà có những lúc em vừa tức vừa ghét mệ, mỗi lần tụi bạn trai cùng lớp đến thăm, thật chẳng có gì cả thế mà mệ cứ quăng thúng, đụng nia, làm em xấu hổ quá trời. Lắm lúc mệ cũng phong kiến cổ hủ chết cha đi!”…

Tôi gấp thư em lại, mỉm cười. Em gái tôi, em chưa bao giờ biết sự thực về nguồn gốc của em. Trước đây đã nhiều lần tôi và anh Hải định nói cho em biết, nhưng nghĩ lui nghĩ tới lại thôi…

Mà có lẽ cũng chẳng cần nói làm gì. Hãy để ngày về, em lại thấy bà, và em sẽ a lại gần mừng bà nội của chính em. Bà vẫn ngồi xắt chuối cho heo trước khoảnh sân năm xưa, những nhát dao đều đều như đời bà lặng lẽ…

T.T.M.





-------------
1. Tên một loại hến nhỏ.
2. du: dâu
3. Ngộ: tên ở nông thôn dùng để gọi đứa con chết sớm.

Nguồn TCSH

 

Tác giả: Trần Thùy Mai
Các bài mới
Lưỡi đêm (07/08/2017)
Giấc xuân (19/01/2017)
Về nhà (13/01/2017)
Gió xanh (04/10/2016)
Đêm rừng lạnh (07/10/2014)
Mưa Huế (07/10/2014)
Lưỡi đêm (06/10/2014)
Các bài đã đăng