Truyện ngắn
Mưa Huế
09:09 | 07/10/2014

DƯƠNG THÀNH VŨ

Mùa hè năm nay mưa nhiều. Những trận mưa sung mãn rơi xuống đồng ruộng sau vụ gặt tháng ba. Ở thành phố, mưa đến với con người nhiều cung bậc, lắm nỗi lòng. Với gã bán sách ở vỉa hè này, mưa ban tặng cho hắn những ngày ế ẩm.

Mưa Huế
Nhà văn Dương Thành Vũ - Ảnh: Phạm Bá Thịnh

Cơ ngơi hắn vỏn vẹn trên dưới một trăm đầu sách: toàn là sách cũ: Sếch-xpia đè gáy lên Ta-go; Ta-go đè lên Gớt; Gớt đè lên Động cơ Đi-ê-zen; Động cơ Đi-ê-zen đè lên Lịch sử văn minh đông phương; Lịch sử văn minh đông phương đè lên Triết học hiện sinh; Triết học hiện sinh đè lên Bồ Đề Đạt Ma; Bồ Đề Đạt Ma đè lên Kỹ thuật cắt may; Kỹ thuật cắt may đè lên Thần thoại Hy Lạp… Cả một quần thể tâm hồn đè lên nhau gắn bó. Giá cả tùy thuộc vào thị hiếu người mua.

Những công dân kiếm sống ở vỉa hè như hắn tạo được một cảm ứng phản xạ đặc biệt đối với những công dân đại diện cho luật lệ Pháp luật và công lý thì thường, biểu hiện nhiều sắc thái, tùy theo cấp độ tính khí khác nhau của người thi hành phận sự. Và những công dân hiểu pháp chế xã hội qua giao tiếp với những công dân nọ.

Sáng nay trời trong veo. Cây phượng bên kia đường trổ hoa đỏ rực. Suốt mùa đông, nó chìa cánh tay khô khốc ra thử thách với cái rét ngọt xứ Huế. Ai cũng nghĩ nó chết rồi, nhưng khi anh sửa xe đạp bẻ ít cành về làm củi thì thấy bên trong vẫn tươi. Đến một hôm, đầu cành của nó trồi ra những phiến lá màu lục diệp tố non tơ: Thì ra mùa xuân đã đến. Mặt đất lặng lẽ xoay về phía mặt trời, lúc này không có gì ngăn nổi ánh nắng gay gắt chiếu xuống mái hiên đời. “Phúc thay cho kẻ nghèo vì nước trời thuộc về họ”. Câu này người Pháp dịch theo thì hiện tại. Chắc không phải là lời mặc khải.

Gã bán sách là dân “ngoại đạo”. Hắn thích ông khách “sộp” hơn là “nước trời” xa thẳm hiện ra sau cái chết!

Khách mở hàng hôm nay là ông bác sĩ mà người ta bảo rằng ông đang bị bệnh điên, hay đi lang thang trên đường phố. Người ta quả quyết trước kia ông là phó giám đốc của bệnh viện ở Hà Nội. Còn vì sao ông trở nên điên thì mỗi người tán mỗi phách; bàn mỗi giọng khác nhau. Lắm khi pha trộn một ít màu sắc lãng mạn. Ông thuộc loại điên hiền lành không hề gây gổ với ai. Có những chiều tắt nắng, hoàng hôn vàng ửng chân trời, ông tần ngần nhìn đăm đăm vào khoảng xa xăm nào đó; đôi mắt u uẩn thất thần.

Đã ba tháng qua không ai thấy ông ngoài đường phố nữa. Khuôn mặt khắc khổ với những sợi tóc nhuốm bạc phất phơ trên vầng trán thông minh của ông được người ta quên đi nhanh chóng giữa bận rộn, tất bật riêng tư, khi ông xuất hiện cũng chẳng ai lưu tâm. Dân ngồi lê đôi mách thì thường làm việc thiếu tinh thần khoa học, thích tin vào những chuyện ly kỳ bịa đặt. Nên họ thích nêu ý kiến, mà ý kiến tất nhiên không hẳn là chân lý - ông ta chăm chú nhìn vào cuốn sách: Bệnh ung thư do nhiễm độc đi-ô-xin, viết bằng tiếng Pháp. Nhìn như thế hồi lâu, ông nói bằng giọng rành rọt tỉnh táo:

- Anh cho tôi xem cuốn sách kia - Ông chỉ tay bổ sung cho điều mình nói.

Gã bán sách miễn cưỡng đưa sách cho khách. Hắn thầm rủa cái ngày đen đủi.

Ông bác sĩ lấy kính tuổi đeo lên mắt rồi chìm luôn vào trong dòng chữ. Ông đọc khá lâu, không biết cái nắng quái ác đang xiên dần đến chiếu trọn lên người ông, những sợi tóc phủ trên trán ướt đẫm bẹp dí! Thấy ông quá say mê, gã bán sách hơi động lòng. Nhưng bà bán xôi kế bên lại nổi nóng phán một câu rất Huế:

- Ám người ta như tà!

Bà nói lớn quá khiến ông khách giật mình quay nhìn bà ta khó chịu. Nhưng liền sau đó, ánh mắt ông dịu xuống. Ông phân bua:

- Yên chí “vía tôi” nhẹ tênh. Lúc bé cứ mồng một tết lối xóm lại gọi tôi sang đạp đất. Tôi mua mở hàng anh cuốn này.

Phút trắc ẩn lướt qua, con người buôn bán của hắn lại hoạt động. Hắn lạnh lùng:

- Bốn trăm đồng mua nổi không? Sách người ta ký gởi có ghi giá đây này - Hắn lật cuốn sách ông vừa trả, dấm dứ ngón tay vào chỗ ghi giá.

Ông khách giật thót:

- Những bốn trăm!

Gã bán sách cười khẩy một cách đáng ghét.

- Nghĩa là bằng hai tháng lương của một bác sĩ!

Bà bán xôi chép miệng:

- Me xưa me sớm kiểu ni có nước ăn cháo!

Ông khách điềm đạm gỡ kính cất vào bao rồi nói từ tốn:

- Đâu phải mình tôi chịu độc quyền trách nhiệm những khó khăn của xã hội, mà cả anh nữa. Đừng tự giảm giá trị công dân của mình.

Gã bán sách nhìn bâng quơ rồi lại cười khẩy:

- Ông quả là nhà hùng biện. Rất tiếc, tôi có nhược điểm ít tin các vị hùng biện.

- À, tuổi trẻ vốn thích thẩm định lại mọi giá trị. Mà thôi, quả là cái me xưa không thú vị lắm. Anh giữ hộ cho tôi cuốn sách. Đặt cọc một trăm nhé, chiều mai tôi đến lấy. Này học thêm tiếng Anh đến đâu rồi? Tôi cũng mê lắm mà chưa học được. Nói xong ông đưa tiền rồi đi một mạch.

Cái “vía” của ông ta vậy mà hên. Sau khi ông đi thì thần tài ung dung giáng xuống. Bà bán xôi xuýt xoa “ngó người rứa mà cái vía nhẹ gớm”. Tựu chung, thần quyền có chỗ đứng trong số phận bấp bênh.

Chiều, khi gã bán sách sắp dọn về thì Hồng đến. Anh chàng này có đôi mắt tươi cười sau cặp kính cận ba đi-ốp:

- Xin thông báo, tối nay có ca mổ đột xuất!

Gã bán sách đùa:

- Chắc bệnh nhân này vốn căm thù hội họa.

- Căm thù hay không thì mình không biết, nhưng chắc chắn tối nay mình không đi xem tranh với ông được.

Nắng đã nhẹ và không gian như rộng hơn. Vài cánh chim xa đập nhẹ giữa lưng trời. Hai người ngồi hút thuốc ở bậc thềm nắng hâm hấp.

- Ca mổ này khá đặc biệt - Hồng nói - bệnh nhân quá nghèo, đi ăn xin mà. Dĩ nhiên bệnh viện phải dồn nỗ lực để cứu người bệnh. Riêng tổ tụi mình phải họp. Ông ạ, làm nghề này lâu năm nhiều kinh nghiệm, tuy vậy tâm hồn mình chai sạn trước nỗi đau của bệnh nhân. Thanh, trưởng khoa, là một con người tuyệt diệu. Bệnh nhân chịu ông ta hơn cả thuốc kháng sinh.

- Ông có biết ông bác sĩ điên không?

- Ông Thanh đó. Vừa qua ông bị một cú “xốc” tinh thần khá mạnh. Ông ta hay hỏi thăm ông lắm.

- Sáng nay ông ta có “lên lớp” cho mình.

- Mình có thể nói: Ông Thanh không phải là dạng “Năng thuyết bất năng hành”.

***

Sáng hôm sau trời u ám, tám giờ thì mưa. Dưới mái hiên trường đại học - Chỗ gã bán sách ngồi - thành nơi trú mưa của cái cộng đồng kiếm sống ở lề đường. Họ ngồi vây quanh kho tàng trí thức nhân loại đã được bỏ vào bao của gã bán sách buồn bã nhìn ra trời. Mưa thản nhiên trút nước.

Ở đây hầu hết là những con người dễ mến. Bà bán xôi hiền lành xuề xòa, hay khoe mình có đứa con làm “quan cách mạng” to lắm ở tận trong Nam. Và chuồn nhanh nhất khi thấy bóng công an giải tỏa lề đường; bà bán bánh canh thì vui nhộn tinh quái. Có đứa con gái là “sanh viên” đại học sư phạm ăn bận rất diện mà cái áo của bà dù rất sạch sẽ người ta cũng khó gọi nó màu gì; anh sửa xe đạp lù đù quê mùa mà có cô vợ xinh đáo để. Anh ta thuộc loại hách nhất, bởi khách của anh có nhiều ông “cốp” mà sự túng thiếu vẫn còn in dấu trong sinh hoạt. Anh thợ thì ngưỡng mộ ông “cốp” một cách chơn chất. Một phần có lẽ bắt nguồn từ những giấy mời xem đá bóng hay xem hát. Vợ anh thợ hài lòng nhất khoản này. Chị thầm cầu trời cho những ông có giấy mời như thế suốt đời… đi xe đạp; bà bán bánh ướt thì chúa nói tục. Bà thuộc nhiều chuyện tiếu lâm và sáng tác ra cũng nhiều. Với tư chất là một thị dân đủ ăn ít học, bà không lưu tâm đến những biến chuyển thuộc thượng tầng kiến trúc mà quan tâm đến tư cách của cán bộ đảng viên, những sự kiện xảy ra thường ngày. Trình độ chính trị của bà chỉ giới hạn trong khái niệm kẻ trên người dưới ông chính quyền và chú dân đen. Cánh tay chế độ thì chưa đủ thời gian để cất hết những chiếc đòn gánh đè nặng lên vai, nên chuyện tiếu lâm của bà không làm các nhà lý luận văn học hài lòng về tính mâu thuẫn của nó, gã bán sách thuộc nòi… mọt sách. Mặc chiếc quần vá một lỗ to tướng ở đít, thích nói chuyện siêu thị tự động (thỉnh thoảng còn xổ tiếng Anh; super market), vẻ đẹp phối cảnh bắt buộc của cố đô Huế… Đứng riêng một cõi là gã bơm mực viết - Hắn được bà bán bánh ướt chiếu cố một chuyện tiếu làm cay độc - Trước kia hắn giàu sụ nhờ cho thuê nhà và đấu thầu. Hắn vẫn khinh khỉnh ném cho “xóm nhà lá” nơi hắn bắt buộc phải đăng ký hộ tịch một cái nhìn cha chú. Thật ra chẳng ai coi hắn ra quái gì, chẳng ai thèm đánh bạn với hắn. Nhưng ở lâu với nhau, chẳng lẽ cứ nhìn nhau hằm hè hay làm mặt lạ thì cũng chướng. Phải nói chuyện với nhau dù chẳng ưa nhau. Dần dần người ta khám phá ra hắn cũng chả sung sướng gì, nên có người đâm ra thương hại hắn.

Mưa!

Mưa vẫn đập hoài xuống lề đường nhịp điệu bình thản. Đến chiều trời vẫn không ngớt mưa. Quái, sao mà cứ mưa da diết! Mây đen nặng trĩu nước sà xuống thấp xô đẩy nhau. Gió thổi tan tác những bông phượng thắm. Tốp người trú mưa đã về hết, gã bán sách không dám về vì sợ ướt sách. Hắn ngồi co ro trông thảm hại. Gió lùa mưa lướt trên mặt đường, một chiếc xe hơi lịch sự lướt êm như ru. Tiếng nhạc trong xe vọng ra ấm áp dễ chịu.

Càng về chiều, mưa càng lớn. Đến nước này thì đành gọi xích lô mà về. Hắn ngóng ra đường, từ ngõ bưu điện, một người lầm lũi đi đến. Ông bác sĩ Thanh. Ông cẩn thận mở nút áo mưa lôi trong người ra chiếc áo len màu rêu mới tinh. Ông hỏi:

- Áo này theo anh giá thị trường bao nhiêu?

- Chừng năm trăm.

- Tôi đổi cho anh cuốn sách ấy có được không?

- Bác sĩ vẫn tỉnh táo?

- Anh nói sao?

- Thời buổi này không ai đem cái áo giá năm trăm đi đổi cuốn sách.

- Vậy theo anh người “tỉnh táo” sẽ làm cách nào để có quyển sách cần nếu không có tiền mua?

- Tốt nhất là đừng cần đến nó nữa.

- Đó không phải là phương cách giải quyết.

Gã bán sách im lặng. Gã muốn tung hê bố cả cái trò mua bán đổi chác trên đời này. Hắn tìm cuốn sách đưa cho ông Thanh:

- Bác sĩ cứ lấy về mà dùng, xong trả lại.

- Tôi mượn lâu lắm mà đâu phải sách của anh.

- Tôi thanh toán rồi. Dùng xong bác sĩ gởi nơi Hồng.

- Thế này thì buôn bán sao được!

- À ca mổ tốt đẹp không bác sĩ?

- Tiểu phẫu mà. Ca này chỉ gay go khi bệnh nhân ra viện. Thôi nhé, mượn anh cuốn sách.

***

- Bẵng đi hơn bốn tháng, ông Thanh mới ghé lại. Lần này, Hồng cùng đi với ông. Trời bắt đầu vào thu. Những đám mây trắng xốp bay lơ lửng dưới vòm trời se lạnh. Dưới bầu trời ấy, cơn mưa đầu mùa sắp sửa đi qua. Những anh nhà giàu mà sự sung túc tiện nghi làm cho họ sợ hãi mùa đông nghiệt ngã xứ Huế đã bắt đầu sắm sửa, tự mãn nguyện với những thứ có được khi đi qua mái hiên đời này. Gương mặt tươi tắn hạnh phúc khiến ông Thanh trẻ hẳn ra:

- Bốn giờ rồi, nghỉ đi làm ly cà phê.

Gã bán sách đùa:

- Làm một xị thì tuyệt hơn.

- Yên chí - Hồng nói - Nhưng cứ một chầu cà phê đã.

Quán cà phê đầy ắp tiếng kèn xăc-xô lướt chậm trên âm giai rê thứ: Back to Soriento.

Ông Thanh nhìn sâu vào đôi mắt gã bán sách. Ông biết cuộc đời lận đận của anh ta. Điều đáng quý là anh vẫn giữ được sự trong sáng của tâm hồn.

Giọt cà phê tẩm tiếng nhạc rơi vào ly.

Tiếng ông Thanh gói trong nụ cười:

- Chắc anh khoái cái nghề bán sách?

Gã bán sách dứt khoát:

- Đó không phải là cái nghề mà phương cách kiếm sống qua giai đoạn.

Ông Thanh vẫn cười:

- Nói cậu đừng buồn. Tôi ghét lối biện hộ đó, nó bốc mùi tiểu tư sản. Ở chỗ tôi, có anh chàng mở phòng khám tư để bóc tiền bệnh nhân cũng nói: “Giai đoạn thôi mà”. Xã hội tốt thế nào được nếu chính anh không tốt.

Im lặng. Trời đột ngột chuyển oi bức. Lại mưa dông đây. Tháng tám mà còn dông kể cũng lạ. Gã bán sách nói:

- Cháu cũng muốn xin việc, nhưng những công sự hành chính hiện nay còn vững chắc lắm.

- Cái “công sự” trong cậu cũng vững chắc không kém. Những hạt mưa nặng và thưa bắt đầu gõ xuống mái nhà hòa âm cùng tiếng nhạc. Đôi trai gái bàn kề bên chạm đầu trò chuyện râm ran. Thỉnh thoảng cô gái nở nụ cười mê hồn. Gã bán sách chuyển qua chuyện khác:

- Cuốn sách ấy viết thế nào bác?

- Hay tuyệt! Nó giúp mình khá nhiều.

- Bác đang nghiên cứu về ung thư?

Hồng nhìn ông Thanh thăm dò rồi nói:

- Chính vợ bác sĩ bị ung thư. Bây giờ khỏi rồi. Gã bán sách ngạc nhiên:

- Sao không nghe nói gì cả?

Hồng phân trần:

- Ý của bác sĩ Thanh như vậy.

Gã bán sách nói:

- Cháu nghe nói nhiều về chất độc màu da cam. Trường hợp bác gái như thế nào hả bác?

Giọng ông Thanh đượm buồn:

- Tôi thích quên nỗi bất hạnh. Mà thôi, kể cho hai cậu nghe, biết đâu sẽ rút ra một điều gì đó - Ông trầm ngâm chìm vào ký ức xa xôi - Chúng tôi gặp nhau khi đã luống tuổi - Ông Thanh kể - Hồi đó tôi phục vụ ở một bệnh viện ngoài mặt trận, còn cô ta thì đến đây sau đợt ném bom của bọn Mỹ ở Hà Nội năm 1972. Những mất mát trong chiến tranh… thôi quên đi. Tôi kể chuyện sau chiến tranh.

- Sau chiến tranh chúng tôi làm đám cưới ở Hà Nội. Cũng như những đôi vợ chồng mới, chúng tôi ngày đêm mong đợi đứa con đầu lòng. Ngày đó đã đến! Nhưng đứa bé chẳng giống tôi, chẳng giống nàng mà cũng không giống ai cả. Nó giống bộ mặt khủng khiếp của chiến tranh! Trong bệnh án, bác sĩ kết luận cái quái thai ấy là kết quả của chất đi-ô-xin nhiễm trong người mẹ. Để thực hiện mục tiêu chiến lược, người Mỹ đã sử dụng chất hủy diệt này rộng rãi ở Việt Nam. Vợ tôi đã làm việc trong vùng bị nhiễm độc nặng để nghiên cứu tác hại của nó lên cơ thể sống. Công trình đang dang dở thì nàng nhuốm bệnh phải về Hà Nội. Bây giờ con chúng tôi trở thành nạn nhân của thứ văn minh tội ác kiểu Mỹ. Nó chết sau 24 giờ hít thở không khí của hành tinh đau thương này. Sau biến cố ấy có cái gì đó lẩn quất trong mái ấm của chúng tôi. Vợ chồng tôi cố xua đi nhưng không được. Hình ảnh đứa con quái dị như một dấu ấn khủng khiếp đóng vào tình cảm của chúng tôi. Vợ tôi bị nó ám ảnh đến phát bệnh, cuối cùng nàng bỏ tôi đi mất. Trong lá thư để lại, nàng nói rằng “em không thể sinh cho anh một đứa con bình thường được nữa” và khuyên tôi nên lấy vợ. Sự hy sinh thiếu sáng suốt còn tệ hại hơn lòng ích kỷ các cậu ạ. Một mình với căn phòng lạnh lẽo, tôi rơi vào những ảo ảnh kỳ lạ. Có đêm khuya, tôi nghe tiếng gọi của nàng. Giật mình thức dậy, tôi thấy nàng ngồi ở chiếc ghế đặt cạnh bàn làm việc. Hình ảnh nàng không rõ ràng lắm. Nó như đám sương sắc điệu xám, nhẹ và mỏng. Nhưng tiếng nói của nàng thì tôi nghe rất rõ, âm sắc ấy không thể lầm lẫn được. Nhưng nàng nói gì thì tôi không hiểu được. Rồi nàng tan biến, từ nơi đám sương ấy hiện lên gương mặt khủng khiếp của đứa con chúng tôi.

Sự việc ấy cứ lặp đi lặp lại nhiều lần làm tôi kiệt sức. Tôi phải tạm nghỉ việc vào Huế để tĩnh dưỡng. Ai cũng tin thời gian sẽ tích cực làm công việc của nó. Rồi vợ tôi đã trở về. (Thời gian ấy tôi thôi đi lang thang ngoài phố). Nếu hạnh phúc làm cho con người lạc quan thì sự đau khổ làm cho con người sâu sắc. Vợ tôi hiểu ra điều đích thực của tình yêu. Tình yêu vốn không cần sự hy sinh: Nó vắng mặt bản ngã. Chúng tôi lại sống hạnh phúc. Nhưng hậu quả chiến tranh chưa buông tha chúng tôi. Vợ tôi lại bị ung thư do chất độc đã tặng cho nàng cái quái thai nọ. Từ trước đến nay những ca như thế đều chờ chết. May thay các nhà y học đã tìm ra cách chữa trị. Trí tuệ của con người đã trả lại hạnh phúc cho chúng tôi. Bác sĩ chuyên khoa quả quyết cô nàng sẽ tặng cho tôi một đứa con bình thường.

Ông ngừng kể. Ngoài trời mưa giăng mù mịt. Âm nhạc chuyển qua điệu Valse.

Im lặng một lúc, ông vui vẻ nói:

- Hễ tạnh mưa, về nhà tôi làm một xị mừng hạnh phúc chúng tôi.

***

Gần một năm qua thành phố có những biến chuyển  về công việc sắp xếp lại lực lượng lao động, và tạo công ăn việc làm cho nhân dân. Dân kiếm sống ở vỉa hè phần đông được các hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp thu hút. Đời sống còn chật vật khó khăn, nhưng ổn định. Nghe đâu trung ương đang đầu tư vào đây nhiều công trình lớn, lúc đó khối việc mà làm.

Mùa hè lại đến. Dưới “mái hiên đời” độ này vắng vẻ. Gã bán sách đã bỏ nghề. Bác sĩ Thanh kiếm cho hắn một chân kế toán trong xí nghiệp. Độ rày hắn từ giã cái quần thủng đít nhưng lại hăng hái tranh luận về quan điểm thẩm mỹ hiện đại đối với vẻ thơ mộng của Huế…

Chiều nay, gã bán sách và Hồng cùng đến bệnh viện thăm đứa con trai mới sinh của vợ chồng bác sĩ Thanh. Ông Thanh đón hai chàng trẻ tuổi ngoài hành lang phòng đợi. Ông hớn hở hét tướng lên:

- Đẹp trai phải biết. Con gái theo cả đám.

Chưa bao giờ ông Thanh xài loại “ngôn ngữ” như vậy. Gã bán sách hỏi:

- Mấy ki lô?

- Bốn! Ghê chưa! Chà cái mũi rọc dừa thẳng tắp chứ không khoằm khoằm mỏ quạ như tôi đâu nhá.

Bên ngoài khung cửa kính trời trong xanh cao vút.

Huế, 10-84
D.T.V.


Nguồn TCSH 16/12-85


 

Tác giả: Dương Thành Vũ
Các bài mới
Lưỡi đêm (07/08/2017)
Giấc xuân (19/01/2017)
Về nhà (13/01/2017)
Gió xanh (04/10/2016)
Đêm rừng lạnh (07/10/2014)
Các bài đã đăng
Lưỡi đêm (06/10/2014)